Canh thức Vượt qua (Ngày 11 tháng 4 năm 2020 – Mừng Chúa Sống lại)

CANH THỨC VƯỢT QUA

Phần I
Lịch sử cứu độ và mầu nhiệm Vượt qua

Trong đêm cách thức Vượt Qua, phần Phụng Vụ Lời Chúa được cử hành cách long trọng nhất trong năm, nhằm mục đích gợi lại cho chúng ta toàn bộ lịch sử cứu độ, ngang qua bảy bài đọc trích phần “Giao Ước Kia” của Kinh Thánh.
Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là hành trình nhiệm mầu đi vào sự sống ngang qua sự chết của Đức Ki-tô, là điểm tới và là sự hoàn tất trọn vẹn lịch sử cứu độ, và qua lịch sử cứu độ, hoàn tất toàn thể lịch sử nhân loại, trong đó có cuộc đời của từng người chúng ta. Thế mà lịch sử cứu độ, lịch sử nhân loại và cuộc đời của từng người chúng ta bị phối tất yếu bởi Sự Chết (vì mọi người đều phải chết) và bị ảnh hưởng nặng nề bởi Sự Dữ (vì mọi người đều phạm tội).

1. Đức Ki-tô: Đấng chiến thắng Sự Chết
Trong trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày” (Bài đọc 1: St 1, 1 – 2, 2), hành động ban lương thực của Thiên Chúa, là điểm tới, là mục đích, hay ít nhất là hành động cuối cùng trong quá trình sáng tạo, vì thế sau đó, Thiên Chúa nói: “Rất tốt đẹp” (c. 31). Có thể nói, Thiên Chúa dựng nên muôn loài và con người là để “cho ăn”! Nghĩa là để làm cho sống. Và trong ơn huệ sự sống, đã chất chứa lời hứa trao ban sự sống, sự sống dồi dào rồi, “sự sống dồi dào”, không phải là sự sống “ăn no mặc ấm” và “êm trôi êm trôi”, nhưng là sự sống mạnh hơn sự chết. Đức Ki-tô đến để làm rõ và thực hiện lời hứa này (x. Ga 10, 10).
Thật vậy, Bánh Thánh Thể chính là điểm tới của ơn huệ lương thực, được Thiên Chúa ban cho loài người từ thủa tạo thiên địa và được hiện tại hóa mỗi ngày, như chúng ta vẫn cầu nguyện trong kinh Lạy Cha “xin cho chúng con lương thực hành ngày”. Chính Đức Ki-tô là Đấng ban cho chúng ta Bánh của Thiên Chúa, Bánh có sức đổi mới mạnh mẽ hơn cả sự chết, vốn là thử thách tận cùng mà chính Ngài đã vượt qua.
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
(Ga 6, 51)
Mầu nhiệm Vượt Qua cho chúng ta biết tấm bánh này được nhào nắn như thế nào: bánh đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của bánh. Nơi Thập Giá, lòng ước ao của chúng ta được mời gọi lắng nghe Tin Mừng về Bánh Hằng Sống, vốn hoàn tất ơn huệ sáng tạo, khi nhìn ngắm với lòng mến vẻ bề ngoài “nát tan”, không còn gì, của Đức Kitô chịu đóng đinh.

Sáng tạo:
Lời hứa
vĩnh cửu
Ơn huệ
lương thực

Đức Ki-tô

Đức Ki-tô
Lịch sử:
Thử thách
đau khổ
Bánh
hằng ngày
BÁNH
THÁNH THỂ
đi ngang qua Thập Giá

BÁNH
HẰNG SỐNG
Chiến thắng sự chết

 

Nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính Đức Giê-su mà chúng ta lãnh nhận nơi bí tích Thánh Thể, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó. Bánh Hằng Sống, có sức mạnh chiến thắng sự chết, đáp ứng lòng khao khát sự sống của loài người chúng ta, dù ý thức hay không ý thức.

2. Đức Ki-tô: Đấng chiến thắng Sự Dữ
Ơn huệ bánh ăn hằng ngày chất chứa lời hứa ơn huệ bánh hằng sống, và Đức Ki-tô đến để hoàn tất lời hứa này. Nhưng lịch sử cứu độ, cũng giống như lịch sử nhân loại và lịch sử của từng người chúng ta, bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, được biểu lộ dưới mọi hình thức và ở nơi những con người cụ thể. Con người không chỉ phải chết bởi thân phận cát bụi, nhưng, dưới tác động của Sự Dữ, con người lại tạo ra bầu khi chết chóc trong tương quan với nhau và muốn cái chết cho nhau. Vậy Thiên Chúa có còn trung tín với lời hứa ban Bánh Hằng Sống cho chúng ta hay không?

a. Ơn tuyển chọn
Việc Thiên Chúa đi vào tương quan giao ước với một dân tộc giữa các dân tộc, khởi đi từ việc tuyển chọn tổ phụ Abraham (Bài đọc 2: St 22, 1-18), chính là cách thức Thiên Chúa muốn nói với loài người chúng ta rằng, Ngài mãi mãi trung tín với lời hứa ban “Bánh Hằng Sống”, dù loài người chúng ta có ra như thế nào. Cũng giống như cha mẹ đối với những đứa con mình đã sinh ra; và kinh nghiệm nhân linh này giúp chúng ta nhận ra sự thật về lòng trung tín của Thiên Chúa hằng sống, như lời nguyện Thánh Vịnh 136 diễn tả:
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Nhưng tại sao lại tuyển chọn một dân tộc? Và chúng ta có thể mở rộng vấn đề lựa chọn ra hơn nữa: tại sao Chúa không ứng xử mọi người như nhau? Đặt câu hỏi này, là chúng ta đã để cho “Con Rắn” (St 3), kẻ chuyên reo rắc nộc độc ghen tị, thâm nhập vào tâm hồn rồi. Lí do đơn giản, vì đó là ơn huệ nhưng không; như người chủ nói với những người làm công ghen tị: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20, 15).
Nhưng lí do tận cùng vẫn là mầu nhiệm Thiên Chúa là tình yêu: tình yêu chỉ có thể được bày tỏ cách hoàn hảo, không phải trong tương quan “bình đẳng” với một đám đông, trong đó mọi người đều có một “khuôn mặt” như nhau, nhưng trong một tương quan thiết thân và cá vị. Bởi vì tình yêu không thể được biều lộ theo một cách thức nào khác, ngoài tương quan một-một. Và vì đó là tình yêu Thiên Chúa, chứ không phải tình yêu giới hạn và nhiều khi lệch lạc của con người, chúng ta được mời gọi xác tín rằng, cùng một tình yêu đó, Chúa dành cho từng người chúng ta, một cách đích danh, giống như tình yêu Ngài dành cho “Người Môn Đệ Chúa thương mến”. Và chỉ có tình yêu cá vị của Chúa dành cho từng người chúng ta, mới có thể khơi dậy tình yêu cá vị của chúng ta dành cho Chúa.
Cũng giống như ơn sự sống ở nguồn gốc, được diễn tả ngang ơn huệ bánh hàng ngày, sự tuyển chọn này là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa ban. Tính nhưng không được đặc biệt nhấn mạnh nơi Isaac, Đứa Con của Lời Hứa, được sinh ra hoàn toàn do quyền năng sáng tạo sự sống của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Sự Dữ lộ diện, và đi theo nó là cả một bầu khí chết chóc, khi người ta tự biến mình thành chủ nhân của ơn huệ Thiên Chúa ban, và như thế, có quyền định đoạt. Khi tổ phụ Abraham được mời gọi dâng hiến người con trai duy nhất và yêu quí với tâm hồn tan nát, thì chính là để giúp ông, trong kế hoạch của Thiên Chúa, biết nhận lại một lần nữa như quà tặng, có thể sinh hoa kết qua gấp trăm; còn nếu làm ngược lại, cứ khư khư giữ lấy, ông sẽ đánh mất chính điều mình tìm cách giữ lấy và làm chủ. Thực vậy, ngay sau đó sứ thần của Đức Chúa nói với ông:
Ta sẽ thi ân giáng phúc cho người,
sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông,
nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển”
(St 22, 17)
Theo thánh Phao-lô, dòng dõi Abraham đích thật không phải là bởi huyết thống, nhưng là bởi đức tin. Vì thế, bởi lòng tin, chúng ta là con cháu đích thực của tổ phụ Abraham. Chúng ta có thể hình dung ra tương quan cha-con đã được biến đổi sâu xa đến mức nào, khi họ xuống khỏi núi “Đức Chúa sẽ liệu”, để trở về nhà.

b. Ơn giải thoát
Sự trung tín với lời hứa ban Bánh Hằng Sống lại được thể hiện một lần nữa một cách nhưng không trong lịch sử qua biến cố Xuất Hành, giải thoát dân khỏi quân Ai Cập và Biển Đỏ, biểu tượng của Sự Dữ và Sự Chết (Bài đọc 3: Xh 14, 15 – 15, 1a). Như chúng ta đều biết, Đêm Vượt Qua ở vào vị trí trung tâm của Kinh Thánh. Trong đêm Vượt Qua, các con trai đầu lòng của Ai Cập bị sát hại: “Chúa sát hại các con đầu lòng Ai-cập” (Tv 136, 10). Tai họa đã chừa dân Israel ra, dân mà Chúa gọi là « con đầu lòng của ta » (Xh 4, 22). Bị giáng họa như thế, vì Pharaô đã từ chối giải phóng Israel ; sau đó, ông nhượng bộ và để cho Israel ra đi. Như vậy, đêm Vượt Qua cũng là tai ương thứ mười của Ai Cập. Giờ của tai ương thứ mười đối với Ai Cập là giờ của ơn giải thoát đối với Israel. Tai ương ở đây, chính là cái chết. Không phải cái chết cho Israel, nhưng cái chết cho người Ai Cập. Không phải cái chết của Pharaô, nhưng cái chết của con đầu lòng của Pharaô, và của tất cả các con đầu lòng của dân tộc ông. Như thế, tai họa rơi xuống một nơi rất chính xác, đó là nơi lưu truyền sự sống. Trước đó, Pharaô đã tìm cách tước quyền lưu truyền sự sống đối với Israel. Dự tính này giờ đây rơi xuống trên chính ông và dân tộc ông ; Pharaô chứng kiến tội ác của mình đổ xuống trên chính ông hay đúng hơn trên con trai của ông và các con trai của dân tộc ông.
Trình thuật Xuất Hành kể cho chúng ta rằng trong tai họa này, có bàn tay của Thiên Chúa. Đứng trước dữ kiện này của Kinh Thánh, một số người phản kháng, một số khác cố tìm hiểu tại sao, và một số khác nữa thì nhắm mắt cho qua, « nín thở qua sông ». Quả thật, có điều gì đó không ổn trong biến cố này. Trình thuật Xuất Hành không dấu diếm sự bối rối và kí ức của Israel đã chưa bao giờ cảm thấy nguôi ngoai với biến cố này. Trước hết, đây là tai họa thứ mười, nghĩa là cách giải quyết cuối cùng, cách mà phải cố tránh hết sức. Hơn nữa, mười tai họa chỉ xẩy ra sau khi cuộc đàm phán đã thất bại ; và trong cuộc đàm phán này, đã không có lời đe dọa nào. Những tai họa đầu tiên dù thật ấn tượng, nhưng không quá bi thảm ; đó là ba tai họa đầu tiên : nước trở nên độc hại, nạn ếch nhái và nạn muỗi. Khi kể tuần tự các tai họa, trình thuật Xuất Hành cũng từ từ và một cách khắc nghiệt chỉ ra đâu là sự dữ của Pharaô, tội của ông ẩn núp ở đâu. Và cuối cùng, chỉ sau mười tai họa, lời của Môsê mới được coi là thất bại hoàn toàn. Pharaô đã trở nên mù và điếc với mọi sự khoan hồng : chỉ hiểu được sức mạnh mà thôi, thì đó chính là lựa chọn nộp mình cho sức mạnh.
Những điều chúng ta vừa nói thuộc bình diện công lý. Ngoài ra, trình thuật Kinh Thánh cũng có những do dự khi kể lại biến cố Vượt Qua. Không phải chính Thiên Chúa đã hủy diệt các con trai đầu lòng Ai Cập, nhưng đúng hơn là một hữu thể tối tăm được gọi là « Thần Hủy Diệt » (Xh 12, 23). Thiên Chúa đã không để cho Thần Hủy Diệt vào các nhà của Israel (Xh 12, 23), Ngài chỉ để cho Thần Hủy Diệt vào các nhà của người Ai Cập. Hơn nữa, Israel và Ai Cập đâu phải là hai dân tộc thù nghịch : chính Môse là con trai của một bà mẹ Ai Cập và các phụ nữ Ai Cập rất quảng đại cho đồ đạc các phụ nữ Israel, khi họ ra đi. Và khi tai họa thứ mười xẩy ra, Môse chẳng còn đóng một vai trò nào nữa, chẳng khởi động nó và cũng chẳng làm ngưng lại.
Như thế, dù sao đi chăng nữa vẫn có công lý trong đêm Vượt Qua này. Nhưng chúng ta vẫn cảm thấy rằng công lý này vẫn chưa ngang tầm với công lý của chính Thiên Chúa. Có một dấu chỉ cho điều này, và đây là dấu chỉ đích thực của biến cố Vượt Qua : đó là máu của con chiên. Sự vô tội của con chiên tượng trưng cho sự vô tội của các con trai đầu lòng Ai Cập. Con chiên, không mang lại công lý, nhưng lại chỉ ra và nhắc nhớ sự bất công từ thế hệ này sang thế hệ kia. Con chiên chính là món nợ của Israel. Và sau biến cố Vượt Qua, nghĩa là sau khi được giải phóng, Israel vẫn mang nợ đối với Ai Cập. Khi nào Israel trả được nợ cho Ai Cập, và hai dân tộc được giao hòa ? Đó là lúc “Môsê Mới” xuất hiện, mang lấy chỗ của Môse và chỗ của Con Chiên, Ngài sẽ làm cho Ai Cập (nghĩa là dân ngoại) và Israel (nghĩa là dân được tuyển chọn) trở thành một dân tộc duy nhất và thánh thiện bằng chính máu của Ngài. Xưa kia, dân tộc này đã làm đổ máu dân tộc kia ; sau đó, dân tộc ấy bị đổ máu như giá phải trả để dân tộc kia được giải thoát ; nhưng nay, trong Đức Kitô, hai dân tộc được cứu thoát và được giao hòa, bằng máu của Con Chiên vô tội, là Đức Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa. Như Người nói trong Bữa Tiệc Ly:
Anh em hãy cầm lấy mà uống, này là chén máu Thầy,
máu Giao Ước mới, Giao Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em
và muôn người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

ĐÂY MỚI CHÍNH LÀ CÔNG LÝ THẦN LINH

3. Đức Ki-tô hoàn tất lời hứa
Sau biến cố Xuất Hành, dân được giải thoát, trong suốt dòng lịch sử, một đàng bị vùi dập bởi những thăng trầm của lịch sử (x. Gia phả của Đức Giê-su trong Mt 1, 17), giống như mọi dân tộc khác, và đàng khác, sẽ vẫn tiếp tục quên đi ơn huệ Thiên Chúa ban, qua đó, để cho Sự Dữ gieo rắc thái độ nghi ngờ Thiên Chúa, gây ra bầu khí chết chóc cho mình và cho người khác (x. Ds 21, 4b-9; Ga 3, 13-17).
Các ngôn sứ thay phiên nhau đến nói Lời Thiên Chúa cho dân được tuyển chọn, vốn là “tôi tớ đau khổ” của Thiên Chúa, rằng Ngài vẫn luôn trung tín với lời hứa dành cho tổ phụ Abraham, như chính Đức Maria xác tín:
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.
Để chữa lành một lần cho tất cả hình ảnh sai lầm con người có về Thiên Chúa, Ngài hứa ban ơn tha thứ (Bài đọc 4: Is 54, 5-14), để dẫn con người vào trong Giao Ước Mới (Bài đọc 5: Is 55, 1-11), dựa trên Đức Khôn Ngoan, vốn là Luật Mới (Bài đọc 6: Ba 3, 9-15.32 – 4, 4) và trái tim mới (Bài đọc 7: Ed 36, 16-17a.18-28). Và lời hứa này được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.
Thật vậy, nơi thập giá của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn ra khuôn mặt đích thật của chính Thiên Chúa. Thập Giá muốn nói với chúng ta rằng, thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết. Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng, để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phận con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống; như thánh Phaolô xác tín:
“Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa,
được thể hiện nơi Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá”.

Nếu chúng ta cùng đã chết với Đức Ki-tô,
chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.
(Bài đọc 8: Rm 6, 3-11).

* * *

Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã muốn để cho Sự Dữ đi tới cùng nghĩa là giết chết, và chỉ sau đó, Thiên Chúa mới hành động. Tại sao như vậy ? Bởi vì Thiên Chúa vừa không đính dáng gì đến sự dữ và Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ. Thiên Chúa không chỉ chiến thắng Sự Dữ, nhưng còn chiến thắng sự chết, sự chết gây ra bởi sự dữ và do đó cả sự chết đến thân phận con người : đó là TIN MỪNG trọng đại. Xin cho chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày, nghiệm thấy sự trọng đại của Tin Mừng Đức Ki-tô phục sinh đối với cuộc Thương Khó, với nhân loại, với những người thân yêu của chúng ta, và với chính bản thân chúng ta.
Và Tin Mừng này chỉ trọng đại, khi chúng ta có lòng khao khát. Thế mà, con người tự bản chất có lòng khao khát sự sống viên mãn, tình yêu viên mãn và sự hiệp thông viên mãn. Tin Mừng Đức Ki-tô Phục Sinh chính là lời đáp và lời hứa cho khát khao của loài người. Có hai hoa trái mà chúng ta cần xin Chúa, trong Đêm Canh Thức Vượt Qua và và mãi về sau :
 Sự Sống mới của Đức Ki-tô Phục Sinh lôi kéo chúng ta trong cuộc đời, ơn gọi và mỗi ngày sống, để chúng ta bình tâm với mọi sự và định hướng mọi sự. Như thế ơn gọi ca tụng Thiên Chúa của chúng ta có một năng động mới đến từ chính Chúa.
 Vì là sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin cho chúng ta được nhận ra sự sống của Chúa tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta rồi. Các trình thuật hiện ra mà Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, cho thấy điều này. Và Đức Ki-tô Phục Sinh vẫn còn hiện diện trong đời sống của nhân loại, của Giáo Hội, của cộng đoàn, trong đời sống và tâm hồn của từng người trong chúng ta.

* * *

Phần II

Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh
(Mt 28, 1-15)

1 Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên;3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi.5 Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh.6 Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm,7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” 8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em! ” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.”15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

1. Tin hay hay không tin
Bài Tin Mừng được công bố trong Đêm Canh Thức Vượt Qua và trong ngày Thứ Hai của Tuần Bát Nhật Phục Sinh nói cho chúng ta về hai lời “loan báo”.
a. Lời loan báo Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết và sẽ đích thân đến gặp gỡ các “anh em” của Ngài:
Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ!
Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.
(c. 10)
b. Và lời loan báo Ngài đã chết và “chết luôn” rồi:
Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,
các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”!
(c. 13)
Hai lời loan báo này tượng trưng cho hai thái độ đối với căn tính của Đức Ki-tô; và hai thái độ này đã và vẫn tồn tại ở mọi nơi mọi thời. Và đó không chỉ là hai thái độ diễn tả hai nhóm người khác nhau, nhưng còn là hai thái độ có thể tồn tại ngay ở giữa những người mang danh Ki-tô hữu, và ở nội tâm của một Ki-tô hữu vào những giai đoạn khác nhau của hành trình đức tin. Nhưng tin hay không tin nơi Đức Ki-tô phục sinh, sẽ có những hệ quả thật nghiêm trọng, không chỉ ở đời sau, nhưng ngay hôm nay: sự chết sẽ bắt lấy chúng ta và chúng ta sẽ “làm việc” cho nó, nếu chúng ta tin nó; ngược lại tin nơi Đức Ki-tô phục sinh mời gọi chúng ta đón nhận ơn tha tội và ơn chữa lành khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, để sống sự sống mới ngay hôm nay trong niềm hi vọng được thông phần với sự sống mới với Đấng Phục Sinh luôn mãi. Lòng tin có sức sức mạnh giải phóng, như Đức Giê-su đã từng nói: “Lòng tin của con đã cứu con”.

2. Lời loan báo thứ nhất
Lời loan báo thứ nhất có nguồn gốc thần linh. Thật vậy, trong bài Tin Mừng được công bố trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, chính thiên thần nói các bà:
Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay (Mt 28, 5-7).
Và trên đường từ ngôi mộ trở về báo tin cho các môn đệ Đức Giê-su, các bà đã được chính Đức Ki-tô Phục Sinh đón gặp, như để bày tỏ lòng ưu ái đặc biệt với các bà; chính vì thế mà, các bà được Truyền Thống Giáo Hội tôn vinh là “tông đồ của các tông đồ. Và đồng thời, khi để cho các bà được nhận biết trực tiếp, Ngài muốn đặt nền tảng cho lời loan báo của chứng nhân đầu tiên, và của các chứng nhân ở mọi thời, trong đó có chính chúng ta hôm nay nữa, đó là kinh nghiệm gặp gỡ đích thân Đức Ki-tô Phục Sinh:
“Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó (c. 9).

3. Lời loan báo thứ hai
Trong khi đó, nguồn của lời loan báo thứ hai là những con người, cụ thể là các thượng tế và và các kì mục:
Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,
và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,
các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”.
Thế mà, các thượng tế và các kì mục là hình ảnh tượng trưng cho thái độ không tin; và khi không tin, người ta sẽ chứng minh cho bằng được điều ngược lại, bằng những hành vi gian dối (gian dối ngay trong lời loan báo, vì ngủ rồi, làm sao mà biết các môn đệ đến lấy trộm xác!), tính toán vụ lợi (có sự hiện diện của tiền bạc), và cuối cùng là loại trừ và bạo lực, vốn là hình ảnh của Sự Dữ, như chúng ta đã thấy trong cuộc đời và nhất là cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô.

* * *
Xin cho chúng ta cũng có cùng một kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh, ngang qua kinh nghiệm được sự sống mới của Chúa đánh động, lôi kéo và thu hút chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong mỗi ngày sống, đến độ chúng ta có thể bình tâm với mọi sự và định hướng cho mọi sự. Và vì sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin cho chúng ta được nhận ra sự hiện diện của Ngài đã tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi, tái tạo, soi sáng, dẫn dắt sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta, ngang qua các dấu chỉ Lời Chúa, các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và những biến cố trong cuộc đời của chúng ta.
Như hành trình đức tin của các phụ nữ, nhất là của thánh nữ Maria Magdala, của các hai môn đệ trên đường Emmau và của chính các Tông Đồ, chính kinh nghiệm thiêng liêng đích thân gặp gỡ, đụng chạm và cảm nếm sự hiện diện thần linh của Đức Ki-tô phục sinh và hoa trái của cuộc gặp gỡ phát sinh và lan tỏa trong cuộc sống đầy ơn huệ nhưng cũng nhiều thử thách, làm chứng cho lời loan báo TIN MỪNG ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH của chúng ta là sự thật, là có nguồn gốc thần linh, chứ không phải bất cứ sự kiện lạ lùng, kiến thức lịch sử hay ngụy lịch sử hoặc lí lẽ hùng biện hay khúc chiết nào khác.

Canh Thức Vượt Qua 2017
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 21-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Dưới ánh nhìn của …

Mến Yêu Hằng Ngày, 21-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 3, 21-01-2025 (Mc 2, 23-28) Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su …

Một bình luận

  1. con chào cha
    con đang cần tìm hiểu về nguôn gốc của đêm canh thức vượt qua trong phụng vụ. xin cha giúp con những tài liệu nào liên quan đến đề tài này được không?
    con cám ơn cha

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *