Chân phước Gioan Beyzym (1850-1912 – Lễ nhớ: ngày 2.10)

 Chân phước Gioan Beyzym

1850-1912
Lễ nhớ: ngày 2.10

Gm. Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

 Chân phước Gioan Beyzym là linh mục đầu tiên sống với người bệnh phong tại Madagascar. Ngài sinh ngày 15.5.1850 tại Beyzymy Wielkie, thời ấy thuộc nước Ba Lan, hiện nay ở nước Ucraina.

Cha mẹ ngài là người Ba Lan. Tổ tiên ngài từng có công đánh đuổi quân Tartar xâm lược nên được các công tước xứ Litva phong tước quý tộc và cấp cho một lãnh địa rộng lớn cạnh bờ sông Chomorz. Đến tuổi đi học, ngài được học ngay ở nhà, sau đó được gửi đến học nội trú ở trường của Dòng Tên tại Chyrow (hiện nay thuộc Ucraina, cách biên giới Ba Lan chừng 15 km). Hết bậc phổ thông, ngài vào nhà tập Dòng Tên ngày 10.12.1872 tại Stara Wies. Sau thời gian học tập, ngài thụ phong linh mục tại Krakow, Balan, ngày 26.7.1881.

Nhiệm sở đầu tiên của ngài là dạy học ở trường của Dòng Tên tại Tarnapol. Năm 1887, ngài được trở lại trường cũ của ngài ở Chyrow để dạy tiếng Pháp và tiếng Nga. Tại đây ngài là chủ nhiệm nhóm học sinh cá biệt, đồng thời phụ trách bệnh xá của trường. Ngài hiền từ như bà mẹ và có tài kể truyện nên dần dần chinh phục được đám học sinh quậy phá. Có thể nói hai trường là nơi ngài tập sự để sau này đến Madagascar sống và phục vụ người bệnh phong.

Đến với người bệnh phong

Năm 1887, ở trường Chyrow có một thầy Dòng Tên đang tập sự. Thầy rất thích đi phục vụ người bệnh phong. Một hôm thầy đọc được một bài nói về những người bệnh phong ở Madagascar, thầy rất cảm động và muốn đi giúp họ, nhưng bề trên bảo thầy phải học để chịu chức linh mục đã. Thầy chia sẻ điều ấy với cha Beyzym. Cha nói: “Tôi là linh mục rồi nên có thể đi ngay được. Nếu bề trên cho phép, tôi sẽ đi.” Ngài trình bày với bề trên nhà rồi gửi đơn lên Bề Trên Cả ở Rôma: “Con biết rất rõ bệnh phong là gì và điều gì đang chờ đợi con, nhưng tất cả những điều ấy không làm cho con sợ, trái lại còn thu hút con… Con 48 tuổi rồi, có thể khó, nhưng con khỏe mạnh và hy vọng Chúa cho con làm việc cho mấy năm nữa.”

            Đơn của ngài được Bề Trên Cả đồng ý. Ngày 30.12, ngài đi Madagascar.

            Trại phong Ambahivoraka ở gần Antananarivo, trong khu vực do các cha Dòng Tên người Pháp, tỉnh dòng Toulouse phụ trách. Trong 2 tuần đầu, cha Beyzym đến dâng lễ và quan sát. Trại có 150 người bệnh, gần như hoàn toàn bị bỏ rơi trong sa mạc heo hút. Họ sống trong những lều rách nát, không lót nền, không cửa sổ, không đồ đạc, chia thành ô, mỗi người ở một ô. Họ không có thuốc chữa bệnh mà cũng không ai giúp họ gì hết. Thường họ chết vì đói hơn là vì bệnh tật. Sau 2 tuần, ngài đến ở hẳn với người bệnh trong trại. Ít lâu sau, ngài trình bày với cha Bề Trên Cả Dòng Tên:

            “Không ai coi sóc họ, không bác sĩ, không y tá, không nữ tu, hoàn toàn không một ai. Không có tủ thuốc nào. Họ vớ được gì thì đó là quần là áo: một bao tải rách cũng được. Mỗi tuần họ được cấp 1 kg gạo, vừa đủ để khỏi chết. Chẳng nhưng không có thuốc mà cả đến miếng giẻ rách để buộc vết thương cũng không có… Con phát điên lên được khi thấy họ bị người ta xử tệ với những người bất hạnh này, đến độ có người bị bao vây và ném đá túi bụi. Khi có ai bố thí gì, người ta ném cho họ như ném cho chó. Phải người khác thì giận lắm, nhưng họ cho là thường, họ quen bị coi là ghê sợ đến nỗi nếu có ai làm khác đi thì họ ngạc nhiên lắm.”

Từng phụ trách bệnh xá của học sinh ở trường Chyrow, ngài rửa vết thương và băng bó cho họ. “Lần đầu thấy tôi băng bó vết thương, họ đổ xô đến xem và ngạc nhiên bảo nhau: cha này không biết sợ nhỉ, tay dám động chạm đến vết thương!” Họ bắt đầu gọi ngài là ray amendreny, nghĩa là cha mẹ người bệnh. Mà ngài làm đúng như cha mẹ lo cho con cái thật. Trước hết ngài lo cho họ ăn uống để khỏi đói khát, rồi lo đến vệ sinh để bớt bệnh tật.

Phải thấy tận mắt mới hiểu được những thay đổi ở trại phong Ambahivoraka. Cha P. Sau đến thăm và cho biết: “Cha Beyzym đau lòng đến kinh ngạc khi thấy cảnh thiếu thốn cùng cực ở Ambahivoraka. Ngài kêu gọi lòng bác ái của đồng hương Balan, và ít lâu sau đã tăng được khẩu phần cơm cho người bệnh. Nhờ vậy, số tử vong hằng năm từ 57 xuống chỉ còn 5.” Cha A. Niobey cũng viết sau khi đã chứng kiến tận mắt: “Lòng nhiệt thành của cha Beyzym đối với người bệnh phong không lấy gì để so sánh được. Cha không có gì, nhưng ai cho gì cha không ngần ngại chia sẻ hết. Ai có ý kiến gì thì cha nói: Chúa Giêsu nói những gì anh em làm cho những người bé nhỏ nhất là làm cho Chúa. Chúng ta phải giống như những nhà buôn: luôn luôn nhắm đến điều nào lợi hơn.”

Ngài cho biết ngài đến ở với họ, như Chúa Giêsu đến ở với con người, để cho họ biết họ cũng là người, cũng được Thiên Chúa yêu thương. Trong thời gian đầu, khi ở một mình, ngài thường khóc vì thấy họ phải cam chịu cảnh bất hạnh. Dần dần ngài dành hết thời giờ, đem hết kiến thức và đặc biệt cả trái tim cho họ. Khi cha giám tỉnh hỏi về những điều kiện làm việc cho người bệnh, ngài trả lời: “Phải kết hợp liên lỷ với Thiên Chúa và cầu nguyện không ngừng. Phải dần dần quen với hôi thối, vì ở đây không có hương thơm của hoa, chỉ có mùi nồng nặc do các vết thương trên thân thể người bệnh phong.” Tuy nhiên, không dễ quen được. Ngài nhìn nhận là ban đầu thấy người bệnh là choáng. Mấy lần ngài đã ngất xỉu!

Lúc ấy chưa có thuốc đặc trị cho bệnh phong. Ngài quyên tiền đủ cách để giúp cải thiện đời sống của người bệnh. Ngài cố gắng làm trại đẹp hơn, người bệnh vui hơn. Ngài cùng với người bệnh sửa chữa 4 cái lán cho tử tế hơn. Rồi trồng cây và trồng hoa. Ngài còn dành thời giờ để dạy người bệnh dùng gỗ để làm vật dụng hay tác phẩm mỹ thuật. Bệnh tật tuy không chữa được nhưng họ bớt đau đớn. Đặc biệt họ vui hơn vì được chăm sóc. Giữa người bệnh với nhau tình hình cũng tốt đẹp hơn. Những biến đổi ấy ngài cho là do Chúa và Mẹ Maria làm. Ngài chỉ là khí cụ thôi. Khi phải đi đâu, ngài thường vội vàng trở về với người bệnh vì nhớ họ và để họ vui.

Trong những năm đầu, ngài cố học tiếng nói của họ, nhưng không tiến bộ nhiều. Ngài chỉ hiểu họ và nói được với họ những câu thông thường. Muốn hiểu họ hơn và giúp họ hơn, đặc biệt về đời sống đức tin, ngài phải cố gắng hơn. Tin Mừng sẽ giúp họ hiểu được ý nghĩa cuộc sống, ngay cả khi phải đau khổ phần xác hay phần hồn. Tin Mừng sẽ giúp họ đối xử với nhau như anh chị em, để biến nơi bất hạnh thành địa chỉ huynh đệ. Tin Mừng cũng đem đến cho họ niềm hy vọng về cuộc sống hạnh phúc bất diệt đời sau. Người ta sống nhờ hy vọng. Vì thế ngài trau dồi ngôn ngữ và trình bày với họ về đời sống và tình thương của Chúa Giêsu đối với con người. Một số người đã theo đạo từ trước, nhưng hiểu biết rất hạn chế. Dần dần bầu khí trong trại tràn đầy tình thân và niềm vui.

 Bệnh viện

 Điều cha Beyzym mong nhất là xây được một bệnh viện cho người phong. Ngài xác tín: “Một bệnh viện với bác sĩ và y tá và cả các nữ tu nữa là điều tối ưu.” Ngài hy vọng nhờ đó người bệnh được chăm sóc chu đáo và tránh được tệ nạn sống buông thả về luân lý trong các nhà tế bần của chính phủ. Kế hoạch của ngài được bề trên chấp thuận, với điều kiện là có ân nhân cấp kinh phí. Ngài dự trù tổng chi phí 150 ngàn đồng francs (tiền Pháp). Ngài viết thư kêu gọi mọi tấm lòng nhân ái ở khắp nơi, đặc biệt ở Ba Lan, ở Pháp và ở Đức. Ngài chuẩn bị địa điểm thích hợp: vừa thuận lợi cho việc đi lại, vừa rộng rãi và bảo đảm vệ sinh, lại phải đẹp nữa. Suy tính và bàn hỏi mãi, cuối cùng ngài quyết định chọn Ambatowory, trong khu vực trại phong Marana, gần Fianarantsoa, trong tỉnh Betsileo, cách Ambahiworaka 400 km.

Năm 1901 ngài quyết định chuyển đến ở Marana để chuẩn bị xây dựng bệnh viện. Phải tạm chia tay với Ambahiworaka. Không dễ chút nào. Ngài thuật lại: “Người bệnh bu quanh tôi để tiễn biệt. Họ hôn tay tôi than khóc thảm thiết. Chính tôi cũng không cầm được nước mắt. Họ theo tôi thật xa, nắm và kéo tay tôi. Khi không còn thấy họ nữa, tôi vẫn còn nghe họ gọi và gào khóc.”  Ít lâu sau, họ bị buộc phải chuyển đến một nhà tế bần của chính quyền, cách Ambahiworaka 6 giờ đi bộ. Người ta đã chuẩn bị sẵn chỗ ở cho họ. Họ phải sống với 700 người bệnh khác. Những người này bị cưỡng bách đến đó và bị cảnh sát canh giữ cả ngày lẫn đêm. Họ sống bừa bãi, chẳng có vệ sinh hay kỷ luật chi hết. Đã quen nếp sống mới, phải trở về với nếp sống cũ, không buồn sao được!

Ở Marana, một mặt ngài giúp người bệnh trong trại, như ở Ambahiworaka, mặt khác ngài tích cực chuẩn bị công việc xây dựng bệnh viện. Marana cũng giống Ambahiworaka ở chỗ toàn bộ gia đình người bệnh ở chung trong một phòng: người lớn trẻ em chen chúc nhau như ở trại tỵ nạn. Cha Beyzym nghĩ phải thay đổi tình hình.

Một hôm có 2 người đàn ông và 1 phụ nữ đến tìm ngài. Họ đã từng ở Ambahiworaka. Họ đã đi bộ 395 cây số, hết 1 tháng, vượt qua bao đồi núi tưởng chừng ai cũng phải đầu hàng. Họ kể: “Từ ngày chúng con chuyển đến nhà tế bần của chính phủ, đã có 30 người chết rồi. Một số khác đã trốn đi. Chúng con chỉ còn 50 người thôi. Không phải ai cũng đi bộ đến đây được như chúng con, nhưng hễ ai đi được thì dù giá nào cũng đến đây với cha.”  Đó là những người đầu tiên. 3 tháng sau một nhóm khác, rồi đến các nhóm khác nữa. Ngài viết: “Hằng ngày chúng tôi lần hạt cầu nguyện cho những người bệnh đi đường, nóng lòng chờ họ đến. Khó lòng tưởng tượng được tình trạng của họ lc đến được Marana: chân sưng phồng và chảy máu, dơ bẩn, quần áo tả tơi, mệt lả, có người ngã xuống và không chỗi dậy nổi. Mỗi khi có người đến, những người ở đây ngạc nhiên thấy những người đến trước thân thiết với họ thế nào. Nhóm mới nhất đến đây tối hôm qua.”  

Bệnh viện được khởi công năm 1903. Đây là điều mới đối với rất nhiều người, đặc biệt các vị có quyền hành chức tước. Vị giám mục sở tại đã phê chuẩn dự án, nhưng vì nhiều người phản đối nên ngài thay đổi ý kiến. Trong chuyến kinh lý năm 1904, khi thấy hai tòa nhà đang được xây dựng, ngài không muốn cho tiếp tục nữa. Cha Beyzym trình bày thế nào cách không thuyết phục được ngài. Phải nhờ cha Deces là bác sĩ giải thích mãi ngài mới đồng ý cho tiếp tục. Lại có tin đồn là viên Cao Ủy chính phủ Pháp[1] dự tính quốc hữu hóa các cơ sở phục vụ người bệnh phong và đã liên lạc với chính phủ ở Pháp để được phê chuẩn. Vị giám mục lại do dự và định bắt cha Beyzym phải dừng việc xây dựng. Ngài phải nài nỉ hết sức mới được để yên.

Năm 1905, một công ty của người Anh đi tìm vàng đã phát hiện một mỏ vàng gần bệnh viện đang xây dở dang. Họ đưa hàng ngàn công nhân đến khai thác. Các công nhân xây dựng kéo nhau đi khai thác vàng, thế là ngài phải tìm các công nhân khác. Chưa qua hẳn thì hạt truyền giáo Madagascar vốn thuộc tỉnh dòng Toulouse của Pháp lại được chia làm hai, một hạt mới được giao cho tỉnh dòng Champange.[2] Cha Beyzym lại gặp khó khăn về nhân sự vì ai quê gốc ở tỉnh nào thì về tỉnh ấy: thầy phụ tá của ngài lo việc xây dựng phải thuyên chuyển. Ngài phải viết thư cho Bề Trên Cả xin can thiệp mới xong.

Thỉnh thoảng người ta lại cho ngài biết là chính quyền sắp trưng thu hai dãy nhà ngài đang xây dựng, nhưng ngài không sờn lòng: “Chính phủ của tôi là Mẹ Maria. Mưu sự tại chính quyền, nhưng thành sự hay không là do ở Mẹ.”

            Đức tin sắt đã của ngài dẫn đến lễ khánh thành ngày 15.8.1911, nhằm lễ Đức Mẹ Lên Trời. Trong lễ khánh thành năm 1911, cha L. Lielet, một bác sĩ y khoa, nói:

“Bệnh viện phong của g Beyzym cuối cùng đã mở cửa…Việc xây dựng và trang bị cho bệnh viện rộng lớn này trong một đất nước thiếu thốn mọi sự quả là một công trình đồ sộ, nhưng cha đã hoàn thành. Đến đây không một xu dính túi, cha đã tìm cách quyên góp hàng ngàn francs từ Châu Âu (chủ yếu từ Ba Lan, Áo và Đức) cho một dự án ở xa xôi, lòng tín thác nơi Chúa của cha thật là không gì lay chuyển được. Chúa Quan Phòng gần như đã thực hiện cho cha một phép lạ.”

Hôm sau người bệnh bỏ trại Marana dọn đến chỗ ở mới cách đó 1 cây số. Họ chưa thấy như vậy bao giờ. Trên đỉnh mặt tiền là ảnh Đức Mẹ Czestochova[3]. Nhà ở chia thành các hộ cho mỗi gia đình, có phòng ăn với bàn ghế, có phòng ngủ với giường nệm, có phòng tắm với nước máy. Toàn bộ bệnh nhân được các nữ tu chăm sóc. Khu bệnh viện có bác sĩ và y tá túc trực. Đúng như mơ ước của cha Beyzym và vượt xa tưởng tượng của người bệnh. Không chỉ bằng lòng với cơ sở khang trang, ngài còn ấn định thời khóa biểu sinh hoạt để mọi sự có trật tự và mọi người phải tùy theo khả năng và sức khỏe phải làm việc để tránh tật xấu và để góp phần làm cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Là một linh mục, ngài coi thánh lễ là trung tâm đời sống mình cũng như của cả bệnh viện. Ngoài ra, coi đời sống cầu nguyện là linh hồn của hoạt động tông đồ, ngài siêng năng cầu nguyện riêng. Ngài đặc biệt sùng kính Thánh Thể và Đức Mẹ. Ngài cầu nguyện chưa đủ, và tự cho là cầu nguyện không đàng hoàng đủ, ngài xin mọi người cùng cầu nguyện. Ngài cũng xin các nữ tu dòng kín Cát Minh cầu nguyện đặc biệt cho ngài. Nhờ đó tập thể người bệnh biến thành một cộng đoàn cầu nguyện và huynh đệ.

*

 Vào tháng 3.1912, ngài còn hăng say hoạt động tưởng như không biết mệt, nhưng đến tháng 7, ngài hay bị sốt khiến ngài thấy uể oải. Ngày 30.9, ngài trở bệnh nặng. Ngài qua đời bình an sáng ngày 2.10.1912, hưởng thọ 62 tuổi, sau 14 năm phục vụ người bệnh phong: 3 năm ở Ambahiworaka, 2 năm ở Marana và 9 năm ở Ambatowory. Ngài đã sống đúng như ngài xác tín: “Ở đâu chúng ta phục vụ Thiên Chúa được hơn và giúp các linh hồn được hơn thì đó là quê hương của chúng ta.”


[1] Lúc ấy Madagascar là thuộc địa của Pháp. Thay mặt chính quyền Pháp là viên Cao Ủy.

[2] Dòng Tên trên thế giới được chia thành nhiều ‘tỉnh dòng’, có khi một ‘tỉnh dòng’ bao gồm toàn bộ nhân sự và cơ sỏ của một nước, có khi bao gồm 2 hay nhiều nước, nhưng cũng có khi chỉ một phần của một nước. Mỗi ‘tỉnh dòng’ gần như tự trị, chỉ trực thuộc quyền Bề Trên Cả. Lúc ấy, Dòng Tên ở Pháp có 4 tình dòng.

[3] Czestochova ở Ba Lan là nơi Đức Mẹ đã hiện ra; giống như La Vang ở Việt Nam.

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Thánh Gioan Thánh Giá trước sự bách hại của hàng giáo sĩ

  Thánh Gioan Thánh Giá là một trong những nhà thần bí vĩ đại nhất …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *