Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ Tuyên Thánh 27.04.2014

10262267_796021310409364_5509927582174761344_n

LTS.

Quý bạn đọc thân mến,

Vì lý do thời gian, chúng tôi đã dịch cách vội vã bài giảng của Đức Thánh Cha để thuyết minh trong buổi truyền hình trực tiếp; vì thế, có những chỗ dịch chưa được chính xác. Nay, sau khi xem xét lại cẩn thận, chúng tôi gởi đến quý vị bản dịch chính thức của chúng tôi.

 

—————–

 

Nơi trung tâm của Chúa Nhật hôm nay, ngày lễ kết thúc Tuần Bát Nhật Phục sinh, ngày mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn dâng hiến cho Lòng thương xót Chúa, có các thương tích đầy vinh quang của Đức Giê-su Phục sinh.

Đức Giê-su đã cho các tông đồ thấy các thương tích của Người lần đầu tiên khi Người hiện ra với họ, vào buổi chiều sau ngày Sabat, ngày Phục sinh. Nhưng vào buổi chiều hôm ấy, như chúng ta đã nghe, Tôma không có mặt; và khi các tông đồ khác nói với ông là họ đã thấy Chúa, ông đáp lại rằng, nếu không thấy và không đụng chạm vào các vết thương Người, ông sẽ không tin. Tám ngày sau, Đức Giê-su đã hiện ra lần nữa tại Phòng tiệc ly, giữa các môn đệ, và cũng có Tôma ở đó. Đức Giê-su quay lại và bảo ông chạm vào các thương tích của Người. Và con người chân thành này, một con người đã quen với việc tự mình kiểm tra mọi thứ, quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su và thốt lên: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).

Các thương tích của Đức Giê-su là cớ vấp phạm cho đức tin, nhưng đồng thời cũng là bằng chứng của đức tin. Vì thế, nơi thân thể Đức Ki-tô phục sinh, các thương tích không biến mất, chúng vẫn hiện hữu, bởi vì những thương tích ấy chính là dấu chỉ vĩnh cửu của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, và đó là những dấu chỉ không thể thay thế để tin vào Thiên Chúa. Không phải để tin rằng Thiên Chúa hiện hữu, nhưng là tin rằng Thiên Chúa là Đấng tình yêu, thương xót và trung tín. Thánh Phê-rô, lặp lại lời của Ngôn sứ Isaia, viết cho các Ki-tô hữu rằng: “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1Pr 2,24; xem Is  53,5).

Thánh Gioan XXIII và Thánh Gioan Phaolô II đã có can đảm để chiêm ngắm các thương tích của Đức Giê-su, đụng chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn bị đâm thâu của Người. Các ngài đã không hổ thẹn vì thân thể Đức Ki-tô, không bị vấp ngã vì Người, vì thập giá của Người. Các ngài không hổ thẹn vì thân thể anh em mình (xem Is 58,7), vì nơi mỗi người đau khổ và bệnh tật, họ nhìn thấy Đức Giê-su. Các ngài là những người can đảm, tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và họ đã làm chứng tá cho Giáo hội và thế giới về lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng thương xót của Người.

Các ngài là linh mục, Giám mục và Giáo hoàng của thế kỷ 20. Dù đã sống trong các thảm kịch, nhưng các ngài đã không để chúng đè bẹp. Với các ngài, Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn; niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ của con người và Thiên Chúa của lịch sử thì mạnh hơn tất cả. Với các ngài, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện nơi 5 dấu đanh của Đức Kitô thì mạnh mẽ hơn. Với các ngài, sự gần gũi của tình mẫu tử nơi Đức Maria thì mạnh hơn mọi thảm kịch.

Nơi hai con người này, những con người luôn biết chiêm ngắm các thương tích của Đức Giê-su và làm chứng về lòng thương xót của Người, luôn hiện diện một “niềm hy vọng sống động”, cùng với một “niềm vui khôn tả rực rỡ vinh quang” (1Pr 1,3.8).

Hy vọng và niềm vui mà Đức Kitô Phục sinh đã trao ban cho các môn đệ của Người, niềm hy vọng và niềm vui ấy không ai hoặc điều gì có thể lấy đi được. Đó là niềm hy vọng và niềm vui phục sinh được rèn luyện thông qua  việc bỏ mình, của việc tự huỷ, gần gũi với các tội nhân cho đến cùng, đến nỗi cảm thấy kinh sợ vì chén đắng. Đây chính là niềm vui và hy vọng mà hai Đức Giáo Hoàng đã đón nhận như là quà tặng của Đấng phục sinh; và đến lượt mình, các ngài đã trao ban cho dân Thiên Chúa một cách trào tràn, các ngài đã lãnh nhận với lòng biết ơn đời đời.

Hy vọng và niềm vui ấy được tỏ lộ nơi cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem, như chúng ta đọc thấy trong Sách Công Vụ Tông đồ (x. Cv 2,42-47) mà chúng ta nghe trong Bài đọc thứ 2. Đây là cộng đoàn của những người sống điều thiết yếu của Tin Mừng, đó là tình yêu thương và lòng thương xót, với sự đơn sơ và tình đệ huynh.

Đây chính là hình ảnh của Giáo hội mà Công đồng Vaticanô II luôn đặt trước chính mình. Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã cộng tác với Chúa Thánh Thần để đổi mới và canh tân Giáo hội theo diện mạo tinh khôi của chính mình, diện mạo đã được lãnh nhận nơi các thánh trong suốt nhiều thế kỷ. Chúng ta không bao giờ quên các vị thánh đã định hướng và phát triển Giáo hội. Khi triệu tập Công đồng, Thánh Gioan XXIII đã minh chứng cho thấy một sự ngoan nguỳ trước lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, ngài đã để cho mình được hướng dẫn, và trở thành một vị mục tử cho Giáo hội, một người hướng dẫn được hướng dẫn, được hướng dẫn bởi Thánh Thần. Đây chính là sự phục vụ lớn lao của ngài dành cho Giáo hội; vì thế, tôi nghĩ rằng ngài chính là vị Giáo Hoàng biết lắng nghe lời mách bảo của Thánh Thần.

Trong bổn phận phục vụ dân Chúa, Thánh Gioan Phaolô II là một Giáo hoàng của gia đình. Như chính ngài đã từng nói rằng, ngài muốn mình được nhớ đến như là vị Giáo hoàng của gia đình. Tôi vui mừng nhấn mạnh điều này khi chúng ta đang sống trong giai đoạn chuẩn bị cho Thượng hội Đồng Giám mục về gia đình và với các gia đình, một hành trình mà chắc chắn, từ trời, ngài sẽ đồng hành và nâng đỡ chúng ta.

Xin hai vị tân hiển thánh, mục tử của Dân Thiên Chúa, cầu bầu cho Giáo hội, để nhờ đó, trong suốt hai năm hành trình của Thượng hội đồng Giám Mục, chúng ta biết nhu mì trước lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong việc phục vụ mục vụ dành cho các gia đình. Xin các ngài dạy cho chúng ta đừng để bị vấp ngã bởi các thương tích của Đức Ki-tô, biết đi sâu mỗi ngày một hơn vào mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa, vốn luôn hy vọng, luôn tha thứ, vì luôn luôn yêu thương.

 

Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ từ bản Tiếng Ý

 

Kiểm tra tương tự

05/11 – Mừng kính các Thánh và các Chân phước Dòng Tên

  Giêsu hữu là người được nhận làm bạn đường của Chúa Giêsu. Thánh I-nhã …

Ngày Lễ Các Thánh: Lời nhắc về niềm hy vọng

Tất cả những tin xấu cũng không thể ngăn cản ân sủng và lòng thương …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *