Các Thánh tử đạo tại Kosice: Những mẫu gương đức tin kiên trung khi bị thử thách và bách hại (lễ nhớ ngày 07.9)

4“Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.” Nếu không có có Chúa, hẳn cha Stêphanô Pongracz SJ, và cha Melkiôrê Grodziecki SJ, cùng với người bạn là cha Marcô Krizevcanin, chỉ là con ruồi con muỗi bất hạnh bỏ mạng trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị ở châu Âu vào đầu thế kỷ XVII. Nhưng Chúa đã không để cái chết của các ngài trở thành vô nghĩa.

Cha Stêphanô Pongracz (1584–1619) là con một gia đình quý tộc ở Transylvania, Hungary. Ngài gia nhập Dòng Tên năm 1602. Cha Melkiôrê Grodziecki (1582–1619) là con một gia đình giàu có ở Silesia, Ba Lan. Các ngài biết nhau khi sống chung một năm tại nhà tập Dòng Tên ở Brno, nước Séc.

Đầu thế kỷ XVII, các thế lực chính trị ở châu Âu chia thành hai nhóm chính: nhóm theo Công giáo và nhóm theo Tin Lành. Hai nhóm này liên tục tranh giành tầm ảnh hưởng và gây nên cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Một trong những điểm nóng của cuộc chiến tranh này là Kosice, một thành phố hàng đầu của Hungary ngày xưa lẫn hiện nay. Nơi đây, vua Ferdinand có một cung điện; và điều trớ trêu là nhà vua theo công giáo, trong khi hầu hết dân Kosice đã theo Tin Lành, vì thế thành phố này trở thành điểm nóng cho các cuộc tranh chấp.

1Năm 1618, hồng y Pazmany, Đấng bản quyền của giáo hội tại Hungary, mời một số linh mục đến Kosice giúp các giáo dân sống tản mát trong khu vực và thường xuyên bị đe dọa. Nếu không phải vì vâng lời và yêu mến như Chúa Giêsu, không ai dại dột đâm đầu vào chỗ chết. Dầu vậy, có 3 linh mục đã ‘dại dột’ như thế. Trong hai cha Dòng Tên, cha Pongracz nhận giúp các giáo dân sống rải rác khắp nơi, cha Grodziecki làm tuyên úy cho quân đội hoàng gia. Riêng cha Kizevcanin, một kinh sĩ người Croat, 31 tuổi, làm giám quản tu viện Szeplak.

2Đầu năm 1619, một thủ lãnh Tin Lành là Rococzy cầm đầu chừng 1000 tay súng ùa vào thành phố Kosice, đánh chiếm thành phố và bắt giam cả ba linh mục. Bị dụ dỗ, đe dọa, tra tấn, các ngài vẫn nhất quyết trung thành với Hội Thánh công giáo. Cha Pongraz khuyên hai cha trẻ hơn: “Đừng vì cuộc sống mau qua mà bỏ thánh giá Đức Ki-tô.” Các ngài bị trói hai tay, treo lên sàn nhà, bụng bị đốt cho tới khi lòi ruột. Sau đó hai cha trẻ hơn bị chém, và xác bị liệng xuống hố phân. Riêng cha Pongracz bị đánh đập nhừ tử, rồi bị bỏ mặc 20 giờ cho tới khi tắt thở.

Như Chúa Giêsu trên thập giá, trước khi chết, cha Pongracz cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Hận thù của con người, dù lớn đến đâu, không sao dập tắt được tình yêu Thiên Chúa đặt trong lòng các môn đệ Đức Ki-tô.

Cha Bề Trên Cả Kolvenbach gọi các ngài là chứng nhân trung thành và dũng cảm của Đức Ki-tô nghèo khó và khiêm nhường. Các ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên thánh năm 1995.

Lời nguyện: Lạy Cha, nơi các thánh tử đạo Stêphanô, Melkiorê và Maccô, Cha đã ban cho dân Cha những mục tử dũng cảm và những chứng nhân đức tin trung kiên. Nhờ lời các ngài chuyển cầu, xin Cha nâng đỡ chúng con trong khi hoạn nạn, và giữ vững đức tin đến cùng.Và lạy Cha, ngày hôm nay, hiệp cùng Đức Thánh Cha và toàn thể Hội Thánh, chúng con nài xin Cha ban hoà bình cho khắp các dân tộc trên thế giới, cách đặc biệt cho đất nước Syria. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, từ muôn thuở đến muôn đời. Amen.

CHO VINH DANH CHÚA HƠN

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *