Khi con còn nhỏ, người lớn phải dạy cho bé tính kỷ luật. Kỷ luật là biết đặt mình vào khuôn khổ, biết giới hạn bản thân, không để mình buông lỏng trong những sở thích và ý muốn. Đứa bé nào cũng thích chơi, thích thoải mái, cộng với ý thức chưa đủ trưởng thành và chưa thể nhận thức được sự việc. Kỷ luật sẽ giúp điều chỉnh con người và tính cách của bé. Hệt như khi muốn uốn cây theo hình thù như ý, người ta phải đưa cây vào một khuôn từ khi nó mới chớm. Sau này khi lớn lên, bé sẽ sống một cách có trật tự, không bừa bãi, không tuỳ hứng, nhưng biết làm chủ bản thân mình theo một khuôn mẫu đúng đắn mà mình đã được huấn luyện từ nhỏ. Kỷ luật không chỉ là nếp sống đúng giờ đúng giấc, nhưng còn là một thái độ biết trên biết dưới, biết mình ở đâu, biết mình cần phải làm gì từ những việc nhỏ nhất. Có kỷ luật, đứa bé như có được nền tảng vững chắc cho một hành trình huấn luyện lâu dài về sau.
Lớn lên một chút, đứa trẻ cần phải học cho được tính trung thực. Khi ý thức vừa mới được hình thành một chút, đứa trẻ cần được giáo dục để hướng ý thức ấy về sự thật, về điều hay lẽ phải, điều đúng đắn. Trung thực là thái độ yêu mến chân lý. Có thì nói có, không thì nói không, chỉ giữ những cái thuộc về mình chứ không tham lam thứ của người khác. Trung thực cũng là thẳng thắn, rõ ràng, không quanh co, lọc lừa, dối trá. Sự trung thực giúp đứa trẻ sống cách quang minh chính đại, không hình thành trong đầu mình những suy tính muốn chiếm đoạt cái này cái kia cho bản thân. Đứa trẻ sẽ học biết cách tôn trọng người khác, biết nghĩ cho người khác.
Thêm một chút nữa, nhất thiết phải tập cho các em một ý thức về sự cầu tiến. Ở cái tuổi chuẩn bị bước vào đời, không có khát khao vươn lên thì sẽ bị diệt vong như có ai đó đã nói rằng: sống một cuộc đời cũng hệt như đi xe đạp, không tiến tới thì sẽ té ngã. Thái độ cầu tiến sẽ giúp các em mở ra với thế giới bên ngoài vốn là một kho tàng rộng lớn những điều huyền bí đang chờ các em khám phá. Các em cần phải đi vào thế giới ấy, lục lọi từng ngóc ngách để hiểu biết và để biến mình thành một phần của nó. Trí khôn của các em sẽ được mở ra, hướng tới những điều mới lạ. Chính những điều ấy sẽ góp phần bồi đắp và làm cho con người các em thêm yêu cuộc sống. Bộ óc vô hạn của các em cần phải được khai thông bởi một khao khát học hỏi và tìm hiểu. Còn có sự cầu tiến thì còn có sự phát triển, sự lớn lên, còn có tầm cao mới để hướng đến.
Vào đời, người trẻ phải thủ đắc cho được sự tự tin vào bản thân. Chắc chắn sẽ có những vấp ngã, những thất bại. Nhưng không bao giờ để cho mình đánh mất niềm tin vào bản thân. Rằng mình là một thực thể duy nhất của vũ trụ này. Rằng không gì có thể khiến mình lụn bại. Rằng mình có thể làm được mọi thứ nếu mình có quyết tâm và dám liều mình thực hiện quyết tâm ấy. Phía trước luôn có một con đường. Sau đám mây đen là mặt trời rực rỡ. Cuối đường hầm là con lộ ngợp nắng với hoa. Tự tin đòi hỏi một thái độ lạc quan, không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ cho phép mình dừng lại, dám táo bạo ước mơ và nỗ lực thực hiện ước mơ ấy trong một sự suy xét cặn kẽ và biết mình. Vào đời, người trẻ sẽ đối diện với nhiều thứ mà trước kia họ không thấy và cũng không thể nghĩ tới. Họ sẽ nhận ra rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng tươi đẹp và mọi thứ không phải luôn diễn ra như họ ước mong. Thậm chí nó đôi khi còn rất phũ phàng và cay đắng. Nhưng chính qua những điều đó mà họ sẽ học được nhiều bài học hay, họ sẽ được tôi luyện và trở thành một con người cứng cáp.
Khi đã có chút tiếng tăm và thành công, người ta cần phải học một bài học vô cùng khó khăn: sự khiêm tốn. Khiêm tốn không phải là thu mình vào góc nhỏ, phủ nhận hết mọi điều tốt đẹp và cao cả mà mình đã làm, nhưng là một nhận thức đúng đắn về bản thân mình. Rằng những gì mình có chẳng là gì so với những gì mình chưa có, và ngay cả những gì mình đang có, không phải chỉ do công sức và tài năng của riêng cá nhân, nhưng còn có sự trợ giúp của người khác và đôi khi còn có chút may mắn Trời ban nữa. Rằng “thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”. Núi này cao còn có núi khác cao hơn. Mình không phải là chóp đỉnh hay trung tâm của vũ trụ. Không bao giờ tự mãn về bản thân để rồi khép mình lại, không còn phấn đấu nữa và tự cho mình quyền phán xét cả nhân loại. Càng thành công, càng cần phải khiêm tốn. Khiêm tốn sẽ tạo thế cân bằng với thành công và giúp người ta tiến xa hơn trên những nấc thang mới.
Khi tuổi đã xế chiều, người ta đã thủ đắc cho mình không biết bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm nhờ trải qua những phong sương của cuộc đời và đối diện với trăm ngàn câu chuyện nhân tình thế thái. Lúc này, người ta cần phải học một bài học xem ra rất ngược ngạo so với những gì cuộc sống dạy họ: học cách buông bỏ. Nhớ lại quá khứ, người ta đã đổ không ít mồ hôi nước mắt để theo đuổi mục tiêu và có được điều mình muốn. Nhưng rồi, con người chợt tự hỏi mình: rốt cuộc mình phấn đấu có những điều ấy để làm gì? Khi tuổi đã cao, sức đã yếu, người ta bỗng yêu cái thân xác này, thấy nó đã tiều tuỵ đi quá nhiều vì thời gian, vì những tính toán, vì phải hao tâm gồng gánh bao nhiêu việc. Khi đôi chân không còn đứng vững, đôi mắt dần nhoà đi, người ta mới biết cuộc sống này chỉ là hư ảo, như mây như gió, như hoa cỏ một thời tuyệt sắc rồi một thoáng tàn phai. Giờ đây, cái cần nhất là sự bình an, thong dong, thoải mái. Chẳng cần thiết phải khư khư giữ lấy những cái mau qua, những hận thù, hay danh dự. Ý thức về sự buông bỏ giúp họ đặt xuống khỏi vai mình những gì cứ đeo đuổi và bám riết họ bấy lâu nay. Họ sẽ dễ tha thứ hơn, sống bao dung hơn, biết chia sẻ hơn, không chấp nhất, không câu nệ. Bất chợt, họ như bắt gặp được chân lý: cái quý nhất trên đời cũng chỉ hệ ở một chữ “tình”. “Tình” chính là cái tinh tuý của con người, cái làm cho con người là con người, cái duy nhất còn đọng lại khi tất cả mọi cái khác của con người tan biến hết. Vậy mà bấy lâu nay, vì mải mê chạy theo dòng xoáy của cuộc đời, họ đã lãng quên hay đánh mất nó. Ngộ ra được điều này, họ bắt đầu sống lại cuộc sống của mình, theo một cách thức sung mãn và tròn đầy nhất.
Cả một cuộc đời, chẳng bao giờ người ta có thể ngừng học. Học để biết cách sống, biết đưa vào cuộc sống mình những nguồn năng lượng dồi dào. Cuộc sống sẽ mãi luôn là một sự bắt đầu, một quá trình “làm mới lại” không ngừng của bản thân!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ