Tác giả: Katherine Sanders
Mùa xuân này, tôi nhận được email từ một khách hàng người Mỹ khiến tôi hứng thú nhưng đồng thời có chút lo lắng. Tôi có nên vẽ một bức linh ảnh mới mô tả sự gặp gỡ của Đức Giê-su với Người thủ lãnh trẻ giàu có được mô tả trong mỗi Phúc Âm Nhất Lãm không? Phải, tất nhiên!
Hầu hết các linh ảnh được giao cho tôi, thảo luận và sau đó được sắp xếp vào thời gian biểu kế hoạch của tôi. Bức linh ảnh này sẽ là ngoại lệ và tôi sẽ phải thay đổi thời gian biểu để hoàn thành nó đúng hạn. Thông thường tôi sẽ nói không ngay lập tức, nhưng một cái gì đó về bức linh ảnh này và chủ đề của nó hấp dẫn tôi. Dĩ nhiên tôi đã được nghe câu chuyện này trước đây – đó là lúc Đức Giê-su nói rằng “một con lạc đà đi qua lỗ kim còn dễ dàng hơn so người giàu có vào nước Thiên Đàng”. Giống như nhiều Kitô hữu, tôi bị bối rối bởi hình ảnh miêu tả đó nhưng cũng bởi một vài từ trong câu nói trước đó, khi chúng ta nghe rằng “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”. Điều này có nghĩa là trước thời điểm này, Đức Giê-su đã không cảm thấy mến – hay yêu – đối với chàng trai trẻ giàu có này? Điều gì đã thay đổi Đức Giê-su trong thời điểm đó mà nó được đánh dấu trong phúc âm? Khách hàng của tôi đã chắc chắn rằng ĐÂY là khoảnh khắc nên được thể hiện trong bức linh ảnh – lần thứ hai khi chúng tôi nghe được rằng Đức Giê-su cảm thấy yêu mến (agape-tình bác ái đại đồng) người này thế nào, người đã đến hỏi Đức Giê-su với một câu hỏi quan trọng như vậy. Trong thư hồi đáp chúng tôi, ông nói “Những người giàu cũng cần một Đấng cứu thế và họ biết điều đó. Tâm thế của họ thật bất định thậm chí khi họ đã có địa vị xã hội và của cải.”
Vì vậy, chúng tôi đã có một khoảng thời gian ngắn, một khoảnh khắc khá đặc biệt để mọi thứ được sáng tỏ, và vị khách đó thực sự hiểu những gì anh ta muốn bức linh ảnh này biểu đạt một cách rõ ràng. Không có một nguyên mẫu nào để làm theo dù chúng tôi đã cố bằng nhiều hướng khác nhau: chúng tôi đã nói chuyện trực tiếp về văn bản Kinh Thánh, đọc xung quanh bối cảnh và mô tả. Khách hàng của tôi cũng đã đưa ra một đoạn Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái, liên quan đến bức linh ảnh này:
Sách Đệ Nhị Luật 8: 11-20: “Mô-sê đã triệu tập tất cả dân It-ra-en và nói với họ: Anh (em) hãy ý tứ đừng quên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mà không giữ các mệnh lệnh, quyết định và thánh chỉ của Người, mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay. Khi anh (em) được ăn, được no nê, khi anh (em) xây nhà đẹp để ở, khi anh (em) có nhiều bò và chiên dê, nhiều vàng bạc và nhiều mọi thứ của cải, thì lòng anh (em) đừng kiêu ngạo mà quên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh (em) ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh (em) chưa từng biết, để bắt anh (em) phải cùng cực và thử thách anh (em), hầu làm cho anh (em) được hạnh phúc trong tương lai. Anh (em) đừng tự bảo: “Chính năng lực của tôi và sức mạnh bàn tay tôi đã tạo ra cho tôi sự giàu có này.” Anh (em) hãy nhớ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), vì Người ban cho anh (em) năng lực tạo ra sự giàu có, để Người giữ vững giao ước đã thề với cha ông anh (em), như anh (em) thấy hôm nay. Nhưng nếu chẳng may anh (em) quên lãng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mà theo các thần khác, phụng thờ và sụp xuống lạy chúng, thì hôm nay tôi cảnh cáo anh em : chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong; như các dân mà ĐỨC CHÚA sắp tiêu diệt cho khuất mắt anh em, anh em cũng sẽ bị diệt vong như vậy, vì đã không nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em.”
Tôi đã xem xét các linh ảnh và bích họa khác cũng diễn tả những sự gặp gỡ tương tự – đặc biệt là Đức Giê-su gặp Người phụ nữ Samari, như chúng ta đã biết câu chuyện này và nó thường được tìm thấy trong các khuôn mẫu để lại. Thông thường Đức Giê-su được miêu tả ngồi trong khi người khác đứng, và vì vậy đây là cách tôi bắt đầu quá trình phác thảo. Tôi phác thảo thô hình dạng các chi tiết và sau đó thực hiện một vài phác thảo “tư duy” để xem như thế nào sẽ là tốt nhất.
Ban đầu tôi vẽ hình Đức Giê-su đang ngồi – theo truyền thống Người sẽ ngồi và đám đông sẽ ngồi tụ tập quanh chân Người. Tuy nhiên, khách hàng của tôi đề nghị cả hai nên đứng – đây là một sự tương tác sống động giữa Đức Giê-su và Người thủ lãnh trẻ, chứ không phải là một cảnh giảng dạy đơn thuần. Như chúng ta được kể trong Tin Mừng theo Thánh Mác cô:
Khi Người đang trên hành trình, một người đàn ông chạy đến và quỳ xuống trước Người, và hỏi Người, “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Và Đức Giê-su nói với anh ta, “Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Và anh ta nói với Người, “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Nhìn vào anh ta, Chúa Giê-su cảm thấy yêu mến anh ta và nói với anh ta, “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nhưng sau những lời này, anh ta rất buồn, và anh ta đau buồn bỏ đi, vì anh ta là người sở hữu nhiều tài sản.
Và Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp : “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với Người: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
Đức Giê-su cao hơn một chút, vì Người trưởng thành về thể xác và dĩ nhiên là do Thiên tính của Người. Trang phục Người mặc theo truyền thống, với chiếc áo choàng màu đỏ tượng trưng cho nhân tính của Người và được tô điểm bởi trang phục bên ngoài màu xanh tượng trưng cho Thiên tính của Người. Người được thể hiện bằng một phong thái sáng lạng, hiền hòa – với bàn tay phải của Người đang ban phép lành và tôi đã định rằng bàn tay trái của Người mở ra, vươn về phía chàng trai trẻ này, người trai trẻ đang tìm kiếm lời giảng dạy của Người về sự sống và làm thế nào để được cứu rỗi. Đó không phải là một lời cầu bầu, hay là một lời van xin – đó là một lời mời gọi mở ra, yêu thương dành cho chàng trai trẻ (và tất cả chúng ta). “Đến đây, nắm lấy tay Tôi và Tôi sẽ dẫn anh đến Nước Thiên Chúa”. Anh ta được thể hiện không hẳn là đứng, nhưng cũng không hẳn là di chuyển – Đức Giê-su sắp rời đi sau một thời gian dài trả lời, kể chuyện ngụ ngôn, giảng dạy. Tuy nhiên, Người do dự, khi đã nghe câu hỏi trực diện và câu trả lời trung thực từ chàng trai trẻ giàu có này.
Người thủ lãnh trẻ, rõ ràng, ăn mặc rất khác biệt. Khách hàng của tôi và tôi đã thảo luận rất lâu về cách chúng tôi có thể miêu tả sự giàu có vật chất của anh ta và làm thế nào để minh họa điều đó. Màu sắc sặc sỡ? Vàng và ngọc? Thậm chí lông thú? Thật là hấp dẫn khi có một số “trò vui” thực sự với bộ trang phục này, để truyền đạt một chút ngông cuồng mà sự giàu có của anh ta thể hiện trong lối hành xử. Nhưng về bản chất không có gì sai với sự giàu có của anh ta – đó là một thực tế của cuộc sống của anh ta, như tóc nâu hoặc mũi thẳng. Tôi cảm thấy rằng mặc dù anh ta giàu có, nhưng về bản chất anh ta không tệ, hay thậm chí là vô vị nếu dùng các chất màu nhân tạo để diễn tả.
Ở đây, một lưu ý về kỹ thuật. Các chất màu mà tôi sử dụng luôn là những chất màu tự nhiên. Chúng được hình thành từ trái đất, kim loại, đá, thậm chí là một hoặc hai viên đá quý, và được trộn với lòng đỏ trứng (từ gà mái trong vườn nhà tôi) và nước, với một ít rượu vodka. Chúng có một phẩm chất và một sự sống động có thể truyền tải đến não giúp chúng ta nhận ra ngay. Tôi nhận ra vào một buổi sáng khi tôi ngồi làm việc, ánh sáng mặt trời chiếu những tia sáng nhỏ li ti trên bề mặt sơn – những ngôi sao nhỏ, lấp lánh trong màu xanh chiếc áo choàng của Đức Giê-su, như đá azurite đặc biệt dễ bị biến chất thành hạt sần sùi (nếu quá mịn, sẽ làm nó mất màu). Điều này có nghĩa là ánh sáng không chỉ xuyên qua các lớp sơn, lên khung trắng của bảng vẽ để phản chiếu lại cho chúng ta các lớp màu, mà ánh sáng bị khúc xạ và gần như bị xử lý theo cách ngẫu hứng và đốm xoáy, nó nhắc tôi nhớ đến vùng biển trước lúc Tạo Dựng – chúng luôn chuyển động nhưng không ở dạng thông thường. Đây là lý do tại sao sơn acrylic và các chất màu nhân tạo không được sử dụng nhiều trong thần học phụng vụ, chúc tụng, Thánh Thể về biểu tượng học – chúng đẹp một cách kỳ lạ và có thể Chúa ban Ơn của Người để làm việc thông qua chúng – nhưng đây là một sự thực trong những vấn đề được sử dụng trong các bức linh ảnh. Tôi rất biết ơn khách hàng của tôi đã hiểu tất cả những điều này bởi vì bước tiếp theo của tôi không phải là những gì chúng tôi đã trao đổi trước đó.
Tôi ngồi xuống và nhìn chằm chằm vào dáng người của chàng trai trẻ. Tôi đã dành hàng giờ để vẽ anh ta, lặp đi lặp lại, cho đến khi tôi có được sự kết hợp của sự cầu xin, sự chất vấn và vân vân, kết hợp với sự biến đổi của linh ảnh như tôi có thể. Tôi biết rằng tôi muốn anh ấy được sáng lên. Tuy nhiên, khi tôi ngồi ở đó, tôi biết rằng, bên dưới hầu hết là màu xanh ngọc lam pha màu xanh trái đất mà tôi muốn cho chiếc áo choàng của anh ta, cũng phải có một lớp dày đá azurite – giống như chiếc áo choàng của Đức Giê-su. Đây là một chàng trai trẻ muốn được cứu, người muốn ở với Đức Giê-su – nhưng anh ta đã ở với Đức Giê-su, và anh ta đã dự phần Thiên tính đó trong con người của anh nhờ vào căn tính của con người , một tạo vật đã được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tôi đã phải tìm một cách để chứng minh rằng tất cả nhân loại, dù giàu hay nghèo, là một phần của Thiên Chúa và không phải bằng sự giàu có – nếu anh ta (và chúng ta) chỉ có thể nhận ra chân lý này. Điều này dẫn đến một sự lựa chọn hơi khác cho chiếc áo choàng của anh ta – màu đỏ bên trong, thu hút sự chú ý của chúng tôi, và trên đôi chân của anh ta là màu đỏ son đặc trưng (và độc) được thể hiện đầy tinh tế. Đây là màu mãnh liệt nhất mà tôi từng sử dụng và nó chắc chắn thu hút sự chú ý. Ai khác ngoài một người rất giàu sẽ di chuyển với những trang phục lập dị, mang tính phô trương cao như vậy? Giày của anh ta cho thấy rằng anh không phải đi bộ hàng dặm; Anh ta cưỡi một con ngựa tốt hoặc có thể đi xe được kéo bởi một bầy ngựa. Áo choàng của anh ta được nạm ngọc trai và không phải để bảo vệ anh ta khỏi thời tiết; đây là tất cả những gì cho thấy sự đẳng cấp, tựa như nhãn hiệu thời trang cao cấp trong thời đại của chúng ta, có lẽ vậy. Cả viền và vương miện của anh đều bằng vàng, cũng như hoa văn trang trí trên áo choàng của anh. Tuy nhiên, bạn có thể tự hỏi tại sao tôi sử dụng vàng thật, vì có rất nhiều lá vàng trên nền của bức ảnh.
Vàng, trong một bức linh ảnh, không nhằm để mô tả một kim loại trên trái đất này (hoặc không chỉ có vậy). Trong trường hợp này, vàng trong một lá vàng 23 ½ carat, gồm 2 lớp trên một nền màu sét đỏ. Nói một cách đơn giản nhất có thể, vàng tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa vô hình “nơi Người chúng ta sống và hiện hữu và là tất cả những gì chúng ta có”. Người gần gũi với chúng ta hơn hơi thở của chúng ta và không thể nhìn thấy bằng mắt. Số vàng này là một lời nhắc nhở về sự hiện diện đó và là một phần của “sự hiển dung thật” mà các bức linh ảnh muốn cho chúng ta thấy. Khi vàng được sử dụng trên quần áo, nó không thể hiện chính nó mà là ánh sáng của sự thánh hóa, vải, trang phục, giống như áo choàng của Đức Giê-su được biến hình trên núi Tabor; Ánh sáng của Thiên Chúa biến đổi chính vật chất xung quanh chúng ta đến mức chúng ta có thể nhìn thấy nó. Vì vậy, các dòng vàng trên áo choàng của Đức Trinh Nữ Maria, các dòng vàng trên áo choàng của Chúa Giê-su Hài Đồng, v.v., tất cả đều là dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự sáng tạo tốt đẹp của Người khi nó được biến đổi bởi sự hiện diện của Người và với tất cả khả năng tiềm ẩn cao nhất của nó.
Do đó, vương miện, gấu áo và áo choàng được sơn bằng một màu vàng tươi kiểu Ý để minh họa cho việc trang trí quần áo nhưng không phải là mục đích thật của chúng. Chúng được dùng như một cách miêu tả tinh xảo theo phong cách Byzantine của thế kỷ 12 và 13, và tôi hy vọng, nó cho thấy rằng rằng người này sẽ giàu có như thế nào khi mặc trang phục tinh xảo như vậy.
Khi anh ta tiến về phía Đức Giê-su để cầu xin, có những yếu tố nhỏ khác nói cho chúng ta biết cả nơi bức linh ảnh được tạo ra và nơi nó sẽ đến: trong áo choàng màu xanh của một nhà cầm quyền trẻ tuổi, khách hàng của tôi đã nhìn thấy một chút gì của biển Scotland vào mùa hè ; trên vương miện của anh ta, có những viên sapphire được mài mặt gợi lên lá cờ Saltire, thánh giá của Thánh Andrew. Dưới chân anh ta, chúng ta có thể thấy rắn đất Colorado (tên loài rắn: sonora semiannulata) và bọ cạp, loài bản địa từ quê hương khách hàng của tôi, và điều đó gợi nhớ đến đoạn văn trong Sách Đệ Nhị Luật . Đằng sau Đức Giê-su có một thác nước từ xa – Người là dòng nước mang đến sự sống không chỉ làm dịu tất cả những ai đang khát mà còn rất cần thiết cho cuộc sống ở vùng sa mạc nóng bỏng, nơi bức linh ảnh này sẽ sống. Xung quanh chân Đức Giê-su, có một vài loài thực vật bản địa từ vùng Colorado – Columbia, thảm hoa và sự miêu tả rằng Đức Giê-su là cây nho.
Ngoài ra còn có một yếu tố ‘hình học thiêng liêng’ ở đây. Giữa các chi tiết, người ta có thể thấy hình dạng của một chén thánh. Có một sự hiệp thông diễn ra giữa Đức Giê-su và người thủ lãnh trẻ tuổi giàu có này, tương tự như Bí tích Thánh Thể được cử hành hàng ngày trong các nhà thờ trên khắp thế giới. Một hình dạng tương tự chén thánh tồn tại trong linh ảnh Chúa Ba Ngôi (Rublev)**, mà lúc đó tôi đang nghiên cứu.
Tôi đã buồn khi hoàn thành bức linh ảnh này. Tôi luôn miễn cưỡng khi để chúng ra đi, được chúc phúc khi dành nhiều giờ để cầu nguyện với chúng và làm quen với các Thánh hoặc đoạn Tin Mừng trong trường hợp này. Nhưng tôi vui mừng hơn khi tôi có thể nói rằng nó sẽ được chia sẻ với rất nhiều người muốn mang Tin Mừng về tình yêu của Đức Giê-su đến với mọi người nhiều hơn và nó sẽ được bảo quản và cầu nguyện. Có lẽ tôi nên nói rằng tôi cảm thấy buồn, nhưng tôi cũng được chúc phúc.
Nguồn: https://orthodoxartsjournal.org
Chuyển ngữ: Ngô Hương
Hiệu đính: Nguyễn Danh