Câu chuyện tôi xin được chia sẻ cùng bạn xảy ra trong bầu khí của bí tích hoà giải.
Nơi đó tôi được Chúa cho gặp gỡ dưới dung mạo tràn đầy lòng thương xót của Chúa.
Nhớ lại thời còn là một chú giúp lễ tại giáo xứ ở quê tôi. Lúc đó, trong giáo xứ chúng tôi luôn có hai thánh lễ vào buổi sáng. Tôi thường hay đi lễ thứ nhất để giúp lễ. Sau đó cũng ở lại lễ thứ hai để giúp dọn phòng thánh, và để gặp gỡ vui với các bạn giúp lễ.
Một hình bóng tôi gặp mỗi buổi sáng trong thời đó và giờ đây tôi vẫn nhớ như in, đó là cha phó của chúng tôi. Mỗi buổi sáng cha đều chăm chỉ ngồi tòa giải tội. Nếu cha làm lễ nhất, thì cha ngồi tòa giải tội trong lễ nhì, và ngược lại giống như vậy. Lúc đó tôi chẳng hiểu tại sao cha lại chăm chỉ ngồi tòa giải tội đến thế. Phải chăng đời linh mục của cha, cha chỉ mong sao xin Chúa xóa đi tất cả những tội lỗi của anh chị em, xin Chúa xóa đi tất cả những gì nặng nề, u tối đang ám ảnh những phận người, và xin Chúa hãy lấy đi tất cả những dấu vết thần dữ đang muốn chiếm hữu từng con người.
Tâm tình của cha tương hợp với lời chia sẻ của cha sau này: “Điều cha thích nhất trong đời linh mục là ngồi toà giải tội”.
Dù chẳng hiểu hết ý nghĩa lời cha chia sẻ lúc đó, nhưng mỗi ngày nhìn bóng dáng của cha với chiếc áo chùng thâm bước vào toà giải tội trong mỗi buổi sáng và rồi ngài bước ra, tôi cảm nhận dung mạo Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót kiên trì bền chí với từng phận người tội lỗi, trong đó có tôi.
Lòng Thương Xót là dấu hiệu nói rằng Chúa không bao giờ thất vọng với con người chúng ta. Ngài luôn hy vọng và tin tưởng vào con người yếu hèn tội lỗi. Là người Cha giàu lòng thương xót, Ngài luôn chờ đợi từng người trên chiếc ghế của toà giải tội. Thiên Chúa muốn gặp từng người tại toà Hoà Giải này và với tôi đó là CĂN PHÒNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT.
Khi trở thành linh mục tôi được phép phục vụ trong một giáo xứ người Đức hơn 3 năm. Một trong những việc tôi rất thích làm, đó là bí tích hòa giải. Dừng ở nơi đây, tôi xin dành vài giây phút để cám ơn cha phó của tôi ngày xưa, và giờ đây là cha bố thiêng liêng của tôi, người đã đồng hành và nâng đỡ tôi trong đời sống ơn gọi dâng hiến, và chính ngài cũng đã giúp tôi thích ngồi tòa giải tội giống như ngài.
Trong tòa giải tội cũng là CĂN PHÒNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓ, tôi một đầy tớ vô dụng và tội lỗi của Chúa, được phép lắng nghe tất cả những chuyện mà người ta vẫn thường nói là chuyện rác rưởi trong cuộc đời. Và cũng không thiếu những giọt nước mắt đã đổ xuống trong tòa giải tội. Những giọt nước mắt tuôn ra trong cuộc gặp gỡ của anh chị em với Đấng giàu Lòng Thương Xót.
Trong mỗi một trường hợp, dù nặng hay nhẹ, tôi đều cầu xin Chúa hãy “dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy” anh chị em đang hiện diện trước mặt tôi, xin Ngài hãy thay nước mắt của anh chị em bằng nguồn nước mang lại ơn cứu rỗi và nguồn nước hằng sống của Ngài. Nguồn nước mang lại ơn cứu rỗi, cùng với máu, chảy ra từ cạnh sườn của Ngài (x.Ga 19,34). Nguồn nước hằng sống mà Ngài đã hứa ban phát cho chị phụ nữ Sa-ma-ri ở bờ giếng Gia-cóp ngày xưa (x.Ga 2, 1-42).
Mỗi lẫn tôi thấy anh chị em bước ra khỏi tòa giải tội với một khuôn mặt mới, cái mới của ánh sáng thay thế cho bóng đêm không còn ràng buộc, cái mới của an bình thế chỗ cho nặng nề bất an, cái mới của nụ cười thay thế cho vẻ buồn rầu thất vọng, thì lòng tôi lâng lâng một nỗi vui mừng sâu thẳm. Nỗi vui mừng khi nhìn thấy người Mục Tử nhân lành tìm lại được con chiên lạc đàn, nỗi vui mừng ấy cũng nhảy nhót tôn vinh Thiên Chúa, khi thấy Mục Tử vui mừng vác chiên trở về nhà, và nỗi vui mừng ấy cũng mở tiệc ăn mừng, khi vị Mục Tử mời gọi mọi người hàng xóm cùng đến để cùng ngồi vào bàn tiệc của lòng thương xót, bàn tiệc của mất nay lại tìm thấy, bàn tiệc của chết nay sống lại (x. Lc 15, 4-7).
THẬT ĐẸP BIẾT BAO CUỘC GẶP GỠ CỦA ĐẤNG THƯƠNG XÓT VÀ NGƯỜI ĐƯỢC XÓT THƯƠNG!
Nhưng cái đẹp này có trọn vẹn trong lòng tôi chưa, nỗi vui mừng kia có “nở hoa” trong tâm hồn tôi, một Linh Mục, một đầy tớ thấp hèn và tội lỗi chưa?
Trở về với đời mình, rời tòa giải tội, tôi Linh Mục của Chúa cũng cần phải chạy đến tòa giải tội với sự ý thức “Tôi cũng là con người tội lỗi như anh chị em.”
Là linh mục hèn yếu, tôi cũng cần phải xin Chúa xóa đi tất cả những gì là bóng đêm đang ràng buộc tôi.
Là linh mục tội lỗi, tôi cũng mong ước được gặp gỡ Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Đấng tạo dựng nên tôi, Đấng mời gọi tôi kết thân với Ngài, Đấng đau buồn nhìn thấy tôi rơi vào vũng lầy tội lỗi, nhưng Ngài lại không bao giờ thất vọng vì tôi, mà ngược lại với lòng thương xót vô bờ, Chúa là người Mục Tử nhân lành lên đường đi kiếm tôi đang vướng vào bụi gai tại một góc đường nào đó.
Là linh mục nhưng cũng là hối nhân, tôi bước đến tòa giải tội. Đứng ngoài tòa giải tội, đợi đến lượt mình, sao tôi thấy thời gian lâu đến thế. Lâu không phải kim đồng hồ chạy chậm. 60 giây vẫn là 60 giây không chậm và cũng chẳng nhanh hơn chút nào. Lâu là vì lòng tôi có gì đó ám ảnh. Và lúc đó Chúa làm cho tôi nhớ đến hình ảnh của anh phong hủi chạy đến với Chúa, xụp lạy xuống chân Ngài và cầu xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (x.Mc 1, 40-45). Tự nhiên lời cầu nguyện này giờ đây trở thành lời cầu nguyện của riêng tôi. Tôi chờ đợi với tấm lòng hướng về Chúa Thánh Thể, miệng tôi bắt đầu đọc lời cầu nguyện trên. Tôi cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho thân phận linh mục tội lỗi của tôi, một phận người đang mang biết bao phong và biết bao hủi, một đời người thấp hèn đang bị nhiều thứ đam mê ràng buộc.
Chính trong lúc cầu nguyện như vậy, tôi bị cám dỗ đừng chờ nữa, vì lâu quá. Lâu lâu tôi lại nhìn trộm tòa giải tội, xem đã vơi người chưa và bước chân tôi đã đến gần đó chưa. Nhưng cái lâu kia vẫn muốn thúc giục tôi hãy về nhà đi, đừng đợi nữa. Cái lâu kia lúc đầu mang dáng vẻ của thời gian, nhưng nhìn kỹ thì cái lâu đó đội lốt thần dữ và bóng đêm, chúng đang muốn tiếp tục ràng buộc và làm chủ đời tôi, chúng không muốn tôi gặp Chúa từ nhân trong bí tích giàu lòng thương xót này. Chần chừ, chân tôi định rảo bước ra khỏi nhà thờ để lấy xe ra về, nhưng khi nhìn lên Thánh Thể Chúa, tôi cảm thấy Ngài như nói với tôi hãy nán lại nơi này thêm một chút.
Trong thinh lặng, tôi suy đi nghĩ lại và vâng lời nán lại và chờ. Nhưng sao tôi lại thấy cái chờ này chẳng dễ thương chút nào với tôi cả, vì tôi chờ mà sao lòng mình nặng trĩu. Nhìn kỹ lại, thì không phải cái chờ không dễ thương, mà hình như tâm hồn tôi thiếu trông cậy cũng như thiếu niềm tin vào lòng nhân hậu của Chúa. Hình như tôi nghi ngờ gì đó. Lúc này tôi thầm nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Lời cầu này làm cho tôi liên tưởng đến anh phong hủi. Dù biết phận mình tội lỗi nhiều, dù phải đau khổ biết bao nhiêu về chứng phong hủi là dấu hiệu của tội lỗi ràng buộc đã biết bao năm trời, nhưng anh vẫn không mất đi niềm tin và niềm hy vọng. Niềm tin của anh đã thúc đẩy anh chạy đến để xin Chúa chữa lành cho anh. Nhưng điều thú vị ở đây là, lời cầu xin của anh lại chỉ có một chữ “tôi” và có hai chữ “Ngài”. Điều này nói cho tôi sứ điệp gì vậy?
Phải chăng, khi ý thức thân phận tội lỗi và thấp hèn của mình và khi tin tưởng tuyệt đối về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, nên anh đã tín thác đời anh, cơn bệnh của anh và những ràng buộc của chứng phong hủi đang bám trên anh, vào trong bàn tay của Chúa và thánh ý của Ngài, để giờ đây với thái độ bình tâm, anh được phép cầu xin ơn chữa lành, ơn tha thứ. Nhưng Chúa có chữa lành cho anh hay không là tùy ở nơi Chúa hoàn toàn. Với một chữ “tôi” anh không muốn ép buộc Chúa theo ý anh, với hai chữ “Ngài” anh xin vâng hoàn toàn theo ý Chúa. Vì thế, anh tiếp tục bị phong hủi hay được trở nên lành mạnh, chuyện đó không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là điều Chúa muốn nơi anh.
Thầm suy nghĩ đến đây, lòng tôi bồi hồi xúc động, những ám ảnh của tội lỗi vẫn còn, nhưng chúng không còn làm chủ tôi nữa. Trước Chúa tôi đứng đó với ý thức phận người tội lội của mình, của một linh mục, và tôi đồng ý đón nhận tất cả những gì Chúa muốn nơi tôi trong tòa giải tội. Lúc này, cái chờ và cái lâu kia không còn là sức nặng trì kéo tôi nữa, chúng trở thành một cơ hội để tôi hối lỗi cho thật lòng mình. Và rồi giờ của tôi cũng đã đến, bước vào tòa giải tội, không chần chờ tôi nói rõ ràng tôi là linh mục, và tôi xưng thú ngay tội lỗi đang núp kỹ và đang như muốn trốn tránh trong góc tối của căn nhà tôi.
Sau khi lắng nghe lời khuyên nhủ và tha tội của vị linh mục đang ngồi trên ghế giải tội, một người anh em, lòng tôi trở nên hoàn toàn khác hẳn. Lúc đó giống như lúc Chúa nói với anh phong hủi “Tôi muốn anh sạch đi.” Cái sạch đem lại niềm vui sâu thẳm. Thật vậy, niềm vui khi thấy Chúa tìm thấy anh chị em và vác anh chị em lên vai để đưa về đã lớn rồi, nhưng giờ đây niềm vui đó đối với tôi lớn hơn, vì tôi là người trong cuộc, một linh mục lạc bước, cảm được niềm hạnh phúc được Chúa thứ tha, được Chúa tìm thấy và đưa về, được Chúa cho sống lại và được ăn mừng như thế nào. Cảm tạ Chúa biết bao, tri ân Chúa dường nào.
Bước ra khỏi tòa giải tội, sao bình an và nhẹ nhàng đến thế!
Bước vào cuộc đời với ân sủng của lòng thương xót, tôi ngân nga lời ca “Để con được ngước lên, con tìm được Ngài là chân lý, con được cùng với Chúa đồng hành luôn”.
Giờ đây, ơn chữa lành Chúa ban trong bí tích hòa giải đã giúp tôi có thể ngẩng cao đầu. Vâng, tôi không còn phải mắc cở và mặc cảm về thân phận của tôi nữa, vì phong hủi đã về lại chỗ của nó, và trả lại cho tôi sự trong sạch của ngày đầu tiên. Và tôi không còn phải cúi gằm mặt nhìn đất thấp hèn hạ nữa, vì như người phụ nữ bị quỷ ám làm cho còng lưng 18 năm, đã được đôi mắt của Chúa Giê-su nhìn đến, kêu bà lại và chữa lành cho bà, trả lại cho bà sự tự do, cho bà có khả năng đứng thẳng lên (x. Lc 13, 10-17), thì giờ đây Chúa cũng cho tôi đứng thẳng lên.
Thật vậy, đôi mắt Chúa dõi nhìn tôi, mà tôi lại không đáp lại và hướng mắt nhìn Ngài, chỉ vì cái lưng còng đè nặng thân tôi, thì Ngài không thể chấp nhận được. Vì thế, Ngài muốn tôi giờ đây phải đứng thẳng lên. Tôi phải trở về lại tư thế thẳng của ngày Chúa thánh hiến tôi, để giờ đây đầy tớ bất hèn ngước lên nhìn Chúa từ nhân, ngước lên dõi mắt đi tìm chân lý của đời người, chân lý đó chính là Ngài, Đấng yêu tôi. Khi có chân lý trong lòng và trong đời mình, tôi vui tươi bước đi, vì từ đây tôi được Chúa đồng hành luôn.
Vì thế, tôi không còn phải sợ gì, vì
“khi tôi có băng qua nước, Chúa sẽ ở cùng tôi,
tôi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn;
tôi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì,
ngọn lửa không thiêu rụi tôi được.
Vâng, tôi không còn phải hãi sợ,
vì Chúa luôn ở cùng tôi”.
(theo Is 43, 2 và 5).
Được đi bên Chúa lòng tôi an vui. Nhưng vì ý thức sự yếu đuối của mình và tính dễ vỡ của bản thân người linh mục, mỗi ngày tôi lại tha thiết xin Ngài:
Lạy Chúa, chỉ mong Ngài xóa đi tất cả những gì ràng buộc con, chỉ xin Ngài xóa đi tất cả những gì con đang chiếm hữu cho chính mình, chiếm hữu anh chị em làm của riêng, chiếm hữu lời khen ngợi, chiếm hữu quyền lực, chiếm hữu tiền tài và của cải, chiếm hữu cả chức vị thánh thiêng này để làm lợi ích cho riêng mình.
Xin Chúa lấy đi tất cả những gì tăm tối trong trái tim con, và cất đi mọi trì nặng trên đôi tay con, vì chỉ như vậy, con mới được gặp Chúa, Chúa của lòng thương xót kẻ tội lỗi là chính con, Chúa ơi.
Câu chuyện được gặp Thiên Chúa giàu lòng thương xót trong toà giải tội xin được khép lại với lời của thánh vịnh sau đây, bạn nhé!
“Ai được lên núi CHÚA?
Ai được ở trong đền thánh của Người?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh” (Tv 24,3-4).
Nürnberg, ngày 06.5.2022
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.