Bài học từ những “người điên”

nhung-dieu-can-biet-ve-benh-tam-than-1Sài Gòn mưa rả rích. Thức dậy sau giấc ngủ trưa còn thiếu giấc, tôi vội vã chuẩn bị cùng anh em trong cộng đoàn đi tông đồ. Điểm tông đồ hôm nay của chúng tôi là Trung tâm điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Thủ Đức (37 Phú Châu, Thủ Đức). Lần đầu tiên thăm trung tâm, trong tôi mang nhiều cung bậc cảm xúc: chút háo hức, chút vui, chút lắng lo,… và chút sợ. Khoảng 14h15, anh em chúng tôi lên đường, đến với “thế giới của những bệnh nhân tâm thần”.

Đến nơi, chúng tôi gửi xe, chuẩn bị các vật dụng cần thiết để làm tông đồ. Công việc hôm nay của chúng tôi là cắt móng chân, móng tay và cạo râu cho bệnh nhân. Đôi khi những công việc nhỏ thôi nhưng nếu ta làm với một tình yêu lớn, điều ấy thật đáng quý. Qua khu điều dưỡng bệnh nhân thể nhẹ, chúng tôi vào khu trong, nơi dành cho những người bệnh nặng hơn. Mấy anh em nói vui: “Ở đây, anh em mình được chào đón như khách quý”. Họ là những bệnh nhân tâm thần nên lý trí của họ không ổn định, nhưng trái tim có những cách riêng để trao nhau và cảm nhận tình yêu thương. Tôi gọi đó là ngôn ngữ của tình yêu. Và tôi nghĩ, đến với họ, đôi khi chỉ cần những nụ cười là đủ.

Khi vừa tới, vài “bệnh nhân quen” vẫy tay chào chúng tôi qua khung cửa sắt. Tôi nhớ lại câu nói vui của anh em và nghĩ: “Ừ! Đúng thật đấy chứ!”

  • “Chào các thầy, các chú! Lâu lắm mới tới”
  • “Dạ! con chào bác!”

Họ chào chúng tôi cách niềm nở như biết bao người bình thường khác. Khi bị những “cơn bệnh” hành hạ, trông họ thật đáng thương. Lúc bình thường, tuy không ý thức đủ, nhưng họ cũng thật hiền và dễ mến. Mấy bác tiến đến bắt tay chúng tôi, miệng luôn nở nụ cười tươi như lấy làm vinh hạnh: “Cho tôi bắt tay thầy với”, “cả tôi nữa”,… Tôi cảm nghiệm thấy sự gần gũi và chân thành. Nhiều bệnh nhân nặng hơn thì mỗi người một vẻ: có người trông nhút nhát, có người vẻ trầm tư, có người hơi tăng động, có người ở trần truồng. Một số bệnh nhân nặng hơn nữa thì bị cột chân lại một nơi cố định để tránh làm hại đến bản thân và người khác khi cơn bệnh đến. Chỉ có ít giường dành cho bệnh nhân cần kíp hơn, còn đa phần bệnh nhân nằm trên nền gạch. Có lẽ, một người khô khan nhất khi tới đây cũng mủi lòng cho được.

Tôi nhận lấy một chiếc kéo cắt móng và thực hiện công việc của mình. Lòng rộn ràng niềm vui, tôi làm công việc bé nhỏ ấy cách nâng niu và cẩn thận. Với mỗi người, tôi đều chào thăm và chúc mạnh khỏe trước khi bắt đầu công việc. Những nụ cười đáp trả của họ làm tôi ấm lòng giữa chiều mưa se lạnh. Tôi có chuyện trò với một số bác trông “có vẻ tỉnh hơn”.

  • “Quê bác ở đâu ạ?”
  • “Hậu Giang. Không phải Tiền Giang nhé!”
  • “Dạ! Con có tới rồi đó! Bác vào đây lâu chưa?”
  • “20 năm. Cỡ 20 năm lận.”
  • “Người nhà có hay tới thăm bác không?”
  • “4 tới 5 tháng, thăm một lúc.”

Nghe giọng tôi, một ông chen ngang: “A! Giọng Bắc. Toàn người Bắc không!”. Rồi ông cười, gật gù như một nhà trí thức vừa thốt ra những lời nói chứa đầy chân lý. Một câu chuyện khác vui hơn:

  • “Bác bao nhiêu tuổi rồi?”
  • “Tớ sinh năm 1930. Vào đây từ những năm 45, đến giờ tớ cũng được… 30 cái xuân xanh rồi đấy.”

Tới giờ cơm, các nhân viên và bác sĩ đưa cơm tới. Một số người nhanh nhẹn, còn “tỉnh” phụ giúp cho những người già, những người bệnh nặng bị cột một chỗ, và một số người đau yếu. Mỗi bệnh nhân được một tô với phần cơm chan sẵn canh, chút thịt và rau. Người già hay đau bệnh thì ăn cháo. Khẩu phần ăn thiếu thốn. Nhưng không khí rộn ràng như ngày đại tiệc.

  • “Ăn ngoan nhé! Giỏi! Thương thương!”. Một bệnh nhân vừa đút cho một người bệnh lớn tuổi, chân tay dị tật và bị cột một góc, vừa xoa đầu cưng nựng.

Giữa nơi chẳng cần lý trí, chẳng cần sự thông thái hay những học thuyết cao siêu này, tình người vẫn chứa chan. Nơi những con người ấy, Giê-su đang hiện hiện và mời gọi tôi đến viếng thăm Ngài. Chúa đã hạ mình “rửa chân” cho các môn đệ. Tôi cũng được mời gọi khiêm tốn đến để đồng cảm, sẻ chia và phục vụ những người anh em này. Chúng tôi trở về lúc 15h45, khi cơn mưa chiều Sài Gòn vẫn rơi đều, rả rích.

Một buổi chiều trong “thế giới của những bệnh nhân tâm thần”, tôi học hỏi được nhiều điều nơi những bệnh nhân mà người ta gọi là “người điên” ấy. Với họ, khái niệm cuộc đời thật đơn giản, chẳng phức tạp như biết bao người “tỉnh” chúng tôi vẫn nhìn về nó. Nơi ấy, chúng tôi còn mang trong mình lắm những ghét ghen, thù hằn và đố kỵ. Đôi khi, ranh giới giữa “tỉnh” và “điên” thật khó phân định. Giữa một xã hội chủ nghĩa duy vật này, bao người “tỉnh” chúng tôi nhiều khi điên cuồng đi tìm những giá trị phù vân nơi danh vọng, bạc tiền, vật chất. Thậm chí để được làm nô lệ cho những sự chóng qua ấy, nhiều người còn bán mình cho sự dữ. Tôi thầm nghĩ, nhiều lúc chúng ta cần khiêm nhường để nhận thấy mình đang “điên”, và rồi ta biết thay đổi chính mình mỗi ngày, sống cho những gì là cao quý.

Tôi biết ơn những “người điên” hôm nay đã dạy cho tôi bài học thật lớn. Trong trái tim Chúa, họ có một vị trí đặc biệt. Với Giáo Hội, những người nghèo và yếu thế cô thân như họ chính là tài sản. Ước chi mỗi ngày tôi biết tập noi gương Thầy Giê-su để đến với họ, những người anh chị em của mình, cách chân thành cùng một trái tim đầy tràn lửa yêu thương và lòng mến.

(Fx.NVL, Sài Gòn, 7.9.2016)

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Xuân phúc ân

    XUÂN Đứng trước thềm Xuân. Cảm nhận hạnh phúc trong tâm hồn, cảm …

Tiếng “ồn”

  Âm thanh là điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *