THÁNH LỄ NHƯ MỘT BỮA TIỆC
Một trong những điều nổi bật nhất về Đức Giêsu trong các Tin Mừng là cách thể hiện tình yêu của Ngài trong các bữa ăn. Qua các Tin Mừng, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh Đức Giêsu đang dùng bữa. Có lúc, Đức Giêsu chỉ rõ những người thù địch với Ngài đã quy gán cho Ngài là một người mê ăn uống.
Ông Gioan đến, không ăn không uống thì thiên hạ bảo “Ông này bị điên.” Con Người đến cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
Đối với những người thời Đức Giêsu cũng như người thời nay, việc chia sẻ bữa ăn là dấu chỉ của tình bạn và lòng hiếu khách. Đức Giêsu không mang đến một sứ điệp ảm đạm và chết chóc nhưng là công bố Tin Mừng, một sứ điệp tình yêu của Chúa Cha dành cho tất cả con cái của Ngài. Khi đồng bàn với những người tội lỗi công khai, là người thu thuế và các cô gái điếm, Đức Giêsu đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phía các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời của Ngài. Họ cảm thấy bị xúc phạm bởi việc giao thiệp và việc kết thân của Ngài với những người tội lỗi trong bữa ăn là một sự sỉ nhục cùng cực:
“Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! ” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2, 15-17).
Đối với Đức Giêsu, bữa ăn không chỉ là chuyện ăn chuyện uống nhưng bữa ăn chính là một cách để nói về tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người nam cũng như nữ, đặc biệt là những người cần đến lòng Chúa thương xót nhất. Các bữa ăn của Đức Giêsu với người nghèo, người tội lỗi, người bị loại trừ là dấu chỉ của tình liên đới với những người bị khinh miệt và loại trừ. Các bữa ăn này là dấu chỉ của bữa tiệc thiên đàng mai sau.
Trong bối cảnh này, sẽ không có gì ngạc nhiên khi cho rằng sự cao quý nhất của Bí tích đến từ kinh nghiệm của bữa tiệc Vượt Qua. Chúng ta đã khảo sát mối liên hệ của Bí tích Thánh Thể với bữa tiệc Vượt Qua. Vì thế, ở đây chúng ta sẽ nhìn vào mối liên hệ giữa Thánh Lễ với các bữa ăn huynh đệ mà Đức Giêsu đã ăn. Thánh Lễ chứa đựng rất nhiều đặc tính quan trọng của các bữa ăn mà Đức Giêsu đã cử hành. (1) Thánh Lễ là dấu chỉ của sự hiệp thông, tình bạn và tình yêu. Giống như bữa ăn tối Tạ ơn ở Mỹ, bữa ăn trở thành nơi hàn gắn các mối tương quan, bữa tiệc Thánh Thể cũng quy tụ và nuôi dưỡng cộng đoàn Kitô hữu. (2) Thánh Lễ cũng là bữa ăn mà những người tội lỗi được mời tham dự. Một trong những điều đầu tiên chúng ta làm trong Thánh Lễ là nhìn nhận tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ. (3) Giống như các bữa ăn mà Đức Giêsu cùng ăn với những người nghèo và người tội lỗi, Thánh Lễ là đấu chỉ của bữa tiệc Nước Trời tương lai. Nó báo trước ngày tất cả chúng ta sẽ được mời gọi để đồng bàn với Chúa. (4) Thánh Lễ là một thách đố để làm hiện tại hóa triều đại Thiên Chúa. Trong một thế giới có nửa tỷ người sống trong tình trạng thiếu ăn trầm trọng, Thánh Lễ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng tất cả anh chị em của chúng ta cần được mời đến bàn tiệc.
Suy nghĩ và Thảo luận
Đôi khi các bữa ăn chỉ là dịp để các gia đình tập họp và trò chuyện, vậy các bữa ăn trong gia đình bạn có vai trò gì? Bạn có buộc phải về nhà ăn tối không? Mỗi tuần bạn có bữa ăn đặc biệt nào không?