[Bạn đường Đức Giêsu]: Anh em bảo thầy là ai?

Tác giả: Nguyễn Mai Kha, S.J. – Cao Gia An, S.J.

Các bạn trẻ thân mến,

Nếu bất ngờ có người đặt câu hỏi với bạn “Chúa Giêsu là ai?” có lẽ bạn sẽ không gặp khó khăn gì để trả lời rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng Messia, là Đấng Cứu Độ trần gian, … và bạn có thể kể ra nhiều danh hiệu khác dành cho Chúa Giêsu. Tất cả những danh hiệu kể trên hoàn toàn chính xác về Chúa Giêsu và chẳng có ai nghi ngờ về câu trả lời ấy. Đó là những gì chúng ta được nghe và được dạy. Tuy nhiên, biết Đức Giêsu không dừng lại ở kiến thức, không dừng lại ở Đức Giêsu như một con người lịch sử, biết Chúa Giêsu còn hệ ở cái biết cá vị. Có bao giờ bạn tự hỏi, đối với tôi Chúa Giêsu là ai?

Tin mừng thánh Matthêu chương 16 kể rằng khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” Câu trả lời rất nhiều và đến từ nhiều phía: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ.” (Mt 16, 14) Đến khi Đức Giêsu hỏi chính các môn đệ “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Câu trả lời chỉ có một, đến từ một môn đệ mà thôi. Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Ki tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 15)

Là những người bạn đường của Đức Giêsu, chắc chắn có lúc Ngài cũng quay lại hỏi chính mỗi người chúng ta rằng còn con, con bảo Thầy là ai? Đấy là lúc Đức Giêsu muốn nghe câu trả lời cá vị và thiết thân, câu trả lời ngoài những gì ta đã nghe biết về Ngài. Đức Giêsu muốn biết ta nghĩ gì về Ngài, ta cảm thấy Ngài như thế nào, ta tương quan với Ngài ra sao. Câu trả lời không còn là lặp lại những gì đã nghe biết, không phải là “người ta bảo” nhưng là câu trả lời của riêng bản thân mỗi người chúng ta.

Câu trả lời thiết thân chỉ đến từ kinh nghiệm riêng tư, từ tương quan cá vị với Thầy Giêsu. Nếu đã không từng ở với Ngài, không bắt gặp ánh mắt của Ngài, không cùng cảm thức với Ngài, chúng ta khó lòng có được câu trả lời thiết thực Ngài là ai. Biết Chúa Giêsu cách thiết thân là kết quả của một quá trình được mời gọi, đến gặp gỡ, ở với Ngài và biết Ngài cách thâm sâu. Quá trình biết Đức Giêsu là hành trình trở nên môn đệ của Ngài. Không thể nói biết Chúa Giêsu cách đích thực mà lại không được Ngài biến đổi, không trở thành người theo gót bước của Ngài.

Chúng ta thừa hưởng đức tin từ truyền thống giáo hội, từ những chứng nhân gần gũi nơi môi trường sống thường ngày. Có lẽ ít khi nào ta tự hỏi về đức tin của mình và việc biết Đức Giêsu nhiều khi chỉ dừng lại ở những gì ta được nghe biết. Hoặc cũng có khi ta chỉ chú trọng vào việc biết Chúa Giêsu ngang qua kiến thức về Ngài. Tất cả những điều trên đều quan trọng và giúp ta có được cái nhìn đầu tiên về Chúa Giêsu. Bước tiếp theo ta cần có tương quan cá vị và thiết thân với Ngài. Tương quan cá vị chính là câu trả lời của mỗi người cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Con bảo Thầy là ai?” 

Đến lượt bạn, câu trả lời này là của riêng bạn!

Lạy Thầy Giêsu, 

Thầy không gọi chúng con là tôi tớ, 

Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ. 

Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy, 

vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con 

những điều riêng tư thầm kín nhất 

trong tương quan giữa Thầy với Cha. 

 

Hơn nữa, sau phục sinh, 

Thầy đã gọi các môn đệ là anh em. 

Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng 

đứng đầu một đoàn em đông đúc. 

Xin cho chúng con 

luôn thi hành ý muốn của Cha 

để trở nên những người em 

cùng huyết nhục với Thầy. 

 

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên 

làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. 

Còn Thầy lại hạ mình xuống 

phục vụ chúng con như người tôi tớ, 

rửa chân cho chúng con như một nô lệ 

và chết thay cho chúng con trên thập giá. 

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy 

và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen. 

 

(Rabbuni, lời nguyện 33)

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *