Xin cho con nhận ra vẻ đẹp của Chúa

Con muốn đi tìm Ngài trong cuộc sống. Lời bài hát ấy mang âm vang của cõi lòng con người. Con tim khát khao đi tìm Đấng cao xa nhưng thật gần, thâm sâu nhưng giản dị, ẩn giấu nhưng luôn có đó. Chúa ơi, Chúa ở đâu cho con đi tìm Chúa. Lời bài hát tiếp tục vang lên ngân lên, và con vẫn đang trên đường kiếm tìm Ngài.

Đêm hè, trăng sáng vằng vặc, ánh sáng của vui tươi mang chút nóng nảy, ánh sáng của kỷ niệm, ánh sáng của muôn vàn mơ ước. Thủa xa xưa, người ta ngắm nhìn trăng và gán cho vẻ đẹp huyền bí của các vị thần, người ta gán cho vẻ đẹp kiều diễm của người phụ nữ, người ta sánh ví với những câu chuyện tình thơ mộng của chị Hằng chú Cuội cây đa. Trăng vẫn là đề tài muôn thủa của thơ ca nhạc họa. Có một thời người ta đưa ống kính thiên văn lên để nhìn, để khám phá mặt trăng. Người ta cũng sáng tạo con tàu vũ trụ và đi lên, chạm tới, đứng trên mặt trăng. Người ta đụng tới ước mơ của bao ngàn năm, nhưng con người cũng khám phá thấy, mặt trăng không đẹp như mình nghĩ, mặt trăng chỉ là một vệ tinh. Ở mặt trăng không có dấu vết sự sống. Ánh sáng của mặt trăng không phải là do mặt trăng phát sáng mà chỉ là phản chiếu từ ánh sáng mặt trời.

Đó chỉ là chuyện của biết bao người. Còn con, sinh ra trong một làng quê làm nghề nông trồng lúa. Trăng vẫn rất đẹp. Vẻ đẹp của đêm trăng nơi ngôi làng, nơi cánh đồng đêm khuya, nơi sân nhà nho nhỏ, nơi sau vườn lặng lẽ. Vẻ đẹp của đứa trẻ chạy vui đùa khắp làng và tưởng chừng như trăng đang chạy cùng mình. Vẻ đẹp của ánh trăng cho biết thời tiết khí hậu, cho biết mùa màng đổi thay: trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa. Vẻ đẹp của trăng không chỉ gắn liền với câu chuyện chị Hằng, mà còn gắn liền với người Mẹ tuyệt vời là Mẹ Maria.

Có người nói: Ừ thì trăng đẹp, nhưng đẹp thì được cái gì? Thực lòng mà nói, người ta ngày nay dễ bị cuốn hút vào cái vòng xoáy của kinh tế của tiền tài danh vọng, mà quên đi biết bao vẻ đẹp Trời đất ban tặng. Không chỉ không thấy đẹp, mà người ta còn ra sức khai thác bóc lột con người và thiên nhiên. Chính khi làm ô nhiễm khí quyển, là lúc họ khó thở, và những thứ bụi bặm che mờ ánh trăng, càng làm cho họ khó nhìn thấy vẻ đẹp của ánh trăng. Chính khi người ta làm ô nhiễm nguồn nước, thì làm gì còn những con sông, những chiếc hồ trong veo để ngắm trăng nằm sâu dưới đáy hồ. Chính khi người ta chặt phá hết cây cối, thì làm gì còn những cảnh tuyệt đẹp giao hòa giữa ánh trăng và vạn vật trong đêm… Còn biết bao điều chưa kể xiết.

Có người sẽ nói rằng: giờ người ta có thể khám phá vẻ đẹp nhờ nhiều dụng cụ quang học, nhờ máy tính, nhờ sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, chứ cần gì những kinh nghiệm sơ đẳng như xưa. Khi nghĩ thế, người ấy quên mất rằng, phần lớn người dân vẫn là người nghèo, và người nghèo thì mấy ngàn năm nay cũng chẳng thay đổi mấy. Tất cả tiến bộ và tài nguyên vẫn chỉ đang phục vụ cho một phần nhỏ. Đúng là bây giờ hầu như cái gì cũng có, nhưng điều quan trọng là phải có tiền. Và người nghèo thì có rất ít tiền, nhiều khi còn không đủ sinh tồn, nhiều khi còn không đủ sống ở những mức sơ đẳng nhất.

Giống như kiểu, có người nghĩ xem mình thích làm tiến sĩ về lĩnh vực nào, trong khi đó có người mơ ước được đi học được biết chữ mà còn khó. Giống như một em bé nhà giàu xem tivi thấy những nơi nghèo đói, em không hiểu được tại sao những đứa trẻ kia lại thiếu thông minh như thế, chỉ có việc mở tủ lạnh để lấy đồ ăn mà cũng không biết làm. Em không biết được rằng, tại những nơi nghèo đói ấy, làm gì có tủ lạnh, làm gì có đồ ăn. Giống như kiểu có người nói, khí hậu có thay đổi có nóng lên, thì đâu ăn thua gì, vì chúng ta đã có máy điều hòa, vì chúng ta có thể di chuyển đến nơi khác để sống. Họ đâu biết rằng, chỉ có họ với điều kiện dư giả mới làm được những điều ấy, còn người nghèo chỉ có một cách là bó cái chân và bó cái tay mà thôi.

Nói như thế, để thấy thiên nhiên đất trời, để thấy ánh trăng rất thân thiết rất gần gũi rất đẹp với đời sống người bình dân. Nói như thế để thấy rằng, những người giàu đang tàn phá thiên nhiên, trong khi người nghèo chịu hết hậu quả. Thực tế, một người bình dân, nếu có phá rừng chăng nữa, có lẽ cũng chỉ đủ sức chặt vài cây. Còn một chủ đầu tư thì có thể phá nát nhiều cánh rừng. Cũng thế một tập toàn xuyên quốc gia có thể phá nát cả lục địa. Cứ theo vòng xoáy ấy, người ta đang tàn phá địa cầu. Đổi lại, họ thu được bao nhiêu lợi nhuận và những hậu quả tệ hại của thiên nhiên lại đổ trên đầu người thường dân.

Đời là thế, thế gian là thế. Chúa ơi, xin cho con biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ánh trăng, để con có thể cảm nhận được vẻ đẹp của Chúa, để tâm hồn con đẹp hơn tươi hơn, để con có thể làm đẹp cho thiên nhiên, làm đẹp cho đời, làm đẹp cho những người xung quanh con.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *