Nhật ký KAKUMA (3): Cái nhìn khác về Châu Phi

Một điệu nhảy sau buổi kinh chiều
Một điệu nhảy sau buổi kinh chiều

Nói đến Châu Phi người ta liên tưởng đến đói nghèo và khổ cực. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng còn có một mặt khác thường ít được để ý đến: sức sống. Có thật như vậy không?

Nếu tham dự Thánh Lễ với họ, ngay cả những lễ thường với ít người tham dự, bạn sẽ nhận thấy sức sống đó cách rõ ràng ngay từ giây phút đầu. Điều gì đã làm nên sức sống ấy? “Âm nhạc và các điệu múa”, đó là câu trả lời nhanh nhất. Nhưng sâu xa hơn, họ có một tâm hồn đơn sơ và một xã hội tính rất rõ nét.

Đã nhiều lần tôi tham dự thánh lễ sau một ngày làm việc cật lực và đuối sức, nhưng khi bước vào thánh lễ, tôi không thể thấy mình ủ rủ và mệt mỏi. Bầu khí xung quanh gần như đánh tan mọi mệt mỏi, và khiến tôi trở nên chan hoà với những người xung quanh một cách tự nhiên không chút miễn cưỡng. Thử tưởng tượng, một người mệt mỏi sau một ngày làm việc dài và nắng nóng, đến tham dự thánh lễ dài 2 tiếng đồng hồ mà vẫn thốt lên là “đầy sức sống”, ắt hẳn phải có một điều gì đó cuốn hút một cách ghê gớm. Với thánh lễ ở đây, tôi không đến ngồi đó, cầm lòng cầm trí và tập trung “để xem”, nhưng hoà mình vào những điệu vũ nhịp nhàng sẵn có trong máu của cả người lớn lẫn trẻ em, cả người già lẫn con nít ở đây. Nhạc cụ của họ cũng đơn sơ như họ và tiếng nhạc cụ cũng có hồn như những người đang ở đó. Nhạc cụ của những nhà thờ nghèo ở đây chỉ có một cái trống làm bằng chiếc thùng bể, và một cái leng keng làm bằng những nắp chai bia. Ấy thế mà nó làm cho người ta rộn ràng hơn cả cảnh hoà nhạc chốn cung đình. Ắt hẳn, nhạc cụ không tự nó có sức sống, nhưng con người làm cho những nhạc cụ đơn sơ ấy trở nên có hồn.

Bạn nghĩ sao? Văn hoá của chúng ta đã đề cao quá mức những nguyên tắc đến nỗi bóp nghẹt tính tự nhiên nơi con người. Dĩ nhiên, những nguyên tắc giúp thiết lập các trật tự, nhưng quá nguyên tắc lại trở thành hết sức sống. Nếu lỡ thời gian và điểm hẹn, có thể chúng ta bực bội, đôi khi dẫn đến những xung khắc khó lường. Đối với người ở đây, họ làm chủ thời gian chứ thời gian không làm chủ họ. Khi thấy người ta đến trễ, điều đầu tiên họ hỏi không phải là “tại sao mày đến trễ”, mà là một cái mỉm cười tay bắt mặt mừng trước đã, rồi nói gì thì nói. Hoặc chúng ta đã quen với những thành công, và nếu vấp phải một thất bại, chúng ta thất vọng đôi khi đến thảm hại. Còn họ ở đây luôn đối diện với những khó khăn bất khả vượt qua, nên khi có được một thành công, họ ăn mừng như ngày thắng trận; còn nếu phải chịu thêm một khó khăn nữa thì cũng chẳng cần phải kêu trời than đất, vì cuộc sống vốn khó khăn như vậy rồi. Chúng ta quen với những tiện nghi, nếu có điều gì xảy ra khiến sinh hoạt trở nên bất tiện, chúng ta thường càm ràm cả nguyên nhân lẫn hệ quả. Còn họ ở đây, tiện nghi nhất là đầu đội trời chân đạp đất, nên tốt hơn hết là vui với những gì mình có.

Một điều hiển nhiên là chẳng ai muốn trở nên và ở lại trong nghèo khổ. “Thoát ra khỏi nó càng sớm càng tốt” là điều mong ước của cả những người trong cuộc lẫn những người đến giúp. Nhưng điều đó không có nghĩa là chẳng có gì đáng học nơi họ. Nếu nhìn thấy sự lạc quan, kiên nhẫn và sự hồn nhiên vui tươi của họ, ắt hẳn những người giàu có nhất cũng phải thèm. Tôi dám chắc rằng, nếu một ai đó tuyệt vọng đến mức muốn tự tử, mà được đến để hoà mình với những người ở đây, thì họ sẽ thấy cuộc sống mở ra những màu sắc mới chứ không chỉ một màu xám xịt mà họ đang đối diện.

Mang văn hoá Á Châu, hấp thụ nhiều điều từ văn hoá Âu Châu, và giờ đây sống trong bầu khí Phi Châu, tôi nhận thấy có một sự hoà quyện nào đó khó tả nơi mình. Tôi tự hào về những giá trị rất đáng giá của Á Châu, nhưng tôi cũng cần học lấy những điều rất nhân văn của Âu Châu và sinh động của Phi Châu. Có lẽ sự sinh động của cuộc sống đã có sẵn trong máu của họ rồi. Nếu tôi cũng được nhiễm loại máu này vào mình thì cũng đáng lắm chứ! Và nếu được có thêm một cuộc thay tim như ngôn sứ Ezekiel nói nữa thì thật tuyệt: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt (biết yêu thương)” (Ed 36,26).

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *