Truyện ngắn: Chị tôi

(Truyện ngắn)

1.

Chị đưa tay tháo kẹp tóc, tóc dài chấm lưng, tóc hai màu đen trắng lẫn lộn đủ biểu thị cho độ tuổi của một đời người. Hương bồ kết mà chị quen dùng từ xưa tới giờ vẫn thoảng bay, chị vẫn là chị, chỉ có tuổi tác là khác biệt mà thôi.

-“Cưng về chừng nào quầy[1] lên Sài Gòn?”

Kiên vừa ngắm chị, vừa trả lời:

-“Dạ! Ở với chế Hai vài hôm rồi em quầy lên trên trển[2]! Công việc đăng đăng đê đê[3], nhưng nhớ quê, nhớ chế quá! Tranh thủ về vài hôm”

Chị cười, gõ đầu cậu em:

-“Cái thằng, xạo dễ sợ! Quê nghèo rớt mồng tơi, có gì mà nhớ? Một năm về tết với hè là được rồi, lo làm ăn lo cho gia đình của cưng nữa, chớ về hoài… tốn tiền!”

Nụ cười thoáng nở trên môi Kiên, cậu nhìn người chị thân yêu của mình, rồi nói bâng quơ:

-“Nhớ chớ!… Nhớ lắm chớ!”.

2.

Ba má có hai đứa con, con gái cả đặt tên Hương, con trai kế cũng là con út, đặt tên Kiên. Chị Hương thương mến ba má và cậu Kiên vô cùng. Hồi nẫm[4], chị Hương cũng được đi học, nhưng từ hồi Kiên lớn lên, rồi đi học, vì gia đình nghèo quá không lo tiền nỗi cho cả hai chị em tới trường, chị đành hy sinh nghỉ học, nhường tiền cho Kiên đóng học phí. Thấy tình thương chị dành cho mình, Kiên hỏi:

-“Hai nghỉ học có buồn không? Hay Hai đi học để em ở nhà làm phụ ba má!”

Chị trả lời ngay lập tức:

-“Đàn bà con gái đi học có ích gì đâu! Học rồi cũng lấy chồng sanh con. Con trai đi học còn làm ông này ông kia, có tương lai hơn. Thôi cưng đi học, chế ở nhà phụ ba má được rồi.”

Nhắc tới chuyện chồng con là để Kiên an tâm, chứ chị chẳng để ý tới ai ngoài gia đình mình. Chị Hương có khuôn mặt y hệt[5] má, chiều cao và tướng tá giống ba, trông chị rất đẹp. Mái tóc dài là kết quả mà chị gìn giữ từ dạo mười sáu tuổi tới giờ, chỉ dám tỉa cho gọn mỗi dạo chấm quá lưng, chứ không dám cắt. Chỉ có một lần duy nhất chị bán tóc khi má bệnh nặng mà nhà không tiền, lần đó chị cứ đội nón hoài, hễ nhắc tới tóc là chị khóc. Từ lần đó trở đi, tóc chị để dài, không cắt thêm lần nào nữa. Chị nói: “Mái tóc làm Hai nhớ má! Tóc của má hồi còn sống cũng dài y vậy!”. Chị cũng nói: “Ba biểu[6]: “Cái răng cái tóc là gốc con người”, chế giữ tóc là giữ gốc đó!”

Cũng có mấy người đàn ông trong xóm theo đuổi chị, nhưng chị chẳng nhòm ngó gì tới họ. Có ông đến xin ba má được cưới chị, ba má ậm ờ[7] vì tôn trọng quyết định của con gái, chị trả lời ba má: “Giờ ba má lớn tuổi, có một mình đâu ai lo. Thằng Kiên còn đi học, con cũng muốn em út học tới nơi tới chốn, chứ dốt nát khổ lắm! Đời ba má đã khổ, đời con cũng khổ, hổng lẽ để em nó khổ nữa sao ba má? Để chừng nào em ra trường, có công việc ổn định, lo cho ba má rồi con sẽ có chồng.” Ba má chỉ nhìn rôig làm thinh[8] mà thương con gái, chứ biết làm sao trong tình cảnh nghèo và đơn chiếc như vậy.

            Lúc Kiên sắp ra trường, ba má trở bệnh nặng, mình chị Hương lo lắng mọi sự. Đưa ba má tới trạm xá, rồi chở lên nhà thương[9] tỉnh; rồi đưa về nhà chăm sóc tới cuối đời. Từng miếng cháo, miếng sữa chị cũng tự tay nấu cho ba má. Miếng ruộng phía sau nhà cũng chị tự tay làm, làm được bao nhiêu tiền gửi một ít cho Kiên đóng học phí, còn lại lo cho ba má. Bệnh già của ba má kéo dài được vài năm thì ba má mất, ba đi sau má vài tháng, chị lập bàn thờ ba má lo phụng dưỡng nhang khói hàng ngày.

Kiên ra trường, tìm được việc ở một công ty uy tín, với năng lực khá giỏi, Kiên được giám đốc tin tưởng, giao việc quan trọng, dần dà cậu ổn định cuộc sống, lập gia đình và có đứa con đầu bụ bẫm. Chị Hương giờ cũng gần năm mươi tuổi, ba má mất gần chục năm; Kiên đi làm tầm[10] sáu, bảy năm, cũng có chút đỉnh gửi về lo cho chị Hương. Chị vẫn quần quật với mảnh ruộng ba má để lại, nhưng dạo về sau ruộng lúa thất bát, phần thì chị không còn khỏe như trước, nên hỗ trợ của Kiên khá quan trọng cho cuộc sống của Chị. Tuy nhiên, chị không bao giờ xin Kiên bất cứ điều gì, chỉ có Kiên thấy chị thiếu thì gửi về mà thôi. Có lần Kiên nói:

-“Chế Hai nè! Mỗi lần chế cần tiền hay bất cứ gì cho em hay nha!”

Chị cười, đáp lời Kiên:

-“Cái thằng! làm như giàu lắm. Cưng còn vợ con nữa chứ một mình đâu mà lo cho chế. Chế có một mình, ăn ngày một lon gạo chưa hết, cá ra ruộng mà xúc, rau ra vườn mà hái, có tốn kém gì đâu!”

Nhưng chị quên mảnh ruộng giờ đã gần khô nước vì hạn hán cả năm nay, vườn tược không ai làm giờ cỏ mọc um tùm, nhà cửa lâu năm từ thời ba má giờ đã xuống cấp trầm trọng. Kiên nói cỡ nào chị cũng không nhận tiền, Kiên ép chị:

-“Chế không nhận em giận luôn!”

Chị cũng trả lời thẳng thừng:

-“Mày giận kệ mày! Mắc gì tới tao! Lo về Sài Gòn đi! Về đốt nhang cho ba má là được rồi! Xong rồi quầy lên Sài Gòn đi! Đi nhanh!”

Kiên vỗ nhẹ vai chị, cười lẫy:

-“Chế ngộ thiệt! Lo cho em cả đời, giờ em lo lại chút xíu mà cũng …”

3.

-“Đi đặt lờ[11] không?” Chị rủ Kiên đi chơi với chị. Kiên vui mừng đồng ý, thế là chị em tay xách nách mang đồ đạc ra đồng bắt cá.

Kiên ngồi trước mũi xuồng, chị Hương ngồi đàng sau bơi xuồng. Lâu lắm rồi Kiên mới có lại cảm giác thân quen như thế.

-“Hai! Lâu rồi chế mới chở em! Hồi nhỏ chế hay chèo xuồng đưa em qua bên kia sông đi học, chế nhớ không?”

Chị cười, nói kháy:

-“Quên rồi! Nhớ gì cái thời nghèo khổ ấy!”.

Kiên được đà hỏi thêm:

-“Hai nè! Gần năm mươi tuổi rồi, không… không…”, Kiên gãi đầu hồi lâu rồi tiếp: “không… lấy chồng hả chế?”

Chị Hương giơ mái chèo giả bộ đánh vô người Kiên, cậu đưa tay đỡ, nhảy ùm xuống nước. Lặn ra phía sau xuồng, tay cầm đầu kia mái chèo, cười kháy chị Hương:

-“Định ‘ống chề’ hả chế?”

Chị Hương chịu thua đứa em nghịch ngợm, cười nói:

-“Nhắc tới mấy ổng! Tao ngán tới cần cổ. Thôi cho tao xin hai chữ bình yên!”

Vậy đó, chị cứ bình thản trước những điều mà người ta hay thắc mắc về đời sống độc thân của chị. Cuộc sống của chị Hương không vướng bận bởi chuyện cơm áo gạo tiền, cũng như chuyện chồng con. Kiên vừa lặn ngụp, vừa nhấn chiếc xuồng đi tới, chị Hương được đà nói tiếp:

-“Chế lo cho ba má, cho cưng xong là mừng rồi! Chế giờ vậy là yên ổn, không còn gì bận lòng nữa!”

Kiên tinh nghịch chọc:

-“Còn chớ! Bận lòng quá trời!”

Chị hỏi vặn lại:

-“Ai bận? tao có bận đâu?”

-“Thì mấy ông ngày xưa đeo Hai đó! Có ông còn ‘ế chỏng’ chờ Hai kìa!” Nói xong Kiên lặn xa chiếc xuồng, vì biết chị sắp dần[12] cho một chèo vì tội chọc ghẹo.

4.

-“Thôi em đi nha! Chế Hai giữ gìn sức khỏe! Lâu lâu em về thăm chế!” Kiên từ giã chị.

-“Ừ! Đi đi! Tết với hè về được rồi, về hoài tốn tiền. Để dành tiền mà lo cho vợ con nữa.” Chị Hương đáp lời Kiên.

Làn gió mát thổi làm hương bồ kết từ tóc chị tỏa ra, bay lên mũi Kiên, cùng với khung cảnh quê hương thân thương khiến bao nhiêu kỷ niệm quay về trong tâm thức của cậu. Nhất là cảm được tình thương mà chị dành cho cậu, cụ thể qua hy sinh cả cuộc đời. Kiên thấy chị sắp khóc, cậu kề sát tai chị nói khẽ:

-“Em có điều này muốn nói nè!”

Chị hỏi:

-“Nói gì? Nói nhanh!”

-“Năm sau… lấy chồng nha chế!”

Dứt tiếng, Kiên chạy một mạch ra xe đang tới, chị Hương vừa đưa tay định đánh vào vai cậu mà không kịp. Chị nhìn em, vừa cười vừa lau nước mắt. Ngồi trên xe, nhìn qua kính thấy chị càng lớn tuổi nhìn y như ba, như má ngày xưa, gầy nhom, áo bà ba, nón lá, tóc bạc và nụ cười dễ mến…  

Little Stream 

[1] Quầy (phương ngữ): trở lại.

[2] Trên trển (phương ngữ): trên ấy (ý muốn nói Sài Gòn).

[3] Đăng đăng đê đê (phương ngữ): bận rộn.

[4] Hồi nẫm (phương ngữ): hồi xưa.

[5] Y hệt (phương ngữ): giống.

[6] Biểu (phương ngữ): nói, dạy.

[7] Ậm ờ (phương ngữ): phân vân.

[8] Làm thinh: thing lặng.

[9] Nhà thương: bệnh viện.

[10] Tầm: khoảng, cỡ.

[11] Lờ: một loại công cụ bắt cá của người miền Tây Nam Bộ.

[12] Dần (phương ngữ): đánh.

Kiểm tra tương tự

Giá trị của việc nói “Không”

  Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về …

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *