Cha Đắc Lộ bước đầu tại Ấn Độ, và hướng về Nhật Bản (5)

Cha Đắc Lộ phải lưu lại Goa của Ấn Độ 2 năm. Mục tiêu của cha là Nhật Bản, nhưng vì ở đó đang có cuộ bắt đạo gắt gao, nên các bề trên quyết định giữ cha lại Goa, đợi cho đến khi bình yên trở lại. Đắc Lộ sống trong học viện của Nhà Dòng. Thành phố Goa thời ấy có khoảng 200.000 dân, với 3 phần 4 là tín hữu Kitô. Goa là giáo phẩn tổng tòa cho toàn Ấn Độ và miền Viễn Đông. Ở đây, Đắc Lộ đụng với hai kinh nghiệm. Một mặt, đúng là người Bồ Đào Nha sẵn sàng giúp đỡ và thương mến người ngoại đạo và các dự tòng, nhưng một khi người ta đã nhận phép rửa tội thì họ bỏ mặc. Mặt khác, người Bồ buộc những người mới rửa tội phải bỏ y phục bản quốc, để mặc vào y phục của người Bồ. Thấy vậy, cha Đắc Lộ xác tín ngay: Trở thành Kitô hữu không có nghĩa là phải nhận vào phong tục tập quán của người châu Âu.

Cha Đắc Lộ viết rằng: “Người ta khó có thể tin được lối hành xử đó ngược ngạo chừng nào. Và tôi không thể hiểu, tại sao người ta lại đòi hỏi người bản xứ những điều mà Chúa Giêsu Kitô của chúng ta không đòi buộc, và những điều ấy làm họ xa cách với phép rửa và với Nước Trời. Riêng tôi, ở Trung Hoa, tôi chống lại tất cả những ai muốn buộc những tân tòng nam phải cắt tóc ngắn, mái tóc mà đàn ông ở đó vốn để dài như đàn bà. Làm như vậy, họ không còn được tự do đi lại khắp nước, không còn bước được vào trong xã hội nữa. Tôi đã nói với họ, Tin Mừng đòi buộc phải cắt bỏ những sai lầm và tội lỗi nơi tâm hồn, chứ không phải cắt ngắn tóc trên đầu”.

Có một công tác của cha Đắc Lộ tại Goa là đi tìm những đứa trẻ lang thang đường phố. Sau đó rửa tội cho các em, đưa các em vào nhà trẻ mồ côi và giáo dục các em theo tinh thần Tin Mừng. Có ngày, cha Đắc Lộ tìm được 7 em. Sau 3 tháng bị bệnh, cha được nghỉ dưỡng. Trong thời gian này, cha học tiếng Konkani và thông thạo đến mức có thể giải tội được. Trong thời gian này, cha Đắc Lộ làm quen với một linh mục thừa sai. Cha rất ngưỡng mộ vị ấy, vì vị ấy thông thạo tiếng Konkani và Marathi đến mức có thể dùng chúng để viết sách đạo và soạn bài hát về cuộc Thương khó Chúa để bổn đạo hát trong tuần thánh. Khi hết thời gian bệnh, cha Đắc Lộ trở về Goa, nhận làm công tác mục vụ cho tù nhân và nô lệ. Thời gian này, cha may mắn thoát chết trong một tai nạn nổ nhà máy bột pháo. Tai nạn này gây ra cái chết cho nhiều tù nhân làm việc trong đó. Tai nạn xảy ra vào đúng ngày Chúa nhật là ngày cha thường có mặt để thăm các tù nhân, nhưng may mắn, tuần đó, cha đã tới thăm họ vào ngày thứ bảy liền trước.

Thời gian lưu lại Goa kéo dài cho tới ngày 12.04.1622. Vì nhận được thông tin không chính xác là Nhật đã hết bắt đạo, nên các bề trên cho ông lên đường. Không thể đi thẳng tới Nhật, nhưng phải đi vòng trước hết qua Malakka rồi tới Macao là trạm và bến cuối cùng của Bồ Đào Nha ở Viễn Đông cho những thương thuyền đi Nhật.

Trên chuyến đi về Macao, cha Đắc Lộ lần đầu tiên gặp người Hà Lan. Sự có mặt của người Hà Lan từ hai chục năm nay đã làm thay đổi cán cân quyền lực trên các vùng biển Viễn Đông, và giáng cho việc truyền bá Công giáo một đòn nặng nề. Chỉ nhờ màn đêm tối khó khăn lắm mới thoát được sự truy đuổi của thuyền Hà Lan. Cuối cùng, ngày 29 tháng 5, cha Đắc Lộ đã cập bến Macao, tức bốn năm rưỡi sau ngày chia tay Roma.

Người Bồ có trụ sở tại Macao từ năm 1557. Nguồn gốc hình thành trụ sở này là do các băng đảng thường đe dọa cướp bóc tỉnh Quảng Đông. Vì không chống nổi đám cướp, nên người Hoa kêu gọi người Bồ giúp đỡ. Sau đó người Bồ đã đánh bại các băng đảng, và người Hoa cho phép người Bồ đặt trụ sở, với điều kiện phải đóng thuế hàng năm và không được xây thành quách, không được đặt súng thần công tại đó.

Tại Macao, cha Đắc Lộ sống trong học viện của Dòng. Đây là trung tâm truyền giáo cho toàn miền Viễn Đông. Nơi đây cũng có học trình đầy đủ về thần học. Từ khi bắt đầu nổ ra cuộc bắt đạo tại Nhật, số người trong học viên tăng mạnh. Thoạt đầu, cha Đắc Lộ học tiếng Nhật. Cơ hội học tiếng khá thuận tiện, vì nhiều Kitô hữu Nhật là thương nhân và thông ngôn Nhật sẵn có mặt nơi đây. Nhưng vì Nhật tiếp tục bế quan tỏa cảng, và không thể biết được tình hình khi nào mới bình yên trở lại. Mặt khác, những giáo sĩ của Dòng lúc đó có mặt tại miền trung Việt Nam, đang kêu gọi khẩn cấp viện trợ nhân sự. Cuối năm 1624, cha Đắc Lộ và 6 anh em khác được bề trên gửi tới Việt Nam. Họ gồm bốn người Bồ, một người Nhật và một người Ý. Người Ý là cha Gerolamo Maiorica, cha này đã cùng cha Đắc Lộ đi chuyến hành trình từ Lisbon, Bồ Đào Nha, đến Goa, Ấn Độ. Có lẽ trước ngày lên đường để đến với đất Việt, các cha ấy đã nhận được tin phong thánh cho vị sáng lập Dòng là thánh Inhaxio Loyola và Phanxico Xavie, vốn đã diễn ra tại Roma ngày 22.05.1622. Tin vui này chắc đã nâng cao tinh thần truyền giáo nơi họ.

Sau hành trình dài trên biển khơi đầy sóng gió và hiểm nguy, một thuyền trong nhóm đã bị đắm gần đảo Hải Nam, nhưng mọi người trong thuyền đều thoát chết và trở về Macao, còn các nhà thừa sai đã đến Việt Nam. Đất Việt trông như thế nào vào thời điểm cha Đắc Lộ bước đầu đặt chân đến? Cha ấy và các anh em cùng Dòng có thể làm được gì tại đây?

Các phần trước: Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)
Cha Đắc Lộ vào Dòng, được đào tạo tại Roma, lên đường đi Ấn Độ (4)

Phần tiếp theo: Đất Việt như thế nào thời Cha Đắc Lộ đặt chân đến (6)

Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *