Chân Phước Gioan Phaolô II: Hiến lễ tình yêu

PAPA GIOVANNI PAOLO IITôi gặp Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1998 khi tôi bắt đầu làm việc tại Văn phòng Cử hành Nghi thức Phụng vụ Giáo hoàng. Khi đến lượt tôi trợ giúp ngài trong các nghi lễ, cùng với Đức Ông Marini, tôi thường được đánh động bởi những điều diễn ra trong phòng thánh trước và sau thánh lễ. Khi ĐTC vào phòng thánh và chỉ có hai chúng tôi, ngài thường quỳ xuống và cầu nguyện trong thinh lặng. Giờ cầu nguyện kéo dài từ 10 hay 15 phút và đôi khi là 20 phút và trong các chuyến tông du, ngài thường cầu nguyện lâu hơn. Vào giờ phút ấy, dường như ngài không còn hiện diện với chúng tôi. Có khi ngài cầu nguyện quá lâu, Đức ông Stanislaw đến bên cạnh và nói với ngài rằng mọi sự đã sẵn sàng. Ngài thường không đáp lại. Lúc ấy, ngài chỉ đưa hai tay lên, đến gần và khoác lên mình phẩm phục trong thinh lặng.

Tôi tin chắc rằng, trước khi nhắn nhủ với con người, ngài đã thưa chuyện với Thiên Chúa, hay đúng hơn là ngài đã nói chuyện với Thiên Chúa. Trước khi xuất hiện, ngài cầu xin Thiên Chúa ban cho ngài khả năng trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa trước con người. Và điều tương tự cũng xảy ra sau đó, sau khi cởi bỏ phẩm phục, ngài thường quỳ xuống và cầu nguyện. Và tôi cũng có cảm tưởng rằng, ngài không hiện diện với chúng tôi.

Đôi khi, trong các chuyến tông du, vị thư ký của ngài vào, khẽ đặt tay trên vai và xin ngài rời phòng thánh vì mọi người đang chờ để chúc mừng ngài, nhưng ĐTC thường không phản ứng. Ngài luôn chìm sâu trong cầu nguyện và tự mình đứng dậy hay ra hiệu để chúng tôi giúp ngài. Những khoảnh khắc cầu nguyện trước và sau cử hành phụng vụ luôn để lại ấn tượng sâu sắc nơi trái tim tôi. Khi tôi giúp ngài, tôi đoan chắc rằng tôi đang đụng chạm đến một con người thánh thiện đích thực.

Trong những năm cuối của Triều đại Giáo hoàng của ngài, tôi làm trưởng ban các Nghi lễ của Giáo hoàng. Tôi được tháp tùng ngài trong tất cả mọi nghi thức ngài cử hành. Tôi được chứng kiến đau khổ và nỗ lực của ngài trong mọi khoảnh khắc ấy. Một lần, khi ngài bị ốm, trong khi đang cử hành Nghi lễ tại Đền Thờ Thánh Phê-rô, tôi cúi xuống, hỏi ngài rằng: “Thưa Cha, con có thể giúp cha được gì không? Ngài đang cảm thấy khó chịu phải không?” Ngài đáp lại: “Giờ đây mọi thứ đều làm cha đau, nhưng điều đó cũng tốt.” Tôi chắc chắn và xác tín rằng, tôi đang trợ giúp và đụng chạm đến một thánh nhân.

Tôi cảm thấy bất xứng khi ở cạnh con người này và phục vụ ngài. Trong những năm cuối, tôi thường đi xưng tội trước các cử hành phụng vụ, đôi khi tôi xưng tội 2 hay 3 lần một tuần. Tôi biết điều này có thể làm phiền các cha giải tội tại Đền thờ thánh Phê-rô nhưng tôi cảm thấy thực sự cần được tẩy rửa hoàn toàn trước khi đến gần ĐTC. Sau nhiều năm phục vụ và sau 12 chuyến tông du, tôi rút ra kết luận này: Hàng triệu người tham dự các nghi thức phụng vụ do ĐTC Gioan Phaolo II cử hành cảm thấy dường như họ đã gặp gỡ Đức Giê-su, Đấng được hiện thân nơi Đức Gioan Phaolo II và Đức Giê-su đang thực sự hiện diện nơi ngài, nơi lời ngài rao giảng, nơi cử chỉ, nơi các hành vi phụng vụ. Vì thế, họ đã rơi lệ. Họ nói: “Ngài nói với riêng tôi, ngài nhìn tôi, ngài đã thay đổi cuộc sống của tôi…” Điều này xảy ra thế nào được bởi vì khi ngài cử hành phụng vụ người ta đứng xa ngài hàng trăm thậm chí là hàng ngàn mét? Làm sao họ có thể nói: “Ngài đã thấy tôi, “ngài nói trực tiếp với tôi”?

Bản thân tôi cũng vậy, cuộc đời linh mục của tôi đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi tôi bắt đầu làm việc bên cạnh ĐTC Gioan Phaolo II.

Tôi muốn nhấn mạnh một vài khoảnh khắc quan trọng vốn đánh động tôi sâu sắc khi trong suốt buổi cử hành phụng vụ lễ Mình Máu Chúa Ki-tô do ĐTC chủ sự. Vào thời điểm đó, ĐTC không thể tự mình bước đi được nữa. Khi tôi giúp ngài ngồi lên ghế, ngài quay lại hỏi tôi liệu ngài có thể quỳ. Tôi cảm thấy lo lắng vì tình trạng thể lý của ngài không cho phép ngài làm điều này nữa. Một cách tế nhị, tôi nói bóng gió rằng ngài không thể quỳ. Ngài đáp lại bằng tiếng “lầm bầm” dễ thương. Một lát sau, khi gần tới trường Đại Học Giáo Hoàng Antonianum, ngài lặp lại: “Cha muốn quỳ!” Và một cách rất khó khăn, tôi lại từ chối và nói rằng sẽ tốt hơn nếu ngài quỳ khi đến gần nhà thờ Đức Bà Cả. Một lát sau, khi đến gần nhà Curia của Dòng Chúa Cứu Thế, bằng tiếng Balan, ngài nói rất quả quyết như muốn thét lên: “Đức Giê-su đang ở đây, làm ơn…”. Giờ thì không thể từ chối được nữa. Chúng tôi rất khó khăn để giúp ngài quỳ, ngài cố gắng quỳ thẳng lên, nhưng đầu gối của ngài đã trượt ra và chúng tôi phải giúp ngài ngồi lại ghế ngay lập tức.

Tôi đã được chứng kiến một bằng chứng quan trọng của đức tin. Kể cả khi điều kiện thể lý không còn đáp trả lại tiếng gọi nội tâm, ý chí của ngài vẫn luôn vững vàng và mạnh mẽ. Bất chấp những đau khổ lớn lao, ĐTC đã tỏ cho thấy một sức mạnh nội tâm mạnh mẽ của đức tin, điều mà ngài khao khát diễn tả thông qua hành vi quỳ gối. ĐTC luôn xác tín rằng, trước Đức Ki-tô hiện diện trong Thánh thể, chúng ta cần phải khiêm nhường và diễn tả sự khiêm nhường ấy thông qua những hành vi thể lý.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhờ việc phục vụ nhỏ bé của mình bên cạnh ĐTC, tôi đã tăng trưởng với tư cách là một con người cũng như với tư cách là một linh mục. Ngài đã dạy tôi rằng, “Người bạn đích thực là người có thể giúp ta trở thành người tốt hơn”. Vì thế, tôi có thể nói, thể theo định nghĩa này, ngài quả là một người bạn đích thực của tôi.

Nhờ chứng tá của ngài, tôi trở nên gần gũi hơn với Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi ĐTC Gioan Phaolo II. Tôi thấy rằng, suốt cuộc đời, ngài đã dâng hiến và từ bỏ mình hoàn toàn cho Thiên Chúa khi cử hành các nghi thức phụng vụ và ngài hiến mình cho đến chết.

Sau khi ngài mất, khi tôi rảo bước qua các căn hộ trong Vatican, thực thi vai trò Trưởng nghi phụng Vụ Giáo hoàng, tôi đã khóc. Có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ khi tôi trưởng thành, tôi không cảm thấy hổ thẹn vì những giọt nước mắt của mình. Tuy nhiên, những giọt nước mắt ấy cũng dành cho tôi, bởi vì tôi không giống như ngài, tôi không phải là một linh mục thánh thiện, tôi không dâng hiến chính mình và không xứng đáng với Thiên Chúa, bởi vì tôi không totus tuus (thuộc trọn về Ngài).

Kể từ khi Gioan Phaolo II về nhà Cha, mỗi ngày, tôi đi xưng tội tại nhà thờ Thiên Thần vào lúc ba giờ, “giờ thương xót”, khi có rất nhiều người Lần chuỗi Lòng Thương Xót, và sau đó là đi Đàng Thánh Giá. Đôi khi, tôi gợi ý cho vài người đi cầu nguyện trước mộ của Chân Phước Gioan Phaolo II. Ngài đã vinh thắng trên đau khổ và thân xác ngài. Khi ngài xuất hiện bên cửa sổ và không còn nói được nữa, chúng ta thấy rằng, dường như ngài đang nói với chúng ta. Khi, một cách đầy khó khăn, ngài nâng cánh tay lên, chúng ta liền làm dấu Thánh Giá, bởi vì ngài vẫn đang chúc lành cho chúng ta.

Chia sẻ của Đức Ông Konrad Krajewski, phục vụ ở Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ của Đức Giáo hoàng.

Nguyễn Minh Triệu sj lược dịch

Kiểm tra tương tự

3 vị thánh cộng tác với Dòng Tên – Những chứng nhân Đức Tin tại Bắc Mỹ

  Trong sứ vụ truyền giáo tại Bắc Mỹ thế kỷ XVII, các nhà truyền …

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *