Cám dỗ và thử thách

Đang tuổi còn trẻ, dù muốn hay không, bạn và tôi thường gặp rất nhiều chuyện, thường quan tâm rất nhiều thứ. Mà những điều đó cũng không rõ tên gọi là gì, nhưng loanh quanh, hình như chúng ta cứ thường đụng phải những thứ đại loại như cám dỗ hoặc thử thách hoặc tội lỗi nữa. Chúng ta không thiếu kinh nghiệm về những thể loại này. Tuy nhiên, chúng cứ mờ mờ ảo ảo, khó nhận biết, khó gọi tên, mà lại sờ sờ trước mắt và bủa vây xung quanh.

Chủ đề này dài dòng và huyên thuyên giống như những cuộc nói chuyện vui đùa giữa các bạn trẻ. Nó vui, nó buồn, nó bực và cũng chẳng rõ nó là gì, nhưng lại cứ thích nói và có lẽ nó cũng hấp dẫn.

Cám dỗ

Người trẻ thường không thích định nghĩa ngôn từ theo kiểu những khung phạm trù chặt chẽ của các nhà chuyên môn, vì làm như thế dường như mất bớt tự do, và thiếu sức sinh động. Nhưng người trẻ có cảm nhận hết sức phong về ý nghĩa mà mỗi ngôn từ gợi lên. Có nhiều kiểu cám dỗ, nhưng cứ nói đến cám dỗ, là nói tới chuyện gì đó hấp dẫn lắm, nhưng lại có cái gì đó sai sai. Làm thì thích, nhưng làm xong rồi, thì lại hoảng. Mà nếu không làm, thì cứ đứng ngồi không yên.

Hấp lực của cám dỗ mạnh mẽ đến thế. Bạn có thể hình dung một cám dỗ nào đó là mạnh nhất mà bạn từng trải nghiệm. Xin không gọi tên cụ thể, vì mỗi người có thế mạnh yếu khác nhau, nên cám dỗ cũng rất phong phú đủ loại.

Có một khoảng cách rất mong manh giữa cám dỗ và tội lỗi.

Khoảng cách ấy được nhận diện với một thứ tự do ưng thuận nào đó. Nếu mình cảm thấy thích một điều bất chính, nhưng không ưng thuận mà cố gắng làm chủ bản thân và vượt thắng chính mình, thì chẳng những không phạm tội, mà còn thêm trưởng thành và chín chắn. Nhưng nếu mình ưng ý nương theo cám dỗ, tùy mức độ, mà mình sẽ bị lún vào những điều tệ hại. Những tệ hại ấy là hậu quả của tội lỗi. Mức độ nặng nhẹ tùy vào tâm tính, vào lời ăn tiếng nói, vào hành động mà mình đã làm cho bản thân và cho người khác.

Đâu là nguyên do gây ra những cám dỗ.

Có thể là do chính bản thân mình, với những điểm mạnh yếu, với những xu hướng cảm xúc và tính cách, với những kinh nghiệm của quá khứ và hiện tại ăn sâu trong mình, với một tâm hồn và thân thể đang trong tuổi phát triển mạnh vốn mang nhiều xáo trộn. Người ta thường nói ngắn gọn là những yếu đuối. Mà ai cũng biết rằng “yếu thì đừng ra gió”. Thế nhưng tuổi trẻ lại dễ liều, bão còn chẳng sợ huống chi là gió. Nhưng nếu thế thì đành ráng chịu mà thôi, giống như anh chàng chơi đánh bài, vui vẻ thú nhận: thưa anh em, bài em tốt nhưng em đánh dốt nên em xin thua và nhường chỗ cho người khác chơi.

Có một nguyên do khác. Đó là những tác động của một thế lực đen tối với tên gọi là ma quỷ. Chúng biết tường tận tim đen của mỗi người. Chúng ma lanh và quỷ quyệt, chuyên gợi ý những điều gian ác, chuyên giật dây sau lưng, chuyên ném đá giấu tay. Chúng nói rất hay, rất lanh và làm thì rất đểu. Người ta thường nói, tuổi già thì khôn ngoan vì đã sống lâu với bề dày kinh nghiệm. Nếu điều ấy đúng, thì ma quỷ vô cùng ma lanh vì chẳng biết chúng đã bao nhiêu năm kinh nghiệm rồi. Chúng mạnh, nhưng không phải là vô cùng mạnh, vì nếu bạn và tôi chỉ cần cương quyết nói không với chúng, là chúng bó tay. Chỉ cần bạn và tôi nại tới Thiên Chúa, nại tới tình người, nại tới những gì là chân thật và cao quý, thì chúng chỉ còn cách chạy trốn thoát thân.

Thực tế thì khó khăn.

Vì các bạn nữ nghe ai đó nói bùi tai là khoái rồi, đâu để ý là kẻ đang nói là ai nữa. Vì các bạn nam nhìn những gì đẹp đẽ bắt mắt là thích thú đam mê rồi, đâu để ý cái kết đằng sau. Bởi thế mà trải nghiệm người trẻ thường có nhiều, và nhiều trong số ấy là những kinh nghiệm thất bại, chán nản và vấp ngã.

Thử thách

Dường như có gì đó lẫn lộn giữa cám dỗ và thử thách. Cũng khó phân biệt. Chỉ xin đưa ra một lối đề xuất. Đây chỉ là một cách tiếp cận mà thôi. Hầu như ai cũng biết những câu chuyện thử thách mà các bậc tôn sư dành cho các đệ tử của mình. Sau chuỗi dài năm tháng, trải qua bao thử thách khó khăn, bậc tôn sư sẽ chọn được một hoặc vài đệ tử chân truyền. Ngày này, dễ thấy những bài tập luyện mà các huấn luận viên dành cho các vận động viên. Ngày xưa, Thiên Chúa thử thách Abraham để huấn luyện ông trong con đường của niềm tin. Đôi lứa khi đang yêu, đôi khi cũng thử thách nhau cách nào đó, để họ nhận biết mức độ tình yêu mỗi người dành cho nhau.

Trong thử thách, dù theo nghĩa tích cực, chắc chắn có nhiều thất bại. Nhưng không phải thất bại nào cũng là tội lỗi. Có những thất bại rất tích cực, vì là tiền đề của những bước tiến vượt bậc trong những thử thách kế tiếp. Có những thất bại chỉ đơn giản có nghĩa là tạm ngưng cuộc chơi, tức là sức đến đó là đạt mức giới hạn, không đi xa hơn trong những thử thách khó hơn. Có những thất bại có thể là tội lỗi.

Hai xu hướng

Nói dài nói nhiều, nhưng có thể nói gọn là có hai xu hướng. Một xu hướng tiến tới kết quả tốt, và một xu hướng bị đẩy về những gì đen tối. Cần vững vàng tiến bước, nhưng không quá liều lĩnh vì sẽ rơi xuống vực sâu. Đó là về lý thuyết mà nói, còn thực tế chẳng hề đơn giản. Ẩn sau đâu đó nơi các cám dỗ là những cạm bẫy, và nếu mình bị mắc bẫy thì mừng cho kẻ đặt bẫy, còn chính mình thì trở thành con mồi. Ẩn sau những thử thách tốt lành là những cánh cửa rộng mở cho những bước trưởng thành và những thành tựu bền vững.

Giờ đây tôi và bạn không còn thấy những gì là cám dỗ hoặc thử thách hoặc tội lỗi chỉ là những ngôn từ nữa, mà chúng thực sự đang là một phần của kinh nghiệm, của cuộc sống. Ước mong chúng ta có thể chiến thắng cám dỗ, cam đảm trong thử thách và thoát khỏi tội lỗi để lớn mạnh không ngừng.  

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *