Chủ đề: Chúa Giêsu Phúc Sinh Hiện Ra Với Các Môn Đệ – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm về Chúa Phục Sinh

 

CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ

 

Lời Chúa: Lc 24, 36-49

 

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! ” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? ” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? ” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

 

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

 

Kinh dọn lòng:

 

Đặt mình trước mặt Chúa và xin cho mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi đều quy về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn.

 

Lịch sử:

 

Sau khi tắt thở trên thập giá, Đức Giêsu được mai táng trong mồ, có lính niêm phong mồ và canh gác. Chúa Cha đã cho Đức Giêsu Phục Sinh từ trong cõi chết. Từ trong mồ, Đức Giêsu đi xuống ngục tổ tông và đưa những người bị giam giữ ở đó ra. Rồi hiện ra với Mẹ Maria, các tông đồ và các bà từng theo Ngài. Hôm nay, Chúa hiện ra với những môn đệ, những người còn đang có nhiều lo sợ sau cái chết của Đức Giêsu.

 

Khung Cảnh

 

Hình dung các môn đệ đang tụ họp, cầu nguyện và hy vọng vào ngày mai, nhưng tâm hồn vẫn còn nhiều lo sợ. Họ cũng hoang mang khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến. Tương tự, chúng ta cũng đang quây quần bên gia đình để tránh dịch. Chúng ta vẫn cầu nguyện xin Chúa giải thoát và động viên nhau trong niềm hy vọng hướng về cơn dịch sẽ được chấm dứt, nhưng tâm hồn vẫn còn đầy những nỗi lo sợ tựa như các môn đệ xưa.

 

Xin ơn:

 

Xin ơn cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh và sức sống mới sau đêm dài tăm tối của những biến cố đau thương đang diễn ra cho thế giới, cho con người và cả tôi nữa.

 

Điểm chiêm niệm

 

Sau biến cố Chúa Giê-su bị bắt, bị giết chết đã đi qua, các môn đệ vẫn sống trong sợ hãi, thậm chí thất vọng. Tại sao vậy? Vì các ông mong chờ Chúa Giê-su sẽ trở thành người giải phóng và cứu độ con người, đã không được thành tựu như mong đợi. Cái chết của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại, đối với họ là một thất bại. Họ nhìn Chúa Giêsu chẳng khác gì một anh hùng dân tộc, người sẽ hành động theo tinh thần chính trị của trần thế.

 

Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra đứng giữa các môn đệ, nhưng các ông lại sợ hãi, nghi ngờ. Tại sao vậy? Vì các ông thiếu niềm tin, và lòng trí các ông cũng còn ngu muội, chưa hiểu biết về mầu nhiệm cứu độ của Chúa được nói qua Kinh Thánh, qua lời các ngôn sứ, đặc biệt qua lời rao giảng và tiên báo của Chúa Giê-su trước đó.

 

Vì cái nhìn và lối suy nghĩ của các môn đệ trước hành động cứu độ của Chúa theo lối chính trị, nên các ông không có khả năng nối kết và nhận diện các dấu chỉ đã được biểu lộ qua Kinh Thánh, qua lời các ngôn sứ, ứng với lời nói và việc làm của Chúa Giê-su.

 

Các dấu chỉ vốn có vai trò tích cực trong việc củng cố và khơi dậy niềm tin. Nên việc Chúa Giê-su hiện ra và trách các môn đệ không tin vào các dấu chỉ và lời Kinh Thánh thật không cần thiết đối với các môn đệ, những người đang hiện với Chúa, nhưng nó sẽ trở thành điều thiết yếu đối với những ai không thấy mà tin sau này.

 

Cảm nghiệm

 

Sau khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, do lòng tin, tôi trở thành một ki-tô hữu. Nhưng nhìn lại đời sống và thực hành đức tin của mình, tôi thấy đức tin của tôi đang tiến triển ở mức độ nào: đức tin trên danh nghĩa, đức tin do nghe nói, hay đức tin do xác tín cách cá vị?

 

Đối diện với các biến cố vui buồn lớn nhỏ xảy ra trong cuộc đời tôi, cách riêng những biến cố đụng chạm và thử thách đức tin của tôi, tôi đã hành xử và vượt qua như thế nào? Sau những biến cố đó, đức tin, sự hiểu biết, và lòng mến của tôi đối với Chúa có lớn hơn không, có vững mạnh hơn không, hay ngược lại? Đâu là những nguyên do?

 

Ngày nay, có lẽ Chúa không hiện ra với tôi cách nhãn tiền như với các môn đệ xưa, để củng cố và khơi dậy đức tin. Nhưng qua các dấu chỉ thời đại, Chúa vẫn đang gửi thông điệp của Ngài đến với con người. Tôi có nhận ra lời mời gọi nào của Chúa cho chính bản thân ngang qua những dấu chỉ đó? Và tôi đã đáp lại lời mời gọi đó như thế nào?

 

Cầu Nguyện

 

Lạy Chúa, xin khơi dậy và củng cố đức tin yếu kém của chúng con.

 

Xin cho chúng con ơn nhạy bén để nhận ra dấu chỉ yêu thương và sự hiện diện sống động của Chúa nơi những biến cố xảy ra trên đường đời.

 

Xin cho con luôn mau mắn đón nhận và thực thi ý Chúa trong đời sống con. Amen.

 

 Lm. Tôma Aquinô Tạ Trung Hải, SJ.

Kiểm tra tương tự

Thay Đổi Nhãn Quan Về Kinh Doanh – Một gợi hứng từ Thông Điệp Laudato Si’

  Quan điểm phổ biến cho rằng doanh nghiệp chủ yếu được thúc đẩy bởi …

Manna: Giơ bàn tay anh ra (Thứ Hai Tuần 23 Thường niên)

Lời Chúa: Lc 6, 6-11 6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *