Bài tập 23
Bữa Tiệc Cuối Cùng
“Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” – 1 Cô-rin-tô 11:23-26
Trình thuật của Thánh Phaolô về Bữa Tiệc Ly là trình thuật đầu tiên mà chúng ta biết đã được viết ra. Trình thuật này phác thảo câu chuyện mà sau này các tác giả Tin Mừng trình bày chi tiết hơn; đồng thời cũng phản ánh một sự hiểu biết nền tảng mà những Kitô hữu đầu tiên đã biết. “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cô-rin-tô 11:26). Trong cách diễn đạt của thánh Phaolô, ta nhận thấy một giọng điệu khẩn thiết thường thấy trong các thư của ngài: chúng ta phải kể câu chuyện này. Chúng ta quy tụ để cùng bẻ bánh và chia sẻ chén rượu, để những người khác có thể biết về cái chết của Chúa Kitô và ý nghĩa của biến cố ấy.
Thế nhưng ban đầu, các môn đệ vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa hành động của Chúa Giêsu. Hãy hình dung sự ngỡ ngàng của họ trước những lời Ngài nói trong Bữa Tiệc Ly. Thánh Luca, một người bạn đồng hành của Thánh Phaolô, đã thuật lại điều Chúa Giêsu đã nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, đổ ra vì anh em.” (Luca 22:20). Chắc hẳn các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu đang ám chỉ về giao ước cũ, được ghi dấu bằng máu của những con chiên bị sát tế để tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Chúa tại Ai Cập. Nhưng phải chăng Ngài muốn nói rằng chính họ cũng sẽ tham dự vào hy lễ ấy? Hay đúng hơn chính Ngài là Con Chiên mới của Thiên Chúa, và họ sẽ được dẫn đến tự do nhờ hy lễ của Ngài?
Việc các môn đệ tụ họp tại căn phòng trên lầu sau cái chết của Chúa Giêsu, ban đầu không phải là dấu hiệu của lòng nhiệt thành truyền giáo, mà đúng hơn là bởi nỗi lo sợ rằng những điều kinh hoàng xảy ra với Thầy cũng sẽ xảy đến với mình. Điều đáng lưu ý là những Kitô hữu đầu tiên không phải là những chiến binh siêu phàm lên đường chinh phục thế giới; họ là những người nam và người nữ còn hoang mang, đang cố gắng hiểu Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì. Chỉ sau này, khi Người sống lại và Thánh Thần ngự xuống trên Người vào ngày Lễ Ngũ Tuần, họ mới dần vỡ lẽ toàn bộ ý nghĩa sâu xa của những gì mình đã trải qua.
Thật tốt khi chúng ta ghi nhớ mẫu gương này trong chính đời sống mình. Sống đức tin không có nghĩa là luôn sống trong sự chắc chắn; đúng hơn, đó là sống trong niềm tín thác rằng mọi đau khổ ta đón nhận vì yêu mến và chọn bước theo Chúa Giêsu rồi cũng sẽ được sáng tỏ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta dự phần vào công trình cứu độ của Người giữa trần gian.
Cầu nguyện
Trong Thánh lễ, bạn hãy đặt mình vào vị trí của các môn đệ. Hãy hình dung chính Chúa Giêsu đang nói với bạn những lời của Bí tích Thánh Thể. Bạn có thể tin tưởng nơi Người không? Cảm giác thế nào khi bạn trao phó cho Chúa Giêsu cuộc đời bạn, hành động của bạn, và cả tương lai của bạn? Hãy mang những cảm xúc này vào cuộc trò chuyện với Người khi bạn cầu nguyện.
Hành động
Hãy dành thời gian Chầu Thánh Thể. Hãy để giây phút thinh lặng ấy trở thành cơ hội để suy ngẫm về cách Chúa Giêsu đang mời gọi bạn “loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới khi Chúa đến.”
The Ignatian Workout for Lent – 40 Days of Prayer, Reflection, and Action
Phần III: “Exercise 23 Last Supper”
Tác giả: Tim Muldoon
Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên