Bài giảng của ĐTC trong thánh lễ Trọng Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa

Nuova-immagine-bitmap-2“Ngày hôm nay, chúng ta được gợi nhớ lại những lời chúc phúc mà bà Elizabet đã nói với Đức Trinh Nữ Maria: “Em thật có phúc giữa mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc! Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa đến viếng thăm tôi thế này?” (Lc 1,42-43)

Lời chúc phúc này tiếp nối lời chúc lành tư tế mà Thiên Chúa ban cho Mose để ông chuyển xuống cho Aaron và cho toàn thể dân chúng: “”Nguyện Ðức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Ðức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Ðức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em! (Ds 6,24-26). Cử hành lễ Trọng mẹ Rất Thánh, Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta rằng Mẹ Maria là người đầu tiên đã nhận lãnh phúc lành này. Nơi mẹ, phúc lành ấy tìm thấy sự trọn vẹn: thực ra, không một thụ tạo nào đã từng chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa tỏa sáng trên mình như Mẹ, người đã trao ban một khuôn mặt nhân loại cho Ngôi Lời vĩnh hằng để tất cả chúng ta có thể chiêm ngắm Người.

Hơn cả việc chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể tán dương và chúc tụng Người, giống như các mục đồng năm xưa, những người đã rời Bê-lem với bài ca tạ ơn sau khi đã nhìn thấy Hài Nhi và người mẹ trẻ của Người ( x. Lc 2,16). Hai người đã luôn ở cùng nhau, cũng như họ đã ở với nhau trên đồi Can-vê, vì Đức Kitô và Mẹ Người không bao giờ có thể tách lìa nhau: có một tương quan rất mật thiết giữa họ, như tương quan giữa mỗi người con với mẹ mình vậy. Xác thịt của Đức Kitô – điểm mấu chốt cho ơn cứu độ của chúng ta (Tertulliano) – được kết dệt trong dạ của Đức Maria (x Tv 139,13). Tính không thể chia lìa này cũng rất rõ ràng ở việc Đức Maria, người đã được tiền chọn để trở nên Thân Mẫu của Đấng Cứu Chuộc, đã cùng chia sẻ cách mật thiết toàn bộ sứ mạng với Người, đã ở lại bên cạnh Con mình cho đến cùng trên đồi Can-vê.

Mẹ Maria luôn kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu vì Mẹ đã có nơi Người tri thức của con tim, tri thức của đức tin, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm mẫu tử mẹ và bằng tương quan chặt chẽ Con của mình. Rất Thánh Trinh Nữ là người nữ của đức tin, đấng đã dành chỗ cho Thiên Chúa trong lòng mình và trong các kế hoạch của mình; mẹ là tín hữu có khả năng nghiệm thấy nơi Con Mình “sự viên mãn của thời gian” đã đến, (Gl 4,4) nơi đó, Thiên Chúa, bằng việc chọn con đường khiêm nhường đi vào trong hiện hữu của nhân loại, đã đi vào cách cá vị trong lịch sử cứu độ. Đó là lý do tại sao ta chỉ có thể hiểu biết Đức Giêsu nhờ mẹ của Người.

Cũng tương tự như vậy, Đức Kitô và Giáo Hội cũng không thể tách lìa được, vì Giáo Hội và Mẹ Maria luôn đi cùng nhau và đây đích thực là mầu nhiệm nữ giới trong cộng đoàn Giáo Hội, và sẽ không thể hiểu được ơn cứu độ do Đức Giêsu thực hiện nếu không nhìn nhận tình mẫu tử của Giáo Hội. Tách Đức Giêsu khỏi Giáo Hội sẽ dẫn đến một kiểu “nhị nguyên lố bịch”, như Đức Chân Phước Phaolo VI viết (x. Evangelii Nuntiandi, 16). Không thể “yêu mến Đức Kitô nếu không yêu mến Giáo Hội, không thể nghe lời Đức Kitô nếu không nghe Giáo Hội, không thể thuộc về Đức Kitô nếu ở ngoài Giáo Hội”. Thực vậy, chính Giáo Hội là đại Gia Đình của Thiên Chúa, đã mang Đức Kitô đến cho chúng ta. Đức tin của chúng ta không phải là một học thuyết trừu tượng hay triết học, nhưng là một tương quan trọn vẹn, mang tính sống còn với một con người: Đức Giêsu Kitô, Con Một của Thiên Chúa, Đấng đã trở nên người phàm, bị giết chết và phục sinh của cõi chết của cứu độ chúng ta, và đang sống giữa chúng ta. Chúng ta có thể tìm gặp Người ở đâu? Chúng ta tìm gặp Người nơi Giáo Hội, nơi Mẹ Thánh Giáo Hội Phẩm Trật của chúng ta. Chính Giáo Hội ngày hôm nay nói với chúng ta rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”; chính Giáo Hội rao giảng cho chúng ta về Người; chính nơi Giáo Hội mà Đức Giêsu tiếp tục thực thi việc ban ơn của Người là các bí tích.

Các hoạt động và sứ mạng của Giáo Hội là sự diễn tả tình mẫu tử của mình. Thực sự, Giáo Hội hệt như một người mẹ âu yếm gìn giữ Đức Giêsu và trao ban Người cho mọi người với niềm vui và lòng quảng đại. Không có sự sự tỏ lộ nào của Đức Kitô, dù là thần bí nhất, có thể tách ra khỏi xác thịt và máu huyết của Giáo Hội, khỏi sự cụ thể mang tính lịch sử của Thân Mình Đức Kitô. Không có Giáo Hội, Đức Giêsu Kitô chỉ dừng lại như một ý tưởng, một giáo huấn luân lý, một cảm giác. Không có Giáo Hội, tương quan giữa chúng ta với Đức Kitô chỉ là năng lực của trí tưởng tượng, những giải thích và tâm tính của chúng ta mà thôi.

Anh chị em thân mến! Đức Giêsu Kitô là phúc lành dành cho mọi người nam nữ, và cho toàn thể nhân loại. Trong việc trao ban Đức Giêsu, Giáo Hội mang đến cho chúng ta sự tròn đầy phúc lành của Thiên Chúa. Đây chính xác là sứ mạng của dân Thiên Chúa: lan truyền cho mọi dân phúc lành của Thiên Chúa đã nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô. Và Mẹ Maria, người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Đức Giêsu, tín hữu đầu tiên và hoàn hảo nhất, kiểu mẫu của Giáo Hội hành hương, là người đã mở ra con đường hướng đến tình mẫu tử của Giáo Hội và không ngừng bảo tồn sứ mạng mẫu tử này cho toàn thể nhân loại. Chứng tá rõ ràng và từ mẫu của mẹ đã luôn đi cùng Giáo Hội ngày từ đầu. Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ của Giáo Hội, và qua Giáo Hội, cũng là mẹ của mọi người nam nữ và mọi dân tộc.

Nguyện xin Mẹ đầy yêu mến và từ ái mang đến cho chúng ta phép lành của Thiên Chúa dành cho toàn thể gia đình nhân loại. Cách đặc biệt, trong ngày Hòa Bình Thế Giới hôm nay, chúng ta hãy khẩn khoản xin Mẹ chuyển cầu để Chúa ban bình an cho những ngày này của chúng ta: bình an trong tâm hồn, bình an nơi các gia đình, hòa bình giữa các dân tộc. Cách cụ thể, năm nay, Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình thế giới là “Không còn là nô lệ nữa, nhưng là anh chị em của nhau”. Tất cả chúng ta được mời gọi để trở nên tự do, trở thành những người con, và mỗi người, theo trách nhiệm của mình, được mời gọi để chống lại mọi hình thức nô lệ tân thời. Từ mọi dân tộc, văn hóa và tôn giáo, chúng ta hãy đóng góp sức mình. Ước gì Đấng đã trở nên tôi tớ phục vụ chúng ta, hướng dẫn và gìn giữ chúng ta để làm cho chúng ta trở thành anh chị em của nhau.

Chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria, chiêm ngắm Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Và tôi mạn phép mời gọi anh chị em hãy cùng chào Mẹ, như người dân thành Êphêsô can đảm đã làm, họ đã reo vang trước các mục tử khi được tháp nhập vào Giáo Hội: “Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa!” Lời chào dành cho Mẹ của chúng ta mới đẹp làm sao! Người ta có kể câu chuyện, tôi không biết là có thật không, rằng có một số người giữa đám dân, cầm cây gậy trong tay, chắc có lẽ để làm cho các Giám Mục hiểu rằng sẽ sụp đổ hết nếu họ không có lòng can đảm tuyên xưng Mẹ Maria là “Mẹ Thiên Chúa”. Tôi mời gọi tất cả anh chị em, dù không có gậy trong tay, hãy đứng lên và ba lần chào Mẹ, đứng lên, với lời chào của Giáo Hội tiên khởi: “Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa!”

 

Chuyển dịch từ bản Ý Ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *