Bến mới

(Truyện ngắn)

Ảnh minh hoạ

Út sắp lấy chồng nên nó tranh thủ hỏi thăm Chế Sáu kinh nghiệm… có chồng. Cứ lúc nào Chế quởn tay quởn chưn thì nó lại líu ríu để hỏi chuyện cho thoả cái tò mò.

Nhiều lúc nó hỏi mấy câu mà Sáu cười muốn rụng rốn đỏ mặt chứ hổng biết trả lời làm sao. Cũng có lúc nó hỏi: “Sao chế thích anh Sáu? Anh chế có hay cãi nhau hông? Làm sao anh chế sanh được thằng Tẹc? Chế sanh thằng Tẹc ở chỗ nào? Có đau lắm hông mà đặt cho nó cái tên Tẹc nghe đau thấu trời?” Có khi mắc cỡ quá chừng thì vỗ nhẹ vai con Út rồi nói loáng thoáng: “Quỷ mày! Biết chi đòi biết nhiều thứ dữ! Mai mốt lấy chồng khắc biết!”

-“Chế ngộ! Thì người ta sắp có chồng thì cho người ta biết chớ giấu nhèm nhẹm làm gì?”

Con Út vừa nói vừa đánh hai vai để mái tóc dài phủ khuôn mặt đỏ ửng, Sáu vừa cười vừa chọc:

-“Í trời! Biết mắc cỡ rồi hén! Biết mắc cỡ là có chồng được rồi.”

Nó sững sờ hỏi:

-“Mắc gì có chồng phải biết mắc cỡ hả chế?”

-“Thì mắc cỡ mới biết cái gì là quý, là đẹp, là nên cất giữ riêng mình, là biết phải cưng yêu điều đó hết tình. Còn hổng mắc cỡ thì như đứa con nít trùng trục tắm mưa, nó đâu biết cái gì là quý, là giữ riêng. Đẹp tới mày cũng giữ riêng thân mày với ông chồng mày vậy thôi! Hiểu chưa?”

Con Út gật đầu đồng ý như thể chế của nó nói lời chân lý cấm ai nói sai. Từ nhỏ tới lớn Út vẫn nghe lời chế trong mọi chuyện. Gặp chuyện gì ngờ ngợ thì nó hổng chịu hỏi tía má mà chỉ nói với Sáu thôi. Nhất là những chuyện khó nói của con gái tuổi mới lớn. Thành thử Sáu không chỉ là người chị ruột thịt, mà với Út thì chế còn là người hướng dẫn cực kỳ khôn ngoan.

Mấy chú hàng xóm đang phụ tía với mấy anh cắt tàu dừa làm cổng. Trên cái cổng cao cao giữa trung tâm có đặt cái bảng “Vu Quy”. Con Út buồn rượi rượi. Má đi từ sau hè vòng ngược ra trước chỗ con Út ngồi kế Sáu đang đút cơm cho thằng Tẹc ăn. Thấy con Út tựa vai vào lưng chế nó, lâu lâu bờ lưng nó giật giật, rồi thi thoảng lấy tay dụi dụi, má biết nó khóc, thình lình từ phía sau má lấy ngón tay bất ngờ dí đầu nó:

-“Cái con! Lấy chồng chớ có phải đám ma tao với ổng đâu mà khóc! Khóc cho xui xẻo cái đám! Nín! Cấm khóc nghen!”

Nói xong má bỏ ra phía trước coi tía với mấy anh lợp rạp cưới. Nghe má rầy xong thì tủi thân mếu máo:

“Bộ má hổng thương em sao chửi em dữ vậy chế?”

Sáu vỗ bờ vai Út an ủi:

-“Thôi! Nín đi! Hồi chế lấy chồng cũng khóc rồi má cũng chửi! Dè đâu hồi bước ra khỏi cổng lên ghe thì má khóc còn nhiều hơn chế. Nên mấy lần sau này trở về thăm nhà cứ chọc má: ‘con lấy chồng chớ má lấy chồng đâu mà má khóc dữ hơn con vậy?’”

 Nó bớt khóc rồi lại hỏi:

-“Chế! Chế chưa nói em nghe sao hồi đó chế thích anh Sáu?”

-“Tao thích ảnh ở cái nết nhậu có chừng có mực, có tình có lý, nên tao ưng.”

Con Út khì cười sau một chập khóc lóc, chọc chế:

-“Chế nói ngộ! Cái ngữ nhậu nhẹt người ta sợ muốn chết, trốn còn hổng kịp. Đàng này anh Sáu nhậu mà chế còn thương!”

Sáu giải thích:

-“Con này hổng nghe tao nói hả? Ảnh nhậu có chừng mực, có tình lý chớ hổng phải khơi khơi mà nhậu say xỉn rồi làm bậy bạ gì đâu mà hổng thương?”

Út chưa hiểu. Trong đầu nó hiện lên hình ảnh mấy ông nhậu cỡ tuổi tía với mấy anh lớn. Có mấy ông hàng xóm xỉn không còn biết trời đất gì rồi đâm ra về đánh vợ con bầm mắt, chảy máu mũi. Có người còn ngủ với cô nào không biết. Con Út nghĩ tới cảnh có chồng như vậy thì khổ thân làm vợ và cho mấy đứa con. Nhiều lúc nó thấy vậy, dù chưa có chồng, mà nó cũng khẳng định xanh rờn: “Cho tui một tỷ mà biểu tui lấy kiểu đàn ông vậy tui cũng hổng lấy!” Nói câu đó mà nhìn nó già quá trời! Già hơn má với chế Sáu của nó.

Chế Sáu tiếp lời giải thích:

-“Ở xứ mình đàn ông không uống rượu được mấy người? Cưng nói chế nghe.”

Con Út nhẩm nhẩm rồi lắc đầu vì không có ai là không uống, không uống nhiều thì cũng uống ít. Sáu nói tiếp:

-“Xứ mình người ta quý ly rượu vì tình thân ái. Rượu từ gạo mà ra. Mà gạo thì quý biết chừng nào. Bao nhiêu gạo mới được một lít rượu. Vậy mà người ta đãi khách bằng cái thứ tinh tuý đó mới quý trọng làm sao. Chẳng qua mấy ông dưới mình hay mượn cớ giải sầu rồi uống vô độ, uống rượu thì ít mà pha cồn thì nhiều, thành thử cái thần kinh nó bị kích thích mất tự chủ, làm xằng bậy. Chế nói cưng có ưng hông?”

Con Út cũng gật đầu. Sáu tiếp lời:

-“Mà đâu phải đàn ông nhậu không. Đàn bà dưới mình nhiều lúc nhậu còn hơn mấy ổng. Nhậu xong nhảy nhót, ca hát, đập phá còn hơn mấy ổng. Vậy mấy ổng thấy vợ mình mà vậy chắc mấy ổng cũng sợ xanh mặt. Phải hông?”

-“Nhưng… nhưng… đàn bà nhậu ít hơn đàn ông!” Con Út trả lời.

-“Sao cưng biết ít. Tại hổng đem ra cho mấy bả uống! Chớ mấy bả có để uống chắc đô còn cao hơn mấy ổng. Như anh Sáu mày sao nhậu qua chế được.”

Nói tới đó con Út nín khe gật đầu. Sáu tiếp:

-“Anh Sáu mày cũng như mấy ông đàn ông khác thôi! Ảnh cũng có bạn bè, có công việc. Nhưng ảnh biết khi nào nên uống và khi nào không? Uống vì mục đích gì chứ không phải quởn quởn không mần gì thì uống. Mục đích lớn nhất của ảnh là gia đình, lo cho chế với thằng Tẹc. Cưng hiểu hông?”

Con Út gật đầu mạnh hơn như thể đồng ý mạnh mẽ. Sáu nói cho hết:

-“Ảnh nhậu nhưng mỗi khi về nhà mà trong người có hơi rượu thì ảnh biết xin lỗi. Ảnh biết ăn nói xằng bậy vì không tỉnh táo nên đi ngủ chứ không lải nhải gì thêm. Mà biết thằng Tẹc khóc cả đêm và chế không ưng mùi rượu nên luôn ra ngoài bộ ván ngựa ngủ mỗi khi nhậu xong. Ảnh biết say xỉn sẽ làm điều mất lòng nên ảnh chừa lại cho mình chút tỉnh táo để trở về với gia đình. Nhất là, ảnh không bao giờ ngủ lại nhà người khác sau mỗi lần nhậu, cứ phải đi về dù trưa nắng hay giữa khuya.”

Nói tới đây con Út tròn mắt thán phục chế của nó:

-“Ui! Chế có người chồng tuyệt vời quá! Em ước gì…”

Con Sáu bụm miệng con Út lại rồi nói:

-“Đừng đứng núi này trông núi nọ. Đừng nhìn chồng người khác rồi so sánh với chồng mình. Đừng cứ hở thì trách chồng mình không bằng chồng người ta. Chồng mày nghe nó buồn tủi thân rồi đâm ra làm bậy thì khổ. Làm vợ phải biết ủng hộ chồng và khuyến khích ổng. Chớ mở miệng mà cứ chê bai bải thì có mười đời chồng cũng chưa chắc ông nào sống được với cưng! Hễ vợ chồng có gì sai quấy thì đóng cửa mà khuyên nhau. Nhớ chưa?

Cuộc nói chuyện cứ thế kéo dài như không có điểm dừng, mãi cho tới khi muỗi cắn thằng Tẹc quá nên nó khóc ủm tỏi, thì hai chị em mới chịu ngưng mà vô nhà.

Rạp cưới đã xong. Tía với mấy chú hàng xóm đang ngồi khề khà bên ly rượu sau cả ngày vất vả lo dựng rạp cưới cho Út. Bữa cơm chiều tối hôm đó má nấu canh chua chả cá măng với cá bống kho tiêu, mấy món mà Út thích nhất. Cá măng tía bắt được mỗi ngày chừng một hai con rồi rộng dưới đìa, để dành nhiều rồi má cạo thịt làm chả mà tẩm bổ cho con gái cưng đép tới sắp về nhà chồng. Mấy con cá bống dừa, bống mú nằm nghiêng trong chảo đất phơi cái bụng căng tròn, ú nu. Út gắp từng miếng ăn nhưng nuốt không trôi dù má nấu rất ngon. Má dẻ mấy miếng thịt cá bống thiệt kỹ cho vô chén hai đứa con gái rồi cúi mặt ăn chứ không nói gì thêm. Bữa cơm toàn nghe tiếng tía với mấy chú hàng xóm nhậu ngoài bộ ván ngoài trước nhà. Còn nhà trong thì mấy mẹ con im khe.

Thấy im ắng quá, má kiếm cớ để hối:

-“Ăn riết lên! Trời tối ăn cá mắc xương chết!”

Rồi lấy tay vỗ cái bẹp lên khuỷu tay rồi nói:

-“Muỗi con nào con nấy bự chà bá! Thấy sợ luôn vậy đó trời!”

Dường như má không nhắc gì tới tên hai đứa con gái, chỉ nói mấy câu chung chung. Tối hôm đó, chế Sáu dắt thằng Tẹc về bên nhà vì lạ chỗ thằng Tẹc khó ngủ. Út lẹt đẹt ôm gối qua buồng má. Tía vẫn còn nhậu ngoài trước. Má nằm mình ên trong buồng quay mặt vô trong. Không biết má ngủ chưa nhưng con Út đoán là chưa vì thấy bờ vai má thi thoảng giật nhè nhẹ. Út nằm xuống rồi ôm má, ôm thật chặt. Như biết có người chạm vào nên bờ vai má không còn chuyển động mà im ru. Còn con Út thì chảy nước mắt ngắn dài mà không dám khóc thành tiếng vì sợ má khóc theo. Thi thoảng nó hít mấy cái lấy hơi vì nghẹt mũi. Nó cũng nghe tiếng hít đâu đó, chắc là của má, hay nó nằm mơ thấy nó khóc hổng chừng.

Sáng hôm sau, Sáu qua sớm chở theo con Đượm ở cuối xóm lên trang điểm cho Út. Chắc vì thức khuya nên Út ngủ li bì. Sáu vô buồng kêu giật một giật hai cho Út dậy. Hối nó đánh răng rửa mặt để lo trang điểm.

Đặt mình lên chiếc ghế dựa, con Đượm xổ mái tóc con Út khỏi sợi thun rồi kẹp hờ cho gọn. Mùi thơm phấn, son, những dụng cụ bấm mi, vẽ mày lần lượt được chạm lên khuôn mặt Út. Út thấy cái mùi đồ trang điểm là lạ vì lâu nay nó có bao giờ đụng tới, nhưng cũng thích thích vì nó biết hôm nay là ngày nó đẹp nhất từ trước tới giờ. Ngắm mình trong gương, Út ngỡ mình đang đối diện với một cô gái nào lạ lắm! Cô ấy đẹp hơn Út của mọi ngày. Sáu cầm chiếc áo dài và chiếc mấn từ ngoài bước vô buồng cho Út mặc, thấy Út mới trang điểm xong mà Sáu cũng giật mình:

-“Trời! Đẹp dữ thần vậy Út? Chắc tía má nhìn hổng ra mày luôn đó!”

Út mỉm cười nhìn chế Sáu. Nụ cười vẫn còn đọng chút nước trên hai khóe mắt. Tiếng ồn ào bắt đầu trổi lên quanh nhà. Những người bà con xa gần tới chia vui rôm rả với gia đình. Tiếng tía má nói chuyện và cám ơn mọi người rối rít.

Tía má đứng ngay cửa rạp nhìn ra bến xuồng chớ không đi theo xuống bến. Út khóc thút thít chứ không dám khóc nhiều vì sợ phấn son nhễ nhại. Chế Sáu cũng ôm thằng Tẹc mà khóc. Chú rể ôm Út vào lòng rồi đưa cho cô chiếc khăn để lau nước mắt. Tía má vẫn đứng yên chỗ cổng nhìn theo mỉm cười rồi vẫy tay chào khi chiếc xuồng đưa dâu bắt đầu rời bến. Lâu lâu má lại kéo vạc áo lau nước mắt. Út cố ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy tía má cười tươi và vẫy chào cho tới khi Út không còn trông thấy rõ bóng dáng của tía má và chế Sáu nữa. Ngoảnh nhìn hai bên bờ sông cho tới khi hai mắt mỏi nhừ, khô khốc, rồi Út tựa đầu vào vai chồng.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Chức giám mục theo Công Đồng Vaticano II

Là người con của giáo phận Buôn Mê Thuột, tôi vừa nhận được tin vui: …

Sự quảng đại và khiêm nhường của Thánh I-Nhã thành Loyola

Tháng Tư vừa qua, khi Đức Thánh Cha Phanxicô – Giêsu hữu đầu tiên trở …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *