Những câu chuyện trong Kinh Thánh thường được đọc như những câu chuyện được viết theo góc nhìn của nam giới, với những vai trò chính được giao cho người nam: các tổ phụ, các thẩm phán, các vua, các ngôn sứ. Tuy nhiên, trên thực tế, những phụ nữ khôn ngoan hiện diện một cách sáng tạo trong các trang Kinh Thánh, nơi kể lại nhiều hơn những câu chuyện về các tổ mẫu. Vào những thời điểm quyết định trong câu chuyện Kinh Thánh, chính những người phụ nữ tạo nên sự khác biệt, can thiệp để tháo gỡ những nút thắt và giải quyết các vấn đề trên con đường lịch sử cứu rỗi.
Ở đây, chúng ta sẽ tập trung vào ba người phụ nữ trong Kinh Thánh đóng vai trò quan trọng trong các trình thuật của Cựu Ước và Tân Ước. Họ đã có mặt trong những bước chuyển then chốt từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang lại sự thay đổi về chất trên con đường của những người khác. Những người phụ nữ được chú ý là Rê-bê-ca và Bát-se-va trong Cựu Ước và người phụ nữ gốc Phê-ni-xi trong các sách Tin Mừng.
Rê-bê-ca, một tổ mẫu với hai người con trai
“Ông Isaac đã già, mắt ông loà không trông thấy nữa. Ông bèn gọi Esau, con trai lớn của ông, ông nói: ‘Con ơi!’ Cậu thưa: ‘Dạ, con đây.’” (St 27:1).
Chương 27 S\sách Sáng Thế tập trung vào việc chúc phúc của Isaac cho một trong những người con trai của ông, như sự kế thừa thế hệ rõ ràng từ vị tộc trưởng này sang vị tộc trưởng khác. Isaac giờ đã già và đau yếu, ông muốn ban phước lành cho người con trai cả của mình là Esau, người mà ông yêu thương vì thịt thú rừng mà Esau nấu cho ông (so sánh St 25:28).
Trong bối cảnh này, Rê-bê-ca nổi lên như là tâm điểm của câu chuyện.[1] Đằng sau hậu trường, bà đã dệt nên một âm mưu để làm cho các sự kiện diễn ra theo cách mình mong muốn. Với sự quyết đoán và khả năng xoay chuyển của mình, người mẹ này dường như điều khiển tất cả các nhân vật khác như những quân cờ trên bàn cờ thế.[2] Sau khi nghe cuộc trò chuyện giữa Isaac và người con trai cả, nhận ra sự nghiêm trọng của khoảnh khắc đó, bà đã can thiệp một cách ranh mãnh. Trong khi Esau đang đi săn cho cha mình, bà đã gọi người con trai út Gia-cóp để giành lấy phúc lành cho người thừa kế.
Trước sự do dự và sợ hãi của Gia-cóp, bà bắt cậu thực hiện kế hoạch của bà: “Giờ đây, con ơi, hãy nghe lời mẹ mà làm như mẹ dạy con” (St 27:8). Người con thứ giả vờ mình là Esau, vốn đầy lông lá. Ông mặc quần áo của anh trai và phủ mình bằng da dê, để giành lấy phước lành từ người cha già Isaac, phúc lành mà người anh cả đáng được hưởng.
Rê-bê-ca lừa dối người chồng già của mình, biết rõ những hạn chế giác quan của ông và lợi dụng sở thích của ông, chuẩn bị một món ăn mà Isaac thích. Bà đưa chúng cho Gia-cóp để cậu đưa cho cha mình. Người thua cuộc là Esau không hề hay biết, cậu đang đi săn cho cha mình, và hy vọng nhận được lời chúc phúc khi trở về.
Tại sao Rê-bê-ca lại chọn Gia-cóp thay vì người con trai khác của bà? Trong chương 25 của sách Sáng thế, bà nhận được lời sấm truyền từ Chúa: “Đứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ”. Rê-bê-ca có lẽ đã chọn thiên vị Gia-cóp vì lời sấm truyền, nhưng nếu đọc kỹ Sáng thế 25,23 sẽ khám phá ra văn bản tiếng Do Thái mơ hồ như thế nào và khó diễn giải ra sao. Trên thực tế, có thể dịch là: “đứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ”, hoặc: “đứa nhỏ sẽ phục vụ đứa lớn”.[3] Quyền tự do của Rê-bê-ca trong việc quyết định và diễn giải lời sấm truyền theo trái tim mình được thể hiện trong sự mơ hồ này.
Bà có lẽ đã suy ngẫm những lời này rất lâu, so sánh những lời ấy với hiểu biết của bà về hai người con của mình. Một yếu tố quyết định giúp ta hiểu được sự ưu tiên của bà đến từ câu chuyện ngay trước chương 27: “Khi Esau được bốn mươi tuổi thì lấy hai người vợ là Giu-đi-tha, con gái ông Bơ-ê-ri người Khết, và Ba-xơ-mát, con gái ông Ê-lôn người Khết. Hai người phụ nữ này làm cho ông Isaac và bà Rê-bê-ca phải cay đắng trong lòng.” (St 26:34-35). Cuộc hôn nhân của Esau với người Hittite khiến Isaac và Rê-bê-ca đau buồn và có lẽ khiến người mẹ có lý do nghi ngờ sự phù hợp của Esau cho vị trí người thừa kế phúc lành của cha mình, và điều ấy thúc đẩy bà đi đến việc giải thích lời sấm truyền và hành động có lợi cho đứa con trai út của mình.[4]
Trong câu chuyện của Sáng thế 27, Rê-bê-ca dường như có thể điều khiển tất cả các nhân vật khác, biết điểm yếu của họ (chẳng hạn như sự mù lòa của Isaac), có những vật dụng phù hợp trong tay (quần áo của Esau để Gia-cóp mặc, những con dê non trong đàn) và biết sở thích về thức ăn (bữa ăn mà bà chuẩn bị cho Isaac). Thật không may, bà đã không tính đến phản ứng của Esau trong kế hoạch của mình. Khi nhận ra mình đã bị lừa, Esau quyết định trả thù Gia-cóp. “Esau hận với Gia-cóp vì lời chúc phúc cậu này đã được cha ban cho. Esau tự nhủ: “Sắp đến ngày lo đám tang cho cha ta rồi; bấy giờ ta sẽ giết Gia-cóp, em ta!” (St 27:41).
Khi tình hình có vẻ như đã không thể cứu vãn và kế hoạch có vẻ như đã thất bại, Rê-bê-ca hành động một cách sáng suốt và khéo léo, để tránh một kết cục bi thảm cho hai người con trai của bà. Đầu tiên, bà can thiệp với Gia-cóp, yêu cầu cho cậu đến Haran, rời khỏi quê hương của mình một thời gian, và sau đó là với Isaac. Rê-bê-ca vào cửa của chồng mình – cả hai ông bà đều thấy cay đắng với những người vợ Hittite của Esau – và đi ra bằng cánh cửa của mình, bà gửi người con trai út của mình đến Haran để tìm một người vợ trong số những người họ hàng của cha mình. Và vì thế, quyết định này tránh được một cuộc đối đầu dữ dội giữa hai anh em.
Trong suốt cuộc hành trình này, vốn dĩ dài hơn và nhiều thử thách hơn dự kiến, con đường phát triển và trưởng thành của Gia-cóp sẽ bắt đầu. Từ thời điểm này trở đi, ông sẽ là trọng tâm mới của diễn biến Kinh Thánh, theo sau Abraham và Isaac.
Tình yêu và sự ưu ái của Rê-bê-ca dành cho Gia-cóp dường như là yếu tố thúc đẩy bà lập kế hoạch cho một mưu kế vừa táo bạo vừa liều lĩnh. Nhiều lần trong sách Sáng Thế, sở thích và lựa chọn của người nam là yếu tố thúc đẩy câu chuyện tiến triển đáng kể (ví dụ, Gia-cóp thích Rachel hơn Leah, hoặc bản thân Gia-cóp yêu quý Giuse hơn những người con trai khác của mình.) Đồng thời, chúng ta phải xem xét cách suy ngẫm lâu dài về lời sấm truyền của Chúa và cuộc hôn nhân của Esau với Hittite đã góp phần thế nào vào sự can thiệp có lợi cho Gia-cóp của Rê-bê-ca, bởi vì bà tin rằng thông qua Gia-cóp, phúc lành sẽ được bảo đảm và bảo tồn tốt hơn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo nhà chú giải Kinh Thánh Robert Alter, Rê-bê-ca giống như nhiều phụ nữ khác trong Kinh Thánh, “những người không hài lòng với cuộc sống thực vật, sống trong một góc nhà, nhưng nếu cảm thấy thất vọng với thế giới của các ông, họ không ngần ngại nắm lấy vận mệnh của mình và thậm chí là vận mệnh của quốc gia vào tay họ.”[5]
Bát-se-va, sự nhạy bén chính trị của một ‘người làm nên đức vua.’
Câu chuyện về Bát-se-va có nhiều yếu tố tương đồng và liên tục với Sáng thế 27. Lần này bối cảnh là phần đầu của sách Các vua quyển thứ nhất. Vào cuối sách Samuel quyển thứ hai, câu chuyện về Đa-vít vẫn chưa kết thúc, như thể bị đình chỉ bằng cách nào đó. Và câu chuyện về cuộc đời của Đa-vít kéo dài đến hai chương đầu tiên của sách Các vua quyển thứ nhất.[6] Với sự kết thúc của triều đại Đa-vít, các nhân vật đóng vai trò chính trong suốt câu chuyện của ông dần rời khỏi bối cảnh lịch sử Israel, đôi khi diễn ra một cách rất kịch tính. Một chu kỳ khép lại và câu chuyện lại sang một trang mới.
Trong triều đại của mình, Vua Đa-vít có mối tương quan không tốt với con cái và được mô tả là một người cha xa cách và vắng mặt.[7] Người con trai cả của ông là Amnon, một kẻ xâm hại tàn bạo, đã cưỡng hiếp chính em gái mình, còn cha cậu chỉ biết lặng lẽ quan sát (xem 2 Sam 13:21). Sau đó, Amnon nếm trải sự trả thù khủng khiếp của Absalom, người anh trai khác của cậu vì những gì cậu đã làm với cô em gái của Absalom. Sau đó, Absalom nổi loạn chống lại cha mình và chết một cách bi thảm. Vào cuối đời, khi đã già cả và ốm yếu, Đa-vít không cho thấy sự chắc chắn của mình về người kế vị ông cai trị Israel. Tuy nhiên, lời tiên tri của ngôn sứ Nathan về một ngai vàng sẽ tồn tại mãi mãi cho nhà Đa-vít vẫn còn đó (xem 2 Sam 7). Trong khoảng trống quyền lực này, Adonijah, một trong những người con trai của nhà vua, cố gắng giành lấy quyền lực. Đối mặt với viễn cảnh này, ngôn sứ Nathan đã hành động, tích cực ủng hộ Sa-lô-môn, với sự giúp đỡ cương quyết của Bát-se-va, mẹ của hoàng tử trẻ.
Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít và vợ của tướng của Uriah, xuất hiện lần đầu tiên trong 2 Sam 12, 24-25, khi người đọc phát hiện ra rằng đứa trẻ mới sinh được Chúa yêu thương, và ngôn sứ Nathan đã đến đổi tên đứa trẻ thành Jedidiah, “người được Chúa yêu thương”. Chúa đã tỏ ra thiên vị, nhưng Nathan sẽ không sử dụng yếu tố này để ưu ái Sa-lô-môn làm người kế vị ngai vàng.
Kế hoạch của ông là nói chuyện với nhà vua, nhắc nhở nhà vua về lời hứa mà ông đã lập trước đó – tuy nhiên, lời hứa này không được đề cập trong lời tường thuật trong Kinh Thánh – rằng Sa-lô-môn sẽ kế vị Đa-vít trị vì đất nước. Nathan và Bát-se-va đồng lòng hành động để thuyết phục vị vua già thực thi quyền lực cuối cùng của mình và hành động quyết đoán trong các quyết định của mình. Người đọc tự hỏi liệu lời thề của nhà vua với Sa-lô-môn có thực sự được đưa ra hay liệu yếu tố này được vị ngôn sứ tạo ra để làm nhà vua bối rối và thuyết phục ông theo kế hoạch của mình.
Nhân vật Bát-se-va khiến chúng ta ngạc nhiên: thay vì chỉ lặp lại những mưu kế của Nathan, bà cho thấy mình là người sáng tạo và sẵn sàng chủ động, đảm bảo rằng con trai bà sẽ trở thành vua. Người đọc ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những phát biểu của người phụ nữ này rất sắc sảo và được chuẩn bị tỉ mỉ, rõ ràng là dài hơn và tinh vi hơn so với gợi ý của Nathan.[8]
Và dù có nhắc lại thì việc lặp lại của hoàng hậu rất sáng tạo. Bà không chỉ lặp lại những lời và gợi ý của vị ngôn sứ, mà còn phát triển chúng với kỹ năng và sự tinh tế tuyệt vời, nói trực tiếp với nhà vua, nhắc nhở Đa-vít về lời thề của mình và thêm một yếu tố khiến nó thậm chí còn trang trọng hơn, bởi vì cam kết của nhà vua với Sa-lô-môn sẽ được thực hiện nhân danh Chúa:
“Thưa chúa thượng, ngài đã nhân danh Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngài mà thề với nữ tỳ của ngài rằng: “Sa-lô-môn con của ái khanh sẽ làm vua kế vị ta trên ngai báu của ta. Nhưng bây giờ, này, A-đô-nigia đã làm vua, thế mà đức vua chúa thượng của tiện thiếp vẫn không hay biết.” (1 V 1:17-18).
Vì vậy, bất chấp lời thề chính thức của nhà vua, không chỉ Adonijah người đang điều hành đất nước, mà chính Đa-vít cũng bị lừa, vì ông không biết gì về điều đó. Bát-se-va kể, với một mức độ cường điệu, rằng tất cả các con trai của nhà vua đều được mời đến dự tiệc mừng của Adonijah, gần giống như một lễ đăng quang, trong khi “Sa-lô-môn, tôi tớ của ngài” (câu 19), chỉ mình ông, người thừa kế hợp pháp, bị loại trừ. Mô tả sống động này làm khơi dậy phản ứng mạnh mẽ nơi Đa-vít. Trên thực tế, trong mô tả cường điệu này, Adonijah rõ ràng được coi là kẻ cướp ngôi, trong khi Sa-lô-môn là người trung thành.
Bát-se-va khiêu khích và thách thức vua Đa-vít, bà đặt câu hỏi về danh dự của ông trước mặt mọi người. Mọi người hiện đang chờ đợi nhà vua quyết định ai sẽ kế thừa ông trị vì trên ngai vàng (câu 20). Tại sao ý muốn của nhà vua không được tôn trọng? Nói cách khác: nhà vua có thể phá vỡ lời thề của mình trước mặt mọi người không? Bát-se-va nhắc nhở ông: Nếu ông không hành động thì số phận của bà và Sa-lô-môn sẽ bị đóng ấn. Khi nhà vua qua đời, bà và con trai bà sẽ bị Adonijah coi là có tội và sẽ phải trả giá cho yêu sách của họ bằng mạng sống của mình. Hành động của Bát-se-va tỏ ra cương quyết, và sau cùng vua Đa-vít đã xức dầu cho Sa-lô-môn làm vua.
Sau đó, hoàng hậu cũng đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn củng cố triều đại của con trai mình. Adonijah hiện không phải là ứng cử viên cho ngai vàng, nhưng ông muốn kết hôn với Abishag, người vợ lẽ của cha mình khi ông đã già. Ông nhờ Bát-se-va can thiệp với nhà vua mới. Việc xin cưới Abishag, người rất thân thiết với vị vua đã khuất, có lẽ là biểu hiện ông muốn mở đường để giành lại ngai vàng? Tiền lệ của Absalom, người đã sử dụng các thê thiếp của Đa-vít trước mặt mọi người để khẳng định yêu sách của mình đối với vương quốc, không phải là một tiền lệ tích cực (so sánh 2 Sam 16:20-22). Có lẽ yêu cầu của Adonijah chỉ đơn giản là yêu cầu một phần thưởng an ủi sau khi mất ngai vàng, nhưng nó cũng có thể là một tính toán sai lầm và là dấu hiệu nghiêm trọng của sự ngây thơ về chính trị. Hành động của Adonijah có thể dẫn đến cả hai cách giải thích ở trên, và đó yếu tố có thể gây rối loạn cho triều đại mới.
Thật ngạc nhiên, Bát-se-va đồng ý nói chuyện với Sa-lô-môn , nhưng liệu bà có biết rằng Adonijah sẽ liều mạng nếu bà đưa ra yêu cầu này với nhà vua không? Ở đây, một lưu ý mơ hồ được thêm vào, một sắc thái chỉ có thể hiểu được khi đọc văn bản bằng tiếng Do Thái. Bát-se-va trả lời Adonijah bằng cách nói với ông rằng bà sẽ nói chuyện với nhà vua “thay cho ông”, hoặc “về ông”, hoặc thậm chí “chống lại ông” (1 Kings 2:18). Cả ba bản dịch đều có thể. Sự mơ hồ này làm nổi bật cách Bát-se-va có thể hiểu được mối nguy hiểm trong yêu cầu của Adonijah, và do đó, với sự thận trọng và khôn ngoan, bà sẽ cố gắng tháo ngòi nổ của một cái bẫy có thể được giăng ra trước đó.
Bản văn nhấn mạnh rằng Bát-se-va đã đến gặp vua Sa-lô-môn “để nói chuyện với ông thay mặt cho Adonijah” (câu 19). Câu nói này cũng có thể được dịch là “nói có lợi cho nhà vua chống lại Adonijah”; ở đây cũng có một sự mơ hồ nhất định, xuất hiện từ bản văn tiếng Do Thái. Sau đó, cuộc gặp gỡ giữa nhà vua và Bát-se-va được mô tả chi tiết và theo cách trang trọng: tân vương đứng dậy để đi gặp mẹ mình, và thậm chí còn phủ phục trước bà.[9] Sa-lô-môn ngồi trên ngai vàng của mình và cũng có một ngai vàng được đặt bên phải cho mẹ mình.
Một mặt, Bát-se-va nói rằng bà có “một vấn đề nhỏ” muốn thảo luận với nhà vua; mặt khác, bà đưa ra yêu cầu táo bạo của Adonijah với nhà vua – “Hãy ban Abishag, người Shunem, cho anh trai của ngài là Adonijah làm vợ” (1 Kings 2:21) – điều này ngay lập tức gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Sa-lô-môn , người đã hành động một cách quyết đoán để loại bỏ anh trai mình và tất cả những người chống đối khác. Có lẽ Bát-se-va cố tình trực tiếp bày tỏ để tăng thêm cảm giác lo lắng cho nhà vua, vốn đã cảm thấy phần nào yêu cầu này có thể nguy hiểm. Phản ứng của Sa-lô-môn cho thấy Bát-se-va đã khơi dậy loại phản ứng này nơi con trai mình, điều mà bà đã dự đoán trước qua cách bà nói. Trong mọi trường hợp, phản ứng của Sa-lô-môn chỉ ra rằng ông rõ ràng đã hiểu yêu cầu của Adonijah tương đương với một lời đe dọa sẽ bị loại bỏ.
Người đọc sẽ nhớ đến Bát-se-va chủ yếu vì bà đã bị Đa-vít quyến rũ khi còn trẻ, mặc dù bà đã kết hôn với Uriah người Hittite. Trong các trình thuật chúng ta đã khảo cứu, bà là một nhân vật quyết đoán dẫn dắt và phát triển câu chuyện. Bà chứng tỏ có khả năng diễn giải sáng tạo những gợi ý của ngôn sứ Nathan và biết những yếu tố nào cần nhấn mạnh để có được sự ưu ái của vị vua già Đa-vít nhằm cứu mạng Sa-lô-mon và xức dầu cho ông làm vua. Với kỹ năng chính trị khéo léo, bà tham gia vào cuộc đối thoại với Adonijah, vạch trần những yêu cầu thiếu thận trọng của ông trước vua Sa-lô-môn. Trên thực tế, bà đóng góp quyết định vào cái kết bi thảm của Adonijah và củng cố triều đại của con trai bà, lật ngược một tình huống dường như có khả năng gây nguy hiểm cho con trai bà.
Rê-bê-ca và Bát-se-va là những người phụ nữ đóng vai trò quan trọng và quyết định cho sự phát triển của câu chuyện Kinh Thánh. Họ sẵn sàng rời khỏi sân khấu và nhường chỗ cho những người khác sau khi đã đóng góp phần của mình. Rê-bê-ca là một nhân vật quan trọng. Theo Paul Beauchamp,
“Điều trước hết và quan trọng nhất trong câu chuyện về phúc lành của Gia-cóp là chiến thắng cho người phụ nữ, cho Rê-bê-ca, người vợ và người mẹ,”[10] một hình tượng của sự khôn ngoan, của một người thợ dệt với sự sáng tạo phong phú.
Trong chương 1 và 2 sách Các Vua quyền thứ nhất (1V 1-2) chúng ta thấy câu chuyện về chế độ gia trưởng được mở rộng đến các sự kiện chính trị liên quan đến người dân Israel và các vị vua của họ. Trong bối cảnh mới này, một người phụ nữ khác, một người vợ và người mẹ trở nên rất nổi bật. Vai trò của Rê-bê-ca một lần nữa được tìm thấy. Với sự khôn ngoan và khéo léo, Bát-se-va đã làm chủ quá trình chuyển giao vương quốc cho con trai bà là Sa-lô-môn. Bà là nguyên nhân cho sự lên ngôi và vinh quang cho Sa-lô-môn, và bà đảm bảo một thất bại kép cho Adonijah, trong chương 1 và 2 của sách Các Vua quyển thứ nhất. Bát-se-va là người phụ nữ đầu tiên xuất hiện trong câu chuyện về Sa-lô-môn; những người phụ nữ khác đến sau bà sẽ có một vai trò rất khác và sẽ dẫn dắt nhà vua rời xa Luật pháp, khiến trái tim ông rời xa Thiên Chúa (so sánh 1 V 11:4).
Người phụ nữ đã thay đổi suy nghĩ của Chúa Giê-su
Trong Tân Ước, chúng ta cũng thấy nhiều nữ nhân vật đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện.[11] Ở đây, chúng ta sẽ tập trung vào người phụ nữ gốc Phê-ni-xi, người đã dùng sự khôn ngoan và khéo léo để khiến Chúa Giê-su phải thay đổi ý định (xem Mc 7:24-30; Mt 15:21-28).
Đặc biệt trong cách tiếp cận câu chuyện của Tin Mừng Mác-cô, nhưng theo một số cách cũng có trong Tin Mừng Mát-thêu, người phụ nữ gốc Phê-ni-xi đóng một vai trò quan trọng, đánh dấu bước ngoặt hướng đến việc mở ra sứ mệnh của Chúa Kitô ở Israel (xem Mt 15:24) đến thế giới ngoại giáo. Trong các chương đầu tiên của Tin Mừng Mác-cô, Chúa Giê-su chỉ làm việc ở Galilê, nói chuyện với người Israel, nhưng sau cuộc gặp gỡ với người phụ nữ này, Người cũng sẽ thực hiện các phép lạ chữa lành cho dân ngoại (x. Mc 8:31-37).
Trong Tin Mừng Mc 7:24, chúng ta được kể rằng Chúa Giê-su đã bí mật vào vùng Tyre và Sidon, nhưng Người không thể dừng lại lâu ở đó: một người phụ nữ “là người ngoại, gốc Phê-ni-xi” (Mc 7:26), khác biệt về dân tộc và tôn giáo, đến gặp Người và kiên quyết nài xin Người. Bà cầu xin Người đuổi tên quỷ đang hành hạ con gái bà.
Độc giả hiện đại có thể ngạc nhiên trước cách Chúa Giê-su kiên quyết từ chối yêu cầu này. Người cho thấy sự ưu tiên của mình dành cho “con cái Israel”, dân của lời hứa, khi nói với người phụ nữ: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” (Mc 7,27). Trình thuật song song trong Tin Mừng Mát-thêu cho thấy sự từ chối này thậm chí còn rõ ràng hơn theo một số cách, và ngay cả sự can thiệp của các môn đệ ủng hộ người phụ nữ cố chấp và hay gây rắc rối này cũng không thể lay chuyển được Chúa: Chính Chúa Giê-su đã phân biệt rõ ràng giữa con cái và chó con. Việc người phụ nữ sử dụng từ “chó con” là một thuật ngữ trìu mến, trong khi sức nặng thực sự của cái tên khi được gọi những người ngoại chủ yếu mang ý nghĩa tiêu cực.[12]
Câu trả lời của người phụ nữ khiến chúng ta ngạc nhiên. Trước hết, bà gọi Chúa Giê-su là “Thưa Ngài” (câu 28). Đây là lời công nhận phát ra từ miệng một người phụ nữ ngoại giáo, và đây là lần duy nhất trong Tin Mừng Mác-cô, thuật ngữ này được áp dụng cho Chúa Giê-su. Sau đó, bà sử dụng cùng những từ ngữ và cùng một ví dụ như Chúa Giê-su, nhưng thay đổi chúng theo hướng có lợi cho bà: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” (câu 28).
Người phụ nữ gốc Phê-ni-xi hiểu lời Chúa Giê-su và đưa ra sắc thái quen thuộc như trong những bài giảng của Chúa, gắn liền với cuộc sống hàng ngày. Ngôn ngữ Hy Lạp diễn đạt những sắc thái này rất hay: trong khi Chúa Giê-su nói về trẻ con theo quan điểm pháp lý (tekna), bà sử dụng hình thức giảm nhẹ (paidia)[13] một cách nhẹ nhàng và sáng tạo, không tỏ ra cay đắng hay thất vọng trước sự từ chối của Chúa Giê-su.
Đức tin và sự táo bạo của người phụ nữ này được Chúa nhìn nhận và ban thưởng, và bởi chính lòng can đảm và lời nói của bà (câu 29) mà Người đã chữa lành cho con gái bà. Nhưng còn hơn thế nữa. Trong cả Tin Mừng Mác-cô và Mat-thêu, trình thuật này được đặt giữa hai lần hóa bánh ra nhiều. Trong Mc 6,30-44, Chúa Giê-su bẻ bánh cho những đứa trẻ gần Biển Ga-li-lê; sau cuộc gặp gỡ với người phụ nữ gốc Phê-ni-xi, và trong Mc 8,1-10, Người lại hóa bánh ra nhiều lần nữa, lần này là ở một vùng đất ngoại giáo,[14] ở bờ bên kia hồ, chăm sóc cho những chú chó nhỏ dưới gầm bàn ăn.
Người phụ nữ khuyến khích Chúa Giê-su thay đổi góc nhìn và nhìn xuống gầm bàn, nơi có trẻ em, chú ý đến những chú chó nhỏ đang chờ đợi những mẩu vụn ân sủng của Người.[15] Theo Rudolf Pesch,
“người phụ nữ gốc Phê-ni-xi đã hoàn toàn chinh phục được sự e ngại của Chúa Giê-su về những người ngoại đạo.”[16] Dường như cuộc gặp gỡ này đã góp phần mở ra một chân trời mới cho sứ mệnh của Người.
Trong vùng ngoại giáo Tia và Siđôn, Chúa Giê-su, một người Israel đích thực, đã vượt qua rào cản xã hội, địa lý và tôn giáo[17] và tiến tới việc hoàn thành một sứ mệnh phổ quát. Viễn cảnh này sẽ được nhắc lại trong bài diễn văn về ngày tận thế, trong đó Người sẽ bày tỏ nhu cầu phải công bố Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Mc 13:10), cho đến khi mạc khải trên đồi Golgotha, khi viên đại đội trưởng ngoại giáo La Mã nhận ra Con Thiên Chúa nơi người đang bị treo trên thập giá (x. Mc 15:39).
Kết luận
Các văn bản chúng ta đã xem xét cho thấy sự sống động và tươi mới, trên hết là nhờ cách người kể truyện Kinh Thánh trình bày và làm cho các nhân vật tương tác với nhau. Đặc biệt, chúng ta đã quan sát cách mà những người nữ nổi lên như những nhân vật chính.
Rê-bê-ca và Bát-se-va không chỉ là những nhân vật phụ trong một câu chuyện của nam giới, mà là những tác nhân tích cực. Sự can thiệp của họ mang tính quyết định tại các thời điểm quan trọng trong câu chuyện Kinh Thánh và sự hiện diện của họ được thiết lập trong các đoạn văn quan trọng đánh dấu sự kế thừa của các thế hệ tổ phụ và các vua. Chính sự tự chủ và tự do, sự khéo léo, quyết tâm và tình cảm của hai người phụ nữ này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình của các sự kiện, đưa câu chuyện tiến triển theo những hướng mới.
Trong Cựu Ước, có rất nhiều nhân vật nữ đóng vai trò quyết định trong câu chuyện Kinh thánh: Sara, Rê-bê-ca, Rachel, Rahab, Deborah và Jael, Judith và Esther, Ruth và Abigail, chỉ để kể tên một vài người.
Trong Tân Ước, trường hợp của người phụ nữ Phê-ni-xi là trường hợp của một người can đảm dám đối mặt với Chúa Giê-su, không sợ những rào cản xã hội, tôn giáo và văn hóa dường như đứng giữa họ. Thật vậy, bà sử dụng những lời của Chúa Giê-su để vượt qua những phản đối của Người. Người ngoại quốc coi trọng những lời của Chúa và biến chúng thành lợi thế của mình, sử dụng Thiên Chúa chống lại Thiên Chúa, giống như Môsê đã làm (x. Xuất Ê-díp-tô Ký 32:7-14),[18] giúp mở ra những con đường mới trên hành trình cứu độ.
Nguồn: https://www.laciviltacattolica.com/matriarchs-queens-women/
Tác giả: Vincenzo Anselmo, SJ
Chuyển ngữ: Giuse Đỗ Đại Nghĩa, S.J.
Chú thích:
[1]. Xem M. Reiss, “Thiên Chúa của Abraham, Rê-bê-ca và Giacóp”, trong The Jewish Bible Quarterly 32 (2004), tr. 91-97.
[2]. Xem G. Matalon, “Cú lừa của Rê-bê-ca”, trong The Jewish Bible Quarterly 36 (2008), tr. 243–250.
[3]. Xem R. Alter, Sách Sáng Thế – Bản dịch và chú giải, New York – London, W. W. Norton & Company, 1996, tr. 127.
[4]. Xem J. P. Fokkelman, Nghệ thuật kể chuyện trong Sách Sáng Thế – Những mẫu phân tích về phong cách và cấu trúc, Eugene, Wipf and Stock, 1991, tr. 86–122.
[5]. R. Alter, Nghệ thuật kể chuyện Kinh Thánh, Brescia, Queriniana, 1990, tr. 177.
[6]. Xem J.-P. Sonnet, “Ước gì ta chết thay con! Tính mạch lạc trong trình thuật về Đavít (1 Sm 16-1 V 2)”, trong cùng tác giả, Giao ước của việc đọc: Những vấn đề thi pháp trong Kinh Thánh Do Thái, Rome, Gregorian & Biblical Press, 2011, tr. 135–160.
[7]. Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, xem J.-P. Sonnet, “Ước gì ta chết thay con!…”, sđd.
[8]. Về 1 Các Vua 1-2, xem A. Wenin, “Bát-se-va, vợ của Đavít và mẹ của Salômôn: Một nghiên cứu kể chuyện về nhân vật”, trong C. Lichtert – D. Nocquet (chủ biên), Vua Salômôn: Một di sản cần đặt lại vấn đề, Brussels, Lessius, 2008, tr. 207–228.
[9]. Bản Bảy Mươi chép là “hôn bà ấy”, nhằm làm giảm nhẹ tác động của việc nhà vua sấp mình trước mẹ mình.
[10]. P. Beauchamp, Cựu Ước và Tân Ước. Tập 2: Ứng nghiệm Kinh Thánh, Milan, Glossa, 2001, tr. 262.
[11]. Một trong những hình tượng phụ nữ đó chắc chắn là Maria. Ta có thể thấy sự thông minh và mạnh mẽ của Mẹ Giêsu qua dấu lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Gioan (Ga 2,1–12). Hạt nhân đầu tiên của Hội Thánh sơ khai được quy tụ dưới chân thập giá, nơi Mẹ hiện diện và được Con trao phó làm mẹ của môn đệ yêu dấu (Ga 19,25–27). Một lần nữa, trong Tin Mừng Luca, chính tiếng “xin vâng” của Maria trước lời sứ thần đã làm cho việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa trở thành hiện thực – một hành động đòi hỏi tự do và sự sẵn sàng của một thiếu nữ khiêm hạ ở Nadarét (Lc 1,26–38).
[12]. Xem S. Légasse, Marco, Roma, Borla, 2000, tr. 378 và tiếp theo.
[13]. Sđd., tr. 280.
[14]. “Vì không có chi tiết nào cho thấy sự thay đổi bối cảnh, [Máccô] khiến người nghe và người đọc tiếp tục hình dung rằng khung cảnh vẫn là vùng Thập Tỉnh, tức là lãnh thổ chủ yếu của dân ngoại. Giờ đây, Đức Giêsu cũng nuôi dưỡng cả dân ngoại” (R. Pesch, Tin Mừng theo Máccô, tập I: Dẫn nhập và chú giải các chương 1,1–8,26, Brescia, Paideia, 1980, tr. 621).
[15]. Xem J.-P. Sonnet, “Những nhân vật phản chiếu cho Đấng Mêsia: Vai trò của một số nhân vật phụ trong trình thuật của Máccô”, trong B. Pinçon (chủ biên), Những cái nhìn giao thoa về Kinh Thánh: Nghiên cứu về quan điểm tường thuật, Paris, Cerf, 2007, tr. 365–377.
[16]. R. Pesch, Tin Mừng theo Máccô…, sđd., tr. 620.
[17]. Xem J.-P. Sonnet, “Những nhân vật phản chiếu và/hoặc xúc tác cho Đấng Mêsia…”, sđd., tr. 373.
[18]. https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2011/documents/hf_ben-xvi_aud_20110601.html