Cám dỗ

Bạn thân mến,
Với Lễ Tro và việc xức tro, toàn thể Giáo Hội bước vào Mùa Chay, mà chúng ta thường gọi là Mùa Chay Thánh. Sự thánh thiện của Mùa Chay không có nghĩa là chúng ta được dẫn vào một lãnh địa trong lành, không có bóng dáng của thần dữ. Đúng là chúng ta được dẫn vào một lãnh địa khác, nhưng không phải để nhởn nhơ hưởng bầu không khí trong lành. Chúng ta được dẫn vào lãnh địa của sự trở về cùng Thiên Chúa là Cha, nhưng cùng đi với chúng ta, thần dữ cũng có mặt. Và như thế, nơi đây, trong chính chúng ta, sẽ diễn ra một cuộc chiến đấu thiêng liêng đúng nghĩa.

Hãy nhìn xem Chúa Giê-su! Ngay cả là Con Thiên Chúa, Ngài cũng không được bao phủ bởi một hào quang bất khả tiếp cận. Ma quỷ cũng đã lẻn được đến gần để cám dỗ Ngài. Nếu chúng ta gặp một Giê-su đang bị cám dỗ, có lẽ chúng ta nhận ra rằng cuộc cám dỗ này không dễ như chúng ta tưởng, với chỉ một vài câu đối đáp và phần thắng thuộc ngay về Giê-su. Nếu một cuộc cám dỗ chỉ đơn sơ như thế, thì quả là không có gì đáng nói. Hơn nữa, phải chăng ma quỷ hiện ra trước Giê-su với một hình thù kinh tởm và xấu xí? Nếu vậy thì Ngài cũng dễ nhận ra và xua đuổi nó. Đàng này, cơn cám dỗ chỉ đến nhẹ như một dòng chảy hay hệ quả phải có trong cuộc sống: đói thì cần được ăn, muốn người khác tin mình thì cần phô trương quyền lực, nếu muốn có được mọi sự cách nhanh chóng thì cần cúi đầu chịu nhục đôi chút. Kể ra kiểu lý luận này có vẻ hợp lý trong thời đại chúng ta. Đức Giê-su cũng đã phải  đối diện với kiểu lý luận như thế trong thời đại của Ngài!

Sống là chấp nhận có cám dỗ. Đôi khi ngày nay, chúng ta không tin rằng trong thế giới con người còn có sự hiện diện của thần dữ. Dù tin hay không thì hằng ngày chúng ta vẫn thấy hiển hiện trước mắt biết bao điều xấu. Đáng nói hơn, ngay cả nơi tâm hồn, chúng ta cũng cảm nhận có không ít khuynh hướng xấu như thế; và dĩ nhiên, còn có những khuynh hướng lành thánh đối chọi lại.

Đối với thánh I-nhã, cuộc sống của chúng ta là một chiến trường thật sự, nơi đó có cả thần lành và thần dữ. Thần lành thì hướng dẫn chúng ta tiến về sự thiện, còn thần dữ thì muốn chúng ta đi về đường xấu. Dĩ nhiên, trong trận chiến này, chúng ta không phải là những quân cờ của thần lành hay thần dữ, nhưng chính chúng ta tự chọn lựa cho cuộc sống của mình. Điều này dễ hiểu trong bối cảnh chuộng quảng cáo ngày nay. Chúng ta không sống vì và nhờ quảng cáo, nhưng những quảng cáo cũng có ích khi giới thiệu cho chúng ta nhiều tùy chọn. Quan trọng là chúng ta có chọn đúng sản phẩm đáng tin cậy hay không. Cũng thế, dù là thần lành hay thần dữ thì lời mời cũng chỉ là lời mời, phần quyết định vẫn thuộc về chúng ta. Nhưng làm sao ta có thể biết được đâu là lời mời của thần lành, và đâu là lời mời của thần dữ?

Câu trả lời thật không đơn giản, nhưng với những kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng, chúng ta sẽ nhận biết được điều ấy. Về điều này, thánh I-nhã nổi tiếng về “hai bộ nhận định thần loại” của ngài. Đối với thánh I-nhã, thần lành và thần dữ tác động khác nhau lên những loại người khác nhau. Có hai mẫu người mà thánh I-nhã đề cập đến, thứ nhất là mẫu người đang sa sút trên đường thiêng liêng và thứ hai là mẫu người đang tiến bước trên đường thiêng liêng. Từ đây, chỉ dẫn của ngài cho hai mẫu người này cũng khác nhau.

Đối với người đang sa sút trên đường thiêng liêng, tác động của thần lành là thôi thúc họ quay trở về với lòng sám hối, còn tác động của thần dữ là cổ vũ họ tiếp tục con đường xấu với những thú vui bên ngoài để gia tăng nơi họ những nết xấu và tội lỗi. Khi thấy mình sa sút như thế, thánh I-nhã khuyến khích họ hãy kiên trì cầu nguyện và xét mình để nhận ra đâu là những chỉ dẫn thật từ thần lành, và đâu là những chỉ dẫn giả tạo đến từ thần dữ. Khi ấy, điều rất thích hợp là: (1) trước tiên, hãy làm ngược lại những gì thần dữ đề ra (từ agere contra – làm ngược lại – mang sắc thái đậm nét I-nhã); (2) kế đến, hãy đi nói điều mình đang bị cám dỗ cho người khác biết. Điều này dĩ nhiên cần sự can đảm, nhưng nó sẽ rất hữu ích để phá bỏ dự án của thần dữ; và (3) cuối cùng là chăm lo củng cố đời sống ở những chỗ mình đang yếu và dễ bị cám dỗ nhất.

Đối với người sa sút là như thế, còn đối với người đang tiến bước trên đường thiêng liêng, tác động của các thần sẽ ngược lại. Thần lành thì khuyến khích, còn thần dữ thì cản trở. Và ở cấp độ này, thần dữ cũng cám dỗ ở mức độ tinh vi hơn, mà với ngôn từ của Thánh I-nhã là “vào cửa của ta, ra của của nó.” Nghĩa là thần dữ cũng biết làm điều tốt, và dẫn ta theo đường lối đó; tuy nhiên, một khi ta đã chịu theo nó, nó sẽ dẫn ta đi theo ngả riêng của nó để rẽ ra một con đường khác. Vì thế, điều quan trọng là hãy năng để ý đến nội tâm của chính mình. Thánh I-nhã đề nghị chúng ta hãy hồi tâm mỗi ngày, để không chỉ nhận ra những cám dỗ của thần dữ, nhưng còn nhận ra biết bao ân huệ và sự dẫn dắt đến từ Thiên Chúa. Với sự hồi tâm hằng ngày, chúng ta sẽ dần dần nhận ra dấu vết đuôi rắn của thần dữ, và cách thức hướng dẫn của thần lành và Thiên Chúa.

Bạn thân mến! Trong cuộc chiến đấu diễn ra hằng ngày nơi nội tâm, chúng ta không chỉ đơn thương độc mã trước thần dữ, nhưng chúng ta còn được sự trợ giúp không thể thiếu của ơn Chúa. Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng chiến đấu với những cám dỗ, như Giê-su đã dứt khoát với nó. Là môn đệ Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng sạch hơn, và trước tiên, tâm hồn của chúng ta trở nên sạch hơn.

Hà Thanh Bình

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *