Bài tập 28
Chịu đội mão gai
Bấy giờ, lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. – Mát-thêu 27:27-31
Trên nhiều cây thánh giá có khắc chữ INRI, viết tắt của cụm từ Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum, hay “Jesus of Nazareth King of the Jews” (tạm dịch: “Giêsu người Nazareth, Vua dân Do Thái”). Quân lính La Mã đã treo tấm bảng này phía trên đầu Đức Giêsu trên thập giá (xem Mát-thêu 27:37) như một cách chế giễu về “tội danh” của Ngài. Việc đội mão gai là một lời nhắc đau đớn cho thấy người La Mã xem Chúa Giêsu như một thầy giảng lạc hậu, tầm thường. Họ chế giễu Chúa Giêsu cũng như toàn bộ cộng đồng những người Do Thái nghèo mà Ngài xuất thân.
Không có gì ngạc nhiên khi nhiều thế kỷ sau, biểu tượng Kitô giáo đã tôn vinh hình ảnh Christus victor – Chúa Kitô khải hoàn. Có lẽ hình ảnh nổi bật nhất về điều này là bức tranh của Tommaso Laureti hoàn thành năm 1585 và có tên là Il Trionfo della Cristianità (“Chiến thắng của Kitô giáo”), mô tả cây thánh giá của Chúa Kitô được đặt ở trung tâm một căn phòng, nơi tượng của một vị thần La Mã nằm vỡ vụn trên sàn. Việc hoàng đế La Mã Constantine trở lại đạo đã đánh dấu một sự thay đổi sâu sắc trong cái nhìn của công chúng về Giáo hội, từ một nhóm bị đàn áp trở thành tôn giáo chính thức của Đế chế. “Hãy xem đây, đế quốc La Mã!” người ta gần như có thể nghe thấy tiếng reo vui của các Kitô hữu khi họ bước ra khỏi nơi ẩn náu.
Thật dễ bị cám dỗ khi đánh đồng chiến thắng của Giáo hội với chiến thắng của chính Đức Kitô. Việc đội mão gai là một lời nhắc khó khăn rằng những gì Chúa Kitô đã trải qua là một chiến thắng trước nỗi sợ cái chết trong vườn Ghết-sê-ma-nê và sự sẵn lòng hoàn toàn để bị giết chết vì rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu không hề bận tâm đến việc “tổ chức cộng đồng” có động cơ chính trị, không có khát vọng lật đổ những kẻ áp bức đương thời, cũng không khoan nhượng cho cả những người thân cận nhất nếu họ muốn thiết lập một trật tự chính trị mới ở Giê-ru-sa-lem hay nơi nào khác. Chiến thắng của Ngài khi đó và bây giờ là một chiến thắng nghịch lý, không có bất kỳ dấu hiệu nào giống với chiến thắng theo nghĩa thông thường. Vương miện của Ngài không phải là vòng nguyệt quế mà là mão gai.
Vậy bằng những cách nào mà sự sẵn lòng đi theo Chúa Kitô đang dẫn tôi đến những mão gai, thay vì đến những chiến thắng? Liệu tôi có dám làm chứng cho đức tin của mình ngay cả khi biết rằng điều đó sẽ không được ủng hộ?
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ thế nào là đau khổ khi nói sự thật về thế giới mà Chúa Cha đã tạo dựng. Con muốn bước theo Chúa, nhưng đôi khi con sợ phải lên tiếng quá mạnh mẽ về điều đó. Con muốn làm một người tốt và hòa hợp với mọi người, nhưng con cũng muốn có sự chính trực và không dễ dàng thỏa hiệp với những gì con biết là sai trái. Xin giúp con biết phân định cách phục vụ Chúa và vương quốc của Chúa, biết sống theo sự thật và can đảm nói lên sự thật, nhưng luôn nhận ra rằng con phải làm điều đó với một tình yêu can đảm mà Chúa đã thể hiện.
Hành động
Đánh dấu và theo dõi các tổ chức tin tức Công giáo khác nhau. Tìm hiểu cách họ đưa tin về các vấn đề gây tranh cãi khác thế nào so với các kênh truyền thông chính thống.
The Ignatian Workout for Lent – 40 Days of Prayer, Reflection, and Action
Phần III: “Exercise 28: Crowning with Thorns”
Tác giả: Tim Muldoon
Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên