Chủ đề: Chúa Hiện Ra Theo Kinh Nghiệm Thánh Phaolô – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm về Chúa Phục Sinh

 

CHÚA HIỆN RA THEO KINH NGHIỆM THÁNH PHAOLÔ

 

Lời Chúa: 1Cr 15,1-8

 

1 Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững.2 Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

 

3 Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh,4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.5 Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai.6 Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ.7 Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ.8 Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.

 

Kinh dọn lòng:

 

Đặt mình trước mặt Chúa và xin cho mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn như cách sống của Đức Giêsu.

 

Lịch sử:

 

Thánh Phaolô sống và diễn tả kinh nghiệm Phục sinh của Chúa Giêsu cho nhiều người Hy-lạp, nhưng người Hy-lạp xem đó là chuyện điên rồ. Trích đoạn sách Thánh này, thánh Phaolô lấy lại những điều căn bản của lời rao giảng Tin Mừng, cùng những lần Chúa hiện ra cho Phêrô, cho nhiều người khác và cho cả thánh nhân, để loan báo mầu nhiệm Chúa chết và sống lại.

 

Khung cảnh:

 

Hãy nhìn ngắm một cộng đoàn đức tin, cộng đoàn ấy có thể là giáo xứ, là gia đình của mình, trong đó có những người có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu, có người nguội lạnh và có cả người không tin. Trước hoàn cảnh cụ thể như vậy, tôi được mời gọi làm chứng cho Chúa Phục sinh như thánh Phaolô.

 

Ơn xin:

 

Xin được hiệp thông với toàn Dân Chúa trong niềm vui Phục sinh, để tiếp tục làm chứng cho Chúa Phục sinh trong cộng đoàn, trong giáo xứ và trong gia đình.

 

Đọc Kinh Thánh: đoạn 1Cr 15,1-8 cách chậm rãi

 

– Dừng lại ở bất kỳ câu chữ nào đánh động tôi. Cho tới khi cảm nghiệm đánh động phai nhạt đi thì đọc câu chữ tiếp theo. Lặp lại tiến trình đó.

 

– Không cần vội vàng đi các bước tiếp theo của bài gợi ý này. Nếu trong nửa giờ hay một giờ cầu nguyện mà tôi chỉ làm được bước số 2 này thôi thì cũng là cầu nguyện rồi.

 

– …

 

Điểm chiêm niệm

 

– Quý thính giả có thể chú ý câu: “Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non”.

 

– Thánh Phaolô nói lại điều ngài đã học sau khi bị ngã ngựa, mà cộng đoàn Giáo hội đã dạy cho ngài. Đó chính là lời kerygma: “Đức Kitô đã chết theo lời Kinh Thánh và đã sống lại theo lời Kinh Thánh”.

 

– Sau đó ngài kể hàng loạt các chứng nhân Phục sinh đi trước ngài, từ Kêpha tức thánh Phêrô cho tới ông Giacôbê và tất cả các tông đồ khác.

 

– Như vậy thánh Phaolô đặt mình trong truyền thống Giáo hội và truyền thống các tông đồ. Ngài đã lãnh nhận tin mừng Phục sinh từ các vị ấy.

 

– Nhưng đồng thời, ngài cũng được chính Đức Kitô Phục sinh hiện ra, như kẻ rốt hết trong hàng ngũ các chứng nhân phục sinh. Nếu trong gia đình, từ anh cả đến em út là phẩm trật những người anh em từ cao đến thấp, thì thánh Phaolo còn nhỏ hơn người em út nữa; ngài là đứa trẻ đúng ra là chưa được sinh ra, nên gọi là “sinh non”.

 

Cảm nghiệm

 

– Cảm nghiệm tình yêu và niềm vui của thánh Phaolô khi được hiệp thông với toàn Giáo hội và với các tông đồ trong kinh nghiệm Phục sinh.

 

– Ngài thấy Chúa hiện ra cách cá vị với mình, nhưng Ngài cũng cảm nghiệm Chúa hiện ra cách Giáo hội nơi cộng đoàn tín hữu và cộng đoàn các tông đồ.

 

– Trở lại với kinh nghiệm của tôi về Chúa Phục sinh: tôi cảm nghiệm Chúa hiện ra với tôi thế nào? Có phải là nơi cộng đoàn Giáo hội địa phương của tôi chăng? Có phải là qua những anh chị em này của tôi chăng?

 

– Cảm nghiệm niềm vui và tình yêu trong tôi dành cho Chúa, dành cho các anh chị em trong cộng đoàn Giáo hội địa phương của tôi. Nhất là trong thời gian cách ly này, vắng nhà thờ, vắng Thánh lễ, tôi càng cảm nhận hơn sự ngọt ngào quý báu của bầu khí cộng đoàn của Giáo hội.

 

– Chúa đang chờ tôi nơi cộng đoàn này, Ngài đang hiện ra với tôi ở đó.

 

Cầu nguyện

 

– Tạ ơn Chúa vì đã đặt tôi trong cộng đoàn Giáo hội, cụ thể là trong cộng đoàn giáo xứ này, trong giáo khu này của tôi.

 

– Cầu nguyện cho từng người mà tôi quen biết trong cộng đoàn Giáo hội của tôi, từ những người thân và gần tôi nhất.

 

– Cầu xin Chúa tiếp tục hiện ra với tôi nơi những người anh chị em trong cộng đoàn của tôi.

 

Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính, SJ.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Manna: Tin Mừng trọng đại (24.12-Lễ Chúa Giáng Sinh – Lễ đêm – Lc 2,1-14)

Lời Chúa: Lc 2, 1-14 1 Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *