Cánh đồng Lộc Quang được mùa, số bà con trở lại khá đông, nhưng để tuyển người biết chữ làm Giáo Lý Viên thì khó quá. Tôi đành phải mời cả những người không biết chữ, và một khóa cầu nguyện vừa diễn ra dành riêng cho những người này.
Ngày đầu tiên của khóa học đầy ắp tiếng cười, chỉ khổ cho ông thầy dạy giáo lý và tập hát, vì bà con nghe mà đôi mắt cứ ngẩn ngơ, còn hát đó rồi quên đó. Cả thầy lẫn trò đều phải kiên nhẫn, ít là thầy, ngay giờ đầu đã cảm thầy lòng mình phải mềm ra vì học trò chậm hiểu.
Thế nhưng khi được dẫn vào cầu nguyện, bà con có vẻ bước theo dễ dàng hơn. Mở Tin Mừng ra, thầy đọc trước, chậm rãi từng ba bốn chữ một, trò đọc theo, đọc trong đức tin và để lãnh nhận Lời ban Thánh Thần, đọc một hai câu thôi, nhớ nằm lòng rồi đi cầu nguyện, đơn giản có thế, và ánh sáng thần linh bao trùm mọi người. Đúng là mù chữ chứ đâu có mù Chúa.
Trong nhóm có một chị còn rất trẻ, mới 24 tuổi, đã có chồng, chưa có con, bị chồng bỏ đi lấy vợ khác. Thế nhưng khuôn mặt chị ta lúc nào cũng vẫn nét đơn sơ trong sáng. Những ngày sống bên chồng, đó là những tháng ngày sầu khổ và bất hạnh, mang thai con được 4 tháng, bị té và sẩy thai, rồi còn bị nhà chồng đánh lừa cho uống thuốc độc, may mà không chết. Chồng bỏ, về ở với chị gái, anh chị cũng nghèo, chỉ dựng cho em được túp lều nho nhỏ cạnh nhà, để em có chỗ riêng tư, sống riêng nhưng ăn chung, em đi làm mướn được đồng nào về đưa chị, cuộc sống cứ thế trôi theo ngày tháng. Thế nhưng từ sau ngày 29 tháng 4, mái nhà 2 chị em có cái gì khác lạ, một cuộc đổi đời, vì một khuôn mặt mới xuất hiện: Đức Giêsu Kitô, Đấng Hội Thánh đang loan báo và giải bày.
Chúa có mặt trong ngôi nhà này như thế nào, chị không biết diễn tả ra sao, chỉ thấy lòng mình tràn ngập niềm vui. Nắng mưa đã quen dãi dầu, tương lai không cần nghĩ tới, vì chị đã có Chúa là tất cả niềm vui có lúc hiện rõ lên khuôn mặt, có lúc bình lặng tưởng như không gì có thể gây xáo trộn.
Đó là một cô gái yếu ớt, nhưng vững tin, đi trên hành trình cuộc đời không một điểm tựa, càng hay, như một cánh chim trời dễ dàng bay bổng.
Một chàng trai, sinh ra ở Phước Long, cha mẹ mất năm lên 7 tuổi, và thế là anh ta lớn lên từ nhà nọ tới nhà kia, mỗi nơi một thời gian, ban đầu ở với một gia đình ngay Long Điền, tiếp đó là Đồng Xoài, rồi Phú Giáo, cuối cùng dừng chân ở Lộc Quang và cưới vợ ở đây, đến nay đã có 3 mặt con, ngày ngày đi làm mướn kiếm gạo nuôi cả nhà. Anh ở với gia đình bên vợ, nên chỉ có chút đất làm nhà chứ không có vườn. Tháng 11/2002, anh theo chân bà con đến nhà thờ và xin vào đạo, và anh khao khát học biết Chúa, muốn làm Giáo Lý Viên, ngặt nỗi không biết chữ, học câu nọ mất câu kia. Anh sẽ làm được gì với trí khôn chậm chạp như thế?
Cuộc sống với những ngày làm thuê làm mướn, chiều về bên vợ con, ngày nào nhiều việc thì vợ chồng cùng đi làm, cuộc sống đều đặn và cũng bấp bênh quá. Thế nhưng từ ngày tìm về với Chúa, khung cảnh tăm tối của gia đình đã bừng sáng, căn nhà nhỏ bé của anh chị trở thành cung thánh, để bà con họp nhau cầu nguyện hàng tuần.
Bù Tam của anh mới có 6 gia đình trở lại, anh sẽ tiếp tục lên đường, như anh đã từng đi, thật đơn sơ, đi bằng chính cuộc sống hằng ngày. Cứ nhìn vào gia đình anh thì rõ, một con người trôi dạt đến đây, tá túc gia đình bên vợ, và anh đã đem không chỉ vợ con, mà cả mẹ vợ, và các anh chị bên vợ về với Chúa. Anh không biết nói về Chúa, nhưng biết sống với Chúa, anh mù chữ, nhưng mắt tâm hồn anh mở lớn. Lời loan báo của anh là một ngôi nhà bé nhỏ rộng mở đón mọi người.
Khi Lời Chúa lan rộng, khi có nhiều người tin theo, thì ngôi nhà anh nối liền nhà bên cạnh, cung thánh nối liền cung thánh, nhà nhà giòn giã lời kinh. Hôm nay, thêm mộ tuần lễ, thêm 5 gia đình mới xin theo đạo.
Một cảnh thực như mơ. Tại tôi thấy có một cái gì rất mới mẻ đang diễn ra trong lòng chàng trai này, anh muốn làm nhân chứng.
Một linh mục nói với tôi rằng không biết chữ thì làm sao dạy giáo lý, nhìn vào anh tôi đọc được câu trả lời, vâng, anh đã bắt đầu rồi khi đứng ra qui tụ cộng đoàn, mở rộng ngôi nhà đón bà con đến cầu nguyện, tiếp theo anh sẽ đứng ra chủ sự giờ kinh, anh đang thi hành bổn phận người Giáo Lý Viên đấy thôi.
Trên đây là 2 khuôn mặt giữa 10 khuôn mặt vừa gặp được bàn tay của Hội Thánh là mẹ và thầy và đang được dẫn vào cầu nguyện.
10 khuôn mặt, 10 cảnh đời, 5 anh, 5 chị. Có 5 chị thôi thì chỉ một người còn chồng, 2 chị chồng chết, 1 chị chồng bỏ, và 1 chị bỏ chồng. Thế nhưng tất cả đều vui tươi, hồn nhiên, tất cả 10 người này chỉ biết đọc chút ít thôi, có người không biết chữ nữa…
Thực ra, tôi cũng không phải ông thầy có dáng đạo mạo như bao người thầy khác lên lớp với đầy đủ phương pháp
Một người mẹ vừa đặt chân đến đây đã nhớ con ở nhà, lần đầu tiên mẹ xa con, chị hình dung thấy con mình đang khóc gọi mẹ, tôi chỉ khuyên chị hãy đem đặt con mình trong tay Chúa, để Chúa dỗ dành, và thế là người mẹ an tâm, vui vẻ.
Đối với những con người vừa xin trở lại được hai ba tháng nay thôi, những khuôn mặt mới mẻ đang làm quen với Hội Thánh, thì cung cách của người tiếp nhận rất quan trọng, giống như người mẹ bồng ẵm những đứa con mới sinh đầy sức sống nhưng lại nhỏ bé, yếu ớt, người tiếp nhận cần một tấm lòng dịu dàng, một đôi tay ân cần, và thật may mắn, vì ngôi nhà nhỏ bé của tôi có thể tạo được khung cảnh ấm cúng. Ở với họ, tôi vui lắm, và họ cũng vui nữa: ăn uống, nói cười, ca hát, múa, rồi lại lặng lẽ đi vào cầu nguyện. Ai biết chuyện gì diễn ra giữa Thiên Chúa với con người trong những khoảng không lặng lẽ này, Đấng Thiên Chúa hiện diện không ai thấy, nhưng cứ nhìn những khuôn mặt vui tươi mở rộng lòng đón nhận Lời Thiên Chúa là biết họ đã gặp Chúa rồi.
Ngày mai sẽ ra sao, dễ hiểu thôi, giống như cụ già Simêon khi bồng ẵm Hài Nhi trên tay, tất cả có thể cất lên cùng một lời kinh: xin để cho các tôi tớ Ngài được an bình … bước vào cuộc sống dù bấp bênh, bấp bênh vì càng ngày càng ít người thuê mướn, vì thiếu ăn và bệnh tật, nhưng an bình vì Chúa hiện diện, cùng với vòng tay mẹ Hội Thánh.
Xét cho cùng, ở đời ai chẳng bấp bênh, vì vậy mà cuộc sống lắm nỗi lo. Thế nhưng, 10 con người này đã tìm được điểm tựa vững bền khi nhận được ánh sáng Tin Mừng, gặp được Mẹ Hội Thánh.
Ngày thứ nhất rồi thứ hai, những người mẹ trẻ lần đầu tiên xa con cái, nhớ con lắm. Nhưng rồi biết rằng ở nhà đã có các anh chị em trong Hội Thánh lo lắng săn sóc con cái thay mình. Các chị bớt lo và bắt đầu an tâm. Ngay tại ngôi nhà nhỏ bé này cũng vậy, bình thường chỉ có bố và con, mấy bố con dắt dìu nhau cầu nguyện, rồi nấu ăn, nhưng khi có bệnh cần cấp cứu hoặc có những việc khẩn thiết cần phụ giúp thì không thiếu người. Mẹ Hội Thánh với đôi tay hiền dịu đã làm lộ ra khuôn mặt của Con Thiên Chúa là Đấng hiền lành và khiêm tốn, êm ái và nhẹ nhàng, làm thành một vùng sáng lan tỏa, không ồn ào náo động, nhưng thấm vào thịt xương từng người, cho đến tận lòng người, để đến lượt các anh chị, cũng sẽ diễn tả được đôi tay hiền dịu chan chứa tình yêu này.
Dĩ nhiên, các cộng đoàn vừa được sinh ra trong hồng ân cứu độ rất cần mẹ hiền. Hội Thánh với vòng tay nhỏ bé, làm sao có thể săn sóc hết con cái mình, nhất là các đoàn con non trẻ lại tản mác xa xôi, và đây là nỗi trăn trở triền miên của Mẹ Hội Thánh.
Chẳng hạn như con cái vùng Đắc Ơ xa xôi đang trong cảnh ngổn ngang trăm bề, có những Giáo Lý Viên bỏ bê bổn phận, say sưa tối ngày, thanh niên thì bị các quán Karaokê và rượu lôi cuốn. Một số gia đình có người nghiền rượu bị xiết nợ mất gần hết đất ở, mê uống đến độ bán cả lúa non với điều non, trong đó vùng Đak U tang thương nhất. Một chàng trai được sai đến đây từ 2 tháng nay ngồi kể như muốn khóc, sáng Chúa Nhật nào anh cũng phải dậy sớm, vượt qua một quãng đường trơn trượt để có mặt từ 6 giờ. Đến nơi, anh đi réo gọi từng nhà, bà con thức dậy còn lục đục nấu cơm, rồi ăn cơm, mãi tới 8 giờ cũng chỉ được mấy ông bà già và dăm bảy em bé, anh giáo lý viên tại chỗ thì chiều thứ bảy nào cũng say, giờ này chẳng muốn dòm ngó nhà nguyện, phải hối thúc lắm anh mới có mặt như một kẻ vô hồn. Mệt mỏi và chán nản, nhưng anh chưa bỏ cuộc.
Tôi trở lại cánh đồng Đắc Ơ này mới được chừng 4 tháng, và cũng không chính thức nữa. Mục đích là gây dựng một nhóm các anh em tại địa phương để lo cày xới cánh đồng, và 3 người anh em đã tình nguyện dấn bước cùng với 9 anh em Giáo Lý Viên sắc tộc, làm thành nhóm mười hai. Tối nay, sau 3 ngày cầu nguyện, tất cả cùng nhau quây quần chia sẻ hy vọng lẫn lo âu.
Có anh em cho rằng trồng mới thì dễ, chứ vườn cây một khi mất sức khó gây dựng lại lắm. Thú thực tôi đã muốn rời cánh đồng này rồi, nhưng con cái khóc quá, đi chưa đành. Người được sai đi cứ miên man như vậy đó, và tôi bắt đầu cày xới nhóm 12, những người con ngày đầu đến đây bơ phờ mệt mỏi thấy mà thương, có người nói thẳng là chẳng muốn đi khi nghe gọi, có anh trước đó mấy lần xin bỏ cuộc vì thấy mình bất lực, thế nhưng tối nay, mới chỉ có 3 ngày cầu nguyện, đặt mình trong quyền năng của Lời, tất cả đã hồi sinh, mạnh dạn lạ thường, mặt mũi anh nào anh nấy phấn khởi vui tươi, dù biết rằng cánh đồng trước mắt đòi rất nhiều công sức.
Lên đường, lời cầu chia tay của chúng tôi chính là lời kinh Ngôi Con đã cất lên từ thập giá: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Nghĩa là có đi tới đâu chăng nữa thì cũng không ngoài vòng tay Cha. Chia tay nhau không quên hẹn gặp lại ngôi nhà bé nhỏ này vào ngày 16 tháng 11, cũng 3 ngày, để được bồi dưỡng. Và để chia sẻ cho nhau niềm vui và hy vọng
Lớp người này đi, người khác tới, và thế là từ ngôi nhà nhỏ bé này không ngừng vang lời kinh tạ ơn và chúc tụng, vì “lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).