Bài tập 29
Con đường khổ giá
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!” Bấy giờ, người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: “Đổ xuống chúng tôi đi!”, và với gò nổng: “Phủ lấp chúng tôi đi!” Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” – Lc 23, 27-31
Những người phụ nữ trong cảnh tượng đầy xúc động này có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra rõ ràng hơn các môn đệ của Chúa Giêsu lẫn những người lính. Các môn đệ đã biến mất; có lẽ họ sợ nếu quá gần gũi với một người bị kết án sẽ khiến họ gặp rắc rối tương tự. Việc Phêrô chối Chúa (xem Lc 22, 54-62) cho thấy bằng chứng rõ ràng về nỗi sợ đó. Còn những người lính thì chỉ đang làm công việc của mình, đã trở nên chai lì và vô cảm trước những cảnh tượng rùng rợn mà họ chứng kiến hằng ngày.
Những người phụ nữ như thể nhìn thấy bộ quần áo mới của hoàng đế. Họ thấy một người vô tội phải chịu đau khổ và chịu xử tử, và họ kinh hoàng trước cảnh tượng đó. Họ thấy rằng người đó đã bị bạn bè bỏ rơi vì sợ hãi. Và những người phụ nữ này than khóc vì họ biết rằng có điều gì đó vô cùng sai trái trong trật tự cuộc sống. Thiên Chúa ở đâu trong tất cả những điều này?
Những lời của Thánh Luca ở đây là một trong số nhiều bản văn Tin Mừng về ngày cánh chung (nghĩa là nói về “thời sau hết”). Về cơ bản, Luca nói rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn, và những ai đặt niềm tin vào những sự trần thế – được biểu trưng qua niềm hy vọng nơi việc sinh con – sẽ gặp gian truân. Cũng như các bản văn về ngày cánh chung khác, đoạn này nhấn mạnh đến một nền tảng trong giáo huấn của Chúa Giêsu: thế gian và mọi sự trong đó đều thuộc về Thiên Chúa. Nó được treo lơ lửng trên một sợi chỉ từ bàn tay của Thiên Chúa, và vì thế, thật là ngạo mạn khi chúng ta tưởng rằng thế giới này hiện hữu là để phục vụ cho riêng mình.
Chúng ta thấy một nghịch lý ở đây: ngay cả khi đang trên đường đi chịu khổ nạn và chịu chết vì nhân loại, Chúa Giêsu vẫn nhắc nhở những người phụ nữ rằng sẽ còn nhiều đau khổ xảy ra nơi con người. Thế gian là nơi sự dữ ngự trị, nhưng đồng thời cũng là nơi Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ. Chính sự tồn tại song song giữa tội lỗi và ân sủng mà lòng trung tín của Chúa Giêsu đã nảy sinh. Nói cách khác: qua sự sẵn lòng chịu đau khổ, Chúa Giêsu kiên nhẫn làm chứng cho sự gần gũi của Chúa Cha với một thế giới mà con người đã uốn nắn theo mục đích riêng của mình.
Cầu nguyện
Bạn có thấy sự sẵn sàng chấp nhận đau khổ của mình là một hành động tin tưởng nơi Chúa Cha không? Liệu nỗi đau bạn đang trải qua có phải là hệ quả của một tình yêu lớn lao? Khi suy ngẫm về con đường thập giá, hãy xin ơn an ủ của Chúa Thánh Thần, để Người giúp bạn nhận ra rằng chính sự sẵn lòng đón nhận đau khổ của bạn – cùng với sự sẵn lòng của toàn thân mình Chúa Kitô – đang góp phần làm nên Triều Đại Thiên Chúa.
Hành động
Hãy dâng tặng một điều gì đó cho những người mà Thiên Chúa mời gọi bạn yêu thương cách đặc biệt. Những hoàn cảnh nào trong cuộc sống của bạn đang kéo trái tim bạn hướng về một nhu cầu cụ thể nào đó?
The Ignatian Workout for Lent – 40 Days of Prayer, Reflection, and Action
Phần III: “Exercise 29: Way of the Cross”
Tác giả: Tim Muldoon
Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên