Khi đọc bài phóng sự về những bạo hành mà cô gây ra cho trẻ vốn là những em được cô nhận chăm sóc, ai cũng bất bình. Bức xúc vì cô đã tàn nhẫn với trẻ em. Dư luận hoàn toàn không đồng tình với tất cả những cô bảo mẫu lại đối xử với trẻ em như thế. Điều ấy không chỉ gây cho trẻ vết thương thể lý, nhưng còn gây tổn thương tinh thần của trẻ.
Cô biết không, trong ánh mắt các em, cô vừa là cô giáo vừa là mẹ hiền. Là cô giáo, cô hướng dẫn các em trong từng cách ăn nết ở; là bảo mẫu, cô bảo vệ và nuôi nấng các em phát triển một cách toàn diện. Đó là sứ mạng rất cao quý và thiêng liêng, nhưng làm tròn vai trò này trong xã hội hôm nay không dễ chút nào! Tiếc là chúng tôi phải chứng kiến nhiều vụ việc rất đau lòng liên quan đến bạn bảo mẫu hành hạ trẻ em trong thời gian vừa qua.
Đã đành ghề bảo mẫu không nặng nhọc, nhưng khá vất vả vì phải chăm lo từng li từng tí cho các em nhỏ, từ việc ăn, ngủ cho đến vệ sinh của trẻ. Bởi đó, các bậc cha mẹ thường tin tưởng nơi những bảo mẫu là nữ giới để chăm lo cho con cháu họ. Với sở trường của phái nữ, cô bảo mẫu tốt thường nhạy bén trước nhu cầu của trẻ em và có trái tim từ mẫu để yêu thương, nhẫn nại với trẻ nhỏ. Với sức khỏe và sự chịu đựng, cô bảo mẫu có thể chăm sóc các em thơ một cách ân cần chu đáo.
Được như thế đòi hỏi người bảo mẫu phải có một trái tim yêu thương rất lớn. Đành rằng bất cứ công việc nào ta làm cũng vì miếng cơm manh áo, kiếm tiền mưu sinh. Tuy nhiên, nếu làm chỉ vì lương bổng và thù lao, e rằng công việc ấy trở nên tẻ nhạt và nhanh chóng đi đến thất bại. Nhất là việc chăm sóc trẻ thơ càng đòi hỏi người bảo mẫu một tâm hồn đủ rộng mở, một trái tim đủ trìu mến để vui vẻ đến với từng em nhỏ. Trong môi trường nhà trẻ, cô sẽ gặp được nhiều “thiên thần” dễ thương, nhưng không tránh khỏi những bé rất tinh nghịch, khó bảo. Nếu chỉ làm vì đồng tiền, người bảo mẫu có nguy cơ dễ đối xử tệ bạc với những em khó tính và ương ngạnh; nhưng vì tình yêu của người mẹ hiền, cô sẽ biết cách để chăm lo cho các em một cách ân cần trong vui tươi và nhẫn nại.
Cô có bao giờ tra vấn tại sao mình lại đối xử với trẻ em vốn rất đáng thương như thế không? Thử hỏi ai dung thứ cho cô bảo mẫu hành xác các em nhỏ? Rồi nhiều bằng chứng cho thấy cảnh trẻ em bị đánh liên tục ở đầu, mặt; tống thức ăn vào miệng trẻ sau khi đè ngửa, kẹp đầu các bé…! Tiếc rằng đó lại là cảnh diễn ra nhiều ngày ở điểm giữ trẻ thuộc quận Gò Vấp, TP HCM! Nhiều người cho rằng lý do là bảo mẫu ấy chưa được huấn luyện chuyên nghiệp. Hoặc các bảo mẫu ấy chỉ xem các em là con của người dưng xa lạ, chẳng đáng để họ yêu thương. Đúng là khi thiếu một trái tim độ lượng, thiếu một tấm lòng hiền mẫu, cô bảo mẫu ấy quả là một thảm họa xảy ra cho nhiều trẻ thơ.
Những vấn nạn bạo hành trẻ em mà báo chí đưa tin chính là hồi chuông cảnh tỉnh để hy vọng các cô bảo mẫu tránh xa việc hành hạ trẻ em. Xin đừng gây cho tuổi thơ của các em những tổn thương! Nếu cha mẹ tin tưởng người bảo mẫu có thể thay họ chăm sóc đứa con yêu quý của họ thì trong vai trò bảo mẫu, bằng trách nhiệm và tình yêu, ước sao cô bảo mẫu trở thành “người cha, người mẹ” tuyệt vời trong ánh mắt của các em. Xin đừng để nghề bảo mẫu bị biến chất thành nghề bạo hành, độc ác và tàn nhẫn với những tâm hồn trẻ thơ. Xin trả lại đúng đặc tính của nghề bảo mẫu: người mẹ chăm sóc và bảo vệ những đứa con thân yêu của mình.
Cầu mong cho những cô bảo mẫu luôn chu toàn nhiệm vụ cao quý là gần gũi với các em thơ, để nơi đó, cô có thể cùng với cô giáo và cha mẹ hướng dẫn các em đến một tương lai tươi sáng, một nền giáo dục bằng tình yêu và tình người. Được như thế, chúng ta thống thiết mong rằng mọi hình thức bạo hành trẻ em sẽ không còn diễn ra. Xin đừng để nạn bạo hành trẻ em dập tắt cuộc đời và ước mơ sáng ngời của các bé!
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ