Chiêm ngắm Chúa Hài Nhi Giê-su, Suy gẫm về đức Trong Sạch

christmas-novena2b

Sự tục hóa ngày càng nặng nề trong thế giới hôm nay. Noel là dịp nhiều người phạm tội nghịch với đức trong sạch. Ngày nay, đức trong sạch, bị lãng quên và bị khinh bỉ. Cả đến những người mệnh danh là Ki-tô hữu cũng xem thường nhân đức này. Thân xác con người xưa nay vẫn thế, vẫn có khuynh hướng muốn hưởng thụ khoái lạc. Cần có sự thay đổi trong thái độ của con người đối với thói quen phạm tội dơ bẩn này. Nhiều người cho rằng trong thực tế, không thể giữ đức trinh khiết được. Thời đại tục hóa tràn đầy những quyến rũ trá hình dưới mọi lớp áo, mà con người yếu đuối hay gặp thấy trên đường về quê trời.  

Giữa trăm ngàn quyến rũ đó, người công giáo chúng ta, tuy có ơn soi sáng nhưng thường thiếu can đảm. Cần cương quyết không phạm tội. Chiêm ngắm Chúa Hài Đồng Giê-su giúp ta có thêm sức mạnh để sống tốt nhân đức trong sạch.

  • Chúa Hài Đồng Giê-su nguồn bình an cho đời sống trong sạch

Chiêm ngắm Chúa Giê-su trong hang đá làm cho chúng ta thêm bình an để sống trong sạch. Sự xấu hổ và những tai ương của sự không trong sạch có sức lay chuyển một con người dâm đãng. Một tín hữu được chuẩn bị đầy đủ, sẽ thích sống khiết tịnh hơn, nếu chiêm ngắm vẻ tuyệt mỹ và những phần thưởng của đức khiết tịnh đem lại. Họ chỉ cần dừng lại, nhìn vào hang đá để xem Chúa Giê-su yêu quý nhân đức này biết bao. Ngài cũng muốn cho các bạn hữu của Ngài có được nhân đức sáng ngời này.  

Trong hang đá, nơi Chúa sinh ra, mọi cái đều trong sạch. Dĩ nhiên Ngài nằm trong máng cỏ. Không ánh lửa lấp lánh nơi lò sưởi, không có tiếng nhạc tung hô, không có áo lụa, cẩm bào. Chính mẹ Maria khiết tịnh đã ẵm bế Chúa Giê-su. Chúa đã làm phép lạ trọng đại nhất, là Mẹ Ngài được giữ gìn từ lúc đầu thai, không hề vương vấn tì tích tội lỗi, để có được một người Mẹ hoàn toàn trinh khiết. Người đàn ông ẵm Chúa trên tay là thánh Giu-se, gương mẫu và là vị bảo vệ các tâm hồn thanh khiết. Chúa Giê-su không bủn xỉn, Ngài chỉ muốn hô hấp bầu khí thanh sạch.

Chúa Hài Đồng không nói gì lúc này. Nhưng gương mẫu của Ngài còn hùng hồn hơn cả bài giảng. Ngài muốn cho bạn hữu của Ngài không nuông chiều thân xác và “kẻ thuộc về Ngài phải đóng đanh tính xác thịt và những ước muốn lăng loàn với dục vọng vào thánh giá” (Gl 5,24). Ngài khước từ mọi tiện nghi và những gì làm cho dễ chịu, dù chỉ là những gì tối thiểu, để rao giảng về sự trong sạch.

  • Chúa Giê-su yêu đức trinh khiết như thế nào?

Chúa Giê-su tiếp đón những mục đồng chất phác, khó nghèo, không biết đến thú vui trần tục, chỉ biết đến đoàn chiên. Các nhà chiêm tinh, những người nghèo khó đến bên Ngài, ông già thánh thiện Si-mê-on bế Ngài trên tay, các thiên thần, những người nghèo của Thiên Chúa, tất cả đều là những người trong sạch.

Những người không trong sạch xúc phạm đến Chúa, và làm cho Ngài như hối hận vì đã dựng nên trần gian. Câu chuyện dẫn tới nạn hồng thủy cho thấy rõ điều đó. “Chúa thấy rằng, con người chỉ là xác thịt, và Ngài hối hận vì đã dựng nên họ. Ngài buồn bực nên phải thốt ra: Ta sẽ tiêu diệt con người, làm cho chúng biến khỏi mặt đất” (St 6,3-7).

Chúa Giê-su chỉ ẵm bế những trẻ nhỏ và nói với những người lớn rằng: “Nếu các ngươi không nên giống trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Trong bài giảng về Tám Mối Phúc Thật, Chúa tuyên bố: “phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Có những người chê ghét Chúa, gán cho Chúa là con người bịp bợm, bị quỷ ám (Mt 9,34; 11,18), hay là tay ăn nhậu, bạn bè với quân tội lỗi (Mt 9,19), nhưng không một ai bảo Ngài là tay trác táng, thác loạn. Cả đến Sa-tan cũng không dám đá động đến vấn đề này và cám dỗ Ngài. Vì nó biết rằng, Chúa Giê-su yêu quý đức trinh khiết. Thánh Mac-cô viết: Một ngày kia, Chúa vào Hội Đường, ở đó có một người bị quỷ dâm dục ám. Trước khi Chúa mở miệng, tên qủy dâm dục này la lên: Hỡi Giê-su Nazareth, giữa tôi và ông có liên quan gì tới nhau, sao ông đến hủy diệt chúng tôi ! Tôi biết ông là ai rồi: ông là đấng thánh của Thiên Chúa (x. Mc 1,23-24).

  • Không thể có tình thân hữu giữa Chúa Giê-su và một người không trinh khiết

Để kết thân với Chúa, con người cần trong sạch. Điều này đòi hỏi rất quyết liệt: “ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5,28-29).

Cô Ma-đa-lê-na hôn chân Chúa, nhưng cô đã để rơi giọt lệ thống hối (x. Lc 7,36-50).

Người đàn bà ngoại tình thấy Chúa là một trạng sư, nhưng với điều kiện là bà phải thay đổi nếp sống (x. Ga 8,3-13). Môn đệ được Chúa thương mến là người đồng trinh và Ngài ủy thác mẹ Ngài cho môn đệ này trước khi tắt thở trên thập giá (x. Ga 19,26).

Bạn hữu của Chúa là những tâm hồn trong sạch hay đã được thanh tẩy rồi.

Nếu chúng ta cương quyết, không những không làm phiền vị cứu tinh của ta, nhưng còn muốn dâng hiến cho Chúa những tặng vật quý giá hơn, thì việc hy sinh đầu tiên phải dâng cho Ngài là phải dứt khoát với những gì, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp có thể làm hoen ố tâm hồn ta.

Chúng ta phải tránh những dịp trực tiếp, nhưng cả những dịp gián tiếp nữa, vì một khi tình dục quá lăng loàn, ta không thể chống trả được nữa. Một giáo hữu tốt, phải để ý đến những tàn lửa tình. Muốn chế ngự thân xác, phải lánh tất cả những người hay vật có thể cám dỗ ta sa ngã. Cũng như kẻ tham ăn, muốn tập đức tiết độ, thì đừng quanh quẩn nơi bàn ăn thịnh soạn.

  • Chống trả thế nào ?

Chúa phán: “Chỉ có thể thắng quỷ dâm dục bằng chay tịnh và cầu nguyện” (Mc 9,29). Hãy giữ gìn con mắt, lỗ tai, chân tay, đôi môi, và trái tim. Cần cầu nguyện luôn: không phải chỉ cầu nguyện lúc bị cám dỗ, nhưng trước khi bị cám dỗ, để khỏi sa ngã. Nếu ta lúc đã nằm trong miệng sư tử mới kêu cứu, thì đã muộn rồi, thà đừng lại gần sư tử thì hay hơn. Với ơn thánh sủng, ta có thể làm được mọi chuyện (Pl 4,13), và có thể sống khiết tịnh. Nếu ta nài xin, ta sẽ nhận được ân sủng. Chúa đã chọn những người trong sạch tiếp đón Chúa, vì Chúa quý chuộng sự thanh khiết. Cần chạy đến cùng Chúa vì nếu Chúa là Đấng trong sạch, Chúa cũng làm cho ta tinh tuyền.

Chúa không dập tắt ngọn lửa dục vọng trong lòng ta, nhưng Chúa là nước dập tắt như Chúa đã phán với thiếu phụ Sa-ma-ri-a (Ga 4,14). Chúa đã ban cho ta có thân xác với dục tính để ta có cơ hội chọn ý Chúa hơn là vui sướng xác thịt và để cho ta biết mình yếu đuối bé bỏng và biết kêu van Chúa, như con trẻ kêu mẹ chúng giúp thoát khỏi cơn nguy hiểm quá sức của chúng.

Chiêm ngắm Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ, ta chiêm ngắm những tâm hồn trong sạch, thanh khiết: Giê-su, Ma-ri-a, Giu-se. Chiêm ngắm các ngài, lòng ta cũng được bình an và xin ơn sống nhân đức trong sạch trong bậc sống của mình.

Tham khảo sách Dragon, S.J., Tĩnh Tâm Theo Thánh I-nha-xi-ô, 1970.

(Mừng Chúa Giáng Sinh giải phóng ta khỏi tội tình, 25-12-2015, Phê-rô Danh, S.J.)

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *