3. Ý nghĩa của thập giá Đức Ki-tô trong lịch sử cứu độ
Thập giá Đức Ki-tô chỉ ra bản chất của tội lỗi. Thực tế của thế giới là cái mà nó phơi bày ở đây: thế giới là nơi thập giá treo Con Thiên Chúa làm người. Thập giá Đức Ki-tô vén mở không ngần ngại điều mà thế gian ra sức che đậy: trong sự mù quáng vô lý của tội lỗi, thế gian, do bị đụng chạm bởi tình yêu Thiên Chúa, đã lập tức dậy lên nơi mình sự thù ghét đầy phạm thượng và chính nó đã nuốt chửng Con Thiên Chúa. Làm thế nào mà thế gian có thể nhờ, qua Người mà còn giữ chút hy vọng, vì chính thế gian đã đánh đập, ruồng rẫy và loại bỏ Người khi Người đến thăm dân của Người? Nếu đúng là chúng ta không có tội, nếu chúng ta không ý thức về hành động của mình và vì thế nên không có tội trước mặt vị Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu và tràn đầy lòng thương xót, thì dù cho nghịch lý đến đâu thì điều này vẫn đúng, là: tội lỗi, trong manh tâm của nó, trong một lúc nào đó có thể xuất hiện như một hành động vô hại, nghĩa là nó cố gắng tạo cho mình một lương tâm tốt, và nó nghĩ rằng những gì nó làm thực sự không đến nỗi xấu xa. Và làm như thế là người ta sẽ không còn lưu ý nữa về hành vi của nó nữa. Mặc dầu tu sĩ chúng ta nhìn tổng thể là những kẻ “hồng trần thoát tục”, không bị lôi kéo vào những gì ngu muội và cung cách hành xử nửa vời, thì không phải là không đúng khi những tội lỗi chúng ta phạm có thể sẽ “lại đóng đinh Con Thiên Chúa một lần nữa” (Dt 6,6). Chúng ta sẽ tự ru mình, khi chúng ta cho rằng chúng ta thật ra vẫn chưa đi đến chỗ như vậy, hay là cùng lắm tình trạng ấy có thể “bỗng dưng xảy đến” với chúng ta thôi và suy cho kỹ, chúng ta thật sự chưa tự chịu trách nhiệm được hết về những chuyện đó. Những điều mà chính chúng ta thật sự khám phá ra về mình, nhìn từ khía cạnh ấy, đã là hệ quả của tội lỗi rồi: tội của ông bà tổ tiên, của toàn thể nhân loại và của riêng mỗi người; và sự thật mà thập giá cho chúng ta biết về mình chính là những khả thể đáng sợ mà vực thẳm địa ngục mở ra trước chúng ta. Vậy chúng ta hãy nhìn lên Đấng chịu đóng đinh và tự vấn trong tình trạng tội lỗi của mình: “Người đã yêu tôi và đã hiến mình vì tôi.” Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,9-10). Hãy suy niệm hai lời ấy cũng như một lời khác của Thánh Phao-lô: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Thậm chí cả trên bình diện thần học, thật không dễ hiểu tại sao chúng ta được Thiên Chúa yêu thương ngang qua chính cái chết của Đức Ki-tô, tại sao Ngài lại dùng chính cái chết ấy làm mặc khải, đúng hơn, mặc khải duy nhất của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu trọn vẹn và vĩnh viễn được trao cho chúng ta. Trong bài suy niệm này, chúng ta xin cho được chọn lựa chính năng động như thế của tình yêu. Thánh Gio-an nói cho ta rằng “Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Điều ấy đối với chúng ta cũng có giá trị! Ngôi Lời yêu mến chúng ta cho tới cùng, đến độ mà khi chúng ta còn trong giới hạn và lụy tử, Người đã đến ban sự sống, vì Người đã, còn và sẽ mãi là Đấng yêu thương thế gian, và nhờ đó mà thế gian được cứu rỗi. Từ chính sự thống nhất khó tin, khó hiểu và thậm chí mâu thuẫn, giữa một bên là sự chết như là biểu hiện của tội lỗi, như là phản kháng điên cuồng của sự dữ nhằm chống lại vị Thiên Chúa, Đấng đi vào trần gian để triệt tiêu sự chết khi mang lấy cái chết, và một bên là biểu hiện của tình yêu luôn lớn hơn, một tình yêu không sợ đau khổ và chết chóc, thì ơn cứu độ cho trần gian đã được khai mở, nghĩa là: ơn cứu độ phát nguồn từ sự chết và từ tình yêu. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20) và “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11, 32). Chúng ta đang ở trong tình trạng gần như đóng chặt cửa không cho Thiên Chúa đi vào thế giới đến độ cửa ấy sẽ không mở được nữa. Chúng ta tự nhốt mình vào trong hố sâu đáng kiếp của cõi giới hạn và không thể nào thoát ra khỏi đó được dù có muốn đi chăng nữa. Nhưng nếu trong chính hố sâu ấy, chúng ta biết quay người lại, thì chúng ta sẽ gặp được Đức Ki-tô, Đấng đã đến với nỗi cô quạnh của chúng ta, ôm lấy chúng ta bằng đôi tay rộng mở của Đấng bị đóng đinh. Bởi Người hiện diện ngay tại nơi chúng ta bị đóng kín nên sẽ không còn ngục tù giam hãm sự giới hạn của chúng ta nữa. Chúng ta sẽ vẫn còn nguy cơ đánh mất mình, nhưng điều sẽ bị mất là cuộc sống đã được cứu chuộc – và như thế đó sẽ là điều đáng tiếc hơn. Dù gì đi nữa, bao lâu chúng ta còn đi trong dòng thời gian hiện tại và thời cậy trông ơn cứu độ thì chúng ta không có hoạt động nào khác hơn là để mình đừng rơi ra khỏi vòng tay của Đấng chịu đóng đinh. Thậm chí người ta có thể nói là hư mất còn khó hơn là được cứu độ, bởi vì người muốn cứu chúng ta là chính Thiên Chúa, Đấng, trong khi yêu chúng ta trên hết mọi sự, đã dám treo mình trên cây gỗ như là hình ảnh của nhân loại hư hỏng là chúng ta. Trong cuộc sống của từng người, điều quan trọng là cần phải nhắc đi nhắc lại rằng, phàm là người, chúng ta hay bị cám dỗ muốn ở lại trong tình trạng tội lỗi, bởi vì chúng ta không dám tin vào tình yêu tột bực của Thiên Chúa và chúng ta không muốn tin tưởng vào sức mạnh của lòng tha thứ nơi Ngài.
Nếu chúng ta biết nhìn về Đấng chịu đóng định như thế thì chúng ta cũng sẽ bắt gặp trái tim bị đâm thâu của Người, „trái tim mở ra như nơi náu nương cho những tâm hồn sám hối“. Có hiểu như vậy thì lòng tôn sùng Thánh Tâm mới xuất hiện như tinh hoa của Ki-tô giáo. Hệ quả theo sau là ở đâu có một nền văn minh Ki-tô thật, thì ở đó có lòng yêu mến Thánh Tâm, dù người ta có biểu hiện ra bên ngoài hay không. Lý do duy nhất là vì Ngôi Lời làm người đã để mình bị đâm thâu và dòng suối trường sinh đã tuôn trào và chúng ta hưởng ơn cứu độ. Tâm điểm của thế giới, nơi hợp lưu và tinh kết của lịch sử và của mọi thứ quyền năng chính là Trái Tim bị đâm thâu của Chúa Giê-su Ki-tô. Ý nghĩa tối hậu của sự phong phú vô lường của toàn thể thụ tạo do Thiên Chúa tác thành cũng như lời mặc khải sâu thẳm nhất về chúng hệ tại ở Thánh Tâm, nơi tình yêu của Thiên Chúa bị đâm thâu qua.
4. Thập giá trong đời ta
Để có thể kiên vững trong cuộc đời còn nhiều đau khổ và thất bại, con người cần một sự dũng cảm vừa minh mẫn vừa thực tế. Thậm chí cả những người không phải là ki-tô hữu cũng tán thành điều ấy thì chúng ta, ki-tô hữu, chúng ta không được trở thành những kẻ yếu đuối hơn họ.
Hãy lặp lại từ từ: sự minh mẫn của một con người thực tế và dũng cảm dấn thân, người không chùn bước trước đau đớn, khổ sở và thất bại. Đó là điều tiên quyết mà chúng ta phải có, người không tôn giáo phải sống như thế thì chúng ta không được sống kém cỏi hơn hơn họ. Cũng cần nhắc nhở nhau rằng, vẫn còn đó nguy cơ của một quan niệm thái quá về hy tế, dù trong khía cạnh luân lý hay thiêng liêng. Nó không đến từ Thiên Chúa, cho bằng là sự trốn chạy của một tâm hồn hoài nghi muốn lao vào cái chết vô tiền khoáng hậu; điều ấy xảy ra không phải vì người ấy muốn hiến mình cho Chúa vì tình yêu đối với Ngài, cho bằng vì người ấy tự thâm tâm bị tra tấn bởi cảm giác rằng bất cứ những gì họ làm không chóng thì chày sẽ biến thành tội lỗi. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng thậm chí trong cuộc sống, còn có những đau khổ và thảm bại to lớn hơn mà thái độ minh mẫn, kiên trì vừa nói vẫn chưa đủ đóng vai trò giải pháp. Nếu không có Đức Ki-tô và thập giá của Người, những đau khổ và thất bại ấy sẽ chóng trở thành sự câm lặng chịu đựng hay nổi loạn bốc đồng. Chúng ta được kêu gọi tiếp nối Đức Ki-tô để sống cuộc đời bị đóng đinh và biến nó thành bản tuyên tín và hy vọng, thành sự kiên nhẫn và tình yêu. Như chính thánh Phao-lô đã nói trong thư gửi tín hữu Colosse, rằng một tín hữu, dù là giáo sĩ hay giáo dân, phải „lấy vào thân cho đủ mức những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu“ (Cl 1, 24). Liệu chúng ta có dám tự nhủ rằng: tôi mang trong mình dấu tích của cái chết Đức Ki-tô như dấu chỉ của sự chọn lựa cá nhân trong đời tôi không?
Chúng ta có thể nhớ lại những gì chúng ta đã nói về ý nghĩa của việc hãm mình như là thực tập để sẳn sàng đi vào cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô. Lúc này chúng ta cũng tự vấn mình trước Thập Giá: đâu là chỗ, ít ra là chỗ tăm tối trong lúc này, trong đời tôi, nơi mà tôi đang cố trốn khỏi Thập Giá? Dù tôi coi việc tôi trốn chạy, phản kháng nội tâm hay để mình rơi vào trạng thái cay đắng là điều tự nhiên, nhưng tôi cũng chẳng coi chúng là hình bóng thập giá Đức Ki-tô. Tuy nhiên, chính trong những điều ấy mà thập giá Đức Ki-tô trở nên rất thực trong đời tôi và có thể chúc phúc cho tôi bằng ân sủng viên mãn của Người.
Chuyển dịch: Giuse Bùi Quang Minh, S.J