“Em ra đi như chơi một canh bạc, và thua bằng chính mạng sống của mình…”
Đó là lời bình phẩm trên báo chí châu Âu khi nói về tin “lạnh” mới xảy ra gần đây: 39 người trẻ chết trên xe container.
39 bạn ấy, những người đã chết vì “lạnh”, là những người trạc tuổi tôi và Bạn. Họ đã ra đi, còn tôi và Bạn là những người đang sống. Bạn có cảm thấy mình may mắn hơn họ không? Tôi không so sánh về hoàn cảnh, nhưng chỉ cần dừng lại trong thinh lặng, tôi thấy tim mình vẫn còn đập, từng nhịp thở vẫn ra vào phổi cách đều đặn. Tôi đang sống! Đó là điều may mắn, vì còn sống là tôi còn có cơ hội để yêu thương, để dấn thân, để thất bại, để vươn lên, để xây dựng 1 cuộc đời đầy ý nghĩa.
Nhưng đã có rất nhiều lúc, tôi quên rằng mình đang sống. Đó là khi tôi làm mọi thứ để đảm bảo cho cuộc sống vật chất của mình, hay chỉ khép lại trên những đau thương của bản thân, mà dửng dưng trước những đau thương của đồng loại. Chính lúc ấy, tôi quên rằng mình đang sống.
Đứng trước tin “lạnh” về 39 bạn trẻ kia, tôi cũng đã từng dửng dưng như vậy. Tôi thấy sự việc nghiêm trọng đó, nhưng dường như nó chẳng liên quan tới cuộc sống của tôi. Rồi vô tình đọc 1 bài viết trên mạng, trong đó có dòng này: “Em chết trong cơn lạnh. Nhưng sau cái chết của em vẫn còn những cơn lạnh khác, xuất phát tự lòng người”. Câu nói ấy như một lời thức tỉnh cho tôi, tôi cảm thấy 1 hơi lạnh xuất phát tự lòng tôi, và đang dần xâm chiếm cơ thể tôi. Nó sẽ khiến tôi chết vì vô cảm! Chính lúc ấy, tôi thấy mình không còn sống, vì trái tim của tôi đã “lạnh”. Bạn trẻ ơi, Bạn có “lạnh” giống tôi không?
Ngay từ khi tôi nhận thấy lòng mình đang “lạnh”, thì những suy tư về biến cố này kéo đến với tôi nhiều hơn. Tôi đặt cho mình câu hỏi: Nếu tôi chính là 1 trong 39 nạn nhân đó thì sao? Và khi ấy, tôi cảm nhận được biết bao điều. Tôi đã khóc! Tôi khóc vì thương họ, tôi khóc vì nhận ra sự vô cảm tinh vi bấy lâu nay ẩn giấu trong con người tôi, tôi khóc vì nhìn thấy vẫn còn nhiều Bạn Trẻ đang vô cảm giống tôi. Những giọt nước mắt ấy đã sưởi ấm trái tim băng giá của tôi. Tôi chợt thấy rằng: Chỉ khi nào biết khóc thì mới có thể làm điều gì đó cho người khác tận đáy lòng. Bạn ơi, Bạn có muốn được khóc trước nỗi đau của anh chị em mình?
Có một Bạn Trẻ nói với tôi rằng: “Họ ra đi là do số phận của họ không may mắn”. Hai từ “số phận” làm cho tôi băn khoăn suy nghĩ nhiều. Với những suy tư non nớt, tôi không đủ lí lẽ, kiến thức và kinh nghiệm để bàn luận về 2 từ “số phận” kia. Tôi chỉ nhìn lại bản thân mình, đã có lúc tôi cũng đã đổ lỗi cho “số phận” trước những nghịch cảnh của con người, và vì đổ lỗi cho “số phận” như vậy, tôi đã không rút ra được bài học gì từ những nghịch cảnh đó, tôi không cảm thấy mình cần thay đổi bản thân để thế giới trở nên tốt hơn, tôi như “ngắm nhìn thế giới từ ban công”.
Bạn trẻ ơi, tôi mong Bạn đừng vô cảm, đừng mang trong mình một trái tim “lạnh”. Bạn hãy xin Chúa sưởi ấm quả tim Bạn bằng những giọt nước mắt tự đáy lòng. Để Bạn và tôi, mỗi người thắp lên 1 ngọn nến, thay vì ngồi đó mà nguyền rủa bóng đêm. Và khi ánh sáng của chúng ta hợp lại, tôi tin nó sẽ đủ để chiếu sáng cho “số phận” của anh chị em xung quanh chúng ta.
Lời cuối cùng, tôi muốn mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Christus Vivit để nói với các Bạn: “Hỡi những người trẻ, đừng bỏ mất những năm tốt nhất của tuổi trẻ, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Đừng lầm lẫn hạnh phúc với một chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời trước màn ảnh. Đừng trở nên cảnh tượng đau lòng của một chiếc xe phế thải. Đừng trở thành những chiếc xe đang đậu, thay vào đó hãy để cho những giấc mơ nở hoa và hãy có những quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả khi các con thất bại. Đừng sống sót với tâm hồn tê mê và đừng nhìn thế giới như thể các con là du khách. Hãy gây tiếng ồn ào! Hãy xua tan những nỗi lo sợ làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy cho mình những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở cửa lồng và hãy bay đi! Làm ơn đừng về hưu non.”
Agnès Phương Yến
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)