Đọc lại chữ Phúc trong cơn đại dịch (phần 2)

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

3. Chữ Phúc trong cái nhìn của một người Công Giáo giữa đại dịch thế kỷ.

 

Khi cuộc sống bình an và thanh thản, con người dễ dàng hưởng hạnh phúc, vì có nhiều điều kiện hơn. Nhưng khi cuộc sống rơi vào thử thách và khó khăn, thì việc đi tìm hạnh phúc là điều thật nan giản.

Tuy nhiên, một điều quan trọng và nền tảng trong lúc khủng hoảng, là chúng ta phải chất vấn bản thân mình:

 

“Ở trong cuộc khủng hoảng, như cơn đại dịch mà tôi, gia đình tôi, xã hội xung quanh tôi và cả nhân loại phải chịu, tôi nên sống thế nào, để cuộc sống tôi có ý nghĩa, vì trong khủng hoảng và thử thách, hạnh phúc gắn liền với đời sống có ý nghĩa?”

 

Đó là điều mà chúng ta cần suy tư, và đó cũng là động lực giúp chúng ta đọc lại chữ “Phúc” trong biến cố đại dịch thế kỷ này. Điều đầu tiên giúp chúng ta, những người Công Giáo, tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta giữa lòng đại dịch là: luôn sống vững tin và phó thác cậy trông hoàn toàn vào Thiên Chúa.

 

Thần học gia Claus Westermann nói về phúc lành như sau: “Phúc lành trong Kinh thánh là một sức mạnh mà con người không thể đạt được theo bất kỳ cách nào con người cố gắng, nhưng Phúc lành được ban xuống cho con người từ trời cao… Trong sách Đệ Nhị Luật chúng ta đọc được:  ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, sẽ giữ giao ước và tình thương mà Người đã thề hứa với cha ông anh em. Người sẽ yêu thương anh em, chúc phúc cho anh em, sẽ làm cho anh em nên đông đúc. Người sẽ chúc phúc làm cho lòng dạ và đất đai của anh em sinh hoa kết quả: lúa mì, rượu mới, dầu tươi, lứa bò, lứa chiên, ở trên đất mà Người đã thề với cha ông anh em là sẽ ban cho anh em” (Đnl 7,12-13).

 

Trong niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng ban phúc lành cho chúng ta, chúng ta cùng chạy đến với Chúa qua chính Mẹ Maria, Đấng mà chúng ta tôn vinh trong tháng năm này, để xin Mẹ giúp chúng ta cảm nhận được chữ Phúc cho đời người chúng ta luôn gắn liền với Đức Tin và Đức Cậy.

 

a) Chữ Phúc liền với chữ Tin và chữ Cậy.

 

Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45)Lời Chúa được thánh sử Luca thuật lại trong biến cố Mẹ Maria đi thăm bà Ê-li-sa-bét. Khi Mẹ đến thăm, bà Ê-li-sa-bét rất vui mừng và đã cất lên những lời thật đẹp về Mẹ Maria: “vì (em) đã tin”.

 

Theo nhà Thánh Kinh học Gianfranco Ravasi, “niềm tin trong ngôn ngữ của Thánh Kinh diễn tả một sự đồng thuận toàn vẹn. Một lời đồng thuận hoàn toàn của tâm hồn và thể xác dành cho Thiên Chúa. Có thể nói cụm từ ‘Mẹ thật có phúc, vì đã tin’ là định nghĩa đẹp nhất dành cho dung mạo của Mẹ Maria. ‘Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em’. Lời này cũng làm cho chúng ta nhớ lại một đoạn khác trong Tin Mừng Luca: ‘Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’ (Lc 11,27-28). Mẹ Maria được ca ngợi là người được chúc phúc, không chỉ dựa trên việc Mẹ là Mẹ thật của Hài Nhi có tên là Giê-su ở thành Na-da-rét, mà chính yếu là vì Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa, như công đồng Ê-phê-sô (Công đồng Êphêsô là công đồng chung thứ ba của Kitô giáo, vào thế kỷ thứ 5, năm 431) đã tuyên bố. Nhưng để trở nên Mẹ Thiên Chúa – Theotokos, thì Maria phải là người tin, một người lắng nghe Lời Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ Maria là người tín hữu đầu tiên của các tín hữu”.

 

Còn đối với nhà Thánh Kinh học, Đức cố Hồng Y Carlo Maria Martini “bà Ê-li-sa-bét cũng nối kết Đức Maria với ông Áp-ra-ham, người cha của những kẻ tin, bởi vì cũng như tổ phụ Áp-ra-ham, Mẹ đã tin vào việc Chúa sẽ thực hiện lời đã hứa. Như thế, từ một lời chào, từ một cuộc gặp gỡ, từ một mối liên hệ của lòng tốt, từ sự tôn trọng và kính trọng, một mầu nhiệm lớn lao tỏ ra”.

 

Ngoài ra, chúng ta có thể khám phá được niềm tin và phúc lành trải dài trong Tin Mừng. Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng “Ông cứ về đi. Ông tin thế nào, thì được như vậy!”, và người đầy tớ của ông ta đã được chữa lành (x.Mt 8,13). Đối với người phụ nữ bị băng huyết, Người nói “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Và ngay từ lúc đó, máu của bà ngưng không chảy ra nữa (x.Mt 9,22). Đối với hai người đàn ông bị mù, Người nói “Các anh tin thế nào, thì được như vậy!”, và họ đã được nhìn thấy trở lại (x.Mt 9,29). Và còn biết bao nhiêu ví dụ khác nữa.

 

Đi đôi với niềm tin của Mẹ được bà Ê-li-sa-bét ca ngợi là chính hành động của niềm tin mà Mẹ thực hiện. Thiên Chúa hoạt động để cứu độ con người, nhưng Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của con người, để sự cứu độ được kiện toàn. Sự cộng tác và tham gia của con người chính là niềm tin được biểu lộ qua việc làm. Đức Maria được chúc phúc, bởi vì không những Mẹ đã tin, mà còn hành động theo lòng tin của mình nữa. Ngay sau khi sứ thần đến thăm, Mẹ vội vã thăm viếng bà Ê-li-sa-bét. Từ điểm này, chúng ta nhận thấy lòng tin tôn giáo nơi Mẹ không phải chỉ là vấn đề cảm xúc. Nhưng Mẹ đã chuyển lòng tin đó thành hành động cụ thể. Đó là niềm tin sống động.

 

Sống trong bối cảnh của đại dịch, nhiều vấn nạn được đặt ra. Một trong những vấn nạn luôn được đặt ra là niềm tin vào Thiên Chúa. Nhưng chúng ta thấy rõ ràng mỗi nhóm người có kiểu phản ứng riêng với vấn nạn về niềm tin.

 

Có nhóm người đặt câu hỏi về Thiên Chúa, nếu Ngài có thì Ngài đang ở đâu trong lúc này. Và rồi trong thinh lặng của u sầu ảm đạm trong tâm hồn được bao trùm với khoảng không vắng lặng của xã hội đang bệnh hoạn, họ hoàn toàn thất vọng về Thiên Chúa.

 

Có nhóm người cũng đặt câu hỏi về Thiên Chúa. Và họ đã khiêm tốn để Thiên Chúa dẫn dắt với vấn nạn này, và từ từ chính họ đã được Thiên Chúa khai mở cho họ nhận ra được sự hiện diện sống động của Thiên Chúa. Từ đó họ đã quay trở về, đến với Chúa trong bí tích giải tội, sau bao nhiêu năm trời xa Chúa.

 

Cũng có nhiều người chẳng cần đặt câu hỏi về Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chắc chắn là đang hiện diện sống động, và họ không ngừng chạy đến với Chúa để cầu nguyện với Ngài. Trong cầu nguyện họ tín thác cuộc sống, linh hồn của mình, tín thác gia đình mình, và tín thác cả cộng đồng nhân loại cho Chúa. Họ kiên trì với niềm tin và trung thành với cầu nguyện. Trong Chúa và với Chúa họ sống đối diện với cơn đại dịch này.

 

Có những người với niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, họ đã sống niềm tin cách cụ thể qua việc xả thân ở nơi tiền tuyến, để chăm sóc, nâng đỡ, đồng hành những người bị lây nhiễm và những người phải sống trong đau đớn và phải kết thúc cuộc đời vắng bóng người thân. Một số linh mục bác sĩ đã tự nguyện dấn thân đến những điểm nóng, để mặc lại chiếc áo trắng để được phép bước vào những nơi dễ bị lây nhiễm nhất. Nơi đó họ cùng cộng tác trong chuyên môn y khoa để chăm sóc người bệnh. Song song họ cũng được phép sống sứ mạng Mục Tử của mình với việc giúp giải tội, ban phép bí tích Xức Dầu cho những người ra đi trong thanh vắng.

 

Có cả những nhà khoa học và bác sĩ chuyên môn nổi tiếng, dù không thực hành đạo thường xuyên, cũng đã nhìn nhận niềm tin vào Thiên Chúa lúc này là quan trọng nhất, vì niềm tin sẽ làm cho người ta vững vàng hơn trong cơn thử thách của đại dịch, giúp cho người ta có thể vượt qua những sợ hãi và hoang mang. Như bác sĩ Anthony Fauci, người Công Giáo, chuyên viên trong Ban Đặc Nhiệm chống Coronavirus của Hoa Kỳ, dù không thực hành đạo thường xuyên, nhưng ông vẫn xác tín như sau: “Tôi nghĩ đức tin giúp người dân vượt qua được cơn thử thách hiện nay. Khi tình huống rất khó khăn để sống, đức tin sẽ có một chỗ đứng quan trọng.”

 

Lời của bác sĩ Fauci hoàn toàn tương hợp với lời Thánh Vịnh:

Lạy Chúa Tể càn khôn,

phúc thay người tin tưởng vào Chúa!” (Tv 84,13).

 

Trong đại dịch virus corona, toàn thế giới đều biết câu truyện tàu “Diamond princess-Công chúa Kim cương”. Đó là một con tàu du lịch với 2700 hành khách và 1100 thành viên thủy thủ đoàn. Trên con tàu này hiện diện nhiều văn hóa và tôn giáo khác nhau và hơn 50 quốc tịch. Nó khởi hành vào ngày 20/01/2020 từ cảng Yokokama cho chuyến đi kéo dài hai tuần qua các quốc gia trên Biển Đông. Nhưng do virus corona đã xâm nhập con tàu nên nó phải đứng yên ngoài biển khơi nam Tokyo gần một tháng.

Trong thời gian này, ông Gennaro Arma người Ý, thuyền trưởng đã phải đối diện với biết bao khó khăn cần giải quyết. Ông đã trải qua 25 kinh nghiệm đường biển nhưng đối với ông đây là biến cố chưa từng có.

 

Theo thuyền trưởng, thông tin, giao tiếp với 2700 người là điều không dễ trong lúc hoảng loạn. Tất cả được đưa lên tàu cho một kỳ nghỉ và rồi bị ở một chỗ trong phòng, các bữa ăn được để ngoài cửa và chỉ được phép đi bộ một giờ trên các boong tàu.

 

Thế nhưng điểm đặc biệt nơi ông đó chính là giải quyết vấn đề trong sự tin tưởng phó thác và cầu nguyện. Thuyền trưởng Gennaro Arma đã tâm sự như sau:

“Trong bối cảnh này, tôi đã cầu nguyện nhiều hơn, với ước mong có sức mạnh đi đến cùng. Tôi cảm thấy hình như mình đã bị nhiễm bệnh. Tôi đã thực hiện xét nghiệm với lòng phó thác và thanh thản và tôi đã nhận được kết quả âm tính với virus. Tôi cũng đã cầu nguyện nhiều cho những người phải rời tàu lên đất liền để đến bệnh viện chữa trị, và không may, một số người đã ra đi vĩnh viễn. Đức tin là nguồn an ủi lớn cho tôi, đặc biệt mỗi khi đêm xuống, trở về phòng. Mệt mỏi sau một ngày dài, sau những khó khăn xảy ra trong ngày, tôi cố gắng tập trung cầu nguyện vì ý thức rằng đây là một sự trợ giúp vĩ đại nâng đỡ tôi”.

 

Lời của vị thuyền trưởng tương hợp với lời Thánh Vịnh:

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23).

 

Lời Thánh Vịnh trên cũng được một chị người Công Giáo Việt Nam dùng để cầu nguyện, khi chị bị lây nhiễm Covid và đau đớn nằm trên giường bệnh và trong bối cảnh sống cách ly hoàn toàn. Thời gian đó cũng là tam nhật thánh, thời gian khổ nạn của Chúa Giê-su.

 

Với tất cả sự can đảm, khiêm tốn và chân thành, chị chia sẻ như sau:

 

“Chúa ơi,

Khi biết mình nhiễm bệnh, con đã “lặng người”, không chấp nhận đó là sự thật, bởi con cho rằng mình đã rất cẩn thận … đó là cảm giác rất choáng, sau đó là cả ngàn câu hỏi trong đầu, mình đã làm sai ở chỗ nào? Bị nhiễm từ lúc nào? Và con có một chút trách móc những người chịu trách nhiệm ….etc.

Nhưng rồi …nghĩ đến Chúa trong tuần Thánh này, con tự hỏi, khi biết được giờ của mình sắp đến, có thể, Chúa cũng như con trong lúc này? Chúa cũng “lặng người” khi biết được những người mà Chúa đã cứu giúp lại là người lên án Chúa? Các môn đệ người thì sợ hãi bỏ trốn, người thì nộp Chúa, người thì chối bỏ Chúa? Và … con nghĩ đến Mẹ Maria nữa…Có lẽ Mẹ cũng lặng người vì đây là thời khắc đen tối nhất của đời Mẹ, khi đứng nhìn và chia sẽ nỗi đau khổ với Chúa, Con Mẹ. Tâm hồn Mẹ tan nát…

 

Sau khi “chấp nhận” mình đã nhiễm bịnh, con đã “lặng” để nghe theo hướng dẫn của các bác sĩ gia đình, bác sĩ của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), và bác sĩ riêng của mình nữa. Nhờ có sự đồng hành của Chúa là Người bạn tri kỷ ngay từ phút giây đầu tiên, nên tinh thần con sau đó rất bình an…

 

Con bắt đầu rút lui tất cả để theo Người thật sự đi vào thinh lặng. Từ đó, con dần cảm nhận được mình thật diễm phúc, cùng được thông phần đau khổ với Người, đặc biệt trong Tuần Thánh này. Đầu con đau buốt và toàn thân nhức khó tả, nhưng nghĩ đến những gai nhọn trên đầu của Người và những vết thương Người chịu, sự đau đớn của con thấm gì. Tâm hồn con được an ủi và tràn ngập bình an, hạnh phúc.

Sau khi đã giao con thuyền cuộc đời của con cho CHÚA, thì con thật sự cảm thấy rất bình an.

 

Như Mẹ Thánh Teresa Calcutta có nói:

Học sống bằng cách xin Chúa dẫn dắt chúng ta,

Đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý,

Đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.”

 

Quả thực, khi đối diện với những khó khăn, thử thách, con người yếu đuối của chúng ta không thể một mình làm gì được, mà chúng ta cần Chúa dẫn dắt chúng ta đi.  Để từ đó con mới có thể nhận ra, thật là một hồng ân cho con khi mình nhiễm bệnh, nhất là trong giai đoạn thử thách đúng vào Tuần Thánh.

 

Rồi từ hành trình đau khổ của Chúa và của bản thân mình, con đã được gặp Người.  Con nhận ra được sự mong manh, yếu đuối và giới hạn của mình.  Trong thử thách lần này, không như những lần khác trong cuộc đời bởi vì con hoàn toàn bị cách ly, cô độc một mình trong căn phòng.   Mặc dù, gia đình và những người thân có muốn đến bên cạnh con trong lúc này, con cũng không thể để lây nhiễm cho mọi người.  Vì thế, những lúc nửa đêm bị thức giấc bởi không thở nổi, nhất là nhiều đêm phải ngồi, thú thật tâm hồn con lúc đó rất chông chênh, lo sợ và đã không dám nhắm mắt lại vì không biết khi mình thiếp đi rồi sau đó có thể mở mắt ra được nữa không.  Cuối cùng, trong đêm thanh vắng chỉ còn lại mình con với NGƯỜI.  Và nhờ đó, những cuộc “trò chuyện thâu đêm” và chuỗi Mân Côi đã giúp cho tâm hồn con được bình an trở lại.

 

Nhưng Chúa ơi, tất cả những gì đang diễn ra, nếu đó không phải là Chúa ban cho con, thì ai có thể làm được điều đó!!! Con thật hạnh phúc và cảm nhận được, khi con ngã Chúa đã bên cạnh con, dìu dắt con và có lúc ẵm bồng con trên đôi tay của NGƯỜI.

 

‘Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm’ (Tv 23).

 

Nhìn lại, con cảm nhận được rằng tất cả đều là Hồng Ân cho dù chúng ta trong thử thách hay trong đau khổ.  Khi chúng ta trao con thuyền cuộc đời của mình cho Thiên Chúa, Người sẽ dẫn dắt chúng ta đi.  Chúng ta chỉ cần tin tưởng tuyệt đối vào Tình Yêu Thương của Thiên Chúa”.

 

Qua lời chia sẻ thật chân thành trên, chúng ta nhận ra rằng, ngay trong chính hoàn cảnh đau thương do cơn đại dịch gây ra và họ là những nạn nhân trực tiếp đón nhận thử thách và khủng hoảng này, nhưng họ đã sống tinh thần tuyệt vời của tin tưởng, của cậy trông phó thác và của nguyện cầu.

 

Dừng bước ở đây, chúng ta dành chút thời gian để cầu nguyện đặc biệt cho các anh chị em bị lây nhiễm, xin Chúa cho họ được ký thác đường đời của họ cho Chúa, tin tưởng vào Chúa khi họ rơi vào hoàn cảnh thật tế nhị.

 

Thật vậy, có Chúa ở bên, các anh chị em bị lây nhiễm sẽ tìm được bình an sâu thẳm giữa lòng cơn đại dịch. Họ đã sống đúng tâm tình mà Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi trong bài giảng ngày thứ sáu 27.3.2020, trước khi ngài ban phúc lành Urbi et Orbi (cho dân thành Roma và mọi người trên thế giới):

 

“Hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. ‘Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?’ Khởi đầu đức tin là biết mình cần được cứu độ. Chúng ta không tự mãn, chỉ tự mình thôi thì chúng ta sẽ bị chìm; chúng ta cần Chúa như những người hải hành xưa kia cần những vì sao. Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. Hãy phó thác cho Chúa những lo sợ của chúng ta để Ngài chiến thắng chúng. Như những môn đệ chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy rằng có Chúa ở trên thuyền, thuyền sẽ không bị đắm. Vì sức mạnh của Thiên Chúa là: tất cả những gì xảy ra cho chúng ta, cả những điều bất hạnh, đều mưu ích cho chúng ta. Chúa đưa sự thanh thản vào trong những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết…

Trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ.

Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa”.

 

Họ đã sống đúng tâm tình mà Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận nói trong đường Hy Vọng, một cuốn sách mà ngài đã viết khi bị giam trong ngục tù: “Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh Giá, ôm choàng lấy Thánh Giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ” (ĐHV. Số 694).

 

Thánh Tê-rê-sa Avila, tiến sĩ của Hội Thánh cũng để lại một lời cầu nguyện thật tương hợp với tinh thần của các anh chị em sống tin tưởng và phó thác vào Chúa trong cơn thử thách của đại dịch:

“Đừng để điều gì làm cho bạn xao xuyến;

Đừng để điều gì làm cho bạn lo sợ.

Mọi sự đều qua đi, Thiên Chúa không thay đổi!

Kiên nhẫn sẽ được tất cả.

Ai có Thiên Chúa, người ấy chẳng thiếu gì:

Chỉ cần có Thiên Chúa, là đã đủ rồi” (Thánh Tê-rê-sa Avila).

 

Hơn nữa, các anh chị em cũng đã sống đúng lời mời gọi của thánh Phao-lô: “Dù ở trong tuyệt vọng nhưng vẫn một niềm cậy trông” (Rm 4,18). Là con cháu của Áp-ra-ham, người Cha của niềm tin, các tín hữu đều được mời gọi giữ vững niềm tin không nao núng, nhất là khi phải đối diện với những thử thách và khó khăn, như cơn đại dịch chúng ta đang phải chịu.

 

Trong niềm trông cậy và tin tưởng không nao núng, chúng ta được mời gọi mỗi ngày chạy đến với Chúa và Mẹ Maria để cầu nguyện, để phó thác đời mình, hồn mình và xác mình.

 

Thật vậy, như Mẹ Maria, “ai tin tưởng thì người đó có phúc”, “ai cậy trông thì người đó có phúc”, đặc biệt khi cuộc sống rơi vào trong những thử thách lớn lao nhất.

 

Giờ đây chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết trông cậy Chúa .

 

“Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho thế giới,

xin ban sức khỏe cho thân xác và an ủi cho tâm hồn.

Chúa dạy chúng con đừng sợ hãi.

Nhưng niềm tin của chúng con yếu ớt,

và chúng con nhát đảm.

Nhưng lạy Chúa,

Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố.

Xin Chúa lập lại lần nữa: ”Các con đừng sợ” (Mt 28,5).

Và cùng với thánh Phêrô, ”

chúng con phó thác cho Chúa mọi lo âu,

vì Chúa chăm sóc chúng con” (X. 1Pr 5,7).

 

Vâng, Chúa ơi,

Con vẫn trông cậy Chúa,

lòng con tin tưởng nơi Ngài.

Con hy vọng vào Ngài, đời con nương bóng Chúa thôi.

Con xin trao về Chúa niềm tin và ước mơ này,

được quên đi những lo âu, tìm luôn theo bước chân Cha.

 

Theo bước chân Cha để tiếp tục được Cha trên trời giúp chúng ta biết sống thương xót như Cha trên trời là Đấng Thương Xót.

 

 

b) Chữ Phúc liền với chữ Thương.

 

Trong Thông điệp gởi Dân Chúa về việc cử hành Tuần Thánh trong đại dịch, ĐTC. Phanxico đã mời gọi chúng ta:

Dù bị cô lập, nhưng tư tưởng và tinh thần chúng ta

có thể đi xa với sự sáng tạo của tình yêu.

Đây là những gì chúng ta cần hôm nay: đó là sự sáng tạo của tình yêu.

Đây là điều cần thiết cho ngày hôm nay: sự sáng tạo của tình yêu…

Hãy làm một cử chỉ xót thương đối với những người đau khổ,

với trẻ em và người già” .

 

Lời của Đức Thánh Cha như là một đôi kính giúp chúng ta nhìn vào xã hội và thế giới chúng ta, để chúng ta đọc lại chữ Phúc đi liền với chữ Thương như thế nào trong cơn đại dịch. Chúng ta cùng làm một “cuộc du lịch” trong thời Covid 19, để khám phá biết bao tấm lòng tốt đang nở hoa.

 

“Cái khó nó không bó cái khôn, mà cái khó nó ló cái khôn”. Lời của người anh em tôi quen từng nói rất tương hợp với những gì tôi nhận thấy thời gian qua. Trong đại dịch có biết bao nhiêu sáng kiến đã nảy sinh từ lòng thương xót để tương trợ lẫn nhau, đặc biệt tương trợ những người bị tụt lại phía sau trong cơn đại dịch, cụ thể là những đôi tay vươn ra và chung tay giúp người nghèo đói. Ở các nhà thờ tại quê hương, những máy tự động trao ban gạo từ thiện, gạo xót thương, những tổ chức thiện nguyện, nhiều caritas của giáo xứ, biết bao phong trào người trẻ Công Giáo, các dòng tu, mỗi giáo phận đang đồng hành với người nghèo. Tất cả theo tiếng gọi của Chúa Giêsu: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện!” (Mt 5,48) và “phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,39).

 

Còn người Công Giáo Việt Nam ở Châu Âu thì sao? Dù không gần gũi và dấn thân được trong công việc trực tiếp giúp người nghèo đói, anh chị em lại luôn có cử chỉ xót thương một cách rất cụ thể:

Có các cháu bé đã đập heo và gom góp tất cả những gì các cháu đã tiết kiệm được, để nhờ cha mẹ gởi đến người nghèo. Có cháu bé trong ngày sinh nhật của mình đã gom góp tất cả các quà sinh nhật bằng hiện kim và gởi đến người nghèo.

Có các bạn sinh viên giới trẻ, khi thấy các em thiếu nhi quảng đại tốt lành, thì cũng “động lòng” và đóng góp giúp người nghèo trong khả năng của mình.

Có các gia đình, cha mẹ con cái đồng lòng quảng đại đóng góp người đói khổ hơn mình.

Có các cụ cao niên đã rỉ tai nhau và mời gọi nhau dành dụm chút và đóng góp cho người đang đói khổ hơn mình ở quê hương. Có những anh chị em tân tòng, đóng góp trong âm thầm, không cần câu nệ, không cần giấy chứng nhận khai thuế và cũng chẳng mong thư cám ơn. Một người tân tòng đã viết: “Cử chỉ xót thương là Chúa Ki-tô đã dạy con. Trong Tân Ước Mt 25,35-40 (Tin Mừng Mát-thêu) Chúa đã dạy con như thế. Con thật xấu hổ khi nhận được thư cám ơn. Tạ ơn Chúa vì được là con của Ngài và sống trong Ngài cuộc đời con luôn vui thoả… Người con tân tòng của Chúa”.

 

Rồi còn có cả một vài người bị lây nhiễm virus, đang sống trong cảnh cách ly để điều trị bệnh, đã liên lạc và cũng mở lòng đóng góp, để cùng mọi người gởi đến các anh chị em nghèo một chút gạo của lòng thương xót.

 

Còn trong các gia đình, con cháu luôn chú ý đến ông bà cha mẹ cao niên. “Không được đến thăm”, để bảo vệ ông bà cha mẹ. Mỗi ngày mua lương thực thuốc thang và chỉ để ở cửa nhà ông bà cha mẹ. Rồi gọi điện cho ông bà cha mẹ ra lấy, còn mình thì thui thủi về nhà.

 

Tất cả những nghĩa cử cao quý trên tương hợp với mối Phúc Chúa Giê-su đã dạy: Phúc thay ai biết xót thương người thì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Vâng, mỗi người tùy ơn riêng Chúa ban, đều có những sáng kiến lòng thương xót, ít ra những người đang thực sự phải đối diện với dịch bệnh này cảm nghiệm phần nào lòng thương xót Chúa qua bàn tay chăm sóc của chúng ta.

Khi mọi sự tất cả dường như bị ngưng đọng như việc phong tỏa hay cách ly thì lòng thương xót cần hành động và thi thố.

Có những con người nhỏ bé lại có một trái tim lớn lao, đã sáng kiến gởi số điện thoại của mình cho những người già cô đơn để họ có thể gọi điện thoại và nói lên nhu cầu của mình ngõ hầu được phục vụ tận nơi.

Hoặc có những người đã hy sinh công việc cá nhân để dành giờ thiết kế những chiếc khẩu trang lòng thương xót mặc dù rất đơn giản nhưng cũng đủ độ an toàn để phòng bệnh.

Lại nữa, có những người đã tạo một video clips hướng dẫn miễn phí làm khẩu trang tại chỗ trong lúc hàng hóa khan hiếm hầu nhằm bảo vệ sự an toàn cho bản thân.

Phải chăng khi có chút lòng trắc ẩn, lương tâm sẽ mách bảo họ thi thố lòng thương xót tùy nén bạc Chúa trao ?

 

Có các thiện nguyện viên đến bệnh viện mỗi ngày để mua phiếu giảm giá vải. Một bà tận tâm làm việc này, trong một tuần bà đã may được 1500 áo choàng cho nhân viên bệnh viện, loại áo này chỉ giặt được ba lần nên phải luôn luôn may lại áo mới.

Hay như một tin cảm động về một bà mẹ y sĩ đã hy sinh, chối từ không tham dự lễ cưới của con mình và viết thư xin lỗi vì mình đang phải chu toàn nhiệm vụ cao cả là phục vụ cho các nạn nhân. Cảm động hơn nữa, khi chúng ta nghe tin về một vị bác sĩ đã tình nguyện ở lại bệnh viện để phục vụ bệnh nhân mà không tham dự lễ an táng của chính mẹ mình.

 

Rồi hình ảnh của một người lái xe Taxi bên Tây Ban Nha, đã nhanh chóng đưa người bệnh lây nhiễm đến bệnh viện và không lấy tiền phí tổn gì cả. Nhanh chóng, can đảm, âm thầm, quyết đoán và tràn đầy lòng xót thương. Một nghĩa cử đẹp của người lái taxi tràn đầy tình Chúa tình người trong thời đại dịch.

 

Sáng kiến của lòng thương xót khác do một linh mục người Costa Rica thực hiện.

Trước khi làm linh mục, cha là thợ làm bánh mì.

Trong đại dịch cha Ortiz trở lại nghề làm bánh mì của mình để gây quỹ cho những người nghèo trong giáo xứ của cha trong thời gian đại dịch. Khi các Thánh lễ có giáo dân tham dự bị đình chỉ do đại dịch, khi cả nước bị phong tỏa, cha Ortiz nhìn thấy các thành viên trong cộng đoàn của giáo xứ chật vật với vấn đề tài chính.

Nhiều người bắt đầu đến gõ cửa nhà xứ để xin giúp đỡ, trong khi giáo xứ và các nhóm từ thiện địa phương lại không có thu nhập vì không quyên góp được. Thế là cha Ortiz bắt đầu nướng bánh. Cha dùng gần 25 ký bột mỗi ngày để nước các loại bánh mì, bánh cuộn và các thứ bánh khác. Một túi bánh bán được khoảng 2,65 đô la; với số tiền này cha có thể mua được hơn 2 ký gạo. Cho đến nay cha có thể giúp đỡ cho 60 gia đình. Nhờ việc bán bánh, cha có thể gây thêm quỹ để bảo đảm rằng bất cứ ai gõ cửa nhà xứ đều ra về với một túi gạo, đường hay đậu. Không ai phải ra về tay không.

 

Cha Oritz chia sẻ: “Tôi làm việc suốt cả ngày, vừa nướng bánh vừa bán bánh và vào ban chiều, tôi cử hành Thánh lễ. Tôi luôn thưa với Chúa: ‘Con cảm ơn Chúa vì bánh đích thực mang lại sự sống đời đời, đó là sự giàu có lớn nhất và là điều con muốn người dân của chúng ta có được, đón nhận, hưởng nếm và cảm nhận.”

 

Ngoài ra, chúng ta cũng cần ghi nhận những linh mục, tu sĩ tình nguyện đi đến những vùng bệnh dịch nguy hiểm để chữa lành thân xác bệnh nhân phần nào và an ủi họ bằng việc ban các bí tích cần thiết.Có trường hợp đã tử vong, nhưng để lại một chứng từ Đức Tin và Lòng Thương Xót.

 

Đó là trường hợp của một vị linh mục tuyên uý bệnh viện 75 tuổi ở Ý, trong vùng Lombardi.

 

Một bác sĩ người ý tên là Julian Urban, bác sĩ đã chia sẻ với các bạn trên internet cuộc sống hàng ngày cực kỳ khó khăn để chống coronavirus: “Bệnh dịch càng ngày càng lớn. Ác mộng đến với chúng tôi càng ngày càng nhiều. Mới đầu có vài người, rồi hàng chục, rồi hàng trăm. Các đồng nghiệp của tôi và tôi, chúng tôi không còn là bác sĩ nữa, chúng tôi chỉ là người lựa lọc xem ai có thể sống, ai phải về nhà để chờ chết.”

Bác sĩ Urban ghi nhận: “Tôi không thể nào tin, các đồng nghiệp của tôi và tôi, tất cả là những người vô thần không lay chuyển đã cùng nhau cầu nguyện với vị linh mục mỗi ngày đến đây để xin Chúa cho bình an và giúp săn sóc các bệnh nhân.”

Trong bài của mình, bác sĩ Urban nhận mình vô thần suốt đời. Ông nhớ lại, trong suốt các năm học y khoa ông đã được dạy khoa học là gạt Chúa ra đó sao? Tuy nhiên tất cả đã thay đổi, chỉ mới cách đây chín ngày khi linh mục tuyên úy 75 tuổi đến chỗ ông làm việc:

“Linh mục có đôi mắt nhìn nhân từ. Một con người phúc hậu. Cầm quyển Thánh Kinh trên tay, cha đi từ phòng này qua phòng khác để gặp các bệnh nhân sắp chết. Thật ấn tượng cho chúng tôi khi chúng tôi quan sát cha. Kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần, chúng tôi muốn gặp cha và nghe cha. Khi gặp cha, tôi nhận ra, nơi con người không thể làm gì thì Chúa có thể hành động. Ngay khi chúng tôi có năm phút, chúng tôi xin Chúa giúp. Từ đó, chúng tôi trao đổi rất nhiều. Tôi không thể nào tin các đồng nghiệp của tôi và tôi, tất cả là những người vô thần không lay chuyển đã cùng nhau cầu nguyện với linh mục tuyên úy đến đây mỗi ngày để xin Chúa cho bình an và giúp săn sóc các bệnh nhân.”

Buồn thay linh mục tuyên úy đã chết cách đây vài ngày. Nhưng bác sĩ cho biết, sự hiện diện của cha cho đến ngày cuối đã mang bình an và hy vọng đến cho tất cả nhân viên chăm sóc trong khoa của cha.

Bác sĩ Urban nói tiếp: “Từ sáu ngày nay tôi không về nhà, tôi không nhớ bữa ăn cuối tôi ăn lúc nào. Không quan trọng. Tôi nhận ra cuộc sống của tôi trước đây không có ý nghĩa. Bây giờ cho đến hơi thở cuối cùng của tôi, tôi sẽ hết sức làm để giúp người khác. Tôi hạnh phúc đã gặp Chúa nhờ linh mục này, giữa sự đau khổ và cái chết của các bệnh nhân của tôi. Chúa ở đó và hy vọng ở đó.”

 

Ôi biết bao tâm hồn tốt lành của con cái Thiên Chúa!

Lòng thương xót là mầm sống thiện hảo mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng người.

Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm cho mầm sống ấy đơm hoa kết trái trong cuộc đời để nỗi đau được vơi đi và niềm vui tăng trưởng mãi.

Nhìn ngắm những tâm hồn tốt lành đang tập sống hoàn thiện, thật tuyệt vời, khi thốt lên lời của thánh vịnh gia:

 

“Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời”

 

Để kết thúc phần suy niệm, chữ Phúc đi liền với chữ Thương, chúng ta để cho

Giáo Sư Mariano Delgado, khoa trưởng phân khoa Thần học Đại học Fribourg, Thụy Sĩ, gởi đến một suy tư trong đại dịch thế kỷ này: “Nhưng các anh hùng thời buổi này của chúng ta là các người cứu cấp, các nhân viên y tế hết sức hết lòng cứu tha nhân một cách bất vụ lợi, đến mức họ liều cả mạng sống của mình. Chúng ta có thể thấy ở đây di sản của văn hóa lòng thương xót kitô giáo, trên mảnh đất trước kia xây bệnh viện, xây nhà cho người nghèo, nhà hưu dưỡng: chúng ta hãy vui mừng vì thông điệp kitô giáo đã rất phong phú trong lãnh vực này!”

Giáo sư nói tiếp: “Điều tương tự như trên cũng xảy ra với suy nghĩ về thế giới ‘duy nhất’, về gia đình nhân loại ‘duy nhất’, và nó đã thành chuyện hiển nhiên, trong trường hợp tai ương lại tạo nên một làn sóng tương thân tương ái toàn thế giới.”

 

 

c) Chữ Phúc liền với chữ Liên.

 

Làn sóng tương thân tương ái trên toàn thế giới diễn tả một sự liên đới của toàn thể nhân loại. Đức Thánh Cha đã mời gọi trong bài giảng ngày thứ sáu 27.3, trước khi ngài ban phép lành Urbi et Orbi:

 

“Chúa đặt câu hỏi cho chúng ta, giữa bão tố của chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng, có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và mang lại ý nghĩa cho những lúc này, trong đó tất cả dường như bị chìm. Chúa thức dậy để đánh thưc và hồi sinh niềm tin của chúng ta nơi sự phục sinh”.

 

Trong sứ điệp Phục Sinh năm 2020, Đức Thánh Cha mời gọi tha thiết hơn:

“Đây không phải là thời điểm dửng dưng, vì tất cả thế giới đang đau khổ và phải tìm lại sự đoàn kết trong việc đối phó với đại dịch… Đây không phải là thời điểm của ích kỷ, vì thách đố chúng ta đang đương đầu liên kết tất cả chúng ta với nhau và không phân biệt giữa con người với nhau… Đây không phải là lúc chia rẽ. Xin Chúa Kitô Hòa Bình của chúng ta soi sáng những người có trách nhiệm trong các cuộc xung đột, để họ có can đảm đón nhận lời mời gọi ngưng chiến toàn cầu và tức khắc ở các nơi trên thế giới… Đây không phải là lúc quên lãng. Ước gì cuộc khủng hoảng chúng ta đang đương đầu đừng làm chúng ta quên những tình trạng cấp thiết khác, mang theo bao nhiêu đau khổ cho dân chúng…

Sự dửng dưng, ích kỷ, chia rẽ, quên lãng quả là những lời chúng ta không muốn nghe nói trong lúc này. Chúng ta hãy khai trừ chúng mãi mãi! Chúng dường như trổi vượt khi sợ hãi và chết chóc chiến thắng trong chúng ta, nghĩa là khi chúng ta không để Chúa Giêsu chiến thắng trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Chúa đã chiến thắng sự chết, mở ra cho chúng ta con đường cứu độ vĩnh cửu, xin Chúa phá tan bóng đen của nhân loại chúng ta đang đau khổ và dẫn chúng ta tiến vào ngày vinh hiển không bao giờ tàn lụi của Ngài”.

 

Lời của Vị Cha Chung như trả lời cho chúng ta câu hỏi quan trọng:

“Ở trong cuộc khủng hoảng, như cơn đại dịch mà tôi, gia đình tôi, xã hội xung quanh tôi và cả nhân loại phải chịu, tôi nên sống thế nào, để cuộc sống tôi có ý nghĩa, vì trong khủng hoảng và thử thách, hạnh phúc gắn liền với đời sống có ý nghĩa?”

 

Hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời của chúng ta trong lúc này là sống chữ Liên.

 

Vâng, chữ Phúc liền với chữ Liên, có nghĩa là để đi tìm hạnh phúc ở đời này và đời sau, chúng ta cần phải nói không với “virus ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân – Egoismus”. Đó cũng chính là điều cốt lõi mà cả nhân loại chúng ta dù muốn hay không đều đã và đang trải nghiệm.

 

Đức cha Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống đã chia sẻ về tầm quan trọng của tình liên đới và huynh đê trong bối cảnh của đại dịch như sau:

 

“Trong buổi cầu nguyện vào ngày 27 tháng 3 khi Đức Thánh Cha nói rằng tất cả chúng ta đang đi với tốc độ siêu âm, chúng ta nghĩ rằng chúng ta khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng thực tế chúng ta không khỏe mạnh.Trước virus corona, giữa chúng ta đã có một loại virus và tôi gọi là virus chủ nghĩa cá nhân. Hậu quả của loại virus này là sự cô đơn, làm suy yếu hoàn toàn xã hội chúng ta. Và rồi, virus corona đã xuất hiện làm bùng nổ sự mong manh vốn có trong bản chất của mỗi người, nhưng chúng ta không muốn nhìn thấy nó, chứ đừng nói đến việc xem xét. Theo nghĩa này, có một sự hiểu biết để sử dụng tại thời điểm này: Virus corona là một phân tử, thậm chí không phải là một sinh vật sống, một loại ký sinh trùng, trong chớp mắt đã làm cho tất cả mọi người và mọi sự phải quỳ gối. Điều này chỉ cho thấy nếu chúng ta không nhìn nhận thân phận mong manh của mình chúng ta sẽ phải lãnh hậu quả.

Nếu niềm kiêu hãnh toàn năng của mỗi chúng ta tiếp tục hướng dẫn sự lựa chọn, hướng dẫn ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta, thì cuối cùng là những hậu quả đó là những gì chúng ta đã thấy. Bởi vậy, đại dịch này cho chúng ta thấy sự thật về con người chúng ta. Và theo nghĩa này, cần phải kêu cứu, cần hỗ trợ lẫn nhau, nói đủ rồi cho mọi hình thức chủ nghĩa cá nhân, chủ quyền, cho mọi quyền tự quyết. Chúng ta không thể tiếp tục như chúng ta đã làm cho đến nay.

 

Khi chúng ta nhìn vào cuộc sống, thế giới, ý nghĩa của những ngày tháng của chúng ta, chúng ta phải nghĩ đến việc chúng ta được liên kết với người khác. Mỗi hành động cá nhân không bao giờ là của riêng một ai, nhưng nó cũng là của người khác, làm cho tốt hơn hay tồi tệ hơn. Đó là lý do tại sao trong tất cả các lựa chọn – chính trị, kinh tế, xã hội và cá nhân – nếu chúng ta không tính đến một tầm nhìn phổ quát về công ích hoặc tốt hơn của tình huynh đệ, thì chỉ có nguy cơ gây thiệt hại. Tình huynh đệ là một thuật ngữ mà tôi tin rằng phải liên quan đến tất cả các lựa chọn của chúng ta. Tình huynh đệ giữa các dân tộc, bên trong các thực tại các tổ chức của các thành phố, tình huynh đệ giữa con người và sự sáng tạo. Tình huynh đệ như là việc tái khám phá định mệnh chung của tất cả mọi người”.

 

Triết gia và nhà xã hội học đương thời người Pháp là Edgar Morin, 99 tuổi, cho rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay thuận lợi cho việc thức tỉnh một tinh thần đoàn kết chống lại các lợi ích riêng.

 

Triết gia gần trăm tuổi của nước Pháp khen ngợi các việc bác ái liên đới trong đại dịch thế kỷ, và ông hy vọng có một sự đột biến văn minh có thể xảy ra. Ông nói: “Lợi ích cá nhân chi phối tất cả, và bây giờ ý thức tình đoàn kết đang tỉnh dậy.” Tuy nhiên ông tự hỏi về khả năng mở rộng tình đoàn kết trên phạm vi toàn cầu: “Bây giờ là lúc làm mới lại chủ nghĩa nhân văn của chúng ta, vì chừng nào chúng ta không nhìn thấy nhân loại như một cộng đồng có cùng số phận thì chúng ta không thể thúc đẩy chính quyền hành động theo hướng sáng tạo.”

 

Thật vậy, trong thời gian đại dịch, người người liên đới và các dân tộc cũng ý thức liên đới với nhau. Qua truyền thông, thời gian qua chúng ta thấy số bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở Pháp rất nhiều, nhà thương không đủ chỗ. Bộ Y Tế của Đức và Thụy Sĩ đã quyết định nhận bệnh nhân từ Pháp sang để chữa trị. Họ dùng xe lửa tốc hành TGV chuyên chở 20 bệnh nhân mang máy trợ thở và 150 nhân viên Y tế sang Đức, và một con số khác sang Thụy Sĩ.

 

Là người Công Giáo, chúng ta luôn ý thức tình liên đới giữa nhau. Mỗi lần chúng ta đọc kinh Lạy Cha, là chúng ta đang sống tình liên đới với Cha trên trời, với Chúa Giê-su, là người Anh Cả và với tất cả mọi người trong Hội Thánh.

Thật vậy, Giáo Hội chính là mái nhà chung của chúng ta, những người Công Giáo. Mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Lễ, là chúng ta cử hành trong lòng Hội Thánh và trong tư cách chung của toàn thể Hội Thánh, của Cộng Đoàn Dân Chúa.

 

Trong cơn đại dịch, chúng ta không được phép đến nhà thờ, nhưng sự liên đới của chúng ta lại được mở rộng hơn nữa. Cầu nguyện trực tuyến, thánh lễ trực tuyến, tĩnh tâm trực tuyến đã nối kết tất cả mọi người chúng ta lại với nhau. Chúng ta không còn được gặp nhau, không còn được phép bắt tay nhau hay trao vòng tay ôm nhau để tỏ lòng yêu mến kính trọng, nhưng sự liên đới, tình đoàn kết và yêu thương lại lớn lên hơn lúc nào hết.

 

Thời gian qua, có nhiều sáng kiến đã cổ động tinh thần sống liên đới một cách rất cụ thể. Ngày 14.5 tất cả mọi tín hữu thuộc mọi tôn giáo, đã cùng có một ngày cầu nguyện, ăn chay và sống bác ái, để xin Chúa mau chóng chấm dứt đại dịch thế kỷ này. Đó là hình ảnh rất đặc biệt của tình liên đới.

 

Từ ngày 16 đến 24.5, người Công Giáo toàn cầu có tuần lễ Laudato Si’. Trong niềm tin và cầu nguyện, chúng ta cùng hiệp nhất với mọi người xin Chúa thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta biết sống trân trọng Thiên Nhiên, biết chung tay xây dựng mái nhà chung là trái đất xanh của chúng ta.

Đó chính là tình liên đới của con người với thiên nhiên. Một điều rất quan trọng trong bối cảnh khí hậu thế giới bị nóng lên, bị thay đổi, dẫn đến biết bao hậu quả tai hại khôn lường.

 

Trong thông điệp Laudato Si, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhớ: “Khi nói đến “môi trường”, người ta muốn nói về sự liên hệ đã có giữa thiên nhiên và xã hội đang hiện diện nơi đó. Điều này không cho phép chúng ta hiểu thiên nhiên như là một cái gì đó khác biệt với chúng ta hay chỉ là một khung cảnh đơn thuần chúng ta sống trong đó” (Chương 4, Sinh thái học toàn vẹn).

 

Rất thường xuyên, chúng ta không nhận ra chúng ta cũng là một phần của tự nhiên. Và khi chúng ta làm hại thiên nhiên có nghĩa là chúng ta đang hủy hoại bản thân và mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên.

Lời kêu gọi của nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới đứng lên vì công bằng khí hậu, nhưng vẫn còn phải xem những nỗ lực của cô ấy có thể mang lại bao nhiêu tác động.

 

Thật vậy, cuộc sống chỉ hạnh phúc, khi chữ “liên” được tô đẹp với những nét xanh tươi của tình yêu, của niềm tin và hy vọng.

Không ai hạnh phúc một mình, vì không ai là một hòn đảo trơ trọi.

Không ai có thể sống tình yêu cho mình mà thôi, vì nếu thiếu người bên cạnh và mọi người xung quanh, đặc biệt thiếu vắng Thiên Chúa, thì làm sao có thể nói đó là tình yêu. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, “Con người không nhận ra sự tồn tại của mình nếu không tồn tại với người khác, và thậm chí cách sâu xa và trọn vẹn hơn, là tồn tại cho một ai đó”. Đặc điểm giới tính trên cơ thể biểu lộ rằng, ơn gọi để sống là ơn gọi đến với tình yêu và cho đi cách hỗ tương”.

 

Như thế, Tin, Cậy, Thương và Liên là những từ ngữ nối liền với từ Phúc.

Chúng ta sẽ tìm thấy được phúc lành ở đời này, cuộc sống của chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa và hạnh phúc, khi trong cơn đại dịch chúng ta xây dựng cuộc sống của mình thật ý nghĩa, cụ thể qua Đức Tin và lòng cậy trông của chúng ta vào Thiên Chúa, chính Ngài làm chủ cuộc đời chúng ta, chính Ngài là khởi đầu và là cùng đích của chúng ta. Chúng ta tin rằng, dù cuộc sống trên thế giới này có ra sao đi nữa, thì chúng ta không bao giờ rơi ra khỏi bàn tay giàu lòng thương xót của Chúa.

 

Thiên Chúa là tình thương và Người cũng dựng nên con người để con người sống trong tình của Chúa, và tình thương của con người dành cho nhau. Có thể nói, đó là ơn gọi, là bản chất làm nên căn tính của con người. Trong cơn đại dịch, mọi người đều đau khổ, hoang mang và sợ hãi, nhưng thương yêu sẽ “giải nhiệt” mọi “cơn sốt” kia, để nhờ đó cuộc sống của con người vững tin hơn, hy vọng hơn. Tình thương giữa người với người tự động tạo nên một mối liên đới, liên kết giữa người với nhau. Trong cuộc sống làm người, không ai có thể đi tìm hạnh phúc một mình. Chúng ta cần có nhau, nhất là trong cơn đại dịch này sự liên đới làm con người mạnh mẽ hơn, làm cho con người khám phá được bầu khí bình an qua tình thương và sự liên đới mà con người trao cho nhau.

 

Đó là một vài điểm chấm phá về những từ ngữ luôn gắn liền với chữ Phúc. Ngoài ra, còn có thêm những yếu tố góp phần tô đẹp cho chữ Phúc.

 

 

d) Thêm những yếu tố góp phần tô đẹp cho chữ Phúc.

 

 

  • Sống giây phút hiện tại.

 

Trong một bài chia sẻ của một em bé người Việt Nam sống ở Na-uy về đời sống của em trong cơn đại dịch, chúng ta đọc được hàng chữ thật dễ thương:

 

“Lần đầu con nghe cái tên Coronavirus là vào khoảng Tết Việt Nam. Con không biết gì nhiều về con virus này, chỉ biết là có nhiều người chết ở Wuhan và con đã cầu nguyện cho họ. Mấy ngày đầu ở nhà con thấy chán vì không có bạn để chơi. Con than phiền nhưng mẹ con nói với con rằng “con phải biết là mình may mắn, không bị bệnh, có nhà ở, có ba mẹ chăm sóc, có cơm ăn. Có biết bao người đang bị bịnh. Có những em bé không có ba mẹ hay bất cứ người thân nào bên cạnh” Con suy nghĩ về điều mẹ nói và không than phiền nữa! Con cố gắng vui vẻ ở trong nhà dù không được gặp ai. Con nghĩ đó cũng là một cách giúp cho xã hội bớt bị lây nhiễm và mau hết dịch bịnh.

 

Mỗi ngày thức dậy mẹ đã đi làm nhưng con cùng với em đốt nến đọc kinh sáng, cùng ăn sáng chung với nhau rồi học với thầy cô và các bạn trên online. Con cố gắng làm bài thật kỹ và thật đẹp. Sau giờ học hai chị em con chơi với nhau, đánh đàn, coi ti vi và chơi trên diện thoại. Tuy nhớ bạn, nhớ trường nhưng con có nhiều giờ với gia đình của mình hơn. Con có giờ làm những thứ mà bình thường con không có giờ để làm như làm bánh, trang trí phòng và hai chị em con ít cải nhau hơn trước!

Trong thời gian qua con cảm thấy tin vào Chúa nhiều hơn. Bình thường đi lễ con giúp lễ, ở gần bàn thờ nhưng con không cảm thấy gì, hay nghĩ gì nhiều khi con được rước lễ. Nhưng trong những thánh lễ online, con không được rước Chúa nên con cố gắng để cảm nhận Chúa. Con cảm thấy thiêng liêng hơn, con cảm thấy gần Chúa hơn… Mỗi tối gia đình con lần chuỗi mân côi. Ba anh em con chia nhau đọc các ngắm và bắt kinh mỗi ngày. Chưa bao giờ con dự lễ và đọc kinh nhiều như thời gian này. Có những ngày con thấy dài và mệt nhưng con muốn nghe lời mẹ nói, mình không làm được gì để giúp thì mình có thể cầu nguyện cho thế giới”.

 

Một chia sẻ khác của một người Mẹ ở Đan Mạch cũng thật là quý báu, diễn tả sống động tinh thần sống giây phút hiện tại. Lời chia sẻ như là lá thư của một người mẹ trong gia đình gởi cho “bạn Corona”:  “Corona ơi, bạn là ai mà từ khi bạn bắt đầu đến Đan mạch nhiều người đều để ý đến từng bước đi, từng cử chỉ và từng hành động của bạn. Bạn là ai mà chẳng nói chẳng rằng cứ như vô hình cuốn đi biết bao linh hồn ra khỏi cuộc sống an bình của họ và để lại sau lưng những nỗi đau thấm tận tâm gan và để lại sự cô đơn buồn tẻ. Bạn là ai mà khiến nhiều người phải tránh, phải lo và phải sợ nếu phải diện mặt đối mặt. Bạn là ai mà khiến cả thế giới phải điên cuồn và đảo lộn hoàn toàn cuộc sống. Mục đích của bạn đến đây để làm gì?

Ban đầu bạn đã làm cuộc sống của gia đình tôi phải bất an. Lo cho sức khỏe, lo cho cái ăn, lo cho việc làm, lo cho điều tồi tệ sẽ xảy ra…

Tôi cảm thấy mình bất lực trước những gì đang xảy ra và chỉ biết nấp mình trong cái vỏ an toàn và chờ cho sóng gió trôi qua.

Căn nhà đã trở thành nhà thờ, trường học, sở làm và nơi sinh hoạt giải trí. Mới đầu hơi lúng túng và như bị tê liệt không biết phải làm gì, nhưng không bao lâu chúng tôi cũng có một chương trình đầy nghẹt và hướng đi rõ ràng. Giờ học, giờ chơi, giờ ăn, giờ nghỉ, giờ kinh nguyện và giờ tham dự thánh lễ. Mọi sinh hoạt đó chỉ gói gọn một nơi và với 5 người. Vì không thể đi đâu, nên Chúng tôi đã có rất nhiều giờ bên nhau, nhiều giờ với Chúa, và điều này thật là quý. Tuy không đi đâu nhưng chúng tôi cũng được gặp gỡ với nhiều người qua trực tuyến và qua điện thoại và qua email, vì vậy tuy ở xa nhau nhưng lòng lại gần nhau hơn bao giờ hết. Tuy cuộc sống bị hạn chế, nhưng chúng tôi vẫn có thể làm được rất nhiều điều mà xưa nay chúng tôi không nghĩ tới. Chúng tôi đọc kinh nhiều giờ, chúng tôi tham dự thánh lễ nhiều lần trong tuần và ở rất nhiều nơi và rất xa xôi không cần phải vất vả. Chúng tôi có thể trao tình thương cho những người kém may mắn hơn chúng tôi qua lời cầu nguyện và qua việc bác ái.

Corona ơi, tôi nghiệm ra rằng bạn không đáng sợ nữa, bạn là một trong những sinh vật nhỏ nhất trong các tạo vật của Thiên Chúa.

Thôi chào Corona nhé, tôi sẽ không để bạn chiếm lấy sức lực và thời gian của tôi và gia đình tôi nữa. Chúng tôi phải sống giây phút hiện tại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến bước, tiếp tục cuộc sống với những điều tốt đẹp mà tôi và gia đình tôi đã lãnh nhận trong thời gian qua. Bây giờ là lúc chúng tôi phải cùng nhau tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài (x.Mt 6,33)”.

 

Đọc đi đọc lại chia sẻ của cháu bé và của người Mẹ, chúng ta khám phá cháu đang sống thật trọn vẹn giây phút hiện tại trong cơn đại dịch. Thời khoá biểu đã được cháu sắp xếp thật kỹ lưỡng. Học, chơi, ăn uống, nghỉ ngơi, cầu nguyện, thánh lễ.

 

Tâm tình của bé và người Mẹ làm tôi nhớ lại lời của cha Jacques Philipp viết trong cuốn Tự Do Nội Tâm: “Một trong những châm ngôn khôn ngoan nhất của Tin Mừng là, “Ngày nào có sự khốn khổ của ngày đó”. Chúng ta hãy hấp thụ bài học Chúa Giêsu dạy. Chúng ta thường phàn nàn về bao đau khổ đang gánh chịu mà không nhận ra rằng, đó là lỗi của chúng ta. Như thể nỗi đau ngày hôm nay chưa đủ, chúng ta thêm vào những tiếc xót trong quá khứ và lắng lo về tương lai! Thật không ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy bị vùi dập, điều đó chẳng lạ gì. Để cuộc sống trở nên nhẹ gánh, chúng ta phải tập mang lấy những vấn đề của hôm nay thôi”.

 

Tâm tình của em bé làm tôi nhớ lại một câu chuyện ngắn gọn và đơn sơ của De Mello:

Một đệ tử hỏi Thầy bằng cách nào anh ta có thể sống hạnh phúc thực sự.

“Bạn có nghe tiếng thầm thì của con suối chảy qua tu viện không?”

Thưa không?

“Bạn hãy ý thức và chú tâm lắng nghe tiếng thầm thì của con suối chảy, bạn sẽ sống hạhh phúc”.

Nếu thực sự muốn, chúng ta có thể hạnh phúc ngay lập tức vì hạnh phúc ở trong thời khắc hiện tại, với những gì chúng ta đang có, đang nhìn thấy trước mắt.

De Mello chia sẻ tiếp: “Chỉ có một lý do giải thích vì sao chúng ta không cảm nghiệm được cái mà tiếng Ấn Độ gọi là “anand” – hạnh phúc hoàn toàn trọn vẹn. Chỉ có một lý do vì sao chúng ta không nếm cảm được hạnh phúc trọn vẹn đó ngay trong giây phút hiện tại này – đó là vì ta mải lo nghĩ hoặc bận tâm đến những cái ta không có. Giá bạn đừng lo nghĩ như thế thì hẳn bạn đã có được hạnh phúc trọn vẹn. Bạn bận tâm đến những gì mình không có. Thế mà, ngay chính lúc này bạn đang có mọi sự cần thiết để được hạnh phúc trọn vẹn.

Đức Giêsu trò chuyện với những người cùng đinh, đói nghèo về những lẽ khôn ngoan trong đời thường. Ngài loan báo Tin Mừng cho họ: lẽ khôn ngoan ấy chính là dành cho các bạn. Nhưng ai lắng nghe? Chẳng ai thèm để ý, họ thích ngủ mê hơn”.

Nói khác đi, một trong những điều kiện thiết yếu của đời sống hạnh phúc trên trần gian là khả năng sống trong giây phút hiện tại.

 

Lời của thánh Phanxico Maria Jacob Libermann, một người Do-thái trở lại Công Giáo, cho chúng ta ý nghĩa của việc sống trong giây phút hiện tại, bằng cách không để quá khứ ám ảnh: “Hãy quên đi quá khứ và sống như thể không có ngày mai, hãy sống cho Chúa Giêsu trong từng khoảnh khắc mà con đang sống hoặc hơn nữa, hãy sống như thể con không có sự sống trong mình nếu không có Ngài, nhưng để Chúa Giêsu sống trong con một cách thoải mái; nhờ đó, con có thể bước đi trong mọi hoàn cảnh, trong tất cả mọi khó khăn mà không hề lắng lo sợ hãi vì con là con của Chúa Giêsu và Mẹ Maria”.

 

Sống giây phút hiện tại là không để cho quá khứ ám ảnh và tương lai tạo nên sợ hãi. Cha Jacques Philipp viết như sau: “Cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai là chú tâm vào hiện tại. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu bảo, các môn đệ sẽ bị đem ra trước toà và rồi, Ngài nói thêm, “Anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”.

 

Việc phóng chiếu những nỗi lo sợ của mình vào tương lai khiến chúng ta không sống trong giây phút hiện tại để giải quyết những gì lẽ ra chúng ta phải làm. Nó tiêu huỷ những nguồn năng lượng tốt nhất của chúng ta. Trong một đoạn văn khác từ nhật ký, Etty Hillesum nói, “Nếu người ta chất nặng những lo lắng của mình cho tương lai, tương lai đó không thể lớn lên một cách sống động. Lòng tôi ngập tràn tin tưởng, không phải rằng, mình sẽ thành công trong đời, nhưng là ngay cả khi mọi sự xảy đến với tôi dẫu không mấy xuôi may chăng nữa, tôi vẫn thấy đời thật đẹp tươi và đáng sống”.

 

 

  • Sống chậm hơn và đơn giản hơn.

 

Cha Federico Lombardi chia sẻ như sau trong cơn đại dịch: “Một trong những quan sát đầu tiên mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra trong Thông điệp Laudato sì là nhìn đến “những gì đang xảy ra trong ngôi nhà chúng ta” liên quan đến “sự nhanh hóa”, nghĩa là sự tăng tốc liên tục của những thay đổi nơi nhân loại và hành tinh, đi cùng với sự tăng cường của nhịp sống và công việc. Ghi nhận rằng tốc độ này trái ngược với nhịp tự nhiên của tiến hóa sinh học và tự hỏi liệu các mục tiêu của những thay đổi có hướng đến lợi ích chung và sự phát triển nhân bản, toàn diện và bền vững.

Giờ đây, cuộc chạy đua xem ra ngày càng tăng tốc này đã phải gánh chịu một cú sốc ghê gớm. Các chỉ số của hoạt động kinh tế bị đảo lộn, các chương trình hội họp của chúng ta đã bị thay đổi, các cuộc hẹn và các chuyến đi bị hủy bỏ. Đối với nhiều người, thời gian như trở nên trống rỗng và họ bị mất phương hướng.

 

Rồi… thời gian… Làm thế nào để sống với nó? Cuối cùng điều gì hữu ích? Có thời gian hoạt động, nhưng cũng có thời gian chờ đợi đầy niềm vui, thời gian được ở bên nhau và yêu thương nhau, thời gian chiêm ngắm vẻ đẹp, thời gian cho Chúa, thời gian để làm những điều mình mong muốn làm từ lâu nhưng không làm được.

Vâng, có nhiều người đã dùng thời gian để dọn dẹp nhà cửa. Bà xã có đôi mắt tinh khôn, biết thứ gì cần vất, thứ gì cần sửa và giờ đây cơn đại dịch là lúc sống chậm lại để sắp xếp lại cuộc sống, để dọn dẹp lại căn nhà mình, gia đình mình và chính đời sống của mình. Có thể nói rằng, thời gian đại dịch vừa qua là cơ hội cho biết bao người để tĩnh lại, để nhìn lại cuộc sống của mình, con người của mình. Qua đó, từ từ sắp xếp lại mọi thứ mọi chuyện trong trật tự theo thánh ý của Thiên Chúa.

 

Hơn nữa, sống chậm lại cũng là để “thưởng thức” cuộc sống cho thi vị hơn, cho thanh cao hơn. Biết bao vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh chúng ta đang chờ chúng ta chiêm ngắm. Trong thời gian vừa qua, từ khi cơn đại dịch hoành hành nước Đức, tôi cảm nhận thời tiết có vẻ đẹp hơn. Mùa Xuân đến và trao biết bao vẻ đẹp tuyệt vời! Từ đầu mùa Xuân, nghĩa là từ ngày 25.3, ngày lễ Truyền Tin cho Mẹ Maria, cho đến hôm nay, vẻ đẹp của thiên nhiên không ngừng nghỉ thay đổi và “khoe sắc”, “khoe hương”. Thật là diễm phúc cho những ai dành thời gian và dành trái tim cho những vẻ đẹp của thiên nhiên. Chúa đã ban tặng vẻ đẹp này cho chúng ta một cách nhưng không. Vì thế, với nhịp sống chậm lại chúng ta dễ dàng thưởng thức món quà cao quý này.

Ngắm nhìn thiên nhiên, chúng ta nhận ra vẻ đẹp rất tuyệt, nhưng cũng rất đơn sơ và không cầu kỳ.

 

Đơn sơ, đơn giản chính là cách sống để giúp ta đi tìm hạnh phúc.

Người Mẹ trẻ ở Đan Mạch chia sẻ tiếp cho chúng ta tâm tình sống đơn giản trong cơn đại dịch: “Corona ơi! Dù bạn có nguy hiểm và xấu xa tới đâu đi nữa, tôi cũng phải cám ơn bạn. Cám ơn bạn vì Nhờ bạn mà tôi nhìn thấy chúng tôi đã sỡ hữu rất nhiều thứ mà tôi không cần thiết trong cuộc sống. Tôi nhận ra mình có bệnh, một căn bệnh thích mua sắm quần áo đồ đạc v.v. để thỏa mãn sự thèm muốn của xác thịt, một căn bệnh ích kỷ vì bản thân. Tôi quyết định từ bây giờ sẽ bán hoặc cho đi tất cả những gì tôi không cần sở hữu mà cho những ai cần nó hơn tôi. Tôi muốn tập sống giản dị và ít ỏi, không cần tích trữ cho ngày mai. Cảm giác tuyệt vời khi tôi bắt đầu lối sống này và tôi cũng muốn lôi kéo cả nhà cùng đi. Các con cũng đang loại ra những đồ chơi không chơi tới và không cần thiết mà bán lấy tiền giúp đỡ người nghèo khổ thiếu thốn”.

 

Câu truyện của người Mẹ trẻ làm tôi nhớ lại câu truyện do cha De Mello kể lại:

Có người chạy đến gặp một thầy dòng đang đi ngang qua làng. “Hãy cho tôi hòn đá đó”, ông ta la lên, “viên đá quý!”.

Thầy dòng nói, “Anh đang nói đến viên đá nào?”.

Người kia nói, “Hôm qua, trong giấc mơ, Chúa hiện ra với tôi và bảo, ‘Một thầy dòng sẽ đi ngang qua làng vào sáng sớm ngày mai, và nếu ông ta cho anh một hòn đá mà ông đang mang theo mình, anh sẽ là người giàu có nhất nước’. Vậy xin hãy cho tôi viên đá đó!”.

Thầy dòng tìm trong xách mình và lấy ra một viên kim cương, một viên kim cương lớn nhất trên thế giới, kích cỡ bằng một đầu người! Và ông nói, “Đây là viên đá ông muốn? Tôi tìm thấy nó trong rừng. Hãy cầm lấy!”. Người đàn ông cầm lấy viên đá và chạy về nhà. Nhưng anh ta không thể chợp mắt đêm đó. Sáng sớm hôm sau, anh chạy lại chỗ thầy dòng đang ngủ dưới một gốc cây. Đánh thức ông dậy anh nói, “Tôi trả lại viên kim cương của ông cho ông đây. Tôi muốn loại gia tài vốn có thể làm cho ông có khả năng ném của cải ra xa”.

Vâng, ném của cải ra xa, bỏ đi hay bán đi quần áo và các vật dụng hay cả đồ chơi dư thừa không cần tới, và dùng tiền đó để giúp đỡ cho người nghèo khổ. Đó là điều đưa lại hạnh phúc cho chúng ta.

Qua tâm tình của người Mẹ trẻ trong gia đình, chúng ta nhận ra rằng: Sống đơn giản là một trong những phương thức giúp chúng ta có được hạnh phúc trong cuộc sống mà không đòi hỏi phải tốn kém nhiều, nhưng ngược lại nó đòi hỏi một sự hiểu biết và quyết tâm kiên trì thực hiện, bởi vì thay đổi cách sống là một trong những điều khó làm nhất đối với hầu hết chúng ta.

Sống đơn giản hoàn toàn không có nghĩa là gạt bỏ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Chỉ có điều là, chúng ta thường có quá nhiều nhu cầu để đòi hỏi, đến nỗi ta khó lòng phân biệt được đâu là những nhu cầu tối thiểu và thiết yếu cho cuộc sống. Vì thế, sống đơn giản hơn để được hạnh phúc đòi hỏi chúng ta phải biết phân định, chọn lựa và quyết định giữ lại những gì là cần thiết, và cho đi hay đôi khi là bỏ đi những gì làm cho cuộc đời rắc rối.

Hơn nữa, chúng ta cũng phải chân nhận rằng. Của cải trần gian, dù cho do công sức lao động chúng ta làm ra, cũng là ân sủng của Chúa ban.  Vì thế, sống đơn giản cũng là sống lòng biết ơn.

 

 

  • Sống lòng biết ơn.

 

“Hiện tôi có là gì, là bởi ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10).

Thánh Phao-lô nhắc nhớ chúng ta một điều nền tảng trong đời sống tâm linh.

Đó là chúng ta chính là tạo vật của tình yêu Thiên Chúa tặng ban. Sự sống của mỗi người chúng ta thật quý giá, vì sự sống của mỗi người đến từ tình yêu và tồn tại trong tình yêu và trở về với tình yêu.

 

Quà tặng đầu tiên Thiên Chúa dành cho chúng ta là quà tặng sự sống, tự nó, quà tặng này đã là một ơn gọi. Sách Sáng Thế nói, sau khi tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh Người, “Thiên Chúa chúc phúc cho họ”, mời gọi họ sinh sôi nảy nở và làm chủ mặt đất, sau đó, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra
quả rất tốt đẹp!” 
(St 1, 28-31). Thực tại nguyên thủy này vẫn không thay đổi từ xưa đến nay. Quà tặng và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì không thể thu hồi, chẳng bao giờ Người rút lại phúc lành đã tặng trao dẫu cho tội lỗi đã làm cho hoàn cảnh trở nên phức tạp.

 

Thật vậy, Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mỗi người chúng ta, và đó là ý muốn thánh thiện và tràn đầy tình yêu của Ngài. Chúng ta chiêm ngắm chính thân xác, tâm hồn và sự sống của chúng ta với hành trình lịch sử riêng của mỗi người, chúng ta nhận ra rằng, Thiên Chúa đặc biệt chú ý đến từng người trong chúng ta và Ngài đã cho phép chúng ta vào đời với tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Ngài.

 

Thần học gia Medard Kehl nói: “Sự hiện diện của tôi và mạng sống của tôi chắc chắn được Thiên Chúa là Cha mang vác và nói lời xin vâng”.

 

Trong tình yêu đó, con người chúng ta còn nhận ra một điều căn bản quan trọng. Đó là mỗi người chúng ta là « người có một không hai » trên trái đất này. Nói khác đi, mỗi người chúng ta là mỗi viên ngọc quý, và là viên ngọc độc nhất vô nhị trong cuộc đời này. Thật vậy, Bạn là người độc nhất vô nhị, tôi là người độc nhất vô nhị.

Medard Kehl đã thốt lên rằng : “Tôi biết ơn Thiên Chúa trong phẩm giá của tôi, một phẩm giá làm người độc nhất vô nhị, phẩm giá làm người duy nhất. Tôi cũng cám ơn Thiên Chúa trong những giới hạn của tôi, và trong cả những khả thể của tự do tôi”.

“Hiện tôi có là gì, là bởi ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10).

 

Ý thức điều đó, chúng ta luôn sống trong tinh thần tạ ơn Thiên Chúa.

Lời chia sẻ của em bé người Việt bên Nauy trong cơn đại dịch diễn tả thật sống động tâm tình biết ơn: “Con sẽ không than phiền khi gặp những điều mình không thích nữa vì con biết con rất là may mắn. Chỉ có một thời gian ngắn con không được đi học nhưng có những em bé ở những nước nghèo cả đời không được đi học, phải đi làm cực khổ. Con sẽ nhớ cảm ơn Chúa mỗi ngày về những gì mình đang có”.

 

Thật vậy, ai càng ý thức tạ ơn, ý thức sống lòng biết ơn Thiên Chúa, thì người đó càng được chúc phúc.

Hạnh phúc sẽ mỉm cười với người khiêm tốn biết ơn Đấng tạo dựng nên mình.

 

 

  • Sống ý thức hơn và sống tự do hơn với chính “cái tôi”.

 

Nhớ lại giây phút đại dịch lên cao điểm ở Đức, vào tuần đầu tháng 3, mọi sự bắt đầu bị “rung động”, rồi thật nhanh đời sống xã hội thay đổi chóng mặt. Xáo trộn, sợ hãi, hoang mang vây bủa khắp nơi và không ít người bị tê liệt trong hãi sợ.

 

Bản thân tôi cũng bị lay động. Những ngày đó có những giấc mơ rất kỳ lạ đến với cái tôi. Nhưng tựu trung lại, tôi cảm nhận được rằng: “Tất cả cái tôi trên trái đất này đều phải dừng bước”, dù có muốn hay không và Coronavirus như bắt tất cả cái tôi phải chất vấn bản thân, phải thành tâm với chính mình.

 

Tất cả chúng ta chào đời với một vết thương khó lường, được cảm nghiệm như một sự thiếu hiện hữu. Để bù lại, chúng ta tìm cách tạo nên một cái tôi khác cái tôi thực sự của mình. Cái tôi nhân tạo này đòi hỏi một khối lớn năng lượng để nuôi dưỡng nó; thật dễ vỡ, nó cần được bảo vệ. Khốn cho ai phủ nhận nó, đe doạ nó, đặt vấn đề về nó hay ngăn cản sự phát triển của nó. Khi Tin Mừng nói chúng ta phải “chết cho chính mình” là muốn nói đến cái tôi nhân tạo này, cái tôi tự tạo này phải chết để “cái tôi” thực sự Thiên Chúa ban cho chúng ta có thể nổi lên.

 

Một điều khác nữa là bạn không được lạm dụng chính mình nếu bạn muốn tìm hạnh phúc và niềm vui. Chúng ta phải thay đổi một vài thái độ của mình. Thái độ nào đây? Thứ nhất là thái độ quy về mình của trẻ con. Có bao giờ bạn nghe một đứa trẻ nói, “Nếu bạn không chơi với mình, mình sẽ về nhà”.

 

Hãy nhìn vào chính mình. Hãy nghĩ đến những gì làm bạn không hạnh phúc và xem coi liệu bạn có thể tìm thấy dấu vết của điều đó, để rồi bạn thốt lên cách vô thức, “Nếu không được điều này điều kia, tôi sẽ không hạnh phúc”. “Nếu không có nó, hoặc nếu điều đó không xảy ra, tôi sẽ không hạnh phúc”. Nhiều người không hạnh phúc vì họ đặt những điều kiện cho hạnh phúc của mình. Hãy khám phá liệu thái độ này đang có trong bạn, nếu có, hãy tống khứ nó.

 

Chuyện kể về một người đàn ông luôn luôn xin Chúa điều này điều nọ. Ngày kia, Chúa nhìn anh và bảo, “Ta ngán quá rồi! Ta cho ngươi ba điều ước và chỉ ngần ấy thôi. Ta sẽ đáp ứng ba nguyện ước này, và rồi Ta sẽ không ban gì nữa. Hãy nói cho Ta ba điều ước của ngươi!”.

 

Người đàn ông phấn chấn và nói, “Con có thể xin bất cứ điều gì?”.

Và Thiên Chúa nói, “Vâng, bất cứ điều gì, và chỉ ba điều thôi!”.

Và người kia nói, “Lạy Chúa, Chúa biết, con xấu hổ khi phải nói rằng, con muốn tống khứ vợ con, vì bà ấy là một cái bị cũ kỷ và luôn… Lạy Chúa, Chúa biết, con không thể chịu đựng hơn! Con không thể sống với bà ấy. Chúa có thể giải thoát con khỏi bà ấy?”.

“Được,” Thiên Chúa nói, Điều ngươi ước sẽ thành.” Và vợ anh chết.

Người đàn ông cảm thấy có tội vì sự khuây khoả mà anh ta cảm nhận; anh ta vui, thư thái và nghĩ rằng, “Tôi sẽ cưới một người đàn bà hấp dẫn hơn”. Nhưng khi bà con, bạn bè đến dự đám tang cầu nguyện cho người chết thì bỗng nhiên, anh đổi ý và la lên, “Lạy Chúa, con đã có một người vợ tuyệt vời. Con đã không đánh giá đúng khi nàng còn sống”. Anh cảm thấy tồi tệ và chạy đến cầu xin cùng Chúa, “Xin cho nàng sống lại, lạy Chúa”.

Chúa nói, “Được, lời ước thứ hai thành sự”.

Giờ này anh chỉ còn một điều ước, anh nghĩ, mình sẽ xin gì đây? Và anh ta chạy tìm tham khảo bạn bè.

Một vài người bảo, “Hãy xin tiền bạc; nếu có tiền, bạn sẽ có bất kỳ thứ gì bạn muốn”.

Số khác bảo, “Tiền bạc có tốt đến đâu nếu không có sức khoẻ?”.

Một người khác lại bảo, “Sức khoẻ có tốt đến đâu thì ngày kia anh cũng chết? Hãy xin trường thọ!”.

Giờ đây thì người đàn ông khốn khổ không biết phải xin gì, vì những người khác còn nói, “Trường thọ có ý nghĩa gì khi bạn không có một ai để yêu? Hãy xin tình yêu”.

Rồi ông suy đi nghĩ lại… không thể định trí và cũng chẳng quyết định được một điều gì. Năm năm… rồi mười năm trôi qua. Ngày kia, Thiên Chúa bảo ông, “Cho đến bao giờ thì ngươi khấn xin điều ước thứ ba?”. Người đàn ông đáng thương nói, “Lạy Chúa, con thật bối rối, con không biết phải xin điều gì! Ngài có thể chỉ cho con?”.

Nghe thế, Thiên Chúa mỉm cười và bảo, “Được, Ta sẽ nói cho ngươi điều cần xin. Xin cho được hạnh phúc dầu bất cứ điều gì xảy ra. Đó chính là bí mật”.

Qua câu truyện trên, chúng ta cũng nên chất vấn lại bản thân, để khi một thiên thần hiện ra nói, “Bạn có thể có bất kỳ điều gì mà bạn muốn”. Bạn sẽ xin điều gì? Tại sao?”, thì chúng ta có thể trả lời được cách đúng đắn.

 

Kết thúc điểm này, chúng ta để cha De Mello hướng dẫn chúng ta: “Không cần đánh bóng cái tôi. Không cần nổi tiếng. Không cần được yêu và được chấp nhận. Không cần nổi trội hay trở nên quan trọng. Đây không phải là những nhu cầu cơ bản của con người. Chúng là những ước ao nảy sinh từ cái tôi – cái tôi có điều kiện – từ tôi. Có một cái gì đó sâu thẳm bên trong bạn, cái tôi của bạn, chẳng hứng thú gì với những thứ ấy. Nó đã có tất cả những gì cần thiết để bạn hạnh phúc. Tất cả những gì bạn cần là ý thức những gì đang trói buộc của bạn, đâu là những những ảo giác, rồi bạn sẽ ở trên con đường dẫn đến tự do, dẫn đến hạnh phúc đích thật”.

 

Ý thức những gì đang trói buộc, những ảo giác cũng là cách thức sống để chết đi những gì tiêu cực trong cuộc đời.

 

 

  • Học để chết hay sống để chết.

 

“Trong tay Ngài, Lạy Cha, con xin phó thác hồn con, con xin phó thác đời con!” Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su còn dạy chúng ta một triết lý sống ở đời này, nhất là khi chúng ta rơi vào bối cảnh sống với Coronavirus. Trong bối cảnh này, chúng ta thấy mỗi ngày con số người tử vong tăng lên cách rùng rợn. Đến nay đã hơn 200 000 nạn nhân tử vong vì Covid-19 trên thế giới chúng ta. Con số chưa dừng lại! Có những gia đình ở Pháp có 02 người qua đời trong một gia đình và người thứ ba thì đang trong cơn hấp hối, bác sĩ mời người thân nên đến nhìn mặt lần cuối.

 

Một điều quá đỗi nhạc nhiên đối với tất cả nhân loại chúng ta: Bỗng chợt cái chết có mặt khắp nơi trên hành tinh này, và còn đang lởn vởn ở bất cứ góc phố nghèo nàn hay giàu sang nào. Chính vì thế, dù muốn hay không tất cả chúng ta phải chú ý đến “cái chết”. Vâng, đã sinh ra làm người, thì rồi một ngày nào đó cũng sẽ chết đi. Đó là chân lý. Nhưng trước đại dịch, trong cuộc sống bình thường có mấy ai nghĩ đến cái chết của mình, cái chết của tôi. Nếu có nghĩ đến cái chết, thì là cái chết của người khác, của những ai đang đau yếu nặng và của những người già cả.

 

Nhưng giờ đây chân lý “đã là người thì phải chết” lộ rõ nguyên hình và bắt tất cả mọi người đều phải chú tâm đến nó, vì cái chết như bóng ma có sức mạnh ghê hồn và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào và đến với bất cứ thành phần nào. Đương nhiên thành phần được đánh giá là có nguy cơ cao (Risikogruppe)  sẽ phải chú ý hơn hết. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là những người trẻ, các trẻ em và người mạnh khoẻ không cần thiết phải sợ hãi con virus kia. Thật là một ảo tưởng và sai lầm, nếu những ai tự cho mình nằm trong nhóm được đánh gía không có nguy cơ cao, và thầm nhủ rằng: “Cứ ăn chơi thoải mái, cứ sống hưởng thụ như xua, vì con virus vô hình nhỏ xíu này làm sao đưa tôi tới nấm mồ được”. Kìa, trên mảnh đất văn minh Tây Phương với những điều kiện y tế cao, cũng có em bé mới 5 tuổi đã qua đời vì virus. Cũng trên mảnh đất giàu có cũng có những bác sĩ mới vào ngoài 40 cũng phải nằm xuống vì chú virus này.

 

Vì thế, điều chúng ta cần học để sống trong đại dịch này là “học để chết” “học để chết” hay “sống để chết”.. Đó là triết lý của các triết gia Hy-lạp và Phương Tây. Nhưng điều này có nghĩa lý gì?

Một triết gia người Pháp nói rằng: “Học để chết” nếu hiểu theo nghĩa đen là chuyện phi lý. Học, là mò mẫm, là ôn tới ôn un, là bắt đầu lại. Học bất cứ gì cũng vậy, dù đó là một nhạc cụ, một môn thể thao, một ngôn ngữ, mọi học hành đều là công việc lặp đi lặp lại. Với cái chết, chỉ một lần, không kinh nghiệm, mọi chương trình học hỏi kiểu này đều vô nghĩa.

 

Nhưng triết lý “học để chết” hay “sống để chết” phải chăng chỉ được gói gọn trong nghĩa đen của từ ngữ?

Đã nói là triết lý thì không thể chỉ nằm yên cứng ngắc trong “từ ngữ” của nó. Thật vậy, “học để chết” hay “sống để chết” là một lời mời gọi nhắc nhớ nhân loại chúng ta cần phải học để “làm chết đi” những gì là tiêu cực, những gì làm cho cuộc sống trở nên lụn bại. Cũng thế, giữa lòng cơn đại dịch chúng ta được mời gọi ý thức “sống để chết” đi những gì đẩy con người vào trong vũng lầy của tội lỗi, vào trong vương quốc của sự dữ với kết cục đau thương là tiêu vong trong đớn đau. Thật vậy, chúng ta được mời gọi “học để chết” và “sống để chết” đi tội lỗi của mình, chết đi ảo tưởng kiêu hãnh và đầy quyền năng của mình, chết đi trái tim cứng lòng không tin vào Thiên Chúa, chết đi tâm hồn vô cảm ích kỷ với đồng loại, chết đi tất cả những gì đẩy con người đi xa khỏi Thiên Chúa. Nhờ đó chúng ta có thể tìm được hạnh phúc ở đời này và đời sau.

 

Đại dịch phiên bản Covid-19 năm 2020 đã xoá bỏ “sự quên bẵng” của nhân loại, rằng cái chết vẫn tồn tại, vẫn chờ chúng ta. Vì thế giờ đây, chúng ta vẫn phải sống trong sự cẩn trọng trước cái chết, vẫn phải ra sức chiến đấu để đẩy lui con virus vô hình nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh dẫn bất cứ ai đến cái chết.

 

Nhưng để cho cuộc chiến của chúng ta không thất bại trắng tay, thì chúng ta cần phải “học sống”, bằng cách “học để chết” đi những gì huỷ hoại cuộc sống chúng ta.

Vâng, như lời cầu nguyện của Mẹ Tê-rê-sa, chúng ta luôn nỗ lực:

Học sống bằng cách xin Chúa dẫn dắt chúng ta
đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.
Học sống bằng cách xin Chúa dẫn dắt chúng ta
đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.
Học sống bằng cách xin Chúa dẫn dắt chúng ta
đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình.

 

Hôm nay, là người Công Giáo, con cố gắng đọc lại chữ Phúc trong cơn đại dịch này. Đó cũng là tiến trình nhìn lại, lượng định và suy tư về chính căn Công Giáo của mình, suy tư về chính hành trình đi tìm hạnh phúc của mình.

 

Người Công Giáo là ai vậy?

Đó là người có niềm tin vào Thiên Chúa.

Trong niềm tin đó, người tín hữu phó thác tất cả mọi điều, mọi khoảnh khắc cuộc sống: vui buồn, bình an và thử thách, hạnh phúc và khổ đau cho Thiên Chúa.

Dù cuộc sống thế nào đi nữa, người Công Giáo luôn sống gần bên Chúa, như cành nho bám chặt vào thân cây Nho. Đó là đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Đó là hình ảnh thật đẹp của tình yêu giữa Chúa và con cái của Ngài, một tình yêu gần bên đưa lại hạnh phúc cho đời người.

Lời Thánh Vịnh nhắc nhớ chúng ta:

“Hãy ký thác đường đời cho CHÚA,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”
 (Tv 37,5).

 

Thánh sử Gioan viết lại lời của Chúa Giê-su:

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,

Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.

Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).

 

Người Công Giáo là ai vậy?

Đó là người có niềm tin vào Thiên Chúa.

Trong niềm tin đó, người tín hữu xin cho được mặc lấy bản chất của Thiên Chúa và luôn tập sống tinh thần căn bản, cốt lõi và quan trọng nhất này. Đó là tình yêu và lòng thương xót. Chính tình yêu và lòng thương xót làm nên căn tính của người Ki-tô hữu, người con cái của Thiên Chúa. Mọi người sẽ nhận ra chúng ta là con cái của Chúa, là môn đệ của Chúa Ki-tô, khi chúng ta sống yêu thương và xót thương lẫn nhau, đặc biệt trong những hoàn cảnh khổ đau.

Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta:

“Anh em hãy có lòng thương xót,

như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6,36).

 

Người Công Giáo là ai vậy?

Đó là người có niềm tin vào Thiên Chúa.

Trong niềm tin đó, người tín hữu không sống lẻ loi một mình, mà luôn sống trong tình liên đới với anh chị em cùng niềm tin dưới mái nhà của Hội Thánh. Hơn nữa,  với ý thức về Cộng Đồng nhân loại là đại gia đình, người Công Giáo luôn giữ tình liên đới với tất cả mọi người, đặc biệt với vỡi phận người khổ đau và bất hạnh.

Tình liên đới này cũng được nối kết với thiên nhiên, cũng chính là anh mặt trăng, chị mặt trời, các bạn là muông thú và cỏ cây.

 

Người Công Giáo là ai vậy?

Đó là người có niềm tin vào Thiên Chúa.

Trong niềm tin đó, người tín hữu luôn bước đi trên hành trình tâm linh, để sống mỗi ngày sống cho thật trọn vẹn, để sống nhẹ nhàng thanh thoát, sống đơn sơ và thật chú tâm không để mình bị cuốn vào dòng chảy của cuộc sống.

Hơn nữa, người tín hữu luôn cố gắng sống trong tinh thần tự do làm con cái của Thiên Chúa. Để được trở nên tự do thì luôn ý thức bước ra khỏi cái tôi của mình, không để chính cái tôi của mình chi phối và ảnh hưởng. Nghĩa là cái tôi không còn là “la bàn” định hướng cho mọi ý muốn và kế hoạch của cuộc sống, mà là chính Chúa và thánh ý của Thiên Chúa.

Khi là người con cái tự do của Thiên Chúa, thì người Công Giáo nhận ra rằng: Mọi sự trong cuộc sống đều là hồng ân Thiên Chúa ban. Vì thế, tinh thần biết ơn trở nên điểm son làm đẹp con đườn tâm linh.

 

Chắc chắn còn rất nhiều điều khác giúp cho con đường tâm linh, con đường đi tìm Hạnh Phúc đích thật của người Ki-tô được triển nở.

 

Tuy nhiên, một điều quan trọng đối với người Công Giáo cần luôn được ý thức: Con đường đi tìm hạnh phúc của người Công Giáo không bao giờ giới hạn trong hạnh phúc chóng qua và tàn phai của đời này.

Vì trong niềm tin vào Thiên Chúa , người Công Giáo luôn hướng về hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Vì thế con đường đi tìm hạnh phúc ở đời này, chỉ có ý nghĩa và giá trị đích thật, khi được nối kết với hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

 

 

Không thể kết.

 

Trên là những suy tư giới hạn trong những giờ phút ngắn ngủi đọc lại chữ Phúc trong cơn đại dịch. Bài viết này không thể kết được, vì hành trình tìm kiếm hạnh phúc luôn ở phía trước. Khi còn trên đường đời, còn sống với những hơi thở của Đấng Tạo Dựng ban cho, con người vẫn nuôi nấng hạnh phúc, vẫn có những giấc mơ hạnh phúc. Vâng, phận người ít nhiều luôn có những giấc mơ về hạnh phúc sau cơn đại dịch: giấc mơ cho tương lai của bản thân, của gia đình và của thế giới.

 

Vậy, bạn mơ ước điều gì, khi đời sống trở lại bình thường thật sự, nghĩa là cả nhân loại không còn bị Coronavirus hoành hành? Bạn mong muốn gì cho bản thân, cho gia đình, cho nhân loại, để mọi người có thể tìm được hạnh phúc đích thật ở đời này và hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau?

 

Hạnh phúc đích thực sẽ tìm thấy trọn vẹn,

khi con người và thế giới gặp được Đấng Yêu Thương.

 

 

Nürnberg, tháng 6.2020, năm đại dịch hoành hành.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Kiểm tra tương tự

Đừng ngại rao giảng Tin Mừng

Một trong những thách đố khi là một người Ki-tô hữu là việc ra đi …

Sức mạnh của thinh lặng

Đối với những người phấn đấu sống một cuộc sống đức hạnh, việc học cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *