Lựa chọn làm nên ý nghĩa cuộc đời

Nghe tin ông thầy bạn gặp trở ngại trong việc xuất bản sách vì tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, tôi nhắn tin an ủi: “Thôi anh ơi, cứ từ từ, nhiều bà con còn đang đói ăn. Xuất bản sách không phải là vấn đề ưu tiên.” Gần đây thôi, khi mà người ta còn tranh luận nhau xem mặt hàng nào là thiết yếu, sách cũng nằm trong danh mục được thảo luận sôi nổi.

Người ta thường phân biệt đời sống vật chất và đời sống tinh thần rồi gán cho nó một thang giá trị, kiểu như phải thỏa mãn nhu cầu vật chất rồi mới nghĩ đến thức ăn tinh thần. Kỳ thực chúng là hai mặt của một đồng tiền, không thể tách rời nhau. Thậm chí khi mà điều kiện vật chất thiếu thốn thì đời sống tinh thần lại càng quan trọng.

Sáng nay có người giới thiệu cho tôi tác giả Edith Eva Eger, một nạn nhân bị bắt đi ở Trại Tập Trung thời Đức Quốc Xã. Chúng ta nhớ từ khi lên nắm quyền năm 1933, Hiltle[1] kiểm soát mọi mặt của đời sống. Một trong những chính sách bạo tàn của Đức Quốc Xã dưới thời Hiltle là diệt chủng, nhất là bài Do Thái. Ông ta cho người Do Thái là chủng tộc hạ đẳng. Kết quả là hàng triệu người Do Thái và các nạn nhân khác tù đày chết chóc. Lịch sử ghi nhận rằng một khi Quốc Xã cho ai đó là “đáng ghét, hạ đẳng, phản động”, đều bị khủng bố và tàn sát trong cuộc diệt chủng Holocaust[2]. Ròng rã trong nhà tù hà khắc của Hiltle, Bà đã viết cuốn sách “The Choice” (Sự Lựa Chọn) để kể lại quá trình tìm nghị lực sống trong điều kiện khắc nghiệt của Trại Tập Trung như thế nào. Những mất mát bà phải chịu thật là kinh khủng: chứng kiến mẹ mình bị dẫn vào lò thiêu sống, bố bị đem đi giết, mất tất cả người thân, rồi chính bà cũng nhiều lần bị làm nhục, trải qua những giây phút cận kề cái chết. Vậy làm sao bà sống sót được? Nhờ một lời dặn của mẹ mà bà luôn ghi nhớ: “Không ai có thể lấy đi những gì con để trong đầu.”

Vâng, dù trong màn đêm ở Trại Tập Trung, bà vẫn để cho tâm hồn mình bay bổng như một diễn viên múa trên sân khấu đầy ánh sáng. Dù phải chịu đói nhiều ngày, bà vẫn chuẩn bị cho mình những bữa tiệc thịnh soạn trong trí tưởng tượng. Tình yêu dành cho người bạn trai, cho gia đình, nhất là cho cô em tên là Magda cùng bị bắt chung với bà, đã giúp bà chịu đựng tất cả và vượt lên tất cả. Nói thêm về cô em Magda, cô này luôn tự hào về ngoại hình đẹp đẽ của mình. Có lần cô may mắn được phát cho chiếc áo ấm hơn những người khác trong thời tiết giá rét. Tuy nhiên cô đã đổi để lấy một chiếc áo khác mỏng hơn nhưng giúp làm lộ một nửa bầu ngực của cô. Cô chấp nhận chịu cái lạnh để không đánh mất giá trị làm nên ý nghĩa cuộc sống của cô lúc này. Có lần với dáng vẻ tiều tụy hôi hám của mình, cô đã hỏi Edith: “Em trông thế nào? Chị trả lời thật lòng đi.” Edith trả lời: “Đôi mắt em thật đẹp.” Bà đã nhận xét rằng chúng ta luôn được quyền lựa chọn: nhìn vào cái mình đã đánh mất hay nhìn vào cái mình đang có.

Sức mạnh của tinh thần thật là vô địch. Nó giúp con người vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Đến đây tôi chợt nghĩ đến những gì thế giới và cách riêng là Việt Nam đang phải trải qua trong thời gian này. Đúng là chúng ta đang gặp khó khăn thiếu thốn về vật chất, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không để ý đến đời sống tinh thần. Đời sống tinh thần bao hàm nhiều thứ lắm, không chỉ là sách vở, thi ca hay phim ảnh. Một cách chung nhất, đời sống tinh thần giúp kết nối chúng ta với giá trị đích thực làm nên ý nghĩa cuộc sống. Giá trị này do chúng ta lựa chọn và không ai có thể lấy đi được. Chắc chắn giá trị đó không phải là tiền bạc, danh vọng, hay dục vọng, vì trong nhiều hoàn cảnh những thứ này không thể được đáp ứng.

Có ai đó đã nói rằng tất cả mọi thứ đều sẽ qua đi, chỉ có tình yêu ở lại. Vâng, tình yêu dành cho quê hương đất nước, cho gia đình bằng hữu, cho người cô thân cô thế, cho cả những người mà chúng ta tình cờ quen biết. Chính tình yêu đã cho ta sức mạnh để sống hạnh phúc trong những ngày tháng khó khăn. Vì tình yêu nên người cha người mẹ sẵn sàng nhịn đói để con cái mình được bữa no. Vì tình yêu mà nhiều người đã hy sinh đóng góp hỗ trợ đồng bào mình đang ở vùng dịch. Vì tình yêu mà nhiều y bác sĩ và các nhân viên y tế bất chấp nguy hiểm và mệt nhọc thể xác để tận tâm phục vụ người bệnh. Vì tình yêu, người ta có thể làm được tất cả.

Tất cả các hoạt động tinh thần lúc này nếu giúp người dân khơi dậy và lan tỏa được tình yêu thì thật là đáng quý và rất cần thiết. Nghe nói người ta có phát động phong trào sáng tác gì đó để chống lại Covid. Nếu những tác phẩm làm ra chỉ để phục vụ mục đích tuyên truyền trên môi miệng mà không đụng chạm được con tim thì thật là vô ích và lố bịch. Giống như Edith trong thời gian sống ở Trại Tập Trung, chúng ta phải bám lấy một giá trị tinh thần nào đó thật là cao quý và bền vững thì mới mong có đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn lúc này. Với những người vững lòng  tin cậy vào Thiên Chúa, họ sẽ tìm được sức mạnh tinh thần vô biên. Với những người có tinh thần yêu thương phục vụ cũng vậy, hoàn cảnh càng khắc nghiệt càng làm nổi bật giá trị sống mà họ đã lựa chọn.

Tôi tình cờ nhìn thấy một bà mẹ đang bị nhiễm Covid đăng hình đứa con gái nhỏ của mình kèm lời bình luận: “Đây là động lực sống của tôi mỗi ngày.” Đúng như tên sách “Sự Lựa Chọn”, chúng ta luôn có sự lựa chọn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì vậy mỗi người hãy chọn cho mình ít là một giá trị làm nên động lực sống cho mình lúc này, cái gì cũng được: cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, bạn bè, công việc, sắc đẹp, thể thao, nấu nướng, vườn tược, sáng tác…

Chắc có lẽ tôi phải nhắn tin lại với thầy bạn: “Việc xuất bản sách cũng hay đấy. Biết đâu sách của anh sẽ giúp người ta sống yêu đời hơn!”

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

[1] Adolf Hitler (1889 – 1945), thiết lập chế độ độc quyền quốc gia xã hội của Đệ Tam Đế quốc. Ông loại trừ tất cả các đảng đối lập và giết hại các đối thủ. Hitler đã gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Chính ông đã thúc đẩy một cách có hệ thống quá trình tước đoạt quyền lợi và sát hại khoảng sáu triệu người Do Thái châu Âu. Người đời gọi ông là Đại đồ sát dân Do Thái (Holocaust). Chính cha Maximilian Kolbe bị bắt và bị giết trong chính sách tàn bạo của Hitler.

[2] Holocaust từ tiếng Hy Lạp: ὁλόκαυστος holókaustos: hólos, “toàn bộ” và kaustós, “thiêu đốt”. Hoặc tên khác theo tiếng Do Thái là Shoah (השואה), “thảm họa lớn”.

Kiểm tra tương tự

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *