Cha Đắc Lộ từ bỏ ước mơ trở lại Nhật vì có duyên với Đất Việt (10)

Trong nửa năm đầu khi ở trên Đất Việt, Đàng Trong, với nhiều ấn tượng và bỡ ngỡ bước đầu, Cha Đắc Lộ vẫn còn nuôi mộng trở lại Nhật Bản để truyền giáo ở đó. Tuy nhiên mộng này không thành, vì ở Hội An chẳng có ai rành đường biển để giúp cha có thể trở lại Nhật. Cho đến tháng 6 năm 1625, cha nhận ra sự phong phú của cánh đồng truyền giáo nơi Đất Việt. Cha nhận thấy sự tốt đẹp mà Thiên Chúa đã làm nên. Cha nhận thấy rằng: Thiên Chúa đã chịu chết, không chỉ cho người Nhật mà thôi. Và cha thừa nhận lòng mong ước được ơn cứu độ của người dân Đất Việt. Cha nhận thấy, lòng mong ước ấy xứng đáng để nhiều thợ gặt tới đây làm việc, hầu đưa họ về với Chúa. Từ đó, cha Đắc Lộ nuôi hy vọng rằng, đất Việt dân Việt sẽ là một trong những cánh đồng sinh nhiều hoa trái nhất tại Phương Đông. Vì thế, cha đã ra sức học tiếng Việt, cũng giống như trước đây cha từng ra sức học tiếng Nhật.

Cha tin rằng, Thiên Chúa đã chọn dân tộc đơn sơ này. Tuy chưa hoàn toàn rũ bỏ ý định trở lại Nhật, nhưng cha đã nghĩ tới việc không chỉ loan báo Tin Mừng tại Đàng Trong Đất Việt, mà còn có thể đi ra Đàng Ngoài nữa, vì Đàng Ngoài đông dân cư hơn. Cha bề trên đã đồng thuận là cha Đắc Lộ có thể ra Đàng Ngoài, cùng với một anh em cùng Dòng làm thông ngôn. Đó là mối tình đầu mà cha Đắc Lộ có khi mê say với đất nước và dân tộc Việt. Tuy nhiên, thách đố đầu tiên và lớn nhất nơi các thừa sai, đó chính là ngôn ngữ.

Giờ đây, chúng ta cùng đọc một phần lá thư của cha Đắc Lộ gửi cho vị điều phối truyền giáo người Bồ Đào Nha, đề ngày 16.06.1625, chúng ta sẽ hiểu hơn những tâm tình, những ấn tượng, những nhận định đầu tiên của Cha Đắc Lộ về người dân đất Việt.

Tin tức năm nay là chúng tôi đã trải qua một cuộc hành trình quá gian lao và nguy hiểm, để tới Đàng Trong, đến nỗi một thuyền trong đoàn chúng tôi bị đắm ở đảo Hải Nam. Những người trên thuyền đã thoát chết và trở về Macao. Có thể chúng tôi đã gặp cùng một thứ hiểm nguy như thế, mà cũng có thể nguy hiểm lớn hơn, nhưng Thiên Chúa đã cứu chúng tôi khỏi mọi sự. Giờ đây chúng tôi chỉ còn biết phục vụ nhiều để cảm tạ Người. Tất cả chúng tôi đã tới Đàng Trong bình an, với hy vọng là ít ra một vài người trong chúng tôi từ đây sẽ tìm được một con đường sang Nhật, vì từ Macao không có cách gì sang đó được. Nhưng ở đây mọi ngả đường cũng bị bít kín, bởi vì các Kitô hữu Nhật Bản không am hiểu đường biển.

Nhưng rốt cuộc thì Thiên Chúa cũng làm cho mọi sự nên tốt đẹp, và vì Người chết không phai chỉ cho người Nhật Bản mà thôi. Và lòng ao ước cứu độ của người dân trên đất Việt này đáng để cho nhiều người thợ quan tâm lo lắng cho hạnh phúc của họ. Những người đang có mặt ở đây hiện quá ít so với rất đông những người hàng ngày đến để nghe và lãnh nhận đức tin. Ngợi khen Chúa! Và chúng tôi có thể hy vọng rằng, chẳng bao lâu nữa, cộng đoàn Kitô hữu này có thể ganh đua được với những cộng đoàn tươi đẹp nhất ở phương Đông. Cũng như tôi đã nghiên cứu và học được một phần lớn tiếng Nhật, thì giờ đây, tôi đang bắt đầu nghiên cứu tiếng của người dân đất Việt. Hy vọng trong năm nay tôi có thể biết được khá đủ, để có thể giảng về đức tin và về Đức Giêsu chịu khổ nạn Thập Giá. Tôi đã bắt đầu giao tiếp với người dân ở đây, một dân tộc hình như Thiên Chúa đã chọn cho Người, bởi vì họ rất đơn sơ và chẳng một chút tật xấu gớm ghiếc như những người láng giềng của họ.

Nhưng Thiên Chúa sẽ được sáng danh hơn và xã hội được vinh quang hơn, nếu như công cuộc truyền giáo có thể lan rộng sang cả vương quốc lớn Đàng Ngoài nữa. Vì ở Đàng Ngoài, người dân cũng dùng một thứ tiếng nói như trong này, thứ tiếng nói mà chúng tôi đang học. Điều này có thể dễ xảy ra, là vì những người đến từ đến từ ngoài đó và đã nhận đức tin, họ nói với chúng tôi rằng, nếu những người của chúng tôi ở đây mà ra ngoài đó là sẽ khích lệ cho toàn dân chúng.

Tôi sẵn sàng phục vụ với tư cách là người thông ngôn cho vị giáo sĩ nào được gởi ra ngoài đó. Bởi vì tôi đây không thể nào sang Nhật được, cho dù với tư cách là một người Pháp, tôi có thể giả dạng làm thương nhân để sang đó dễ dàng, nhưng xem ra, bề trên lúc này thấy điều ấy không hay. Xin vâng theo thánh ý Chúa. Thiên Chúa sẽ làm cho mọi sự ra tốt đẹp nhất. Do đó, tôi sẵn sàng hoàn toàn vâng phục ngài, ngài cứ sử dụng tôi vào những gì ngài cho là tốt nhất. Tôi chỉ muốn nói với ngài một điều, những người đến từ Đàng Ngoài bảo với tôi rằng, cách phát âm của tôi rất giống với lối nói của người dân ở đây. Và nếu ngài tìm cách để công cuộc truyền giáo cao cả này được khởi sự, thì đó sẽ là một công trình xứng đáng cho ngài, vì biết bao nhiêu điều ngài đã lãnh nhận, để nhờ Thiên Chúa của chúng ta, với những của lễ hy sinh thánh thiện, chúng ta có thể đạt tới tinh thần chân thực tinh tuyền của Dòng chúng ta, với tinh thần đó chúng ta có thể hoàn thành ơn gọi cao cả này.

Cầu mong Thiên Chúa ban cho ngài dồi dào sức khỏe trong nhiều năm, để ngài anh dũng đẩy mạnh những công cuộc vô cùng quan trọng này, nhằm phục vụ Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Từ Đàng Trong ngày 16.06.1625
Kẻ phục vụ bất xứng của ngài trong Chúa Kitô
Alexandre de Rhodes

Các phần trước:
Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)
Cha Đắc Lộ vào Dòng, được đào tạo tại Roma, lên đường đi Ấn Độ (4)

Cha Đắc Lộ bước đầu tại Ấn Độ, và hướng về Nhật Bản (5)
Đất Việt như thế nào thời Cha Đắc Lộ đặt chân đến (6)
Đàng Ngoài – Đàng Trong, vài nét về văn hóa tôn giáo (7)
Tại sao các nhà truyền giáo Dòng Tên đến với Đất Việt (8)
Người Việt muốn đón nhận đức tin và những thành công bước đầu (9)
Phần tiếp theo:
Cha Đắc Lộ bước đầu học tiếng Việt, thứ ngôn ngữ như chim hót (11)

Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.

Kiểm tra tương tự

Lễ Sinh Nhật Đức Maria

Cũng giống như nhiều người trong chúng ta rất xem trọng ngày sinh nhật của …

Điều hầu hết mọi người hiểu sai về hôn nhân

Có nhiều cách để tiếp cận về chủ đề này, nhưng tôi muốn tập trung …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *