Câu hỏi đó tuy vô tình của một người con gái mới quen nhưng sao lại làm tôi giật bắn người vậy? Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu câu hỏi chợt tuôn đến như thác lũ trong đầu tôi. Nó cứ luẩn quẩn kéo dài đến hôm nay và chắc hẳn sẽ như là hành trình của cuộc đời tôi vậy. Tôi gặp em trong một dịp đi chơi, chỉ thoảng qua do sợi dây tương quan mà như người ta thường ví von: “họ hàng gần mà tên lửa của ngài Kim cũng không bắn tới”. Nói chuyện “phiếm” với em một lúc thì em hỏi tôi:
- Anh có đi tu hay gì đó bên giáo không?
Câu hỏi đó làm tôi chững lại, nó vừa hỏi gì nhỉ? Đi tu? Sao nó biết? Nó có ý gì nhỉ? Rồi hàng tá, hàng tá câu hỏi cứ tranh dành nhau xuất hiện trong đầu khiến tối không kịp trả lời cho từng câu hỏi mà tâm trí tôi đưa ra.
- Em hỏi vậy thôi.
- Sao em lại hỏi vậy?
- Tự nhiên em hỏi thôi vì em thấy anh là người công giáo.
Phải chăng là em đã biết tôi đang tìm hiểu đời sống dâng hiến, hay em hỏi cho chắc để tiến lên một mối tương quan. Tôi quá ảo tưởng chăng? Vì sao tôi lại có suy nghĩ đó, trong khi tôi đang có ý định dâng hiến đời mình cho đấng tình quân trọn hảo. Đó là một vấn đề lớn mà tôi phải đi tìm, phải đối mặt.
Quả vậy, hành trình tìm nghĩa cuộc đời là một hành trình gian lao và thử thách. Trong tương lai vô định, mịt mù người lữ khách phải dò dẫm bước đi trong đêm tối niềm tin, đêm tối hi vong. Bởi vậy, những hấp lực của quán trọ, những đắn đó của ngã rẽ sẽ làm người lữ hành luôn phải lựa chọn, thức tỉnh. Đâu là ý đúng, đâu là đường đi dành cho mình và đâu là hạnh phúc trọn hảo?
Thế nên, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến câu hỏi bâng quơ của cô gái “qua đường”. Em đã như một Thiên sứ đến với tôi và giúp tôi tái khám phá lại hành trình của mình, định hướng bước đường đời. Cảm ơn những khoảng lặng của bản tình ca đời tôi đã giúp tôi tìm về với góc nhỏ riêng tư để như một nơi nghỉ chân, lấy lại sức cho hành trình mới. Trong thời gian qua tôi phần nào đã lạc bước sai đường, nhưng những nốt lặng đã giúp tôi định hình. Hành trình của mỗi người đều đi tìm hạnh phúc, thế nhưng mỗi người lại có cách riêng của mình và mỗi người có một con đường. Trên con đường đó người lữ hành phải một mình đi và đi một mình. Chỉ mong cuối con đường mỗi người đều được như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thầm ước: “mong cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường ở cuối chân trời xa”.
Đau Khổ
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)