Chia sẻ của ĐTC về Tam Nhật Thánh

183006346-d73f4299-c325-4606-8b37-36872bd1c4f3VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung diễn ra vào sáng thứ 4, ngày 1.4, tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, ĐTC đã chia sẻ về ý nghĩa của Tam Nhật Thánh. Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của ngài:

“Ngày mai là thứ Năm tuần Thánh. Vào buổi chiều, với thánh lễ Tiệc Ly, chúng ta bước vào Tam Nhật Thánh để tưởng niệm cuộc Thương Khó, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, đỉnh cao của toàn bộ năm phụng vụ và cũng là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu chúng ta.

Tam Nhật Thánh bắt đầu với việc tưởng niệm Bữa Tiệc Ly. Đức Giêsu, trước cuộc thương khó, đã dâng Cha máu và thân mình của mình dưới dạng bánh và rượu, và trao nó cho các Tông Đồ làm của ăn, căn dặn các ông hãy thường xuyên làm việc này mà nhớ đến Ngài. Bài Tin Mừng của buổi cử hành này, khi nhắc nhớ chúng ta về việc rửa chân, đã diễn tả cùng một ý nghĩa của Thánh Thể dưới một viễn cảnh khác. Đức Giêsu – như một người tôi tớ – đã rửa chân cho Simon Phêrô và mười một môn đệ kia (x.Ga 13,4-5). Với cử chỉ mang tính tiên tri này, Ngài đã diễn ra ý nghĩa của đời mình, của cuộc thương khó của mình, đó là luôn phục vụ Thiên Chúa và anh em: “Con Người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45)

Điều này cũng xảy đến trong bí tích Thanh Tẩy của chúng ta, khi ân sủng của Thiên Chúa gột rửa chúng ta khỏi tội lỗi và chúng ta được mặc lấy Đức Kitô (x. Cl 3,10). Cứ mỗi khi chúng ta cử hành tưởng niệm Đức Kitô trong Thánh Thể: chúng ta hiệp thông với Đức Kitô Tôi Tớ để vâng phục mệnh lệnh của Ngài, mệnh lệnh bảo chúng ta phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34; 15,12). Nếu chúng ta lãnh nhận Mình Máu Thánh nhưng lại không chân thành sẵn sàng rửa chân cho nhau, chúng ta đã không thực sự nhận biết Mình Thánh Chúa. Việc phục vụ của Đức Giêsu đã khiến Ngài phải trao hiến chính mình cách hoàn toàn.

Rồi ngày hôm sau, trong phụng vụ của thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta suy niệm mầu nhiệm sự chết của Đức Kitô và suy tôn Thánh Giá. Vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, trước khi trao phó thần trí cho Cha, Đức Giêsu đã nói rằng: “Mọi sự đã hoàn tất!” (Ga 19,30). Những lời này có nghĩa gì? Có nghĩa là công trình cứu độ đã hoàn thành, rằng tất cả những gì Kinh Thánh nói đến đã được kiện toàn trong tình yêu của Đức Kitô, con chiên hiến tế. Đức Giêsu, với hiến tế của mình, đã biến tội lỗi lớn nhất thành tình yêu cao cả nhất.

Qua hàng thế kỷ, có rất nhiều người nam người nữ, với chứng tá đời sống của mình, đã phản ánh lại tia sáng tình yêu này một cách hoàn hảo, trọn vẹn và tinh tuyền. Tôi muốn nhắc đến một chứng tá anh hùng của thời đại chúng ta, cha Andrea Santoro, linh mục giáo phận Roma và là nhà truyền giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một vài ngày trước khi bị ám sát ở Trebisonda, ngài đã viết rằng: “Tôi ở đây để sống giữa lớp dân này và để cho Đức Giêsu làm điều đó, tôi trao hiến cho ngài xác thịt tôi… Chỉ có thể nên ơn cứu độ nhờ việc trao hiến xác thịt mình. Sự dữ của thế giới được gánh vác và nỗi đau được chia sẻ, thấm đượm tất cả những điều đó trong chính xác thịt đến tận thẳm sâu, như Đức Giêsu đã làm”. (A. Polselli, Don Andrea Santoro, le eredità, Città Nuova, Roma 2008, p. 31). Đây là mẫu gương của một con người trong thời đại của chúng ta, và nhiều người khác nữa, họ nâng đỡ chúng ta trong việc trao hiến sự sống của mình như một món quà tình yêu dành cho anh chị em, noi gương Đức Giêsu.

Và ngày hôm nay cũng có rất nhiều người nam người nữ, những vị tử đạo thực sự đã hiến dâng mạng sống mình cùng với Đức Giêsu để tuyên xưng đức tin, chỉ vì lý do này. Đó là một sự phục vụ, sự phục vụ đến đổ máu của chứng tá Kitô hữu, sự phục vụ mà Đức Kitô đã làm cho chúng ta: Ngài đã cứu độ chúng ta đến cùng. Đây chính là ý nghĩa của từ “mọi sự đã hoàn tất!” Tôn kính thánh giá, chiêm ngắm Đức Giêsu, suy nghĩ về tình yêu, trong sự phục vụ, trong đời sống của chúng ta, trong sự tử đạo Kitô giáo, sẽ giúp chúng ta có được những suy nghĩ sâu sắc hơn về cái tận cùng của đời sống chúng ta. Chẳng ai trong chúng ta biết là khi nào những điều này xảy đến với mình nhưng chúng ta có thể cầu xin ơn Chúa để có thể nói: “Lạy Cha, con đã làm tất cả những gì có thể và mọi sự đã hoàn tất!”

Ngày thứ Bảy tuần Thánh là ngày Giáo Hội chiêm ngắm “sự an nghỉ” của Đức Kitô trong mồ sau chiến thắng vinh hiển trong cuộc chiến trên thập giá. Trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội, một lần nữa, xác định lại căn tính của mình cùng với Mẹ Maria: tất cả niềm tin của Giáo Hội đều được quy tóm nơi Mẹ, người môn đệ đầu tiên và tuyệt hảo, người tín hữu đầu tiên và tuyệt hảo. Khi bóng tối bao trùm toàn thể thụ tạo, Mẹ vẫn một mình đứng đó, giữ ngọn lửa đức tin cháy mãi, hy vọng khi không còn gì để hy vọng (x Rm 4,18) vào sự phục sinh của Đức Giêsu.

Vào đêm Canh Thức Phục Sinh, khi lời Alleluia được vang lên, chúng ta cùng cử hành biến cố Đức Kitô Phục Sinh, trọng tâm và đích điểm của vũ trụ và của lịch sử, chúng ta tỉnh thức và tràn đầy niềm hy vọng để chờ Ngài trở lại, mà lễ Phục Sinh là sự diễn tả đầy đủ cho điều ấy.

Có đôi khi bóng tối của đêm đen dường như thấm nhập vào linh hồn; và cũng có lúc chúng ta nghĩ rằng: “Có lẽ không còn gì để làm nữa”, và con tim của chúng ta không còn tìm thấy động lực nào để yêu thương… Nhưng trong bóng tối ấy, Đức Kitô đã thắp lên ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa: một ánh sáng huy hoàng bừng lên xua tan tối tăm và loan báo một sự khởi đầu mới, một sự khởi đầu bắt nguồn từ trong bóng tối sâu thẳm nhất. Chúng ta biết rằng bóng đêm sẽ tối và tối hơn một tí trước khi ngày mới bắt đầu. Nhưng Đức Kitô đã chiến thắng và thắp lên từ sự tối tăm này ngọn lửa tình yêu. Phiến đá đau đớn đã bị đập bỏ, nhường chỗ niềm hy vọng. Đây chính là mầu nhiệm Vượt Qua lớn nhất! Vào đêm thánh này, Giáo Hội trao cho chúng ta ngọn lửa phục sinh, để giữa chúng ta không có sự hối tiếc của những ai nói “gần như là vậy…” nhưng là niềm hy vọng của những ai mở mình ra cho một hiện tại đầy ắp của tương lai: Đức Kitô đã chiến thắng sự chết và với Ngài, chúng ta cũng chiến thắng. Đời sống của chúng ta không kết thúc trước tảng đá lấp mồ, đời sống của chúng ta vượt xa hơn điều đó với niềm hy vọng vào Đức Kitô, Đấng đã phục sinh từ ngôi mộ ấy. Là những người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để trở thành những lính canh buổi sáng sớm, những người nhìn thấy những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh, như những người phụ nữ và các môn đệ đã chạy nhanh đến mộ vào buổi bình minh của ngày thứ nhất trong tuần.

Anh chị em thân mến, trong những ngày Tam Nhật Thánh này, chúng ta đừng giới hạn mình trong việc chỉ tưởng nhớ lại cuộc thương khó của Chúa, nhưng hãy đi vào trong mầu nhiệm ấy, hãy biến những tâm tình, thái độ của Ngài thành của chúng ta, như Thánh Phaolô tông đồ đã mời gọi chúng ta: “Anh em hãy có cùng một tâm tình như Đức Giêsu” (Pl 2,5). Như thế, đời sống của chúng ta sẽ là một “Cuộc Vượt Qua đầy niềm vui”.

 

 

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *