Bản dịch Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng) của ĐTC Phanxicô – phần 1

Pope-Francis-Evangelii-Gaudium_medium

Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng) của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi toàn thcác Giám mục, Giáo sĩ, Tu sĩ Tín hữu Giáo dân về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay

Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phanxicô ra ngày 24/11/2013 gồm Phần mào đầu [1-18] và năm chương: Chương I [19-49], Chương II [50-109], Chương III [110-175], Chương IV [176-258] và Chương V [259-288]. Người dịch xin được chia làm sáu phần theo như bố cục sẵn có để dần giới thiệu cùng đọc giả. Sau đây là Phần mào đầu của Tông huấn, chuyển ngữ từ  

http://www.vatican.va/holy_father/francesco/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium_en.html

1. Niềm vui Tin Mừng có sức thỏa lấp bao trái tim và cuộc sống của tất cả những ai được gặp gỡ Đức Giêsu. Những người đón nhận ơn cứu độ của Ngài được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, nỗi đau cùng sự đơn côi và trống vắng nơi nội tâm của mình. Cùng hoà nhịp với niềm vui hằng được tái sinh của Đức Kitô, trong Tông huấn này, tôi những ước mong khơi nguồn cho các tín hữu Kitô giáo chúng ta lật sang một chương mới trong công cuộc loan báo Tin Mừng thắm đượm bản chất của niềm vui này, trong khi vạch ra những con lộ mới cho chuyến hành trình của Giáo Hội trong những năm sắp tới.

I. Mt nim vui mi ngày được nên mi, mt nim vui luôn được s chia

2. Mối nguy hại lớn nhất nơi thế giới ngày nay, bị ngập tràn bởi chủ nghĩa hưởng thụ, chính là tình trạng cô độc và đau khổ, đến từ một trái tim tự mãn nhưng tham lam, từ việc theo đuổi đến điên dại những thú vui phù phiếm và từ một lương tâm chai đá. Một khi đời sống nội tâm của chúng ta bị cuốn vào lợi ích và mối quan tâm riêng cho mình, thì lúc đó sẽ không còn có chỗ cho những người khác, sẽ không còn có chỗ cho tầng lớp người nghèo. Người ta giờ đây sẽ không còn có thể nghe được tiếng nói của Chúa, sẽ không còn có thể cảm nếm được niềm vui êm ấm nơi tình yêu Ngài, cùng nỗi khát vọng muốn làm điều thiện trở nên bị lu mờ đi. Đây cũng là mối nguy thực sự cho các tín hữu chúng ta nữa. Nhiều tín hữu đã rơi vào trạng thái đó và cuối cùng đi tới chỗ bực bội, tức tối và chán chường. Đó không phải là lối sống viên mãn và xứng hợp với phẩm giá con người; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí mà kín múc nơi thánh tâm của Đức Kitô phục sinh.

3. Tôi kêu mời tất cả các Kitô hữu chúng ta, ở khắp mọi nơi ngay lúc này đây, hãy làm mới lại cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, hay ít ra hãy để lòng mở rộng cho Ngài có thể gặp gỡ; tôi xin tất cả anh chị em hãy làm điều này mỗi ngày. Không ai được phép nghĩ rằng lời mời này không là của mình, vì “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui khởi phát từ Chúa” [1]. Chúa không lấy làm thất vọng với những ai dám dấn thân vào cuộc mạo hiểm này; bất cứ khi nào chúng ta thực hiện được một bước tiến đến với Đức Giêsu, thì lúc đó chúng ta sẽ nhận thấy rằng Ngài đã ở đó, đang giang tay đón chờ chúng ta. Bây giờ chính là lúc để nói lên với Ngài rằng: “Lạy Chúa, con đã để cho bản thân mình bị dối lừa; ngàn lần con đã xa lánh tình yêu Chúa, nhưng chính lúc này đây một lần nữa con lại làm mới giao ước của con với Chúa. Con cần có Chúa. Lạy Chúa, xin lần nữa cứu vớt con lên, xin lại mang con vào vòng tay cứu chuộc của Chúa.” Ôi, sướng vui sao được về với Chúa mỗi lần hoang đàng! Cho phép tôi lại nói điều này: Thiên Chúa không bao giờ nản lòng khi thứ tha cho chúng ta; chỉ có chúng ta là nản lòng khi kiếm tìm lòng thương xót của Chúa. Đức Kitô, Đấng đã dạy chúng ta hãy nên tha thứ cho nhau “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22), đã cho chúng ta một mẫu gương sinh động: Ngài đã thứ tha cho chúng ta đến bảy mươi lần bảy. Ngày lại ngày Ngài vẫn mang chúng ta trên vai. Không ai có thể tước khỏi chúng ta phẩm giá đã được tặng ban bởi do tình yêu hải hà và không bao giờ vơi cạn này. Cùng với sự dịu ngọt đầy hy vọng và luôn hoan lạc, Ngài đã khiến chúng ta có thể ngẩng đầu lên để bắt đầu lại. Chúng ta hãy để mình không còn phải lẩn trốn sự phục sinh của Đức Giêsu, hãy để mình không bao giờ phải bỏ cuộc, hãy tiến đến những gì sẽ tới. Có lẽ chẳng có gì truyền cảm hứng nhiều bằng chính đời sống của Ngài, một đời sống thúc bách chúng ta lao mình tiến về phía trước!

4. Các sách Cựu Ước đã tiên báo niềm vui cứu độ sẽ tràn ngập trong thời Đấng Cứu Thế. Như tiên tri Isaia đã hân hoan đón chào Đấng Cứu Thế được ngàn dân mong đợi: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm những nỗi vui mừng cho dân” (9:3). Ông đã khích lệ dân Xion hãy tiến ra gặp Ngài trong điệu hát cung đàn: “Dân Xion, hãy reo hò mừng rỡ!” ( 12:6). Vị tiên tri này đã thôi thúc những người đã nhìn thấy Ngài từ cõi xa xăm hãy rao truyền sứ điệp đó cho những người khác: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xion, hãy trèo lên núi cao; hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng kêu lên” (40:9). Quả là hết thảy mọi tạo vật đều được sẻ chia trong niềm vui cứu độ: “Các tầng trời hãy sướng ca, khắp mặt đất hãy nhảy mừng, và non đoài hãy bật tiếng hò reo! Vì Đức Chúa ủi an dân Ngài tuyển chọn và chạnh lòng thương đén những kẻ nghèo khổ của Mình” (49:13).

Dacaria, trong nỗi ngóng chờ ngày Chúa đến, đã kêu mời dân Chúa ngợi ca vị vua đến trong “khiêm tốn cưỡi trên lưng một con lừa”: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng hò reo! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Ngài là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng” (9:9).

Có lẽ lời kêu mời thú vị nhất là của tiên tri Xôphônia, ông đã giới thiệu Thiên Chúa với dân Ngài ở giữa một lễ hội tràn ngập niềm vui cứu độ. Tôi nhận thấy thật kỳ thú khi đọc lại lời của bản văn sau: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” (3:17).

Đây là niềm vui mà chúng ta kinh nghiệm mỗi ngày, giữa những điều nho nhỏ của cuộc sống, như là một sự đáp trả lời gọi mời thân thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta: “Con ơi, hãy làm cho đời mình được tốt đẹp với những gì là của con… Đừng chối từ không hưởng một ngày vui” (Hc 14:11,14). Quả là tình yêu phụ tử thật dịu ngọt đang âm vang trong những lời như thế!

5. Tin Mừng, rạng ngời vinh quang thập giá của Đức Kitô, liên tục gọi mời chúng ta hãy vui lên. Một vài ví dụ trưng dẫn sẽ đủ minh chứng cho điều đó. Thoạt đầu là lời chào mời của sứ thần nói với Đức Maria “Mừng vui lên!” (Lc 1,28). Kế đó là chuyến thăm của Đức Maria đến với người chị họ là bà Elizabeth đã làm cho hài nhi Gioan nhảy mừng trong dạ mẹ (x. Lc 1:41). Rồi qua bài ca chúc tụng của mình, Đức Maria đã tuyên xưng niềm tin của mình: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1:47). Trẻ Gioan thuở nào giờ đây đã cất tiếng kêu lên: “Đây là niềm vui của thầy, niềm vui đó giờ đây đã nên trọn vẹn” (Ga 3:29) đúng vào lúc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai. Ngay cả chính Đức Giêsu cũng không nén nỗi “mừng vui trong Chúa Thánh Thần” (Lc 10:21). Ngài đã đem đến niềm vui cho chúng ta qua sứ điệp: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em sẽ được nên trọn vẹn” (Ga 15:11). Quả thật, niềm vui Kitô hữu chúng ta được kín múc nhờ trái tim đầy tràn của Ngài. Ngài còn hứa với các môn đệ rằng: “Anh em sẽ buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ biến thành niềm vui” (Ga 16:20). Rồi sau lại tiếp lời: “Nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em và lòng anh em sẽ khấp khởi mừng vui; và niềm vui của anh em, không ai có thể lấy mất được” (Ga 16:22). Sau này khi nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh, các ông đã rất đỗi “vui mừng” (Ga 20:20). Sách Công Vụ Tông Đồ còn thuật lại cho chúng ta sự kiện các Kitô hữu đầu tiên “đã dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (2:46). Bất cứ nơi nào mà họ đến, “người ta đều rất đỗi mừng vui” (8:8), thậm chí ngay giữa những cơn bách hại mà họ vẫn “đầy tràn một niềm vui” (13:52). Rồi đến viên thái giám mới được rửa tội cũng “đã tiếp tục cuộc hành trình với lòng đầy nỗi sướng vui” (8:39), trong khi viên cai ngục coi thánh Phaolô “cùng cả nhà y đã vui mừng sướng đỗi vì đã tin Thiên Chúa” (16:34). Thế nên, với tất cả những điều trên, tại sao chúng ta lại không nhập vào dòng chảy hoan lạc tuyệt vời ấy?

6. Có những Kitô hữu sống đẫm tinh thần Mùa Chay mà lại không sống đượm tinh thần Phục Sinh. Dĩ nhiên, tôi nhận thấy rằng niềm vui không phải lúc nào cũng được thể hiện khuôn đúc như nhau trong đời sống, đặc biệt trong những thời khắc đầy cam go thử thách. Niềm vui khiến người ta thích nghi và đổi thay, nhưng nó luôn đòi hỏi một sự chịu đựng, tuy chỉ là một cái nháy sáng từ niềm xác tín cá nhân rằng, chúng ta chỉ sống dạt dào tình yêu khi được thanh thoát trong lời nói và việc làm. Tôi hiểu nỗi đau của những người phải chịu đựng đau khổ, nhưng dần dà chắc chắn rằng chúng ta phải để cho niềm vui của đức tin dần được hồi sinh thành một sự tin tưởng thầm lặng nhưng đầy mạnh mẽ, cả trong những lúc khổ đau nhất: “Hồn con vơi cạn lòng bình an thư thái, đã quên bén mùi hạnh phúc thuở nào… Nhưng đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con mới vững dạ cậy trông: Lượng từ bi Đức Chúa đâu đã cạn, lòng thương xót của Người vẫn mãi không vơi; sáng nào Người lại chẳng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả lắm thay… Biết lặng thinh đợi chờ, chờ đợi ơn cứu độ của Đức Chúa, đó quả là một điều hay” (Ac 3:17,21-23,26).

7. Thi thoảng chúng ta bị cám dỗ tìm đủ mọi lý do để phàn nàn, hành động như thể mình chỉ có thể có hạnh phúc nếu như mọi điều kiện được đáp ứng. Điều này chỉ xảy ra trong một mức độ nào đó thôi bởi lẽ “xã hội tân thời của chúng ta chỉ có thể giúp gia tăng cơ hội hoan lạc cho mọi người, nhưng lại khó có thể kiến tạo được niềm vui cho chính họ” [ 2 ].  Tôi có thể nói rằng những biểu hiện đẹp nhất và bản chân nhất của niềm vui mà tôi tìm thấy được trong đời mình chính là ở nơi những người nghèo, những người rất ít khi nào có thể giữ riêng cho họ được điều gì. Tôi cũng nghĩ đến những niềm vui thực sự thể hiện ra trên những con người khác, những người mà cả trong những hoàn cảnh nghiệp vụ đầy áp lực vẫn có thể bảo toàn một con tim tràn đầy niềm tin, trong sự gắn kết đơn sơ, giản dị. Dù theo cách thức nào đi nữa thì tất cả những niềm vui trên đã tuôn chảy từ một tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải chính Ngài cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô. Tôi sẽ không bao giờ cảm thấy chán chường khi phải lặp đi lặp lại những lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, những lời khả thể dẫn đưa chúng ta đến trọng tâm của Tin Mừng: “Là một người Kitô hữu không phải là kết quả đến từ một sự lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao siêu nào, nhưng đúng hơn là đến từ một cuộc gặp gỡ với biến cố, với con người mà qua đó đã mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định đời mình” [3].

8. Chỉ nhờ vào cuộc gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa này thôi – cuộc gặp gỡ có sức biến đổi, cuộc gặp gỡ làm nở rộ tình bằng hữu phong nhiêu mà chúng ta được giải thoát khỏi tính hạn hẹp ích kỷ và mê mải theo đuổi hình bóng chính mình. Chúng ta nên người vẹn tròn khi chúng ta thành người hơn, khi chúng ta để cho Thiên Chúa đưa mình vượt qua bản thân để đạt tới sự thật trọn vẹn nhất của con người chúng ta. Nơi đây chúng ta sẽ tìm thấy suối nguồn cảm hứng cho hết thảy những nỗ lực loan báo Tin Mừng của mình. Vì nếu chúng ta đã nhận được nơi tình yêu làm hồi phục ý nghĩa cho đời mình thì làm sao chúng ta lại có thể không sẻ chia một tình yêu như thế cho  những người khác được?

II. Nim vui thích i an ca vic loan báo Tin Mng

9. Sự thiện hảo luôn có sức lan toả. Mỗi một kinh nghiệm đích thực về chân lý và sự thiện hảo, tự bản chất nó mưu cầu sự lớn lên trong con người chúng ta, và bất kỳ những ai đã trải qua kinh nghiệm tự do sâu xa đều trở nên nhạy cảm hơn với các nhu cầu của người khác. Khi lan toả, sự thiện hảo bén rễ sâu và lớn lên. Nếu chúng ta muốn sống một cuộc sống tốt đẹp và tròn đầy, chúng ta phải hướng tới những người khác và tìm thấy nơi họ sự thiện hảo. Dưới nhãn quan này, lời Thánh Phaolô nói sẽ không khiến chúng ta lấy làm ngạc nhiên: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5:14); “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9:16).

10. Tin Mừng cho chúng ta cơ hội sống ở bình diện cao hơn, nhưng không kém phần mãnh liệt: “Cuộc sống có lớn lên là nhờ sự cho đi, và trở nên yếu nhược trong sự cô lập và an nhàn sung túc. Quả vậy, những ai đang vui hưởng cuộc sống trọn vẹn nhất lại là những người dám cởi bỏ sự an toàn của bản thân mà hăng say với sứ vụ thông truyền sự sống cho người khác.” Khi kêu mời các Kitô hữu mang lấy sứ vụ loan báo Tin Mừng, Giáo Hội đơn thuần nhắm đến nguồn cội trọn vẹn đích thực của cá nhân mỗi người. Vì “ở đấy chúng ta khám phá ra được một quy luật thực tại thẳm sâu: một cuộc sống như thế chỉ có thể đạt được và lớn lên khi nó được hiến dâng để đem lại sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là là những gì mà sứ vụ loan báo Tin Mừng muốn nhắm đến.” Do đó, một người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang hình thái của một kẻ vừa mới trở về từ một tang lễ! Chúng ta hãy phục hồi và cắm sâu bầu nhiệt huyết của mình, cũng như “niềm vui thích và an ủi của việc loan báo Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta phải gieo trong lệ sầu… Và thế giới đương thời này đây, trong khắc khoải, đớn đau và hy vọng, đôi khi lại có thể nhận được Tin Mừng mà không phải đến từ những người loan báo trong thất vọng, chán chường, thiếu kiên trung hay âu lo, nhưng đến từ những thừa tác viên Tin Mừng mà cuộc sống nơi họ chiếu toả cả bầu nhiệt huyết, đó là những người đầu tiên đã nhận được niềm vui của Đức Kitô.”

Mt điu mi l hng hu

11. Một sự canh tân trong phương cách giảng dạy có thể đem lại cho các tín hữu, cũng như những ai đang nguội lạnh buông bỏ, một niềm vui mới trong đức tin và những hoa lợi nơi công việc loan báo Tin Mừng. Trọng tâm của sứ điệp loan báo luôn là như nhau: Đó là Thiên Chúa đã mặc khải tình yêu hải hà của Mình nơi Đức Kitô chịu nạn và phục sinh. Thiên Chúa không ngừng đổi mới bất cứ những ai cậy trông vào Ngài: “Họ sẽ tung cánh như thể chim bằng, chạy mãi hoài mà không mỏi mệt, đi mãi mà chẳng thể chùn chân” (Is 40:31). Chính Đức Kitô là “Tin Mừng hằng hữu” (Kh 14:6), Ngài “cũng là hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13:8), nhưng sự phong nhiêu và vẻ tuyệt đẹp của Ngài là vô tận. Ngài mãi là chất nguồn mới lạ và trường sinh. Giáo Hội không bao giờ không hết ngạc nhiên trước “sự phong nhiêu, khôn ngoan và thấu suốt thẳm sâu của Thiên Chúa” (Rm 11:33). Thánh Gioan Thánh Giá đã từng nói lên rằng “bụi cây khôn ngoan và thấu suốt của Thiên Chúa quá thẳm sâu và rộng trải đến nỗi tuy có biết về nó nhiều đến đâu đi nữa, linh hồn vẫn mãi có thể thâm nhập sâu hơn vào bên trong nó.” Hay như Thánh Irênê đã từng viết: “Khi đến thế gian, Đức Kitô đã mang nơi Mình tất cả điều mới lạ.” Với điều mới lạ này, Ngài luôn có thể canh tân đời sống chúng ta và cộng đoàn chúng ta, và ngay cả khi sứ điệp Kitô giáo có được biết đến ngay trong thời đại tăm tối và yếu đuối của Giáo Hội đi chăng nữa thì nó vẫn sẽ không bao giờ úa mòn đi. Đức Giêsu có năng lực vượt qua mọi đêm dày mà chúng ta đã bủa vây Ngài và hằng khiến chúng ta phải ngạc nhiên vì tính sáng tạo thần thiêng của Ngài. Chỉ khi nào chúng ta nỗ lực trở về nguồn cội và phục hồi được sự tươi mới thuở ban đầu của Tin Mừng thì chính lúc đó con lộ mới sẽ xuất hiện, những con lộ mới lạ của sự sáng tạo sẽ được mở ra, với những hình thái biểu lộ khác nhau, với những dấu chỉ và lời nói hùng hồn hơn mang một ý nghĩa mới lạ cho thế giới ngày nay. Bởi lẽ, mọi hình thức loan báo Tin Mừng đích thực đều luôn là “mới lạ”.

12. Mặc dù đúng là sứ vụ loan báo cần đòi hỏi sự quảng đại của mỗi người chúng ta, nhưng sẽ sai lầm nếu chỉ xem nó như là một hành động cá nhân anh hùng, vì đó trước nhất và trên hết là công việc của Chúa, vượt trên những gì mà chúng ta có thể cảm nếm và hiểu được. Chính Đức Giêsu là “thừa tác viên loan báo Tin Mừng tiên khởi và vĩ đại nhất.” Trong mọi hoạt động loan báo Tin Mừng, tính ưu việt mãi luôn thuộc về Thiên Chúa là Đấng đã kêu gọi chúng ta hãy cộng tác với Ngài và dẫn dắt chúng ta bằng sức mạnh của Thần Khí. Sự mới lạ đích thực này là sự mới lạ mà chính Thiên Chúa đã âm thầm mang lại và truyền cảm hứng cho chúng ta, đã thúc bách, dẫn đưa và đồng hành cùng chúng ta trong nhiều cách thức khác nhau. Đời sống của Giáo Hội phải luôn minh chứng rằng Thiên Chúa đã thực thi sáng kiến “yêu thương chúng ta ngay từ thuở đầu” (1 Ga 4:19) và chỉ Mình Ngài là Đấng “làm cho mọi sự được lớn lên” (1 Cr 3:7). Chính niềm xác tín này khiến chúng ta có thể giữ được cho mình tinh thần vui tươi ngay giữa một sứ vụ quá đỗi đòi hỏi và thách đố đến nỗi chiếm lấy toàn bộ cuộc sống bản thân. Thiên Chúa đòi hỏi mọi điều nơi chúng ta, nhưng đồng thời Ngài cũng lại tặng ban cho chúng tôi hết thảy mọi thứ.

13. Chúng ta cũng không nên xem cái mới lạ nơi sứ vụ này như điều dẫn đến việc loại bỏ hay lãng quên đi lịch sử sống động đã phủ vây và hướng ta tiến về phía trước. Ký ức chính là một chiều kích của đức tin mà chúng ta có thể gọi nó như một bộ “đệ nhị quy điển”, giống như ký ức của chính dân Do thái vậy. Chính Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta Bí Tích Thánh Thể để Giáo Hội hàng ngày tưởng nhớ và sẻ chia sâu sắc biến cố Vượt Qua của Người (x. Lc 22,19). Niềm vui loan báo Tin Mừng luôn được phát xuất từ lòng biết ơn tưởng nhớ đến Ngài: đó là ân sủng mà chúng ta cần phải không ngừng cầu xin. Các tông đồ không bao giờ quên đi cái thời khắc khi Đức Giêsu chạm đến con tim của họ: “Đó là khoảng bốn giờ chiều” (Ga 1:39). Cùng với Đức Giêsu, việc tưởng nhớ này đã làm hiện diện nơi chúng ta “một vầng mây nhân chứng” (Dt 12:1), vài người trong số các tín hữu chứng nhân này mà chúng ta nhớ lại với niềm hoan hỉ lớn lao: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã loan báo lời Chúa cho anh em” (Dt 13:7). Vài người trong số họ lại là những người rất đỗi bình thường đã sống gần gũi với chúng ta và dẫn dắt chúng ta đến đời sống đức tin: “Tôi nhớ lại lòng tin chân thành của anh, lòng tin đã có nơi bà ngoại anh là cụ Lôis và nơi mẹ anh là bà Êunikê” (2 Tm 1:5). Người tín hữu thực chất là “một người hồi tưởng.”

III. Tân phúc âm hoá cho s v truyn bá đc tin

14. Lắng nghe sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần là Đấng giúp ta cùng đọc ra các dấu chỉ của thời đại, Đại hội thường niên lần thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 10 năm 2012 đã thảo luận chủ đề: Tân Phúc Âm Hoá cho sứ vụ truyền bá Đức tin Kitô giáo. Thượng Hội Đồng đã tái khẳng định rằng việc tân phúc âm hoá là một lời kêu gọi gửi đến toàn thể mọi người và được thực hiện trong ba chiều kích chính yếu.

15. Ở chiều kích thứ nhất, chúng ta có thể đề cập đến lĩnh vực mục vụ thông thường được “tràn đầy sức sống nhờ ngọn lửa Thánh Linh soi tỏ, làm bùng cháy ngọn lửa nơi trái tim của các tín hữu, những người thường xuyên tham gia các lễ nghi phụng tự chung và tụ họp quanh nhau vào ngày của Chúa đề được dưỡng nuôi bằng lời Ngài và bằng bánh hằng sống.” Nơi chiều kích này, chúng ta cũng nhớ đến những tín hữu còn giữ một niềm tin đơn thành sâu sắc được thể hiện ra qua những cách thức khác nhau tuy ít khi tham gia những lễ nghi phụng tự. Mục vụ thông thường nhằm giúp các tín hữu lớn lên trong đời sống thiêng liêng để họ có thể đáp lại tình yêu Thiên Chúa ngày một trọn hảo hơn trong đời sống của họ.

Chiều kích thứ hai là chiều kích hướng đến “những ai đã được rửa tội nhưng đời sống của họ chưa phản ánh thực chất những đòi hỏi của Bí tích Rửa tội,” đó là những người thiếu vắng tương quan có ý nghĩa đối với Giáo Hội và không còn trải nghiệm ơn an ủi có được nhờ đức tin. Giáo Hội với lòng từ mẫu của một người mẹ đã cố gắng giúp họ có được kinh nghiệm hoán cải mà khiến cho con tim họ có lại được niềm vui của đức tin và gợi hứng họ dấn thân cho Tin Mừng.

Sau hết, chúng ta không thể quên một điều rằng trước nhất và trên hết Phúc Âm hóa chính là công cuộc loan báo Tin Mừng cho những người không biết đến Đức Giêsu Kitô hay những người vẫn luôn từ chối Ngài. Nhiều người trong số họ vẫn đang âm thầm kiếm tìm Thiên Chúa, được thôi thúc bởi một nỗi khát khao được nhìn thấy khuôn mặt Ngài, ngay cả trong những quốc gia có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Tất cả họ đều có quyền được đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu chúng ta phải có trách vụ loan báo Tin Mừng cho hết thảy mọi người mà không được phép loại trừ bất kỳ ai. Thay vì xem điều đó như một nghĩa vụ áp đặt mới thì họ nên như những người muốn sẻ chia niềm vui của mình, như những người chỉ ra một chân trời tốt đẹp và như những người gọi mời người khác cùng chung vui dự tiệc với mình. Không phải nhờ truyền đạo mà Giáo Hội được lớn lên, nhưng Giáo hội được lớn lên “nhờ sức lan toả” nơi chính mình.

Đức Gioan Phaolô II đã từng kêu mời chúng ta nhận ra một điều rằng “không được làm thui chột đi động lực loan báo Tin Mừng” cho những người còn đang ở xa Đức Kitô, “bởi đây chính là nhiệm vụ trước nhất của Giáo Hội.” Thật vậy, “ hoạt động loan báo Tin Mừng ngày nay vẫn còn là thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội” và “ sứ vụ loan báo ấy phải tiếp tục được đặt lên hàng đầu.” Điều gì sẽ xảy đến nếu như chúng ta xem trọng những lời nói này? Chúng ta sẽ nhận thấy công cuộc loan báo Tin Mừng là mẫu thức chung cho hết thảy mọi hoạt động của Giáo hội. Theo đó, các giám mục Mỹ châu La tinh đã khẳng khái nêu lên rằng chúng ta “không thể thụ động và an lòng ngồi chờ nơi các thánh đường của mình được”; chúng ta cần phải can đảm bỏ đi “lối mục vụ truyền thống kiểu bảo trì để dứt khoát chuyển sang kiểu mục vụ truyền giáo cách đích thực.” Sứ vụ này vẫn còn là một suối nguồn niềm vui bất tận cho Giáo Hội: “Vì thế, tôi nói cho các ông hay: trên trời ai nấy sẽ mừng vui vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15:07).

Phm vi và nhng hn đnh ca Tông hun

16. Tôi lấy làm vui mừng khi tiếp nhận lời thỉnh nguyện của các nghị phụ trong Thượng Hội Đồng để viết nên tông huấn này. Làm như vậy, tôi đang gặt hái thành quả lao tác phong phú nơi Thượng Hội Đồng. Thêm nữa, tôi đã tham khảo nhiều lời khuyên từ một số người hữu trách và muốn tỏ bày mối quan tâm của tôi về tiến trình cụ thể trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội cho thế giới hôm nay. Vô vàn các vấn đề liên quan đến sứ vụ này có thể sẽ được đem ra bàn thảo ở đây, nhưng tôi không muốn thái quá khi để mình lấn sâu vào các vấn đề mà đòi hỏi cần có nhiều thời gian để suy tư nghiên cứu thêm nữa. Cũng như tôi không tin rằng người ta lại có thể mong đợi nơi giáo huấn của Đức Giáo Hoàng một câu trả lời dứt khoát và trọn vẹn cho mọi vấn đề đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến Giáo Hội và thế giới ngày nay. Sẽ không minh mẫn chút nào khi Đức Giáo Hoàng lại thay thế các giám mục địa phương trong việc nhận định mọi vấn đề phát sinh trong lãnh thổ của các ngài. Thế nên, tôi ý thức được lợi ích cần thiết phải đi đến việc”phân quyền” cho Tông huấn này.

17. Trong Tông huấn này, tôi đã chọn trình bày một số chỉ dẫn mà có thể khích lệ và hướng dẫn toàn thể Giáo Hội trong một giai đoạn mới của công cuộc loan báo Tin Mừng, một giai đoạn đầy sức sống và bầu nhiệt huyết. Trong bối cảnh như thế, và dựa trên nền giáo huấn của Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, tôi đã quyết định, trong số các chủ đề khác nhau, đặt quan tâm bàn thảo sâu hơn về các vấn đề sau:

a) Công cuộc cải tổ Giáo Hội hướng đến sứ vụ truyền giáo;

b) Những cám dỗ mà những người đang làm công tác mục vụ phải đối mặt;

c) Vấn đề Giáo Hội, hiểu như toàn thể Dân Chúa trong công cuộc loan báo Tin Mừng;

d) Bài giảng lễ và cách thức chuẩn bị;

e) Việc mở lòng đón lấy người nghèo trong xã hội;

f) Vấn đề hòa bình và đối thoại trong xã hội;

g) Những động lực thiêng liêng cho sứ vụ truyền giáo.

18. Tôi đã bàn thảo khá chi tiết về các chủ đề này mà đôi khi xem ra có vẻ là nặng nề. Tuy nhiên, tôi đã làm như vậy, không phải với mục đích cung cấp một khảo luận xứng tầm nhưng chỉ đơn giản là một cách cho thấy ý nghĩa thực tiễn quan trọng của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội nơi thế giới hôm nay. Tất cả những vấn đề trên cho phép chúng ta định hình được một phong thái loan báo Tin Mừng mà tôi đòi hỏi anh chị em hãy áp dụng trong mọi hoạt động mà các anh chị em đang thực hiện. Bằng cách này, chúng ta có thể thực hiện được trong những nỗ lực hàng ngày của mình lời khuyên Kinh Thánh sau: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: hãy vui lên anh em!” ( Ph 4:4)

js.tuannguyen.sj

(còn tiếp)

[1] PHAOLÔ VI, Tông huấn Gaudete in Domino (9/5/1975), 22: AAS 67 (1975), 297.

[2] Ibid. 8: AAS 67 (1975), 292.

[3] Tông thư Deus Caritas Est (25/12/2005), 1: AAS 98 (2006), 217.

[4] CÔNG NGHỊ V CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC MỸ CHÂU LATINH VÀ VÙNG CARIBBÊ, Văn kiện Aparecida (29/6/2007), 360.
[5] Ibid.

[6] PHAOLÔ VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (8/12/1975 ), 80: AAS 68 (1976), 75.
[7] Bài ca tâm linh, 36, 10.
[8] Adversus Haereses, IV, c. 34, n. 1: PG 7, pars prior, 1083: “Omnem novitatem attulit, semetipsum afferens”.
[9] PHAOLÔ VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (8/12/1975 ), 7: AAS 68 (1976), 9.
[10] Cf. Propositio 7.

[11] BÊNÊĐICTÔ XVI , Bài giảng trong Thánh Lễ Bế Mạc của Thượng Hội Đồng Giám Mục (28/10/2012): AAS 104 (2102 ), 890.
[12] Ibid.

[13] BÊNÊĐICTÔ XVI , Bài giảng trong Thánh Lễ Khai Mạc Công Nghị V của Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh và vùng Caribbê (13/5/2007) , Aparecida , Brazil: AAS 99 (2007), 437.
[14] Tông thư Redemptoris Missio (7/12/1990 ), 34: AAS 83 (1991), 280.
[15] Ibid., 40: AAS 83 (1991), 287.

[16] Ibid., 86: AAS 83 (1991), 333.

[17] CÔNG NGHỊ V CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC MỸ CHÂU LATINH VÀ VÙNG CARIBBÊ, Văn kiện Aparecida (29/6/2007), 548.
[18] Ibid., 370.

[19] Cf. Propositio 1.

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *