Chị tôi ốm nặng rồi qua đời khi bé Quyên vừa tròn một tháng tuổi. Bé bị mù bẩm sinh. Anh rể tôi vừa làm cha vừa làm bà vú. Nhìn cảnh gà trống nuôi con, ai cũng ái ngại, khuyên anh nên đi thêm bước nữa để có người chăm sóc bé Quyên. Những lúc ấy anh chỉ lặng lẽ cố giấu tiếng thở dài não nuột, trong thâm tâm anh nghĩ: “Tìm được người vợ cho mình thì dễ chứ tìm được một người mẹ tốt cho con mình thì khó lắm”.
Nhưng rồi thời gian cũng qua đi, khi vòng khăn tang trắng trên đầu đã được quấn thành tro, anh tôi đi cưới một người đàn bà khác. Ban đầu người vợ mới của anh tôi rất yêu thương bé Quyên, chăm sóc nó như một người mẹ thực sự. Nhưng chẳng được bao lâu, khi có một đứa bé trai bụ bẫm ra đời thì bé Quyên như một người thừa trong căn nhà nhỏ đầy tiếng cười và tiếng khóc.
Anh tôi suốt ngày bận bịu với “cục cưng nối dõi” của mình, không ai còn để ý đến con bé mù đó nữa. Bé Quyên chưa biết buồn, nó lủi thủi chơi một mình ở góc vườn hay một xó xỉnh nào đó. Nó bị người mẹ kế cấm không được đến gần em bé, làm bạn với nó chỉ có chú chó con mà ba nó mới xin về. Có một hôm, con bé đang chơi thì chợt nghe tiếng thét của thằng em, nó quên lời cấm, hối hả vào nhà định dỗ em. Nhưng khi tay nó vừa chạm vào chiếc nôi thì người mẹ kế từ ngoài chạy vào giáng cho nó một cái tát nảy lửa.
– Đồ quỷ, mày làm gì con trai tao thế? Mày định giết nó hả? Đã mù rồi còn ác ! Muốn đi theo con mẹ mày phải không? Phải không?
Cứ mỗi tiếng “phải không” là người mẹ kế lại dúi đầu con bé vào tường. Bé Quyên vừa đau vừa hoảng sợ, nó quỳ phục dưới đất nức nở van xin:
– Má ơi, xin đừng đánh con, con không hại em, không phải, không phải mà.
Nhưng người mẹ kế không tin lời nó nói. Và hôm đó, con bé được một trận đòn để nhớ đời. Cũng từ hôm đó, bé Quyên biết buồn, nó thường hay khóc một mình.
Một thời gian sau, thằng bé tập tễnh biết đi. Nó lớn nhanh như Gióng và hồn nhiên như một chú chim chích. Người mẹ kế “cảnh giác”, “kiểm soát” chặt chẽ không cho thằng bé chơi với Quyên nhưng không làm sao ngăn cấm được trẻ thơ đang ở độ tuổi “tò mò” nên người mẹ kế đành phải quay sang gắt gỏng, cau có với con bé. Bé Quyên không sợ bị đánh đòn, vì nó đã quá quen thuộc. Nó chỉ sợ không được trò chuyện cùng em bé, hai chị em nó thường dắt nhau ra góc vườn, nơi có một khóm hoa mẫu đơn cao phủ kín, trốn chơi ở đó.
Người mẹ kế lâu dần không hấy bé Quyên hại con mình nên thả “tự do” cho hai đứa nhỏ. Anh tôi mỗi khi đi làm về đều có quà bánh cho cậu con trai. Vì thế cứ chiều đến, cậu bé thường hay dắt chị ra đầu ngõ đợi ba về. Thoáng thấy bóng anh tôi, cậu bé ào tới reo lên tíu tít:
– A! Ba đã về.
Anh tôi nhấc bổng cậu bé, vờn lên đầu nựng:
– Hà, hà! Con trai cưng của ba ngoan quá. Nào cho ba thơm một cái đi nào.
Cậu bé sung sướng cười như nắc nẻ. Bé Quyên bị bỏ quên, lẳng lặng lảng đi chỗ khác. Đôi vai gầy của nó rung lên, hình như nó khóc.
Ngày tiếp ngày, cảnh tượng ấy diễn ra đều đặn. Con bé càng trở nên ít nói và gầy đi như một chiếc lá khô. Anh tôi vẫn vô tình không thấy. Đến một hôm anh tôi đi làm về bỗng dưng lên cơn sốt. Bé Quyên hốt hoảng lần đường sang gọi ông Năm – người thầy thuốc ở nhà bên cạnh. Lúc về nó đến bên bố, giọng thảng thốt lo lắng:
– Ba ơi! Ba có làm sao không ? Đừng chết nghe ba! Ông Năm tìm đôi kính rồi sẽ mang thuốc sang cho ba ngay thôi mà.
Con bé có vẻ bồn chồn lại hỏi:
– Nhưng mà sao ông Năm không đi liền mà còn phải đi tìm kính làm gì vậy hở ba?
– Thì để cho ông nhìn thấy đường mà – Anh tôi mệt nhọc trả lời cho qua chuyện.
Không ngờ bé Quyên chộp lấy đôi bàn tay anh, giọng nó vừa run vừa hớn hở:
– Ba ơi! Con cũng cần có một đôi kính như của ông Năm vậy. Ba mua cho con nghe ba?
– Còn cần cái đó để làm gì ? – Anh tôi ngạc nhiên hỏi.
Bé Quyên sợ ba từ chối, oà khóc:
– Ba ơi, con có nhìn thấy gì đâu. Con muốn được sáng mắt để nhìn thấy ba, nhìn thấy em tí thôi mà.
Anh tôi nghe như có một cái gì trỗi dậy, nhói lên trong lồng ngực, không biết giải thích sao cho con bé hiểu được. Anh đành giấu người trong tấm chăn, nước mắt giàn giụa…
Hôm sau trước cửa nhà chỉ có mình cậu bé đứng đợi ba về. Anh tôi không thấy bé Quyên, nét mặt biến sắc: “Chị con đâu?”. Cậu bé phụng phịu chỉ tay về phía khóm hoa mẫu đơn góc vườn. Anh tôi bế con trai đến đặt bên bé Quyên, âu yếm hôn lên hai mái đầu thơ dại, giọng anh trìu mến lạ:
– Hai đứa con yêu quý của ba !
Bé Quyên bỗng quàng lấy cổ anh tôi, mếu máo.
– Ba ơi! Con đã có ba rồi. Con không cần đôi kính mắt nữa.
Anh tôi sững sờ ôm con vào lòng. Anh khóc, khóc nức nở, khóc như chưa bao giờ được khóc. Anh thấy như lương tâm đang hỉ tội. Anh biết vì sao bé Quyên không cần có đôi kính mắt nữa, mặc dù mới hôm qua đây nó thiết tha nài nỉ. Con bé chưa ý thức được nỗi bất hạnh của cuộc đời, trước mắt nó là một màn đên dày đặc.
Nhưng nó đã ý thức được cuộc sống, đã nhìn thấy tình yêu thương quý hơn tất cả. Và với nó, tình thương còn quý hơn ánh sáng. Anh tôi không ngờ được rằng khi đã trở thành một kĩ sư nổi tiếng, anh lại được một bài học ở chính đứa con gái mù bé bỏng của mình, một bài học giản đơn về cách cư xử, nhưng đó là đạo lí của con người .
Nhìn bé Quyên qua làn nước mắt, anh tôi nói:
– Chính ba mới thật là một kẻ mù. Cám ơn con ! Cám ơn con đã cho ba ánh sáng !
(St)