Tấm lòng người trao – Nỗi lòng người nhận

MM Tân, S.J.

 Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một (Ga 3,16),

Và Người Con khi được Cha sai vào trong thế gian,

đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14)

 “Nguời đã đến nhà mình” (Ga 1,11),

Nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào Danh Người,

thì Người cho họ quyền trở nên Con Thiên Chúa (Ga 1,12).

Họ được Thiên Chúa sinh ra.

Trong gia đình của người dân tộc, các cháu nhỏ thường dậy sớm, gọi mẹ ơi…nấu cơm cho con ăn đi mẹ, con đói lắm rồi.

Con nít vẫn vậy, mở mắt là đòi ăn, nhưng con nít thành phố thường ngủ nướng, mẹ phải gọi năm thì bẩy hiệp mới chịu bò dậy, trừ khi bài chưa thuộc mới lo thức khuya hoặc dậy sớm.

Bé dân tộc dậy sớm vì kiến cứ bò trong bụng, ngủ sao nổi. Cơm chiều qua đủ dằn bụng, giờ tiêu hết lâu rồi.

Một chén cơm, ăn với muối cũng được, miễn sao cầm chân lũ kiến.

Mẹ nào chả thương con, nghe con kêu đói, ngủ sao đành, và thế là cả nhà thức giấc, quây quần bên bếp lửa, thấy thương làm sao !

Khi ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, làm cho Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thì lửa hồng được nhóm lên trong lòng mọi người, để từ đó bếp hồng từ nhà này cháy lan qua nhà kia, con người gọi con người trong tình thương mến.

Người mẹ xót xa khi nghe tiếng khóc đòi bú mớm của đứa con nhỏ dại,

Người cha lam lũ suốt đời vì đàn con thân yêu

Người xót thương người trong cảnh khốn cùng

Yêu mến và xót thương, đó là lời đáp của Thiên Chúa trước tiếng khóc kêu đói của nhân loại ngang qua cung lòng của mỗi con người.

Người xót thương người : có thương mới trao, biết thương mới nhận.

Ngược lại chỉ là đổi trao, làm phước để cầu phước, người nhận phước vì số phận.

Mấy chú giáo phu vừa về học trưa nay đã tranh thủ giờ nghỉ buổi chiều, kéo nhau lội bộ năm cây số tới thăm bạn bị xe đụng đang nằm bệnh viện, người trắng tay thăm người tay trắng, không có gì trao ngoài Danh Thánh Giêsu, nhưng cũng đủ chữa lành thương tích trong lòng và xoa dịu vết thương thể xác.

Có nhiều người tìm Chúa để được ăn no, thích phép lạ chứ ít khi chú ý đến dấu lạ. Con người thời nào chả vậy :”các anh đi tìm tôi không phải vì các anh đã thấy dấu lạ, nhưng vì các anh đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26).  Cuộc gặp gỡ của các chú giáo phu ở đây làm sang lên khuôn mặt và tấm lòng của con cái Thiên Chúa,  làm thành dấu lạ công bố tình yêu và lòng thương xót.

Vì ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra (1Ga 4,7).

Cứ mỗi lần có đoàn lên thăm và tặng quà cho bà con trong làng, chúng tôi đều đề nghị cùng nhau ngồi lại trao đổi trước khi vào làng, trao đổi hay dẫn nhau đến với Đức Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể, lắng nghe từng nhịp đập của trái tim người Con Một yêu dấu khi cầm tấm bánh trên đôi tay thánh thiện : Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông, ai nấy đều ăn và được no nê (Mt 14, 19-20) ; Nguời cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn (Ga 6,11) ; Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ (Lc 24,30). Vâng, món quà người môn đệ đã nhận từ tay của Con Thiên Chúa Ngôi Lời hằng sống cũng phải được trao trong lời kinh ta ơn và chúc tụng, hai tay trao như trao cả tấm lòng, và người nhận : nhận  lộc trời và chia sẻ phúc người.

Mỗi khi vào đến làng, trước tiên hết chúng tôi thường dẫn nhau vào nhà nguyện.

Ngôi nhà nguyện vào những năm đầu chỉ là một mái nhà tranh cũng rách nát như bao nhà khác. Nhiều bà vừa bước chân vào đã khóc ròng vì thấy nhà Chúa ở đây sao quá tồi tàn, còn nhà mình thì lại sang trọng. Chúng tôi nhẹ nhàng giải thích cho các bà hiểu rằng : Thiên Chúa  muôn đời vẫn là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và nơi này hơn bất cứ nơi nào, lúc này hơn lúc nào, có thể họa lại đêm thánh Bêlem : “Người đã đến nhà mình”. Ngôi nhà nguyện này để lộ bóng dáng của Thiên Chúa hiện diện và chia sẻ cảnh đời của những con người nơi đây, chia sẻ phận người trong các buôn làng, để các ông bà khi đến đậy, trao cho bà con một tấm áo, chén cơm, chai nước, cũng là trao cho Đấng đang đói khát và trần truồng ngang qua cảnh đời này. Bữa phát quà hôm đó, khó phân biệt được kẻ trao người nhận, tất cả như được nhận chìm vào cung lòng Thiên Chúa, Đấng được xưng tụng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Thông thường, muốn hay không thì cũng có một khoảng cách giữa người trao kẻ nhận,  một thứ hàng rào vô hình : kẻ giầu người nghèo ; dáng vội vã đối lại những khuôn mặt kiên nhẫn chờ đợi ; ân nghĩa được xưng tụng qua những dòng chữ làm phước, từ thiện, quảng đại, hy sinh, người trao được gọi tên là ân nhân trước những con người đang ngửa tay xin  bố thí. Thật đáng tiếc khi cố tình bỏ qua lý lẽ muôn đời của cha ông nuôi dậy con cháu mỗi khi gặp người trong cảnh khó khăn thì lấy lá lành đùm lá rách.

 Một lần tôi được dịp tháp tùng một nhà sư và một chị phật tử đến nghiệm thu cây cầu treo và trao quà cho bà con. Các vi đáp máy bay từ thành phố lên và phải trở về trong chuyến bay vào buổi tối cùng ngày, chuyến đi vội vã và cuộc gặp gỡ cũng thật đơn giản, hai bên không nói nhiều, thế nhưng trong ánh mắt với những cái nhìn qua lại thì “tình trong như đã…”. Chẳng biết khi thấm nhuần giáo lý nhà Phật định rõ phận người thành kẻ có phước với người bạc phước có dựng lên hàng rào vô hình không, chứ trong trường hơp này thì không thấy có khoảng cách, ngược lại bàn tay của kẻ trao người nhận như muốn nắm chặt với nhau. Người đến âm thầm, nói với nhau với trọn cả tấm chân tình chứ không khách sáo, rồi ra đi vội vã, phút chia tay lưu luyến thấy thương.

Có dịp làm quen với các em trong một vài mái ấm, hơn đâu hết, nơi đây chúng tôi thấu hiểu một chút nỗi lòng người nhận : có em kể rằng cứ mỗi lần có đoàn đến thăm là phải ra xếp hàng, rồi ca múa với những nghi thức mà càng lớn càng thấy ngại, những lúc buồn lòng có em tâm sự : “nếu đủ gan nhịn đói sẽ chẳng đứng xếp hàng”. Anh em chúng tôi đến đó không có gì cho ngoài tấm chân tình, nhưng các em rất vui. Thật vậy, các em cần những món quà vật chất, nhưng  điều các em khao khát là tình thương, trong đó các em được xoa dịu, chữa lành và san lấp những cách biệt. Các em rất cần những món quà, nhưng cách trao có thể  khơi lên những nỗi đau sâu kín trong lòng, có thể làm cho các em thấy mình thua thiệt bất hạnh. Một em chia sẻ nói rằng rất thèm cái cảnh mẹ đi xa về con cái xúm xít vây quanh, mẹ quê nghèo chỉ có chút quà, nhưng bàn tay mẹ ấm áp…

Thật vậy, mỗi lần chúng tôi đến thăm, các em quay quần nắm tay nhau ca múa thật hồn nhiên và vui tươi, bàn tay nắm bàn tay,  cứ như thể có bàn tay mẹ hiền đâu đây, gần gũi và thân thiện.

Nhà thương nay gọi là bệnh viện,

nhà chung với nhà xứ nghe có gì hơi khác,

nhà mụ, rồi nhà phước với tu viện khác nhau chỗ nào,

các bà mụ khi  hóa thân thành nữ tu có dễ thương hơn không

và tương tự, những người đi phát quà thì gọi là đoàn từ thiện,

chỉ có chùa vẫn cứ là chùa.

chữ nghĩa không thay đổi công việc, nhưng xác định cung cách người thực hiện.

Quà là tấm lòng của mẹ dành cho con cái,

là món đồ trao cho người tình yêu dấu,

là mối chân tình và thân thiết bạn bè,

chữ quà thấy thương làm sao!

Nỗi lòng người nhận là vậy,

xin hãy trao cho chúng tôi những món quà, chứ đừng trao cho chúng tôi những của làm phúc bố thí,

xin hãy đến với chúng tôi trong tình bạn,

xin hãy đến với chúng tôi trong tình yêu ngàn đời của Thiên Chúa đấng xót thương và lắng tai nghe mọi tiếng kêu cứu của con người.

Thiên Chúa là tình yêu

Chúng ta hãy yêu thương nhau

Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (1Ga 4,7)

 

Kiểm tra tương tự

Thầy Mátthêu Huỳnh Minh Thiện, S.J. – Hành trình ơn gọi khởi nguồn từ khóa linh thao sinh viên

  Từ một người chưa biết, chưa thiết thân với Chúa, thầy Mátthêu Huỳnh Minh …

Liệu AI có thể tái hiện hình ảnh người đàn ông trên Tấm vải liệm Turin?

Một bức ảnh của Chúa Giêsu được tạo ra bởi AI gần đây gây ra …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *