[Bạn Đường Đức Giêsu]: Sự thật là gì?

 

Tác giả: Nguyễn Mai Kha, S.J. – Cao Gia An, S.J.

Các bạn trẻ thân mến,

Tin Mừng Thánh Gioan chương 18 ghi lại câu chất vấn của quan Philatô: “Sự thật là gì?” Ông hỏi câu này sau khi Đức Giêsu tuyên bố trước tòa: “…tôi đã sinh ra và đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Phàm ai phát xuất từ sự thật thì lắng nghe tiếng tôi”(Ga 18, 37-38). Thật là ngược ngạo khi Người Tù là kẻ làm chứng cho sự thật, còn quan tòa lại bị đẩy vào thế phải tự hỏi sự thật là gì! Thật là nghịch lý khi Người Tù đứng yên một chỗ để dõng dạc tuyên bố sự thật, còn quan tòa thì phải lay hoay hết bên này đến bên kia để lấp liếm và chạy chối! Chỉ những ai xuất phát từ sự thật mới có thể lắng nghe và đón nhận tiếng nói của sự thật. Thế nên, quả thật là tai họa khi người cầm cân nẩy mực không phải là người đứng về phía sự thật.

Dù sao đi nữa, qua phiên tòa được Thánh Gioan kể lại, chúng ta thấy rõ sức mạnh âm thầm mà mãnh liệt của sự thật. Sống theo sự thật là một mệnh lệnh được khắc sâu trong lương tâm mỗi con người. Sự thật đòi con người phải bước theo, dù rằng điều ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng. Để can đảm bước theo sự thật, đôi khi người ta phải trả giá một vài điều. Thế nhưng chối bỏ sự thật, người ta sẽ bị giằng xé lâu dài và triền miên. Sự lúng túng bất an của quan tòa Philatô là biểu hiện rất rõ những tác động giằng xé của sự thật trong lương tâm ông. Sau ba lần liên tục tuyên bố theo tiếng nói lương tâm: “Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (18, 38; 19,4; 19,6), Philatô hành động ngược lại với những gì mình tuyên bố bằng việc giao kẻ vô tội cho người ta đem đi giết. Với hành động ấy, thật ra Philatô đã chấp nhận trao nộp chính mình cho sự gian dối và bất công. Ông tự biến mình trở thành một người tù, dưới sự ràng buộc của danh lợi phù phiếm, của nỗi lo sợ mất chức mất quyền, của sự e ngại gặp rắc rối lôi thôi…

Thưa các bạn,
“Sự thật là gì?” có lẽ là câu hỏi thường xuyên của chúng ta ngày nay. Trước những điều kiện rộng mở của thế giới hiện đại, nhất là trước sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, chúng ta có nhiều cơ hội để tiếp cận với bao nguồn thông tin. Rất nhiều khi, đó là những thông tin đa chiều, khác biệt và đối kháng nhau. Đã bao lần chúng ta đã phải băn khoăn tự hỏi: Có phải sự thật lúc nào cũng thuộc về những kẻ to miệng? Có phải sự thật lúc nào cũng đứng về phía đám đông? Đâu là sự thật ẩn nấp đằng sau những tuyên bố, những sự kiện? Đằng sau những thông cáo đại chúng có vẻ như đầy xác tín và chính trực, liệu có điều gì bị bóp méo hay cắt xén chăng? Sự thật là gì?

Muốn biết sự thật không chỉ đơn giản là một sự tò mò vô bổ, nhưng là một trong những khát vọng tự nhiên, mãnh liệt và sâu thẳm nhất của con người. Một người có đầy đủ tự do và nhân phẩm là người có quyền được biết sự thật và được sống sự thật trong cuộc đời mình.
Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, không ít lần chúng ta chứng kiến sự thật bị bóp méo và bị chà đạp. Rất nhiều khi sự thật không được chọn làm tiêu chuẩn tối thượng để hướng dẫn cuộc sống. Có những sự thật dễ gây mất lòng nhau, nên nhiều người chấp nhận làm lơ đi để được sống tự tại yên ổn. Có những sự thật tước đi của người ta nhiều quyền lợi và ưu đãi, nên người ta chấp nhận dìm chìm và ém nhẹm sự thật. Nhìn những thiệt thòi trước mắt, thay vì chọn dấn thân cho sự thật, nhiều người đã chấp nhận vùi mình trong những khoảng tối, giữa những mảng lập lờ… Bao lâu còn xây dựng đời mình trên những nền tảng giả dối, bấy lâu chúng ta còn sợ sự thật. Bao lâu còn bị lèo lái như một con rối bởi những điều không ngay chính, bấy lâu chúng ta còn phải tránh né lòng vòng trước sự thật. Có khi nào như Philatô, vì e sợ ngại ngần mà chúng ta đã nhượng bộ trước áp lực của sự gian dối? Đã bao giờ chúng ta chấp nhận bắt tay với những đặc quyền nho nhỏ tạm bợ mà sự sự giả dối mang lại, để làm thinh và rửa tay trước sự thật?

Đức Giêsu xác định rằng mình đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Ngài đã sống cuộc đời mình như một lời chứng hùng hồn về một sự thật lớn lao nhất, đó là: Thiên Chúa yêu thương con người, Thiên Chúa đã làm người để sống với con người và dẫn đưa con người về cõi sống. Thế nên con đường làm người môn đệ của Đức Giêsu là con đường trở nên một người chứng cho sự thật.

Bất chấp những đe dọa và nguy hiểm, Đức Giêsu cho chúng ta một đảm bảo chắc chắn: “Sự thật sẽ giải phóng anh em”(8, 32). Chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu đứng đối diện với quan Philatô, chúng ta nhận ra giá trị giải phóng của sự thật. Sự thật giải phóng không theo nghĩa giúp chúng ta chạy trốn, cũng không cất khỏi chúng ta những giá trả đau thương. Nhưng sống trong sự thật, chúng ta trở thành con người tự do thực sự, được giải phóng hoàn toàn khỏi mọi nỗi sợ hãi dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, tù đày… (x. Rm 8, 36). Trong sự thật, người ta mới thực sống và mới tìm thấy giá trị và ý nghĩa thực sự cho cuộc đời mình.

Xã hội nào cũng cần có những con người dám lên tiếng vì sự thật và dám sống cho sự thật. Trong môi trường còn nhiều bóng tối của gian dối và bất công, ước gì mỗi người chúng ta có thể góp chính tiếng nói của mình để làm vang lên sự thật của Thiên Chúa trên quê hương đất nước chúng ta.

Kiểm tra tương tự

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết | Suy tư Tin Mừng CN 33 Thường Niên B

SUY TƯ TIN MỪNG CHÚA NHẬT 33 Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa …

Cõi lòng thật và cõi lòng giả

  “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *