“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng” (19.10.2016 – Thứ tư, sau Chúa Nhật XXIX Thường Niên)

“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng”
(Lc 12, 39-48)

 

39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu.40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người? “42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa,46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều.48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

  1. Lời Chúa là thần khí

Lời Chúa trong những ngày vừa qua có một lời mời gọi có lẽ sẽ luôn gây khó khăn cho chúng ta; đó là:

Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó.

(c. 33-34).

Chúng ta có thể thoái thác lời mời gọi này của Đức Giê-su, bằng cách cho rằng lời này không nói với mình, nhưng chỉ ngỏ với một số ít người mà thôi. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, Chúa nói những lời này với các môn đệ, chứ không nói với đám đông, mặc dù đám đông đang có ở đó. Thế mà, với tư cách là Ki-tô hữu, nếu chúng ta có mặt, chúng ta sẽ thuộc nhóm các môn đệ, chứ không thể ở trong đám đông. Bởi vì chúng ta là Ki-tô hữu, nghĩa là những người thuộc về Đức Ki-tô, là những người tin và đi theo Ngài, trong đời sống hôn nhân hay trong đời sống tu trì, vì Ngài là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống của chúng ta.

Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, Lời này của Chúa thật khó thực hành, nếu không muốn nói, là không thể thực hành: làm sao tôi có thể bán hết tài sản rồi đem đi bố thí được; tu sĩ, linh mục, các Nhà Dòng cũng không thể làm được! Và Đức Giê-su cũng có những lời mời gọi triệt để khác tương tự: “Nếu mắt phải của anh em làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi… Nếu tay phải của anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi” (Mt 5, 29-30). Nếu phải thực hành những lời này của Chúa, thì chắc chắn mọi người sẽ trở nên đui mù và cụt tay hết!

Tuy nhiên, khó khăn mà Lời Chúa gây ra cho chúng ta, lại giúp chúng ta hiểu được bản chất của Lời Chúa: Lời Chúa không phải là chữ viết của Lề Luật, cứ như thế mà đem ra áp dụng; nhưng Lời Chúa là tinh thần, là thần khí. Khi nghe Lời Chúa, chúng ta cần hiểu ở mức độ tinh thần, và tinh thần này có khả năng làm cho con tim chúng ta bừng cháy, như hai môn đệ Emmau (x. Lc 24), có sức mạnh làm cho chúng ta sống, và có năng lực hướng dẫn, thôi thúc và biến đổi chúng ta luôn mãi và hơn nữa, tùy theo hoàn cảnh, khả năng, mức độ lớn lên trong đức tin và sự sẵn sàng của người mỗi người. Giống như khi Đức Giê-su giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13, 23). Như thế, cần phải hiểu Lời Chúa, trước khi sống, thì mới đem lại nhiều hoa trái.

 

  1. Từ bỏ quyền làm chủ

“Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí”. Để giúp chúng ta hiểu lời mời gọi này, Chúa dùng nhiều lần hình ảnh nói về mối tương quan giữa người chủ nhà và người quản gia. Vì thế, ở đây Chúa mời gọi chúng ta không phải bán những gì mình có, nhưng là từ bỏ quyền làm chủ, và sống như người quản gia hay tôi tớ:

  • “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”.
  • Đức Giê-su còn nói: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”

Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng, chúng ta sẽ bình an hơn, hòa thuận và hạnh phúc hơn, nếu chúng ta biết sống tâm tình của người tôi tớ, hay nói như Đức Maria, tâm tình của người “Nữ Tì”: đó là đón nhận như là ơn huệ Chúa ban, không chỉ tài sản, nhưng là tất cả mọi sự: gia đình, con cái, những người thân yêu, cộng đoàn, anh em, chị em và cả sự sống của chúng ta nữa. Điều lạ lùng là, khi chúng ta từ bỏ quyền làm chủ, để làm điều Chúa chờ đợi, thì chúng ta không chỉ không bị mất mát, nhưng còn được gấp trăm, như Abraham đối với con của mình là Isaac. Ngược lại, mỗi khi chúng ta tự biến mình thành bà chủ hay ông chủ, nhất là trong tương quan với những người thân yêu và người khác, trong bổn phận hay sứ vụ, khi đó sẽ là tai họa, tai họa cho mình và cho người người khác, nhất là chúng ta sẽ đánh mất người khác và chính khi chúng ta đánh mất người khác, là chúng ta đánh mất chính mình.

* * *

Nhưng điều gì có sức lôi cuốn chúng ta mạnh mẽ đến độ khiến chúng ta có thể từ bỏ quyền làm chủ mọi sự, nếu đó không phải là Ngôi vị của Chúa, tình yêu của Ngài, lòng thương xót của Ngài và những gì thuộc về Ngài. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa thật nhưng không và vượt quá sự chờ đợi của chúng ta, như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng:

  • “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.”
  • “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.”

Trên thế gian này không có người chủ nào hành động như “ông chủ Giêsu” của chúng ta: “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. Có thể nói, người chủ tự hạ mình thành tôi tớ để phục vụ. Thế mà Đức Giê-su vẫn làm như thế hàng ngày đối với từng người trong chúng ta: Ngài ban cho chúng ta sự sống và tất cả những gì để sống mỗi ngày, cho dù ngày sống đó như thế nào, Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng cách trao ban cách quảng đại Lời của Ngài, mình và máu Ngài trong Thánh Lễ, và Ngài đã hạ mình thấp hơn cả người tôi tớ, khi rửa chân cho các môn đệ, để báo trước rằng, mình sẽ bị chà đạp và bị giết chết trên Thập Giá hầu bày tỏ cho loài người chúng ta lòng bao dung và thương xót vô hạn của Thiên Chúa.

Chúa nói: “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó”. Vậy lòng chúng ta đang hướng về kho tàng nào? Kho tàng tất yếu sẽ qua đi hay kho tàng sẽ vững bền mãi mãi, là tình yêu bao dung chúng ta dành cho nhau, còn sống cũng như đã qua đời, như là tình yêu bao dung Chúa vẫn luôn dành cho mỗi người chúng ta?

 

  1. “Hãy sẵn sàng”

Và để sống tâm tình của người tôi tớ, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng; vì tư thế sẵn sàng nói lên yếu tính của người tôi tớ. Hơn nữa, chúng ta phải sẵn sàng, như Lời của Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng, vì chúng ta không biết ngày nào Chúa của chúng ta sẽ đến. Ngày Chúa của chúng ta sẽ đến là ngày Quang Lâm, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian và của lịch sử loài người; ngày này chắc chắn sẽ đến, vì chúng ta không sống trong vĩnh cửu, nhưng đang sống trong thời gian có thủy có chung. Nhưng thời điểm tận cùng của thời gian chắc là còn lâu[1].

Nhưng nếu chúng ta hiểu ngày của Chúa chúng ta sẽ đến là thời điểm tận cùng, không phải của loài người, nhưng của chính mỗi người chúng ta, thì thời điểm này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, dù chúng ta ở trong độ tuổi nào. Ai còn trẻ, thì người đó hi vọng sống được nhiều năm nữa; nhưng đâu có chắc chắn, chỉ hi vọng thôi. Hơn nữa, môi trường chúng ta đang sống, có quá nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và cá tính mạng nữa.

Vì thế, lời Chúa nhắc nhớ chúng ta hãy canh thức, là đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống, đó là chúng ta phải luôn sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta. Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên, mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi, nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào.

Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao. Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ. Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: còn lâu chủ ta mới về! Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.

Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ, giống như niềm vui được lập lại hằng năm của thời gian chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất, trong đêm Giáng Sinh.

* * *

Và để có thể nhận ra Chúa đến và hiện diện, không có cách nào tốt hơn là cầu nguyện, cầu nguyện với Lời Chúa và cầu nguyện với ngày sống hay một giai đoạn sống của chúng ta.

  • Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện.
  • Và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của chúng ta như là một lời cầu nguyện.

Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Không có cách nào khác, là chính chúng ta phải tự tìm ra cho riêng mình những phương cách để vượt qua khó khăn và duy trì đời sống cầu nguyện. Có hai tâm tình có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong việc cầu nguyện:

  • Cầu nguyện là để sống tương quan với Chúa trong mọi sự; thay vì đối diện với “mọi sự” một mình và tự mình.
  • Cầu nguyện là dâng lại cho Chúa một ít thời gian của chúng ta một cách nhưng không.
  • Và cầu nguyện là lời tạ ơn và ca tụng Chúa, về “những điều cao cả” Chúa làm cho chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong từng ngày sống.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Hiện nay có những người đi qui tụ người ta để chờ ngày tận thế! Nhưng hình như đó là cớ để lừa gạt.

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 26-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 3, 26-11-2024 (Lc 21,5-11)  Nhân có mấy người nói về …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 24-11-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 24/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Một tầm nhìn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *