“Anh em hãy có lòng nhân từ”
(Lc 6, 27-38)
27 “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.
32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta :
Anh em hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ.
Chúng ta có thể tự hỏi : thế nào là nhân từ ? Dựa vào những gì Đức Giê-su diễn giải trong bài Tin Mừng, lòng nhân từ mang một nghĩa rất cụ thể, đó là : yêu kẻ thù ; không xét đoán và lên án ; tha thứ và cho đi.
- Yêu kẻ thù
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Người, các môn đệ trực tiếp nghe Người và các môn đệ thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay:
Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.
Trong sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta như thế: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-33). Như thế, chúng ta được mời gọi không chỉ sống theo lề luật, nhưng còn sống theo Lời Chúa.
Nghe thì thật là hay và đúng nữa, nhưng làm sao mà sống được? Yêu thương những người thân cận theo lề luật đã khó, thì làm sao yêu thương kẻ thù, yêu thương những người không có thiện cảm với chúng ta, những người làm hại hay những người ngược đãi chúng ta, theo Lời Chúa được?
Khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải cố gắng, cố gắng từng ngày; khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải bắt đầu, rồi lại bắt đầu; bởi lẽ chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi sống nhân từ như Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời, vì “Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”. Đức Giê-su trong “Bài Giảng Trên Núi” còn nói thêm: “Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 43-48). Có thể nói, Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở nên giống Thiên Chúa, Cha của chúng ta, vì “Cha nào thì con nấy”, và “con nhà Tông, không giống lông thì cũng giống cánh”!
Như thế, chúng ta là Con Thiên Chúa, là Ki-tô hữu, là những người tin vào Đức Ki-tô, là môn đệ của Đức Ki-tô, thì chúng ta phải sống khác người ta, như lời Chúa nói:
Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.
- Tình yêu Thiên Chúa
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa, sống hoàn thiện và nhân từ như Cha trên trời, sống khác với người khác, nhưng chúng ta cố gắng một hồi là đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa. Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung chúng ta, như thánh Phao-lô nói: “không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39).
Và đây là điều lạ lùng và kì diệu: chúng ta càng nhận ra Chúa yêu thương và bao dung chúng ta, con tim của chúng ta càng được biến đổi để yêu thương và bao dung người khác, và trước hết là những người thân cận và những người thân yêu của chúng ta. Hơn nữa, Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù, thì chẳng lẽ Chúa không yêu chúng ta?
Và đó chính là con đường thiêng liêng, hay có thể nói, đó là “bí quyết” giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong nỗ lực yêu thương nhau: đó là chúng ta đừng bao giờ quên và cần ghi nhớ mỗi ngày, chính bản thân chúng ta được Chúa yêu thương bao dung và tha thứ trước, một cách vô hạn và nhưng không.
- Không xét đoán và lên án
Để tỏ lòng nhân từ với nhau, Đức Giê-su con mời gọi chúng ta còn được mời gọi không xét đoán và lên án : « Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án ».
- Vì chúng ta không phải là người « lập pháp », và cũng chẳng là người « hành pháp ».
- Vì chúng ta chỉ biết được hành vi thôi ; trong khi đó, để xét đoán, còn phải biết động lực, hoàn cảnh, mức độ hiểu biết và tự do, những vấn đề của nội tâm, vết thương, đau khổ, quá khứ, nền giáo dục, gia cảnh… ; chính vì thế, trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su nói : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34).
- Và chính chúng ta cũng là những người phạm luật, và có khi còn nghiêm trọng hơn. Vì thế, khi xét đoán và lên án người khác, chúng ta lên án chính chúng ta. Đó là trường hợp những người đòi kết án người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 2-11).
Nhưng, để sống theo năng động của lòng nhân từ, chúng ta được mời gọi đi thêm « hai bước nữa », đó là tha thứ và cho đi. Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến hành vi cho đi, như là điểm tới. Thiên Chúa Cha là Đấng nhân từ :
Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.
Theo lời của Đức Giê-su, Chúa Cha là Đấng nhân từ, trong mức độ Ngài tỏ lòng nhân từ với chúng ta, nếu chúng ta tỏ lòng nhân từ với nhau : « Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy ». Đúng là, Thiên Chúa nhân từ có điều kiện. Nhưng, xét cho cùng, điều kiện thật « nhẹ nhàng và nhưng không », chỉ cần chúng ta tỏ lòng nhân từ với nhau thôi, là Chúa sẽ nhân từ với chúng ta ; và chắc chắn, lòng nhân từ của Thiên Chúa lớn hơn gấp bội lòng nhân từ của chúng ta dành cho nhau : « Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em ».
* * *
Tuy nhiên, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhân từ với nhau, đó không chỉ là để nhận được lòng nhân từ của Thiên Chúa nhưng còn là vì Ngài là Đấng đã nhân từ đối với chúng ta, trước khi chúng ta nhân từ với nhau rồi, khi Ngài dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là cũng nhân từ như Ngài, vì muôn đời Ngài là Đấng nhân từ, như lời Thánh Vịnh diễn tả : « Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn trình thương » (Tv 136, 1)
Và Chúa nhân từ với chúng ta mỗi ngày khi ban cho chúng ta sự sống, lương thực, anh em, chị em mỗi ngày, cho dù chúng ta rất bất xứng. Như thế, chính kinh nghiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi bản thân chúng ta, được thể hiện nơi Đức Giê-su, mà chúng ta có thể nhân từ được với nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc