Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu Mỹ Latinh, thì Châu Á và Châu Phi có sự tăng trưởng chậm nhưng ổn định. Các Giám mục cũng như các bề trên dòng tu viết các thông điệp (letters) để nâng cao nhận thức về vấn đề này.[1] Khắp nơi đều nói về việc phải nỗ lực hơn để thúc đẩy ơn gọi. Nhưng vấn đề thực sự có phải là vấn đề truyền thông hay không? Chúng tôi cố gắng đưa ra một số yếu tố trả lời cho câu hỏi này, và chúng tôi tin rằng cần có một sự phân tích sâu sắc về thực trạng xã hội và giáo hội.
Chúng tôi sẽ tiến hành bằng cách chú ý đặc biệt đến trường hợp của Dòng Tên. Sau tất cả, có thể đây là một mô hình đại diện kiểu mẫu, vì Dòng có mặt ở khắp nơi và là Dòng tu nam lớn nhất trên thế giới.[2] Tuy nhiên, đây cũng là Dòng đã trải qua sự sụt giảm mạnh mẽ nhất kể từ năm 1965, khi số lượng Giêsu hữu giảm từ 36.038 người (số lượng cao nhất trong lịch sử của Dòng) xuống còn 14.893 vào năm 2020. Các dòng tu hoặc hiệp hội khác đang có tình hình ơn gọi tốt hơn. Ví dụ, các tu sĩ Cát Minh Chân Trần đã có cùng số lượng tu sĩ khoảng 4000 người kể từ năm 1965 đến 2019. Trong các thế kỷ gần đây, Giáo hội Công giáo phụ thuộc rất nhiều vào các linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ, những người đã đóng góp rất tích cực vào sự phát triển của sứ mạng truyền giáo trong Giáo hội trên toàn thế giới. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu được sự suy giảm ơn gọi, ít nhất là ở những vùng đất có truyền thống Công giáo xa xưa? Dường như phải kết hợp xem xét nhiều yếu tố, cả về mặt giáo hội học lẫn xã hội học.
Yếu tố nhân khẩu học: gia đình có ít hơn hai con
Nhân loại đã bước vào một tình trạng nhân khẩu học chưa từng có. Nhiều quốc gia trên thế giới có tỷ lệ sinh ở mức dưới 2 (ngưỡng đảm bảo cho sự tiếp nối của các thế hệ đi trước) và tỷ lệ người cao tuổi đã đạt đến mức cao chưa từng có trong lịch sử loài người. Đây có phải là điều đáng lưu tâm không? Chúng tôi nghĩ như vậy, vì các gia đình đông con luôn là nguồn ơn gọi quan trọng trong suốt lịch sử. Trong một chuyến đi đến Ấn Độ năm 2016, tôi thấy các Giêsu hữu trên 60-65 tuổi thường xuất thân từ những gia đình có 5-7 người con, một vài trong số họ cũng sống đời thánh hiến. Các Giêsu hữu ở độ tuổi 30 thường đến từ những gia đình có ba con, trong khi anh chị em của họ thường chỉ có một con. Như vậy, về mặt toán học, ngay cả ở một đất nước mà ơn gọi sống đời thánh hiến được phổ biến rộng rãi và có giá trị về mặt xã hội như Ấn Độ, thì số người đi tu đang có xu hướng giảm.
Tương tự như vậy, một số ít ơn gọi ở Châu Âu chủ yếu đến từ các gia đình đông con. Trong trường hợp của tỉnh Dòng Tên Tây Âu nói tiếng Pháp, số anh em trung bình trong một gia đình có người đi tu là khoảng bốn người, nhiều hơn gấp đôi mức trung bình toàn quốc.[3] Đây là một trong những lý do hy vọng cho ơn gọi ở Pháp, cũng như ở các quốc gia khác (Hoa Kỳ và Tây Ban Nha): Trung bình các gia đình Công giáo ở đó có nhiều con cái hơn. Số lượng khiêm tốn này (những người sống đời thánh hiến) sẽ không ngăn cản sự suy giảm đáng kể về dân số tổng thể của những quốc gia này trong những thập kỷ tới, nhưng điều này cũng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng rằng sẽ có ơn gọi nhờ sự hiện diện của những người trẻ này. Cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu càng gia tăng thì càng có nhiều người chọn không sinh con và, niềm tin của các Kitô hữu vào việc chào đón sự sống sẽ càng trở nên kiên quyết hơn. Nhưng dù việc xem xét nhân khẩu học có liên quan ở cấp độ toàn cầu, chúng ta vẫn chưa đi đến trọng tâm của vấn đề. Các yếu tố khác như thần học và văn hóa cũng đóng góp một vai trò quan trọng nhất định.
Bối cảnh thần học hậu công đồng: địa vị của linh mục bị suy yếu
Giáo hội Công giáo sau Hội nghị Trento đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng Giáo hội dựa trên thừa tác vụ linh mục. Tình trạng giáo sỹ trị thái quá đã dẫn đến Công đồng Vaticano II mong muốn làm nổi bật phép rửa tội và chức tư tuế chung của tất cả những người đã được rửa tội. Thật chính đáng khi khẳng định rằng Công đồng đã đánh giá lại vai trò của Giám mục cũng như của giáo dân, nhưng suy nghĩ về chức linh mục thừa tác vẫn còn ở bước đầu. Tiếp theo giai đoạn hậu Công đồng là một cuộc khủng hoảng sâu sắc, với việc một số lớn giáo sĩ từ bỏ mục vụ trong bối cảnh văn hóa và xã hội chỉ trích truyền thống. Tất cả những cam kết dứt khoát, bao gồm cả hôn nhân và đời sống độc thân thánh hiến, đều được đặt ra một cách mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ quay lại điểm này. Thực tế là ơn gọi đã trở nên ít hơn trong thế giới Công giáo truyền thống ở Châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi chúng lại gia tăng đặc biệt ở Châu Á và Châu Phi. Ở những vùng này, mô hình giáo sĩ truyền thống vẫn rất được đề cao.
Một mô hình mới xuất hiện: chức phó tế vĩnh viễn cho người đã lập gia đình, do Công đồng Vaticano II đề xuất, chỉ thực sự được thực hiện ở những quốc gia nơi ơn gọi đang suy giảm.[4] Việc lựa chọn lối sống độc thân cho chức thánh này ngày càng trở nên phản văn hóa ở Phương Tây, trong khi hầu hết thế giới Công giáo đều đặt ra những câu hỏi về sự liên quan của nó. Có nên đặt vấn đề về sự độc thân của linh mục không? Liệu có nên phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn bên cạnh đòi hỏi sống khiết tịnh không? Không cần thiết phải xem xét lại mô hình Trentô nơi các đại chủng viện tách biệt khỏi thế giới sao? Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger[5] đã đi đến kết luận rằng, cần phải đào tạo các chủng sinh trong các cộng đoàn nhỏ gắn kết chặt chẽ với các giáo xứ, một mô hình đã được thực hiện tại chủng viện Paris từ năm 1985. Ngoài ra, ngài nghĩ rằng điều đó là cần thiết đối với các linh mục, thậm chí cả giáo phận, để sống trong các cộng đoàn nhỏ nếu luật độc thân của giáo hội thực sự được duy trì. Ngài đã bày tỏ ý kiến này tại Thượng Hội đồng về việc đào tạo các linh mục do Giáo hoàng Gioan Phaolô II triệu tập vào năm 1990. Cùng năm đó, ngài thành lập La Fraternité Missionnaire des Prêtres pour la Ville để giúp các linh mục giáo phận phục vụ theo nhóm trong các giáo phận nghèo nhất. Điều này cuối cùng đã trở thành một mô hình mang tính cộng đồng, truyền giáo và địa phương mà thông điệp Fidei Donum (1957) của Đức Piô XII tiếp cận.
Rõ ràng, câu hỏi về căn tính của linh mục đã trở thành một vấn đề thực sự trong Giáo hội hậu Công đồng Vaticano II. Kết quả là ngày nay ở Phương Tây có rất nhiều ơn gọi xuất thân từ các gia đình và các nhóm có cái nhìn gần gũi về mặt thần học với tiền công đồng, nơi vốn duy trì quan niệm rất cao về linh mục. Ở Pháp, có một số lượng lớn các chủng sinh xuất thân từ các nhóm liên quan đến nghi thức Thánh lễ Trentô hoặc những người nhấn mạnh đến hình ảnh truyền thống của linh mục. Có một loại “hiệu ứng gọng kìm” ở đây: nếu gia đình có khuynh hướng tự do hơn, họ ít khi cổ vũ con cái họ sống đời thánh hiến, trong khi đó, các gia đình theo chủ nghĩa truyền thống hơn lại cung cấp ngày càng nhiều ơn gọi mới.
Thực tế là một số nhóm Công giáo dường như nghiêng về việc truyền chức cho những người đàn ông đã có gia đình hoặc truyền chức cho phụ nữ – điều này chắc chắn sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn về mặt xã hội và thần học – làm suy yếu hơn nữa suy nghĩ của những người Công giáo trẻ, những người có thể bị thu hút bởi đời sống thánh hiến, nhưng lại từ chối việc từ bỏ khía cạnh tính dục. Làm sao người ta có thể chọn một lối sống quá khó khăn và hơn nữa còn đầy tranh cãi? Nói tóm lại, một cuộc khủng hoảng thần học và giáo hội học về vai trò của linh mục trong Giáo hội chắc chắn gây bất lợi cho ơn gọi trong các nhóm hoan nghênh các cuộc cải cách của Công đồng, trong khi đó, các nhóm theo chủ nghĩa truyền thống lại cổ võ ơn gọi qua việc tái khẳng định mạnh mẽ ý nghĩa cơ bản của linh mục. Điều này dẫn đến nguy cơ tồn tại các hình thức giáo sĩ trị mà một số nhóm có xu hướng lên án, đặc biệt vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Trên thực tế, thật khó để nói về ơn gọi mà không nói đến cuộc khủng hoảng do sự lạm dụng như vậy gây ra, vốn là chủ đề chính trong các cuộc tranh luận và đưa tin trên các phương tiện truyền thông về các linh mục trong hơn 30 năm qua.
Chủ nghĩa giáo sỹ và lạm dụng
Thật vậy, những nghiên cứu mới nhất về vấn đề lạm dụng tình dục chỉ ra rằng nó thường có nguồn gốc từ một nền văn hóa giáo sĩ, trong đó người linh mục được đặt vào vị trí thống trị và mô tả họ như một người có thẩm quyền không thể bị thách thức. Ngoài vấn đề nhân khẩu học, người ta cũng lưu ý rộng rãi rằng nhiều trường hợp lạm dụng xảy ra trong thập niên 1960 và 1970 liên quan đến nhiều trẻ em bước vào các tiểu chủng viện khi tuổi đời còn nhỏ, hoặc những người bước vào chủng viên khi còn trẻ tuổi và hầu như chưa bao giờ tiếp xúc thường xuyên với người khác giới. Hình ảnh của vị linh mục được bao bọc bởi cảm thức hoàn toàn thánh thiêng. Khi xem xét trường hợp của một số thủ phạm lạm dụng khét tiếng, chẳng hạn như anh em Marie-Dominique và Thomas Philippe hay Marcial Maciel, người ta thấy rằng hình ảnh vị linh mục được coi là hoàn toàn thánh thiêng trong giới của họ và họ đã sử dụng quyền này để thực hiện hành vi lạm dụng.
Làm thế nào chúng ta có thể trình bày hình ảnh vị linh mục mang tinh thần Tin Mừng hơn và ít mang tính giáo sĩ hơn? Làm thế nào chúng ta có thể nói với những người trẻ Công giáo ngày nay về ơn gọi và vẻ đẹp của nó sau quá nhiều lý tưởng hóa thái quá và rất nhiều trường hợp lạm dụng? Nhiều người trẻ ở Phương Tây có thể tự hỏi một cách chính đáng liệu họ có được trợ giúp về mặt thiêng liêng và nhân bản để kiên trì trong sự lựa chọn của mình hay không. Vấn đề kiên trì là một yếu tố khá quan trọng mà ít được đề cập trong các tài liệu về ơn gọi.
Trên thực tế, người ta có thể nghĩ rằng sau cuộc khủng hoảng giáo sĩ lớn trong thập niên 1968-1978 khi chứng kiến hàng ngàn linh mục và tu sĩ rời ơn gọi, người ta sẽ chú ý nhiều hơn đến việc đồng hành với các ơn gọi, bình thường hóa các ơn gọi sau này và cá nhân hóa nhiều hơn trong con đường huấn luyện. Những điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ tu xuất thấp hơn nhiều. Có một thực tế là tình trạng tu xuất vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Điều này không chỉ xảy ra với giáo phận hoặc dòng tu này hay giáo phận khác, mà ở hầu hết mọi nơi. Nếu xem xét trường hợp của Dòng Tên, chúng ta thấy rằng từ năm 2011 đến năm 2020, Dòng này ghi nhận trung bình 270 trường hợp tu xuất mỗi năm. Khi so sánh con số này với số lượng nhập tu (trung bình 400 người mỗi năm, trong cùng khoảng thời gian), người ta sẽ thấy quy mô mất mát đáng kể mà con số này thể hiện. Phải chăng điều này xảy ra vì việc đào tạo bị bỏ bê hoặc việc đồng hành thiêng liêng được quản lý lỏng lẻo hoặc không có? Không nên nghĩ như vậy, bởi vì đây là mối quan tâm cấp bách của các bề trên và những người chịu trách nhiệm đào tạo. Chưa hết, tất cả các hội dòng và giáo phận đều trải qua nhiều trường hợp tu xuất. Các yếu tố văn hóa khác cũng khiến cho sự kiên trì trở nên khó khăn hơn.
Những tu sĩ trẻ ngày nay, giống như những anh chị em đã lập gia đình, cảm thấy ít bị ràng buộc hơn bởi những cam kết mà họ đã thực hiện trước Chúa. Họ dễ dàng chấp nhận rằng họ sẽ bị thử thách. Nói chung, thái độ của những người ở lại là quảng đại. Những người ra đi đều được chúc những điều tốt lành trên “hành trình mới” của họ một cách rất tự nhiên. Dĩ nhiên, người ta có thể nghĩ rằng, khác với hôn nhân, việc ấy (tu xuất) không có ai bị “tổn thương”. Tuy nhiên, đó sẽ là một sai lầm, vì việc tu xuất sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ Giáo hội. Nhưng tại sao lại được coi là bình thường khi rất nhiều bạn trẻ đã được đồng hành lâu năm, rất nhiều linh mục trẻ đã thực hiện những cuộc Linh thao phân định ơn gọi của mình, lại từ bỏ cam kết chính yếu này? Đó có phải là một cam kết với Thiên Chúa đã được xem xét cẩn thận và tự do hay chưa? Có vẻ như không nhiều người làm như vậy khi họ bị sự chán nản đe dọa hoặc nhận thức được sai lầm nghiêm trọng trong giai đoạn phân định ban đầu. Không: họ nói rằng đã đến lúc phải lật sang trang khác, rằng họ đã xem xét kỹ tình trạng, rằng họ không còn động lực để tiếp tục nữa, [6] rằng việc cam kết sống độc thân là quá khó khăn, rằng một cam kết mới và đầy triển vọng hơn đang mở ra cho họ.
Mặt khác, hiện tượng này cũng có thể thấy ở một số cuộc ly thân của các cặp vợ chồng, trong đó không còn quá nhiều lỗi lầm nghiêm trọng hay đau khổ tâm lý ghê gớm dẫn đến sự rạn nứt, mà là mong muốn mở ra một chương mới, một sự buồn chán nào đó, một sự bất mãn hiện sinh, trong đó việc tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân chiếm vị trí quan trọng nhất. Vấn đề không phải là lên án những thái độ cá nhân, mà là thừa nhận rằng chính nền đạo đức chung của toàn xã hội không dẫn đến lòng trung thành, theo nghĩa là khả năng chịu đựng khó khăn và sự thất vọng suy giảm.
(còn tiếp)
Tác giả: Marc Rastoin, SJ
Chuyển ngữ: Nhóm Dịch Thuật Ứng Sinh Dòng Tên
Nguồn: La Civiltà Cattolica
DOI: La Civiltà Cattolica, En. Ed. Vol. 5, no.9 art. 4, 0921: 10.32009/22072446.0921.4
[1]. For example, the Superior General of the Society of Jesus, Fr. Arturo Sosa, wrote a letter on this topic on April 12, 2021.
[2]. For only a short time because current trends will see the Salesians (14,476 in 2020) within two or three years becoming largest Catholic religious congregation.
[3]. At the same time, the number of vocations coming from converts or from families with little religious commitment is also growing.
[4]. In some regions of Latin America, the permanent diaconate appeared as a possible response to the evangelization needs of indigenous peoples. But in this case it was not a question of a decrease, but rather an absence of vocations to the priesthood.
[5]. He was Archbishop of Paris from 1981 to 2005.
[6]. Younger priests, who are scarce and often overloaded, are often affected by burnout. Cf. G. Ronzoni (ed), Ardere, non bruciarsi. Studio sul “burnout” tra il clero diocesano, Padua, Messaggero, 2008; P. Ide, Le burn-out: une maladie du don, Paris, Quasar, 2015.