Một người được coi là giàu hay nghèo tuỳ thuộc vào những gì họ có. Tuy nhiên, nếu như tài sản vật chất có thể được kiểm chứng khá dễ dàng thì có những giá trị khác cũng thuộc về con người nhưng không thể cân đong đo đếm được. Như thế, sự đầy đủ hay thiếu thốn không chỉ được đánh giá ngang qua của cải vật chất mà còn liên quan đến tính chất nội tại nơi mỗi con người. Do vậy, bài viết này sẽ không đề cập đến thực trạng giàu nghèo trong xã hội vốn là vấn đề thuộc về lĩnh vực nghiên cứu khác. Thay vào đó, chúng ta hãy nhìn về giá trị của con người nói chung để thấy được những gì mà tất cả mọi người đều có và những gì con người luôn phải mong mỏi tìm kiếm.
Nếu như của cải vật chất là tiêu chí khách quan để so sánh các mức độ giàu nghèo khác nhau thì những kiểu so sánh như “thời gian là vàng bạc” hay “sức khỏe là vàng” lại khiến cho việc đánh giá có phần phức tạp hơn. Quả thật, không phải bất cứ giá trị nào trong cuộc sống cũng đều quy ra tiền được, và do đó cũng khó có thể xác định ai giàu hơn ai. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần đến với người khác trong tâm thế đi thăm “người nghèo”, nghĩa là cho rằng mình “giàu” hơn họ. Dĩ nhiên đó là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn thực sự, ngay trong việc đáp ứng những nhu cầu mưu sinh hằng ngày. Trong xã hội, họ được coi là người nghèo vì không có được những gì mà người khác có. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì họ cũng có nhiều thứ mà những người đang sống một cuộc sống sung túc chưa chắc đã có được. Sự bình an nội tâm, tình liên đới với tha nhân, thái độ lạc quan yêu đời và còn nhiều giá trị khác nữa mà tiền bạc không thể mua được. Tất nhiên, thực tế cho thấy khi có nhiều tiền bạc thì người ta có thể dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn hay chăm sóc sức khỏe tốt hơn; tiền của cũng mang đến nhiều bạn bè hơn, đời sống vì thế cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng không ai giàu đến mức có thể có được tất cả mọi thứ, và cũng không ai nghèo đến mức không còn gì giá trị cho cuộc sống của họ và cho người khác. Quả thế, có những thứ con người luôn luôn sở hữu cho dù điều kiện ngoại cảnh như thế nào đi nữa. Ngược lại, có những giá trị nằm bên ngoài khả năng kiểm soát của con người, bất chấp mọi tiến bộ vượt bật của nền văn minh nhân loại. Như vậy xét theo một nghĩa nào đó thì tất cả mọi người đều giàu và cũng đều nghèo.
Trước hết, tất cả mọi người đều được sinh ra với phẩm giá làm người. Có thể nói phẩm giá là quà tặng được trao ban để con người có được vai trò và vị trí đặc biệt so với muôn loài muôn vật khác trong vũ trụ. Thật vậy, con người không có thể tự tạo ra cũng như không thể xóa bỏ phẩm giá của mình. Tất nhiên trong thực tế vẫn có không ít người được coi là sống không xứng với phẩm giá của mình khi cách hành xử của họ đi ngược với những chuẩn mực đạo đức đòi hỏi nơi mỗi con người. Tuy vậy, không phải vì thế mà phẩm giá làm người của họ bị tước mất đi. Một minh chứng rõ ràng là trong mọi quốc gia đều có những cách đối xử dành riêng cho những đối tượng này như nhà tù, trại cải tạo, trung tâm phục hồi nhân phẩm hay những hình thức giáo dục khác tương tự như thế. Như vậy con người vừa thật giàu có vì có được tài sản không bị đánh mất nhưng cũng vừa thật nghèo nàn vì nhiều khi không sống trọn vẹn phẩm giá của mình. Vì thế cho nên con người phải luôn sống trong căng thẳng, giữa một bên là lời mời gọi không ngừng sống lý tưởng cao quý đã chân nhận và một bên là sự yếu đuối, bất lực và cả những rào cản hay cám dỗ tưởng chừng như không thể vượt qua lôi kéo con người hạ thấp phẩm giá của mình và của người khác. Theo đó, con người nghiệm ra rằng mình thật mạnh mẽ bởi vì có khả năng kiểm soát được nhiều thứ nhưng cũng rất mong manh, đặc biệt là lúc khó khăn đau khổ làm mất đi sự hy vọng, tin tưởng; con người gần như có được sự tự do vô hạn trong tư duy nhưng cũng thấy mình thật hữu hạn trước những vấn nạn thực tế trong cuộc sống; sự liên đới trong xã hội giúp hỗ trợ, tăng cường năng lực của mỗi cá nhân nhưng cũng đặt con người vào trong một giới hạn nhất định khi phải xung khắc lợi ích với người khác.
Thời đại ngày nay với nhiều phát minh quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã làm thay đổi cục diện đời sống con người so với chỉ vài chục năm về trước, con người có cảm tưởng như mình đang làm chủ tất cả mọi sự và vì thế gạt bỏ luôn quan niệm về một đối tượng siêu việt nào đó bên ngoài khả năng nhận thức của mình. Như vậy, một mặt, con người đang ngày càng trở nên giàu có hơn vì sở hữu được nhiều thứ hơn nhờ những phát minh, khám phá của mình. Mặt khác, với tất cả những gì đã có hay có thể có thì con người vẫn không thể phủ nhận những giới hạn cố hữu mà tự sức mình không thể nào vượt qua hay giải thích được. Một trong những ranh giới rõ ràng nhất chính là sự chết bởi vì đã là người thì ai cũng đến ngày phải chết. Vì thế cho nên một câu hỏi luôn được đặt ra là tại sao con người cần phải nỗ lực phấn đấu làm việc vất vả để rồi đến lúc nhắm mắt xuôi tay lại không còn giữ được điều gì cho mình. Chính những băn khoăn thao thức về sự hữu hạn của kiếp người sẽ dẫn con người đến việc tin nhận một chiều kích tuyệt đối hay bất diệt nơi những gì chóng qua ở đời này. Theo đó, sự thiếu thốn của con người nằm ngay trong bản chất của cuộc sống, khi mà những cố gắng của mỗi người không đảm bảo kéo dài sự tồn tại của họ và những giá trị mà họ tạo ra. Tuy vậy, khi nghĩ về đời sống tâm linh, con người cũng cảm thấy mình thật giàu có vì nơi mình có một sự sống rất đặc biệt mà cái chết không thể chấm dứt được.
Ngoài ra, một trong những giá trị khiến con người cảm nghiệm rõ nét nhất sức mạnh bất khuất nơi mình chính là sự tự do nội tâm. Thật vậy, con người hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn và sắp đặt những giá trị làm nên ý nghĩa cho đời sống của riêng mình. Mỗi người có quyền đề ra những mục tiêu hay lý tưởng sống khác nhau và do đó cũng chịu trách nhiệm cá nhân về lựa chọn của mình. Như thế, sự tự do nội tâm là vũ khí lợi hại mà tất cả mọi người đều có thể có mỗi khi phải đương đầu với những nghịch cảnh trong cuộc sống. Quả thật, không ai có khả năng cướp mất sự tự do nội tâm nơi người khác. Rõ ràng là người ta có thể cầm tù thân xác nhưng không thể giam hãm tinh thần tự do bên trong mỗi người. Điều này được biểu hiện cụ thể qua gương những chứng nhân anh hùng không chịu khuất phục trước những đòn tra tấn dã man hay thậm chí là dám dùng cái chết để bảo vệ cho lý tưởng sống hay đức tin của mình. Như thế, giá trị của sự tự do trong tinh thần vượt ra khỏi những giới hạn của thể lý. Thật vậy, những thiếu thốn về vật chất không thể ngăn cản người ta sống lạc quan, yêu đời; những đau khổ vì mất mát không dập tắt được hy vọng tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn; những thất bại thảm hại cũng không buộc người ta phải từ bỏ ước mơ, hoài bão. Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người có được sức mạnh toàn năng. Những lối suy nghĩ tích cực có thể giúp ích nhiều nhưng vẫn không bảo đảm được hạnh phúc trọn vẹn cho con người. Sự tự do nội tâm không phải là liều thuốc phiện chỉ giúp con người tạm quên đi những khó khăn trong thực tế để mơ tưởng về một thiên đường ảo ảnh. Thật vậy, có những tai ương xảy ra gây ra sự đau đớn lớn hơn cả sức mạnh của ý chí khiến con người phải cậy nhờ vào sức mạnh lớn lao hơn ở bên ngoài mình. Như thế, dù khi khả năng được khuếch đại tối đa nhờ sự tự do nội tâm thì con người vẫn cảm thấy sự thiếu thốn nơi mình khi đối diện với thực tại cuộc sống đầy những khó khăn, thách đố mà tự sức mình không thể vượt qua nổi.
Cuối cùng, bản chất con người còn được thể hiện ngang qua sự liên đới với người khác. Quả thật, như người ta vẫn thường nói, không ai là một ốc đảo. Theo đó, con người nhận ra giá trị của bản thân khi cùng với người khác chung tay xây dựng xã hội này. Sự liên đới giữa người với người vượt ra ngoài khoảng cách địa lý hay thời gian. Thật vậy, một người hoàn toàn có thể cảm nhận được rằng đời sống của mình mang một ý nghĩa nhất định nào đó đối với người thân đang ở tận bên kia bán cầu; hoặc người ta vẫn tin rằng sau khi chết đi thì những gì mình đã cống hiến trong thời gian còn sống vẫn có giá trị đối với các thế hệ con cháu mai sau. Ngoài ra, tình liên đới còn là động lực mạnh mẽ khiến người ta dám chấp nhận hy sinh tất cả mọi sự vì người mình yêu. Như thế, đời sống con người trở nên giàu có và phong phú hơn khi mỗi cá nhân không còn bị bó hẹp trong những mối bận tâm và nguồn lực của chính mình mà thay vào đó là được mở ra trong sự liên đới với người khác để cùng nhau nâng đỡ và chia sẻ gánh nặng cuộc sống. Tuy nhiên, tương quan giữa người với người trong xã hội trong thể tránh khỏi những xung đột về mặt lợi ích, nhất là khi phải chia sẻ cùng một nguồn lực bị giới hạn. Thật vậy, trong bất cứ xã hội nào cũng phải có những quy tắc hay luật lệ điều chỉnh hành vi của con người. Ngoài ra, bên cạnh việc hợp tác tìm kiếm lợi ích thì nhiều khi con người cũng phải cạnh tranh giành giật với người khác. Do đó, con người không chỉ tìm được sức mạnh từ sự liên đới nhưng còn phải chấp nhận sự thiếu thốn của mình khi sự tự do bị giới hạn trong tương quan với người khác để có thể duy trì xã hội phát triển ổn định.
Tóm lại, bởi vì mỗi người đều có những mục tiêu theo đuổi khác nhau trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống nên mỗi cách nhìn nhận đánh giá về yếu tố giàu hay nghèo cũng không giống nhau. Nếu toàn bộ giá trị của cuộc sống con người được đặt ở tiền bạc vật chất thì chắc chắn sự giàu có thể hiện ở việc sở hữu khối lượng tài sản kếch xù. Tuy nhiên, giá trị của con người không hệ tại ở những gì chúng ta “có” nhưng ở những gì chúng ta “là”. Theo đó, tất cả mọi người dù có thể khác nhau về cái “có” nhưng đều cùng “là” người” như nhau. Do vậy con người cần nhận ra sự giàu có nơi phẩm giá của mình ngang qua sự tự do nội tâm, khả năng sáng tạo, tình liên đới sâu xa với người khác và nhất là chiều kích hướng thượng trong đời sống tâm linh. Mặt khác, mỗi người chúng ta cũng cảm nghiệm được sự thiếu thốn nghèo nàn trong thân phận con người khi đón nhận cuộc sống như là quà tặng hay ơn ban hơn là một công trình hoàn toàn do mình kiến tạo nên.
Giuse Lê Đắc Thắng, S.J.
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên