Bài Thương Khó Theo Thánh Matthêu

 8. Chúa Giêsu trên thập giá.

Lính điệu Chúa Giêsu đi đóng đinh vào thập giá. Đang đi ra, chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn, chúng bắt ông vác thập giá của Người”.

Mt không nói tại sao lại như vậy và chúng ta cũng đừng “chia trí” đi hỏi tại sao. Hãy nhìn hình ảnh Si-môn vác thập giá và để cho những lời khác trong sách Tin Mừng vang vọng trong tâm trí để hiểu Mt muốn truyền đạt điều gì.

Chúa Giêsu đã tuyên bố điều kiện để theo Chúa là vác thập giá. Những người đã theo Chúa bấy lâu nay đều đã bỏ chạy. Si-môn Phêrô, người thề thốt hùng hồn quyết liệt nhất thì đã chối Chúa nhanh hơn gà gáy và bây giờ đang ngồi đâu đó khóc lóc thảm thiết. Lính gặp một người trùng tên Simôn, chỉ có điều ông là người Kyrênê, bên kia Địa Trung Hải… tình cờ đi ngang bị lính gặp và bắt vác thập giá của Chúa.

Thập giá của Chúa?! Thật ra thì cả trình thuật đã cho thấy rõ là Chúa vô tội, mọi người trong cuộc đều nhận ra là Chúa vô tội. Vậy thì thập giá này là của ai? Của mỗi người chúng ta là kẻ có tội đấy. Chúa vác là để cho chúng ta có thể vác mà đi đàng sau Chúa. Vác thập giá một mình và đi một mình thì chẳng có nghĩa gì cả. Simôn vác thập giá là hình tượng người môn đệ đúng nghĩa Mt khắc họa cho chúng ta đấy.

Chúng cho Người uống rượu pha mật đắng (Tv 69,22) đến đây Mt kể những chi tiết gợi nhớ các thánh vịnh về người công chính bị bách hại: 69; 38; 22 và 18. Các thánh vịnh là lời kinh quen thuộc của các tín hữu, nên chỉ cần nêu lên những từ ngữ quen thuộc trong đó là người nghe liên kết được liền và thấy rõ Chúa Giêsu đang chịu số phận của người công chính bị bách hai. Lời sách Thánh ứng nghiệm đến từng chi tiêt.

Đóng đinh Người vào thập giá xong… Mt không nói đến hình dạng cây thập giá cũng không nói đến những chi tiết khác, chúng ta cũng đừng “chia trí”, cư theo sát những gì được kể cho chúng ta. Chúng đem áo Người ra bắt thăm. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người” (Tv 22,18-19).

“Người này là Giêsu, vua dân Do Thái”. Đó là bản án viết treo trên thập giá phía trên đầu Người. Thế là Philatô chiếu tướng ngược! Philatô đã hỏi Chúa Giêsu “Ông có phải là vua dân Do Thái không”; dĩ nhiên là ông nghe qua những kẻ nộp Chúa Giêsu cho ông.  Phe lãnh đạo và đám đông nhất định đòi đóng đinh người vô tội, mặc dù Philatô nuốn tha. Bị áp lực phải đổ máu người vô tội thì Philatô biến thành công trạng của mình, bằng cách viết bản án như thế. Ông có thể báo cáo thành tích là đã đóng đinh được vua dân Do Thái, mọi người đều có thể làm chứng cho ông! Chuyện sẽ đến tai Hoàng đế ở Rôma và Philatô sẽ được ghi công.

Một bất ngờ nữa trước mắt chúng ta: “Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, mỗt tên bên trái”. Điều Chúa Giêsu chất vấn những kẻ đến bắt Chúa thì bây giờ họ trả lời: họ đặt Chúa giữa hai tên cướp, coi như Chúa là tướng cướp. Hợp như lời Kinh Thánh: “Người bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12).

Kẻ qua người lại đều nhục mạ người”. Dậu đổ bìm leo. Những cám dỗ của Xatan trong hoang địa bây giờ trở thành khúc khải hoàn với một giàn hợp xướng nhiều bè: kẻ qua người lại, thượng tế và kinh sư, hai tên cùng bị đóng đinh. Điệp khúc là một biến tấu của câu “Nếu hắn là Con Thiên Chúa”. Nỗi đau xé lồng ngực Chúa Giêsu trên thập giá vì không chỉ Người, mà chính Chúa Cha bị nhục mạ, thách đố.

Âu cũng vì Ngài mà con bị người đời thóa mạ,

chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày…

Lời thóa mạ làm tim này tan vỡ, con héo hắt rã rời,

Nỗi sầu riêng mong người chia sớt, luống công chờ không được một ai,

đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu

Thay vì đồ ăn chúng trao mật đắng, con khát nước lại cho uống giấm chua”

(Tv 69,8.21-22) .

 9.      Thiên Chúa trả lời 

“Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín”

Lời mô tả này gợi cho chúng ta hình ảnh cuộc hiển linh của Thiên Chúa để phán xét:  “Ta sẽ truyền cho mặt trời lặn giữa trưa, và khiến cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng” (Amốt 8,9)  và cũng là để cứu độ. Khi đưa dân Chúa ra khỏi Ai Cập, “Chúa giăng mây làm màn che phủ họ” (Tv 105,39; x.Xh 14,19).

Khi Thiên Chúa xuống trên núi Xinai để ban truyền Luật Giao Ước thì “Núi bốc lửa cao đến tận trời, trong bóng tói mây đen mù mịt. Đức Chúa phán với anh em từ trong đám lửa, anh em nghe thấy tiếng nói nhưng không thấy hình bóng nào, chỉ có tiếng thôi” (Đnl 4,11-12).

Cả ba khung cảnh này đều có thể giúp chúng ta hiểu về bóng tối giữa trưa. Thiên Chúa đến phán xét và cứu Con của Người đồng thời xác lập Giao Uớc bằng Máu của Chúa Giêsu. Thiên Chúa trả lời những kẻ thách đố: “Hắn cậy vào Thiên Chúa thì bây giờ Thiên Chúa đến cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là con Thiên Chúa”. Chính Thiên Chúa đã nói với Chúa Giêsu ở bờ sông Giođan và với các môn đệ ở trên núi.  Thiên Chúa hiển linh, lấy bóng tối che cho Con trong cuộc Vượt Qua này. Thánh vịnh 18 (17) diễn tả cảnh người công chính tin tưởng vào Chúa và kêu cầu khi “sóng tử thần dồn dập chung quanh…” thì:

Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù, ngự trên thần hộ giá, trên cánh gió lượn bay: Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen nghịt làm trướng che thân…”(câu10-12)

Trong quang cảnh hiển linh ấy, Mt cho chúng ta nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu qua thánh vịnh 22(21), là thánh vịnh diễn tả rất sát hình ảnh Chúa Giêsu bị treo trên thập giá. Lời cầu nguyện cũng bị xuyên tạc để chế diễu. Có kẻ đưa giấm lên cho Chúa uống: ứng nghiệm thánh vịnh 69,22. Thánh vịnh 18 vừa kể trên : “Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu chúa… Từ Thánh Điện Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu” (câu 7).

Đức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn rồi trút hơi” (dịch sát bản Hy Lạp). Tiếng thét này gợi lên tiếng của Thiên Chúa phán xét và tiếng của Con Thiên Chúa đã nát tan kiệt sức. Cha Con gặp nhau trong một tiếng thét chung, làm nên nét bi hùng nhất:

Khi Thiên Chúa hiển linh để bênh vực Đấng Ngài đã xức dầu: “Nổi trận lôi đình Ngài quát nạt”( Tv 2,5); “Chúa nổi sấm vang trời, Đấng Tối Cao lớn tiếng”( Tv 18,14).

Tv 38,9: “Bị suy nhược, nát tan kiệt sức, Tim thét gào thì miệng phải rống lên”.

10.  Khai mở một kỷ nguyên mới

“Bỗng bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới.”. Bức màn trướng trong Đền Thờ tức là bức màn ngăn nơi Cực Thánh, mỗi năm thượng tế qua bức màn này vào phía trong nơi Cực Thánh một lần ngày lễ xá tội (Xh 26,31-34; 36,35-36 à Levi,16). Thư Hip-ri, chương 9 diễn tả ý nghĩa của cái chết hiến tế của Chúa Giêsu: Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ chỉ là hình bóng: “Thánh Thần tỏ cho biết là lối vào thánh điện chưa được mở bao lâu lều thứ nhất vẫn còn đó” (Hr 9,8). “Đức Kitô đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn… Máu của Đức Kitô còn thanh tẩy lương tâm chúng ta… để chúng tra phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. Đó là máu của Đấng đã tự hiến tế, làm lễ vật vô tì tích cho Thiên Chúa, nhờ Thần Khí hằng hữu thúc đẩy. Bởi vậy Người là trung gian của một Giao Ước Mới”(Hr 9,11-15).

“Đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy”. Khi Thiên Chúa ngự xuống trên núi Xinai thì “cả núi rung chuyển mạnh” (Xh 19,18).  Khi Thiên Chúa xuất hiện để bênh vực người công chính: “Trái đất bỗng ầm ầm rung chuyển, chân núi đồi chấn động lung lay và Chúa nổi lôi đình” (Tv 18,8).

Bóng tối và động đất là dấu hiệu hiển linh của Thiên Chúa. Với cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã hiển linh để khai mở một ỷ nguyên mới, trong đó Thiên Chúa thật sự “ở với chúng ta”, không còn bức màn ngăn cách.

Cuộc hiển linh này là cuộc chiến thắng cả trong cõi chết: Chúa Giêsu đi vào cõi chết, tiêu diệt cả quyền lực của cái chết vốn ngự trị từ khi tội lỗi vào được thế giới loài người.

Mt sử dụng một ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh rất hiện đại để gợi cho chúng ta cảnh Chúa Giêsu đi vào cõi chết và chiến thắng.

Chúng ta hãy mường tượng một cuốn phim, trong đó vị anh hùng phải tiêu diệt cho được một kẻ thù hung dữ vốn ẩn núp rất kỹ. Cuối cùng trên màn hình chúng ta thấy vị anh hùng một mình một súng thận trọng từng bước tiến về một ngôi nhà trong rừng sâu mà ta chỉ đoán được vì có một đốm lửa phía trước… rồi ta bỗng nghe tiếng súng nổ, lửa chớp qua khung cửa sổ vừa bật tung… rồi im lặng … vị anh hùng với họng súng còn bốc khói đứng giữa mấy cái xác chết, trong một góc, mấy ngượi bị bắt làm con tin đang ngóc đầu lên, vừa mừng vừa sợ.

“Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”. Những người ngoại đạo nhận ra ý nghĩa của các dấu hiệu. Mt 8, 5-13 đã kể chuyện một viên đại đội trưởng đến xin Chúa chữa một tên đầy tớ của ông và được Chúa khen: “Tôi không thấy một người nào trong dân It-ra-en có lòng tin như thế” và Chúa tuyên bố: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng Ap-ra-ham, I-xa-ac và Gia-cop trong Nước Trời”. Lời ấy đã thành sự thật ngay lúc này. Họ đã nhận ra sự hiển linh của Thiên Chúa. Họ là những người đầu tiên nhận ra vị anh hùng đến giải cứu.

“Ở đó, có nhiều phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã đi theo Đức Giêsu từ Galilê để phục vụ Người…” Nhìn hình ảnh này, chúng ta lại chợt hỏi, các bà đứng đây, tuy đứng nhìn từ đàng xa, còn những người môn đệ thân tín thì đâu hết rồi! Mt cho chúng ta thấy nốt quang cảnh người “tội nhân lâm cơn cùng khốn” mô tả trong thánh vịnh 38,12: “Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa”. Chúa Giêsu vô tội nhưng đã bị liệt vào hàng tội nhân và chịu tất cả thân phận của một tội nhân, “nhưng thực ra Người đã mang lấy tội muôn người” (Is 53,12).

Chiều đến, có một nguời giàu sang đến…”. Mt tiếp tục gợi cho chúng ta hình ảnh người tôi tớ đau khổ, bị liệt vào hàng tội nhân, chết giữa các tội nhân nhưng lại có phần mộ với người giàu có (Is 53,9). Ông Giô-xép người Arimathê, là người giàu sang mà cũng là môn đệ Đức Giêsu, lần đầu tiên xuất hiện trong sách Tin Mừng. Ông xin được xác Đức Giêsu, “lấy tấm vải gai sạch mà liệm và đặt vào ngôi mộ mới ông đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông.”

Thế là thập giá của Chúa thì ông Simôn vác nhưng Chúa chịu đóng đinh trên đó,

còn mộ của ông Giô-xép thì chính ông lai đặt xác Chúa Giêsu vào đó, “lăn tảng đá lấp cửa mộ, rồi ra về. Thế là trọn vẹn: người đã chết và chịu mai táng vì đã mang lấy tội lỗi của chúng ta.

Một lần nữa Mt kéo chúng ta chú ý tới hai người phụ nữ cùng mang tên Maria, hai bà ngồi lại đó, quay mặt vào mộ. Hình ảnh chuyển tiếp sang cảnh tiếp theo.

Ta hãy tạm ghi nhận tên các nhân vật: Giô-xép và Maria. Mở đầu sách tin Mừng, Mt đã kể trong gia phả:  “ông Gia-cóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, do bà mà Đức Giêsu sinh ra, gọi là Kitô”. Trong phân đầu gia phả có tên ông Giacop.  Ông Giacop cũng có một người con tên là Giuse, người đã bị bán sang Ai Cập, nhưng lại cứu được cả gia đình khỏi chết đói bằng cách đưa cả gia đình sang ai Cập. Ông Giuse mới cũng có nhiệm vụ cứu “hài nhi và mẹ người” khỏi tay Herođê bằng cách trốn sang Ai Cập.

Khi Chúa Giêsu chết thì laị có một ông Giuse cứu xác Chúa khỏi bị quăng vào hố tập thể, mai táng đàng hoàng trong ngôi mộ của ông, có hai bà cùng tên Maria ngồi quay vào mộ.

Trong truyện Môsê thì Môsê được đặt trong thúng, thả giữa đám sậy trên sông Nin, có “người chị (tên là Maria) đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra…” (Xh 2,1-5).

Cùng với hai bà ta hãy chờ xem cái gì sẽ xảy ra!

(kính mời quý vị xem trang tiếp theo)

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *