Chân Phước PHÊRÔ FAVRE – Người bạn đường (Lễ nhớ: ngày 02 – 8)

Chân phước Phêrô Favre sinh ngày 13 tháng 4 năm 1506
tại làng Villaret, vùng Savoie nước Pháp.
Ngài qua đời ngày 01.08.1546 – tại Roma.

Với vóc dáng cân đối, gương mặt thật thà, mái tóc hoe, Phêrô Favre có sẵn “một vẻ dễ mến, duyên dáng đáng yêu, một tia sáng thiêng liêng làm anh có thế giá với sáu Bạn Đường. I-nhã hiểu điều ấy, người tôn kính trân trọng.” Anh là mối dây liên kết giữa các bạn trong nhóm.

Tình cờ do bổ sung, Phêrô ở chung phòng với I-nhã và được chỉ định làm người giúp I-nhã ôn bài, tình bạn thật bất ngờ và thâm sâu. Không còn mấy trở ngại phân cách giữa họ. Từ năm 12 tuổi, Phêrô đã dâng mình cho Chúa. Anh có một lòng đạo đơn sơ, nhưng lại có một đời sống thiêng liêng sâu sắc phẩm chất cao không phải ngay từ đầu anh đã muốn gia nhập hàng giáo sĩ. Anh chưa biết rồi đây mình sẽ là bác sĩ hay luật sư, lập gia đình hay ở độc thân, học thần học hay vào một đan viện. Anh nghĩ về tất cả điều ấy cùng một lúc. I-nhã đã đến kịp thời, và chẳng bao lâu người giải phóng Phêrô khỏi cơn bối rối, khuyên anh xưng tội hàng tuần, chỉ cho anh cách xét mình hàng ngày, rồi cùng đi nhà thờ với nhau. Bốn năm trôi qua, I-nhã quyết định cho anh tập Linh Thao, Phêrô đã tập Linh Thao với lòng nhiệt thành cao độ, sáu ngày tròn không ăn không uống, không đốt tí lửa sưởi ấm dù là đang giữa mùa đông, đi suy ngắm ngoài sân đang phủ đầy tuyết, lúc ấy người ta đi qua sông Seine bằng xe nhỏ vì nó đã đóng băng. Chính I-nhã đã bối rối kể lại những chuyện đáng phục này.

Những gì anh quyết định cho cả cuộc đời qua những nẻo đường Linh Thao đã giúp anh am tường sâu sát về Linh Thao, đến nỗi theo lời I-nhã, anh là người giải thích Linh Thao tuyệt vời nhất. Chính nhờ Linh Thao mà anh góp phần vào việc cải cách giữa lòng Giáo Hội bằng vô số những cuộc canh tân cá nhân. Như I-nhã, anh biết định liều lượng phương pháp cho từng người. Chính nhờ đó mà anh đã thu phục trước hết là Jay, Codure và Broet, kế đến là Phêrô Canisio và Phanxicô Borgia.

Nơi anh, những đức tính nhân bản và kinh nghiệm thiêng liêng được hòa hợp cách quân bình hoàn hảo. Như một trong những Bạn đường đầu tiên của anh đã viết: “Phêrô nối kết tình bạn thật là hay và gây ảnh hưởng trên tâm tình họ một cách thật ý tứ, đến nỗi, nhờ cách sống và lời nói dịu dàng đáng yêu, anh hăng say lôi cuốn đến với Thiên Chúa tất cả những người mà anh tiếp xúc”. Linh Thao sẽ tiếp tục phần còn lại.

Phêrô Favre đúng là gương mặt thứ hai của Dòng. Không phải vô lý khi một vài người đã nghĩ rằng khi I-nhã phác họa trong Hiến Chương những đức tính mà vị Tổng Quản phải có, người đã tưởng nhớ đến Phêrô Favre.

Khi các Bạn đường và Phêrô ở lại Rôma, đức Phaolô III trao cho anh trọng trách dạy Kinh Thánh ở Đại học Sapience. Sau đó một năm rưỡi, Ngài cử anh đi sứ vụ ở Parma vào tháng 6 năm 1539.

Từ nay, Phêrô phải chịu “sâu xé liên tục” – như chính anh viết – giữa Tây Ban Nha và nước Đức, nước này đang gặp hiểm nguy về đức tin, tiếng kêu cầu vọng đến anh, Đức Thánh Cha và I-nhã đã cử anh đến đó. Phêrô cứ khởi hành từ đầu này đến đầu kia. Tháng 10 năm 1540, anh có mặt trong cuộc trao đổi ở Worrm và nghị hội ở Ratisoonne. Vượt qua Thụy sĩ và Pháp, anh đến Tây Ban Nha, rồi một lần nữa sang Đức. Anh là “người hành hương không bao giờ đến đích, nhưng cũng không bao giờ dừng lại”, con đường là khung cảnh sống của anh, là căn phòng lưu động của anh: Cologne, Anvers, Louvain, và sau một thời gian về lại Cologne, Evora, Coimbre, từ đó anh lên đường sang Tây Ban Nha, Valladolid, Madrid, Toledo. Khi được gọi về dự công đồng Trentô, anh trở về Rôma, nhưng đã qua đời tại đó vì kiệt sức, ngày 1/8/1546, sau 10 năm trời sống một cách không thể tưởng tượng nổi trên những nẻo đường ngược xuôi giữa Tây Ban Nha và Đức.

Nhưng nét đặc trưng của Phêrô Favre thì lại nằm ở chỗ khác, ta nhận ra nhờ Nhật ký thiêng liêng của anh, nơi đó anh nói về chính mình. Như Michel de Certeau nói, bản đồ hành trình của anh được nhân đôi một cách  bí nhiệm bằng một bản đồ khác. Bản đồ của những vị trung gian cầu khẩn, và hành trình sứ vụ của anh như được cắm mốc bằng những Thiên Thần, những vị Thánh địa phương, những vị Thánh của tất cả các nước, cả những vị Thánh của “các hòn đảo chưa được khám phá”, bởi anh vốn có và ước ao cho người khác cũng có “một tinh thần phổ quát” để tham gia hơn nữa vào cuộc chiến vĩ đại giữa trời và đất, anh kết hiệp trong cùng một lời cầu nguyện tất cả các phe phái Âu Châu đang bị phân hóa. Khi anh bàn về Đức Thánh Cha, về các hoàng đế nước Pháp và Tây Ban Nha, về Sultan, Luther và Calvin, thì “trên môi anh xuất hiện những lời hòa bình và bác ái, bất cứ nơi nào anh đi qua, những lời ấy đều gây nên lời xác tín rằng có thể sẽ có hòa giải, và làm nảy sinh niềm hy vọng cứu độ trong lòng từng người đang lắng nghe anh.”

Anh viết: “Hồn tôi ơi, bạn hãy nhớ rằng, cả khi đi trên đường, khi nhìn xem những địa sở, hay khi lắng nghe người khác, bạn hãy tập nài nỉ Chúa ban ơn để vị Tổng Lãnh Thiên Thần nơi đó hỗ trợ chúng ta, tương tự đối với hết thảy các thiên thần hộ thủ của tất cả dân cư. . .Tôi đã nhờ các vị Thánh trách nhiệm những vùng này ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, chuyển lời nài xin của tôi. Ở Savoi, tôi có lòng sùng kính và tôi phải giữ lấy, đối với Thánh Brunô, vị sáng lập Dòng Chartreuse, đối với Thánh Arnaud đang an nghỉ ở Nartua, tôi cũng sùng kính thầy Gioan ở Tây Ban Nha, thầy Gioan Bourgeois và thầy dạy của tôi là Phêrô Veilliard, mặc dù các vị này chưa được phong thánh, tôi cũng sùng kính một đã được phong thánh là thánh Claudio”.

Dù không ngừng hoạt động và liên kết chặt chẽ với các bạn đường dưới thế, bầu khí thiêng liêng này, con đường thường nhật đồng hành với trời này đã cho Phêrô Favre tỏ lộ khả năng riêng của anh. Đối với Phêrô Favre cũng như đối với những vị Thánh đã hoàn tất cuộc hành trình của mình trong Dòng, Phêrô đã tìm lại được chân tướng của mình, và cũng với chân tướng ấy là sự tự do tối thượng.

(Theo Một hướng đi, trang165-169)

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *