“Anh em hãy có lòng nhân từ” (Ngày 1 tháng 3 năm 2021 – Thứ Hai, sau Chúa Nhật II Mùa Chay)

 

“Anh em hãy có lòng nhân từ”
(Lc 6, 36-38)

 

36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

***

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta : « Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ ». Nhưng thế nào là « có lòng nhân từ » ? Theo những gì Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng, « nhân từ » mang một nghĩa rất cụ thể, là một đàng, không xét đoán và lên án, và đàng khác, tha thứ và cho đi.

 

  1. Không xét đoán và lên án

Trước hết, để tỏ lòng nhân từ với nhau, Đức Giê-su mời gọi chúng ta không xét đoán và không lên án : « Anh em đừng xét đoán… Anh em đừng lên án… ». Tại sao vậy ? Chúng ta hãy dùng lí trí để suy xét :

  • Vì chúng ta không phải là người « lập pháp », và cũng chẳng là người « hành pháp ».
  • Vì chúng ta chỉ biết được hành vi thôi ; trong khi đó, để xét đoán, còn phải biết động lực, hoàn cảnh, những vấn đề của nội tâm, vết thương, đau khổ, quá khứ, nền giáo dục, gia cảnh, mức độ hiểu biết và nhất là tự do. Theo luật, để thành tội, người ta phải có tự do ; và loài người chúng ta, không bao giờ có được sự tự do hoàn toàn. Đó là trường hợp tội nguyên tổ, tội của mọi tội và tội trong yếu tính. Thật vậy, sau khi vi phạm lệnh truyền, người phụ nữ nói và nói rất đúng với Đức Chúa : « Con rắn lừa dối con, nên con ăn » (St 3, 13). Chính vì thế, trong cuộc thương khó, Đức Giê-su thưa với Chúa Cha : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34).
  • Ngoài ra, trong hành vi phạm tội, con người vừa là tác nhân và vừa là nạn nhân, bởi vì Sự Dữ mạnh hơn con người. Như trường hợp ông Giu-đa : « Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa… », và nhất là « Xa-tan liền nhập vào y » (Ga 13, 2 và 27) ; và như thánh Phaolo nói : « Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là Tội vẫn ở trong tôi. » (Rm 7, 19-20).

Hơn nữa, chính chúng ta cũng là những người phạm luật, và có khi còn nghiêm trọng hơn. Vì thế, khi xét đoán và lên án người khác, chúng ta lên án chính chúng ta. Đó là trường hợp của những người đòi tố cáo, kết án và thi hành án tại chỗ người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 1-11).

  1. Tha thứ và cho đi

Nhưng, để sống theo năng động của lòng nhân từ, chúng ta được mời gọi đi thêm « hai bước nữa », đó là tha thứ và cho đi. Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến hành vi cho đi, như là điểm tới :

Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.

Thiên Chúa Cha là Đấng nhân từ ; và theo lời của Đức Giê-su, Chúa Cha là Đấng nhân từ, trong mức độ Ngài tỏ lòng nhân từ với chúng ta, nếu chúng ta tỏ lòng nhân từ với nhau. Đúng là, theo lời nói này của Đức Giê-su, Thiên Chúa nhân từ với chúng ta với điều kiện. Nhưng, xét cho cùng, điều kiện thật « nhẹ nhàng và nhưng không », chỉ cần chúng ta tỏ lòng nhân từ với nhau thôi, là Chúa sẽ nhân từ với chúng ta ; và chắc chắn, lòng nhân từ của Thiên Chúa lớn hơn gấp bội lòng nhân từ của chúng ta dành cho nhau. Thực vậy, Đức Giê-su nói :

Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.
Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.

  1. « Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ »

Tuy nhiên, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhân từ với nhau, đó không chỉ là để nhận được lòng nhân từ của Thiên Chúa nhưng còn là vì Ngài là Đấng đã và luôn nhân từ đối với chúng ta, trước khi chúng ta nhân từ với nhau rồi, khi Ngài dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là cũng nhân từ như Ngài, vì « muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương », nghĩa là muôn ngàn đời, Ngài là Đấng nhân từ, như Đức Giê-su tuyên bố ngay từ đầu của bài Tin Mừng :

Anh em hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ.

* * *

Và Chúa nhân từ với chúng ta mỗi ngày khi ban cho chúng ta sự sống, lương thực, lương thực Lời Chúa, lương thực Thánh Thể, ơn gọi, anh em, chị em mỗi ngày, cho dù chúng ta rất bất xứng. Như thế, chính kinh nghiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi bản thân chúng ta, được thể hiện đến cùng nơi Đức Giê-su Ki-tô, mà chúng ta có thể nhân từ được với nhau từ trong tim, và mời gọi nhau :

Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

(Tv 136, 1)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 22-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Niềm vui Chúa …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 21-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Tràn đầy Thần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *