« Chính anh em là chứng nhân về những điều này » (Ngày 8 tháng 4 năm 2021 – Thư Năm, trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

 

« Chính anh em là chứng nhân
về những điều này »
(Lc 24, 35-48)

 

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! “37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? “40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? “42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

Lời mời gọi cuối cùng Đức Ki-tô phục sinh ngỏ với các tông đồ, và qua các ngài, với tất cả chúng ta, là mời gọi trở thành chứng nhân : « Chính anh em là những chứng nhân về những điều này » (c. 48). Nhưng đâu là cách thức hay con đường để trở thành chứng nhân của Đức Ki-tô ?

Đó là con đường của các tông đồ và của những chứng nhân đầu tiên ; nhưng trong con đường của các ngài, chúng ta sẽ tìm ra những kinh nghiệm nền tảng làm nên con đường dành riêng cho mỗi người chúng ta hôm nay. Có hai kinh nghiệm nền tảng, liên kết chặt chẽ với nhau : kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác và kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh.

 

  1. Kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân (c. 35)

Kinh nghiệm đầu tiên là kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân. Điều này có nghĩa là, trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên, vì kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Mác-đa-la (Mc 16, 11 và Ga 20, 18), chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu « Tông đồ của các Tông Đồ » ; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về :

Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh : hai môn đệ đã chia sẻ với tất cả niềm xác tín và niềm vui như thế nào ? Và các ông đã ước ao thông truyền kinh nghiệm của mình như thế nào ? Đức tin và ơn gọi của chúng ta cũng dựa trên lời chứng của Giáo Hội và của rất nhiều người xa gần. Tuy nhiên, để trở thành chứng nhân, lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ, bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh. Theo trình thuật Tin Mừng, kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô phục sinh được diễn ra theo hai cách thức :

  • Cách thứ nhất : Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cách trực tiếp.
  • Cách thứ hai : Ngài mở trí để hiểu toàn bộ Kinh Thánh dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, tương tự Ngài đã thực hiện đối với hai môn đệ Emmau.

 

  1. Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra (c. 36-43)

Ngay cả khi Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cách trực tiếp, các tông đồ và các bạn vẫn gặp khó khăn trong việc nhận ra Ngài là ai ; điều này chứng tỏ, Ngài vẫn là Ngài trước đó, nhưng đã đi vào một cách thể hiện hữu khác hẳn, vượt qua bình diện thể lí[1] :

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: « Bình an cho anh em! » Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma !

Chúng ta hãy đồng cảm với các ông trong sự sợ hãi. Bởi vì, các ông thực sự có đủ lí do để sợ hãi : chúng ta hãy tưởng tượng, một người thân yêu đã chết, đã được chôn táng, và mọi sự đã diễn ra được mấy ngày rồi ; vậy mà giờ đây lại thấy xuất hiện ngay trước mặt chúng ta ! Chính vì thế, chúng ta không nên đòi hỏi Đức Ki-tô hiện ra, vì những lí do khác nhau. Hơn nữa, không « thấy » Chúa cách hữu hình, đó chính là điều Chúa ước ao : « Phúc cho những ai không thấy mà tin » (Ga 20, 29)[2]. Đòi hỏi Chúa hiện ra, là làm khó Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa, vì làm sao sự sống mới hoàn toàn khác lại có thể hiện hiện trong sự sống này được, nếu không phải trở lại như cũ. Chính vì thế, Chúa ước ao chúng ta không thấy mà tin, nghĩa là nhận ra Chúa qua những dấu chỉ Lời Chúa, bí tích Thánh Thể, các chứng nhân, và nhất là hoa trái phong phú do Đức Ki-tô phục sinh đem lại cho nhân loại, cho Giáo Hội, cho Hội Dòng, cho cộng đoàn, cho gia đình chúng ta. Như hai môn đệ Emmau, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa sống động ngang qua việc hiểu Kinh Thánh dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua và dấu chỉ « bẻ bánh », trong cuộc sống và trong cử hành Thánh Thể.

Sau khi phục sinh, Đức Ki-tô đi vào trong sự sống mới, vượt không gian và thời gian. Chính vì thế, người ta không bao giờ nhận ra Chúa ngay ; đó là trường hợp của bà Maria Magdala, hai môn đệ Emmau, mười một tông đồ và các bạn hữu. Chỉ khi nào Chúa cho nhận ra, thì mới nhận ra, như ở đây :

  • Nhìn chân tay thầy coi…”. Ngôi vị lạ lùng mà họ đang gặp gỡ cũng chính là ngôi vị đã từng sống với họ, và nhất là cũng chính là ngôi vị đã bị đóng đinh.
  • Chúa muốn « ăn », để gợi lại những bữa ăn xưa kia ; như trường hợp bữa ăn đối với hai môn đệ Emmau.

Như tất cả các lần hiện ra khác, Chúa luôn luôn cho thấy mình chính là Người đã bị đóng đinh. Chân lí này có ý nghĩa trọng đại cho đức tin của chúng ta:

  • Sự sống mới phát xuất từ con đường Thập Giá.
  • Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Đức Ki-tô phục sinh vừa là một, những cũng rất khác, khiến cho những người đã từng sống với ngài không nhận ra.
  • Tuy Ngài đã đi vào sự sống mới, nhưng tất cả những gì đến từ cuộc Thương Khó, mãi mãi gắn bó với ngôi vị của Ngài: đó là những vết thương, những dấu đinh ở chân tay, vết đâm ở cạnh sườn… Điều này mang lại cho chúng ta tràn đầy niềm vui và hi vọng, vì lòng thương xót, ơn tha thứ và ơn chữa lành được bày tỏ trong cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa, mãi mãi tồn tại nơi Đức Ki-tô phục sinh. Bởi vì “muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an và niềm vui, không chỉ vì Đức Ki-tô đi vào sự sống mới, nhưng còn là vì, mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa có liên quan sâu xa đến cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta: tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui phục sinh, và sự sống phục sinh đã được gieo và sinh hoa kết quả ngay hôm nay. Như thánh Phaolo nói:

Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

(Rm 8, 38-39)

 

 

  1. Kinh nghiệm nhận biết Đức Ki-tô ngang qua Kinh Thánh (c. 44-48)

Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn ; nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giê-su và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng (dịch sát bản văn Hi-lạp : như đã được viết): Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.

Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời tôi như thế: Đời tôi cũng « loan báo » Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”

Bởi vì, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu, điều này đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn. Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách (Sách Thánh); nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc vượt qua của Đức Ki-tô.

 

Tuần Bát Nhật Phục Sinh 217
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Chính vì thế, không nên hữu hình hóa, bằng tranh ảnh hay phim ảnh, Đức Ki-tô phục sinh. Vì nhận ra Đấng Phục Sinh luôn luôn là một kinh nghiệm thiêng liêng, và do đó, chỉ có thể được diễn tả bằng ngôn ngữ của các Tin Mừng và bằng việc chia sẻ thiêng liêng mà thôi. Khi hữu hình hóa Đức Ki-tô phục sinh, sẽ có nguy cơ làm sai lạc sự hiện diện « phi thể li », sống động và mới mẻ của Ngài.

[2] Ma quỉ hiện ra nhiều lần nói với một vị ẩn tu : « Ta là Đức Ki-tô đây ». Nhưng lần nào, vị ẩn tu cũng cúi mặt xuống không thèm nhìn. Một ngày kia, ma quỉ sốt ruột hỏi : « Đức Ki-tô đây, tại sao thầy không thèm nhìn ? ». Vị ẩn tu trả lời : « Tôi không cần phải ‘thấy’ Đức Ki-tô để sống đức tin và đời tu của mình ! » (tuyển tập « Chuyện các vị ẩn tu »).

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Mến Yêu Hằng Ngày, 23-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 23-12-2024 (Lc 1,57-66) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *