Chấp nhận thử thách, tự nó đã là thái độ của đức tin anh hùng. Nếu cầu nguyện được hiểu là hành vi của đức tin thì chấp nhận thử thách là một lời nguyện tuyệt hảo đi kèm với của lễ hiến dâng là chính bản thân. Đức tin được thanh luyện trong thử thách đòi hỏi một nhân đức anh hùng. Khi ta bền chí đến cùng, ấy là dấu chắc chắn minh chứng cho một tương giao gần gũi với Chúa. Thật vậy, chỉ những ai hợp tác với ơn Chúa mới có thể bền chí đến cùng.
Ngoài ra, nó còn là một lời cầu nguyện tinh ròng vì được thanh luyện trong lửa gian nan và là lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt mọi người. Chúng ta dễ dàng tuyên xưng đức tin khi được sự bảo bọc chở che của mọi người, nhưng chỉ những ai bị tước đoạt hoàn toàn mà vẫn con tuyên xưng đức tin, đó mới xứng là bậc tử đạo anh hùng.
Trong thử thách, lời cầu nguyện càng thống thiết và khẩn thiết hơn. Chúng ta không cầu nguyện cho mình thoát khỏi cơn quẫn bách nhưng xin cho được đủ ơn để sống đời hiện tại. Lúc này, lời cầu nguyện không còn hoa mỹ như trước kia, song, rất mực chân thành bởi đã được thanh luyện trong đêm tối đức tin. Chính trong cơn khốn quẫn mà con người dễ trở về với lòng mình và thắt chặt mối tương giao với Đấng hiện diện bên trong. Khi bị tước đoạt hoàn toàn, bị lột trần trước mắt Thiên Chúa, con người bắt đầu sống chân thật với bản thân, sống chân tình với Thiên Chúa và sống chân thành với tha nhân.
Một kinh nghiệm thiết thực sau những trận bão lớn, đó là sự bất lực. Trong hành trình tâm linh cũng thế, chúng ta không thể tự sức làm nên một công trạng gì để thoát khỏi tình trạng khốn khổ ấy. Nếu Chúa là tác giả của công trình này thì Người biết mình phải làm gì để giúp ích cho linh hồn. Có một điều khó khăn là đương sự không biết rõ chủ đích của Chúa qua biến cố này. Thánh Luca thật tinh tế khi diễn tả tâm tình này nơi Mẹ Maria bằng một câu ngắn gọn: Ngài hằng suy đi nghĩ lại trong lòng. Tại sao phải suy đi nghĩ lại nếu không phải vì Mẹ đem đối chiếu Lời Chúa vào cuộc sống thường ngày. Mẹ cũng ý thức rằng lịch sử nhân loại sẽ được sống lại cách nào đó trong cuộc đời của Mẹ.
Sự bất lực có thể lại là một lợi thế trong hành trình thiêng liêng. Vì như thánh Phaolô đã quả quyết: chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh. Yếu vì mang bản tính nhân loại, mạnh vì cậy dựa vào ơn Chúa. Yếu ở đây cũng có thể hiểu là sự khiêm hạ đi xuống và mạnh là chiến thắng của Bậc Thánh nhân. Chúa Giêsu cũng tỏ ra yếu thế và bất lực trên thập giá nhưng Người lại chiến thắng vì đã tuân phục Thánh Ý Chúa Cha, là đem ơn cứu độ cho toàn nhân loại. Bởi đó, lời cầu nguyện trong cơn thử thách đều có sức thanh luyện và mang chiều kích cứu độ.
Những vết thương lòng đôi khi lại là nơi Chúa đi vào nội tâm, là nơi tiếp xúc trực tiếp với ơn Chúa. Nhưng vết thương đã được chữa lành lại giúp ta chịu đựng dẻo dai hơn với thời gian. Vết sẹo không khiến ta trở nên chai cứng hay vô cảm, song, là dấu chứng tình yêu của một cuộc chữa lành. Chúa Giêsu đã phục sinh, thế mà Người vẫn còn giữ dấu đinh trên thân thể. Những roi đòn hằn sâu trên thân thể Người không làm bằng chứng cáo tội, trái lại, nó là dấu chứng của một Tình Yêu Nhưng Không đến từ Trời Cao. Cũng vậy, những vết thương trong cơn thử thách mà ta kiên trì chịu đựng sẽ là bằng chứng cho một lần tiếp xúc yêu thương. Bởi đó, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa: cầu nguyện là một cuộc tiếp xúc yêu thương.
Nếu cầu nguyện là một cuộc tiếp xúc yêu thương thì nó cũng là những phút sống thiên đàng. Nơi nào có Ba Ngôi Thiên Chúa ngự nơi ấy là thiên đàng. Thiên đàng chỉ dành cho những tâm hồn sống yêu thương. Như thế, yêu thương tự nó đã là một lời cầu nguyện đẹp. Người ta càng dành nhiều giờ tiếp xúc với Thiên Chúa, họ càng có khả năng kéo thiên đàng vào tâm hồn mình. Thật ra, thiên đàng hằng ở trong lòng người nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm thấu đạt thực tại ấy, chỉ có những tâm hồn buông theo ân sủng mới khả dĩ sống và chứng nghiệm. Tauler, nhà thần bí người Đức, thật chí lý khi nói: “Người ta không thể tự sức mình đi vào chiều sâu của tâm hồn”.[1] Quả thật, đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Có thế, chúng ta mới hiểu lời khẳng định của thánh Phaolô: “…Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Từ đó, chúng ta cũng có thể rút ra một định nghĩa khác: cầu nguyện là tiếng rên siết của Chúa Thánh Thần.
Thật vậy, tiếng rên siết của tâm hồn chịu thử thách phải được rập khuông theo mẫu thức của Thánh Thần, nghĩa là cầu nguyện sao cho ý ta hòa hợp với Ý Chúa chứ không phải ngược lại. Tắt một lời, chính Thánh Thần là tác giả chính trong một giờ cầu nguyện. Bởi đó, cả trong lúc gặp thử thách, đau khổ khốn cùng, chúng ta vẫn cảm nhận một sự bình an, thong dong nào đó. Ấy là niềm hy vọng cuối cùng cho người trông cậy, vì biết rằng: Có Thầy đây, đừng sợ.
Qua đó, chúng ta có thể xác tín: Đồi Calvê, là điểm hẹn lý tưởng của mọi tâm hồn yêu thích đời chiêm niệm. Những đau khổ, cái chết và cả mầu nhiệm sự dữ, Chúa Giêsu đã lãnh vào thân hầu mang lại ơn cứu độ vĩnh viễn cho mọi người. Chúng ta cần tái lập một tương quan thiết thực với Ngài nhờ Thánh Thần tình yêu, để nói được như thánh Phaolô: vinh dự của tôi là Thập Giá Đức Kitô. Làm sao Thập Giá lại có thể là niềm vinh dự của tôi, nếu không phải vì Đấng chịu treo trên đó đã phục sinh. Chắc hẳn, khi bạn có mặt trên đồi Sọ, bạn chiêm ngắm cái chết tức tưởi của Người, đồng thời, nghiệm ra tình yêu Người dành cho bạn. Từ đây, bạn ý thức rằng có một người cũng đang chịu đau khổ như bạn và còn hơn bạn nữa. Bạn không còn lẻ loi trong đêm tối và quay quắt trong đêm đen nhưng được Đấng Phục Sinh dẫn vào nơi ánh sáng diệu huyền vào thời điểm chính Người sẽ chủ động để sinh hiệu quả tốt nhất cho linh hồn bạn. Hãy chờ đợi và hy vọng vào Đấng phân cách ngày và đêm.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
[1] Anselm Grun, Cuộc khủng hoảng giữa đời người, tr 15.