Ân sủng sẽ kiện toàn tác vụ ấy (Viết cho lễ tạ ơn của một tân linh mục)

Linh mục là người thông chia mầu nhiệm Thiên Chúa

Lời mà Thiên Chúa đặt vào môi miệng vị linh mục không chỉ là một ngôn ngữ chung chung, cất lên rồi bay vào mông lung. Đó là lời Chúa, và vì thế lời ấy phải đụng chạm đến từng con người, trong cá nhân tính và lịch sử bất khả tái hồi của đời họ. Lời ấy cần được đồng hành với từng người: vào buổi sáng đầu một ngày sống, khi họ bắt đầu hành trình vĩnh cửu trong thời gian. Lời ấy đi với họ trong từng sinh hoạt thường nhật trong đời lữ thứ, băng qua những thung lũng và những cạm bẫy trên con đường hiện sinh nhọc nhằn, trong cơn hoài nghi cay đắng của kẻ tội lỗi, và trong khoảnh khắc thánh thiêng cuối cùng, lúc mà hoa trái của vĩnh cửu ập đến với ai đó, người đang dần dần cảm thấy thời của kẻ phải chết đang được hoàn tất. Trong tất cả những khoảnh khắc của nhân sinh, vị linh mục cần hiện diện để trao ban lời Chúa, lời sức mạnh và sáng tạo. Lời ấy không chỉ là thoại ngôn, mà là tác ngôn, lời mang chiều kích bí tích: Cha rửa con, cha tha tội cho con, này là mình Thầy… Những lời ấy được cất lên trong ngôi vị Đức Ki-tô và vị linh mục truyền đạt nó trong những hoàn cảnh sống khác nhau của tín hữu. Những lời được cất lên và có sức tác động, vì đó là lời Chúa. Khi nói những lời bí tích ấy, vị linh mục vừa trở nên kẻ hoàn toàn bất lực vừa là người toàn quyền, vì linh mục không còn là gì đối với lời của riêng mình và hoàn toàn trở nên lời của Đức Ki-tô. Và linh mục được phép ban lời, lặp đi lặp lại nhiều lần, trong kiên nhẫn, kính tin, nhiệt tình. Tất cả những lời khác, lời trong bài giảng hay huấn giáo, chỉ như là những tiếng vọng, những phân tích, chú giải. Những lời này được gắn thêm vào Lời nền tảng trong hiện hữu của vị linh mục, những lời linh mục nói trong khi cử hành bí tích, được đi kèm với các cử chỉ thiêng thánh và sử dụng những chất liệu khiêm tốn của tự nhiên. Linh mục thi hành những điều ấy để mong chuyển tải được sự thánh thiêng của trời cao và làm cho nó trổ sinh trong lời của Đức Ki-tô.

Được ân sủng hóa bởi lời của Đức Ki-tô, vị linh mục thông chia những mầu nhiệm Đức Ki-tô,- các Bí Tích. Người ta thường chờ đợi nhiều điều khác từ linh mục: thực phẩm, giải pháp cho những vấn đề xã hội, những công thức làm cho người ta hạnh phúc ở đời này. Họ sẽ bực dọc và ngán ngẩm khi họ chỉ nghe nhai đi nhai lại những lời mà họ phải tin, những lời chỉ có giá trị tác động ở cõi mai sau mà thôi, những lời mà giá trị của chúng có khi chẳng thấm tháp gì khi đem ra giữa chợ đời. Dẫu vậy, linh mục tiếp tục trao ban lời của các bí tích. Những gì bí tích thực sự ghi dấu ấn không thể kiểm chứng trong các phòng thí nghiệm, nhưng sẽ tác sinh thực sự đối với người thụ nhận. Và nhờ tác động của lời ấy mà vận mệnh của con cái Thiên Chúa được khai mở. Vận mệnh của kẻ được tha thứ lỗi lầm, của kẻ được cử hành bữa tiệc cuộc sống vĩnh cửu, của kẻ trong đáy của bóng đêm tiếp nhận được nguồn sáng không bao giờ tắt. Với hành trang là các bí tích của Thiên Chúa, vị linh mục, như một kẻ tha phương, đứng trên mọi giao lộ của thế giới, mà trên đó dòng nhân sinh và lịch sử trôi qua, hấp tấp và chẳng buồn tự hỏi mình vội vã vì điều gì, kể cả chuyện tử sinh. Người nào biết dừng lại, đón nhận món quà từ tay của linh mục, – kẻ lãng du giữa hai thế giới ấy -, đón nhận những mầu nhiệm Thiên Chúa, thì nơi người ấy vĩnh cửu sẽ được tỏ lộ trong thời gian, sự sống phát sinh từ cái chết, ánh sáng và sự hiện diện của Thiên Chúa trỗi lên từ bóng đêm. Và người được ủy quyền để nói, trong tất cả những cảnh huống đơn nhất của đời người, những lời giúp nhận ra sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội thánh thiện, sẽ được gọi là linh mục.

Linh mục được ủy thác dâng lễ tế

Cho tới giờ chúng ta chỉ mô tả những lao tác của vị linh mục trong thế giới. Chúng ta cũng nên đi thẳng vào chính mầu nhiệm đóng vai trò trung tâm của thân thể Giáo Hội, theo mức độ mà mầu nhiệm ấy được ví như nhịp tim đẩy đưa máu nuôi một thân thể. Linh mục là người được Giáo Hội ủy thác dâng lễ, tái diễn lại bữa Tiệc Ly của Đức Ki-tô. Điều này cũng chính là bản chất sâu thẳm nhất và tối hậu của đời linh mục. Thế nên chúng ta không bắt đầu cử hành tác vụ linh mục của một ai đó bằng bí tích thanh tẩy hay hòa giải, cho bằng lần đầu tiên ấy, tân linh mục, cùng với chúng ta, dâng lễ tế trên bàn thờ. Mọi thành phần đều được quy tụ trong giây phút mở đầu ấy: con người, Giáo Hội, Thiên Chúa, Đức Ki-tô, hy tế thập giá, những người đang sống hay đã qua đời, hiện tình của trần thế và vinh quang thiên quốc. Vì ở đây, có một con người được nâng lên giữa lòng cộng đoàn của những kẻ được thánh hóa và cứu chuộc. Vị ấy được chính Đức Ki-tô ủy thác và trao cho quyền đến từ trời chứ không phải từ đất, quyền đến từ ngai tòa ân sủng của Thiên Chúa. Đến lượt mình, cộng đoàn dâng chính Đấng hiện hữu giữa họ nhờ qua lời của linh mục, – Đấng hiện thân làm hy lễ của toàn thể Giáo Hội, lên Thiên Chúa Cha muôn thuở; ngõ hầu ngợi khen danh thánh Người và mang lại ơn cứu độ cho tất cả những ai dâng hy lễ ấy và cho những ai, nhờ lễ tế ấy, được cầu nguyện cho, trong đức ái và tin tưởng. Được ủy thác bởi Đức Ki-tô và qua Đức Ki-tô, Đấng yêu thương Hội Thánh và hiến mình cho Hội Thánh, vị linh mục được phép dâng lễ tế hòa giải muôn đời nhân danh tất cả, cùng với tất cả và cho tất cả. Nếu nhờ qua ơn gọi này mà vị linh mục được đặt để cao hơn những người khác trong cộng đồng dân Chúa, thì cũng chính vị linh mục sẽ bị thiêu đốt và vắt kiệt cho sứ mạng phục vụ tinh ròng của mình, trong Chúa và cho con người. Trong giờ thánh lễ tạ ơn ấy, tân linh mục được phép cầm lấy Mình và chén Máu của Đức Chúa, đổ ra làm giá chuộc cho muôn người. Vị linh mục cử hành thánh lễ ấy, không để mình được nêu cao, nhưng nhờ thánh lễ, ơn cứu độ được tuôn chảy đến mọi tâm hồn tín hữu. Điều mà tân linh mục cử hành trong thánh lễ đầu tiên ấy, giữa niềm vui của mọi người, vị ấy cũng sẽ làm như thế trong mọi ngày còn lại. Cử hành thánh lễ trong những ngày của thời còn trẻ, của những ngày già nua cuối đời, trong tinh sương của một ngày thường nhật, và cả trong những giây phút đáng sợ của đời mình, những giây phút mà không ai tránh được. Giây phút truyền phép nhỏ bé và đơn sơn ấy sẽ luôn chứa đựng nội dung và lời giải cho mọi khúc mắc, bất trắc và mọi cảnh huống của cuộc sống: này là Mình Thầy, bị nộp vì anh em; này là Máu Thầy, đổ ra để tha thứ mọi lỗi lầm con người. Tất cả đều được hàm chứa trong một phần tư giờ ấy, vì trong giờ ấy có sự hiện diện của Đấng tự hiến và đấng hiển thắng, Đấng là sự hiệp nhất giữa câu hỏi và câu trả lời, sự hiệp nhất giữa đất và trời, giữa con người và Thiên Chúa,- Đấng ngay chính trong khoảnh khắc duy nhất của Thập Giá đã biến sự xa cách giữa Thiên Chúa và con người thành mối tâm giao không hề chia cắt được.

Linh mục là một phàm nhân, sứ giả của chân lý Thiên Chúa, người chia sẻ mầu nhiệm thần linh, tác viên hiện thực hóa hy lễ duy nhất là Đức Ki-tô. Ôi phần số hồng phúc!

Mỗi con người chắc chắn mang nơi mình ơn gọi. Ơn gọi ấy được thiết lập từ muôn thuở và được ủy thác thực hiện trong thân thể của Đức Ki-tô là Hội Thánh. Suy cho cùng, không hề có một hiện hữu nào là hoàn toàn thế tục. Tuy nhiên, đối với nhiều người, những thực tại Thiên Chúa hiện diện sâu thẳm trong lương tâm cũng như kinh nghiệm vô ngôn về siêu việt của họ là chuyện riêng tư mỗi người, thì nơi con người linh mục, kẻ được Thiên Chúa kêu gọi, những điều ấy vụt bay lên từ cõi sâu thẳm và ôm trọn cuộc đời của người. Thiên Chúa sẽ sử dụng trọn cuộc đời ấy như lễ toàn thiêu hoặc sẽ thôi thúc cuộc đời ấy để phục vụ sứ mệnh cao cả Người trao. Đó là vận mệnh của linh mục: sống trọn vẹn sự thân mật với Thiên Chúa. Một vận mệnh thánh thiêng nhưng đồng thời đáng sợ! Thánh thiêng bởi chỉ mình Chúa là đấng thánh, đáng sợ vì con người làm sao đứng vững được trước Thánh Nhan uy linh của Thiên Chúa. Sẽ không có gì lạ nếu biết rằng những điều được thiết kế tối ưu, hoàn hảo thì chỉ thành công ở mức cục bộ. Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một ơn gọi càng cao thì mang trong mình nguy cơ đổ vỡ trầm trọng hơn. Nguy cơ của việc không còn nhận ra mình là người phàm nữa, nguy cơ của sự vô cảm với người khác, của việc làm cho bản chất nhân sinh của mình ra chai đá, của việc thích tìm nương tựa nơi người phàm mà quay lưng lại với Thiên Chúa, nguy cơ của những thỏa hiệp đáng tiếc, nguy cơ của một cuộc sống quá tải nên để mình rơi vào cung cách hành xử tầm thường. Nếu cân nhắc sứ mạng thánh thiêng và đáng sợ của đời linh mục, người ta sẽ rùng mình thinh lặng hiểu rằng, vào ngày lễ tạ ơn ấy, đã thực sự khởi đầu điều mà không một phàm nhân nào có thể chu toàn nỗi. Nhưng ân sủng của Thiên Chúa sẽ ủi an chúng ta. Chính ân sủng chứ không phải chúng ta sẽ hoàn tất điều mà ân sủng đã khởi sự. Bởi Đấng đã kêu gọi vị linh mục là Đấng thành tín và ân sủng đã ban ra, và ơn ấy sẽ không bao giờ bị thu hồi. Dẫu thế, trong thánh lễ dâng hy tế đầu tiên ấy, chúng ta vẫn cần cầu nguyện cho Giáo Hội trần thế, để Thiên Chúa sai thợ đi vào cánh đồng của Người, vì thợ gặt thì ít. Chúng ta cũng cần cầu nguyện cho các linh mục, để họ bắt đầu tác vụ của mình trong kính sợ và hân hoan, trung tín trong tác vụ cho đến giây phút thánh thiêng cuối cùng, lúc mà tất cả mọi ơn gọi đều đi vào hồi kết ân phúc và độc nhất, trong hy lễ bất tận vượt thời gian, lúc mà Người Con và tất cả chúng ta dâng tất cả lên Cha, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự. Amen.

Chuyển ngữ: Giuse Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Các Thiên thần Hộ Thủ – Người Bảo vệ và Đồng hành

Ý nghĩa của việc mừng lễ   + Tin rằng Chúa Quan Phòng đã giao …

Sự ra đi của Mẹ Maria: Niềm tin thời Giáo phụ và Trung cổ

Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *