Chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường niên Năm C

Lc 18,9-14

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp nối chủ đề về ‘’sự thay thế’’ của Chúa nhật XXVIII liên quan đến hồng ân cứu độ. Tuy nhiên, sự thay thế này không dựa vào chuẩn mực dân tộc tính, tức tương quan giữa người Do Thái với dân ngoại như bài Tin Mừng về Mười Người Phung hủi được chữa lành (Lc 17,11-19) mà dựa vào luân lý tính, nghĩa là giữa người đạo đức với hạng người tội lỗi. Hạng người thứ nhất được minh họa nơi chân dung người pharisiêu, còn hạng người thứ hai nơi người thu thuế. Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa dụ ngôn về hai hạng người này khi họ lên Đền Thờ cầu nguyện rồi sau đó rút ra bài học.

Trước hết, việc cầu nguyện của người Pharisiêu trong tư thế đứng thẳng và hiên ngang: Lời cầu nguyện của ông bị Đức Giêsu đánh giá là khinh chê người khác. Ông khinh chê người khác khi tuyên bố: “con tạ ơn Chúa, vì con không giống như những kẻ còn lại của nhân loại (hôsper hoi lopoi tôn anthrôpôn). Bởi lẽ đối với ông họ là những kẻ tham lam, bất chính, ngoại tình”. Ông khinh miệt kẻ mà người ta cho là hạng tội lỗi khi  ông nói: “con không như tên thu thuế kia” (Lc 18,11). Như vậy đối với ông mọi người trên thế gian này đều thuộc hạng tội lỗi ngoại trừ ông. Không chỉ thế, ông còn tự coi mình là công chính khi ông sống chay tịnh và dâng cho Chúa hơn cả lề luật đòi hỏi: ăn chay một tuần hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của mình (Lc 18,12) – Thứ đến, việc cầu nguyện của người thu thuế trong tư thế cúi đầu ở đàng xa: Lời cầu nguyện của ông rất ngắn gọn: “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

Chúa Giêsu đem ra kết luận: “người này khi trở về nhà thì đã được nên công chính, còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Người thu thuế được nên công chính vì đã hạ mình xuống. Hành vi hạ mình nơi ông không phải do sự qui gán của xã hội nhưng do sự nhận thức chính xác về chính mình và về Thiên Chúa:  về chính mình ở chỗ mình chỉ là tội nhân cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa – về Thiên Chúa vì chỉ có Người mới có quyền năng tha thứ và cứu sống bằng lòng thương xót của Người. Nhận thức thôi chưa đủ, ông còn diễn tả tâm tình hối tiếc, hoán cải và quyết tâm thay đổi lối sống qua tư thế ở đàng xa, cúi đầu và đấm ngực.

Người Pharisiêu thì không được nên công chính vì đã nâng mình lên. Ông nâng mình lên không chỉ ở chỗ khinh thường kẻ khác nhưng còn biến họ thành bàn đạp để đề cao sự lành thánh giả trá của mình, cũng không chỉ ở chỗ tô vẽ những thành tích đạo đức ngoại diện  của mình nhưng còn biến Thiên Chúa thành con nợ để đòi Người phải trả lẽ. Như vậy, hành vi nâng mình lên lại bộc lộ chính sự thật đầy tính tội lỗi và gian xảo nơi họ. Chính Chúa Giêsu đã từng chúc dữ cho họ vì lối sống giả hình của họ. Vì lẽ họ đã tráo đổi thang giá trị khi lấy sự thanh sạch bên ngoài che lấp cái xấu xa bên trong, lấy cái qui định của loài người mà bỏ qua  lệnh truyền của Thiên Chúa (Lc 11,37-44).

Một bài học đầy ý nghĩa cho chúng ta. Bởi lẽ dù đã tin nhận tình yêu khoan dung và tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta vẫn thường để cho tinh thần thế gian và quyền lực tội lỗi thao túng khi tìm cách giết người để cứu mình, sống khoan thứ cho mình mà khắt khe với người khác. Xin cho chúng ta được ơn hoán cải đích thực mà sống ngược lại: giết mình để cứu người – khắt khe với mình và khoan thứ cho người khác. Cách hành xử có tính hoán cải của người thu thuế sẽ như thế đó. Amen!

Lm. Giuse Lê Quang Chủng,S.J.

Kiểm tra tương tự

Phút hồi tâm cuối năm: Những người bạn trong Chúa

  Những Người Bạn Với Chúa – Những Người Bạn Trong Chúa Phút Hồi Tâm …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 31-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 31/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Đón nhận Ánh sáng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *